Nữ CEO của NextFit: “Khởi nghiệp giống như đi trên lớp băng mỏng”

Đăng ngày:

Lê Quỳnh Khanh là đồng sáng lập và CEO của NextFit – ứng dụng di động cung cấp giải pháp luyện tập cá nhân, kết nối HLV cá nhân tại nhà. Chị đồng thời cũng là Giám đốc Sáng tạo (Creative Director) của một công ty quảng cáo. Bắt đầu khởi nghiệp ở một lĩnh vực hoàn toàn mới nhưng Quỳnh Khanh không hề do dự hay lo sợ, ngược lại, chị hoàn toàn tự tin vào đứa con tinh thần của mình. Ở chị vừa có cái “bay” của một người làm công việc sáng tạo, vừa có sự tỉnh táo, lý trí của một người phụ nữ đầy tham vọng và muốn xây dựng thành tựu cho riêng mình.

Chào chị, ý tưởng xây dựng ứng dụng NextFit đến với chị như thế nào?

Nó bắt nguồn từ nhu cầu cá nhân thôi. Tôi cũng là một người đi tập thể dục nhưng đặc biệt là phải có HLV cá nhân thúc đẩy thì mới tập được. Tuy nhiên, giá của HLV cá nhân ở các phòng tập thường rất cao nhưng không phải lúc nào chất lượng HLV cũng xứng đáng với số tiền mình bỏ ra. Lúc đó, tôi chợt nghĩ rằng tại sao mình không xây dựng một cái gì đó tốt hơn, giá tiền hợp lý hơn, chất lượng HLV cao hơn mà khách hàng có thể thoải mái lựa chọn hơn. Vì tôi là Giám đốc Sáng tạo của một công ty quảng cáo về digital nên có hiểu biết về công nghệ còn bạn của tôi là HLV cá nhân nên có chuyên môn về fitness, vậy là chúng tôi cùng nhau cho ra đời NextFit.  

Làm sao chị tìm được nhà đầu tư và thuyết phục họ đầu tư cho NextFit?

Có 2 kiểu nhà đầu tư: doanh nhân có nhiều tiền nhàn rỗi và quỹ đầu tư. Start-up phát triển đến một mức độ nào đó thì phải đi tìm các quỹ đầu tư. Thực ra, những nhà đầu tư nếu quan tâm đến sức khỏe và có tập thể dục thì 100% sẽ thích NextFit, giống như mình có được một nửa cái gật đầu rồi. Nửa còn lại phụ thuộc vào con số, tiềm năng, phương án phát triển… mà mình trình bày. Để tìm được những nhà đầu tư như vậy, mình phải tìm hiểu thông qua các lĩnh vực mà họ từng đầu tư. Nếu họ thường đầu tư cho lĩnh vực sức khỏe, sắc đẹp thì có khả năng là họ sẽ thích ý tưởng của NextFit.

nextfit 1

(Ảnh minh họa: Fit On Click)

Gần như là ứng dụng đầu tiên đi theo mô hình chia sẻ trong lĩnh vực fitness, bên cạnh đó, các phòng tập truyền thống ở Việt Nam cũng khá phát triển, dựa vào đâu mà chị tự tin tung sản phẩm này ra thị trường?

Thị trường Việt Nam rất tiềm năng nhưng cần thời gian để người dùng làm quen với sản phẩm. Ví dụ như trước đây, bước ra đường là thấy taxi, bước ra đường là bắt được xe ôm, tại sao mình phải sử dụng app? Để sử dụng app thì phải có 3G, phải đợi, trong khi xe ôm chỉ cách mấy bước chân thôi, đến trả giá rồi đi, thậm chí bây giờ xe ôm cũng sẵn sàng trả tiền ngang bằng app luôn, nhưng hầu như tất cả mọi người đều dùng app? Nó tới từ việc thay đổi thói quen. Tôi tự xác định đó không thể là chuyện của 1 – 2 tháng, mà phải mất 1 – 2 năm. Tất nhiên, bước đầu, để người dùng làm quen với ứng dụng thì công ty phải đưa ra các lợi ích, khuyến mãi… đồng thời mang lại cho họ những trải nghiệm tốt. Dần dần, lựa chọn của người dùng trở thành thói quen thì mình phát triển sản phẩm cũng dễ dàng hơn.

Ngoài ra, tôi cũng tự tin là NextFit có những lợi thế khác biệt mà các phòng tập truyền thống không đáp ứng được. Ví dụ như ở phòng tập truyền thống, bạn phải mua gói tập cả năm mà đôi khi không sử dụng hết. Nhưng đó cũng chỉ là tiền cơ sở vật chất thôi, bạn phải mua thêm HLV cá nhân nữa, mà HLV cá nhân cũng do phòng tập sắp xếp, bạn không biết người đó có phù hợp và mang lại hiệu quả hay không. Cơ bản là bạn không có sự lựa chọn. Còn trên NextFit, chỉ cần nạp tiền vào ví là bạn có thể tập với tất cả HLV ở tất cả các môn, từ fitness, bơi lội cho đến yoga, ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào. Mọi quyết định đều thuộc về người dùng. Ngoài ra, HLV ở phòng tập còn phải chịu áp lực về doanh số, họ phải bán được càng nhiều gói tập càng tốt trong khi phần lợi nhuận thu về rất ít. Nhưng ở NextFit, các HLV được nhận 80% số tiền của buổi tập và cũng không gặp phải rào cản nào, nên họ chỉ chuyên tâm tập cho khách thôi. Đó là yếu tố rất quan trọng.

nextfit 1

(Ảnh minh họa: functionalforlife)

Công ty có chính sách gì để đảm bảo an toàn cho người tập và HLV hay không?

Trong tương lai, chúng tôi sẽ có những chính sách về bảo hiểm dành cho người dùng và HLV. Còn hiện tại, sau mỗi buổi tập, đội ngũ chăm sóc khách hàng của NextFit sẽ gọi điện hỏi thăm về buổi tập, về HLV để đảm bảo người dùng có trải nghiệm tốt nhất, đồng thời nhanh chóng xử lý vấn đề nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng công nghệ chỉ là nền tảng thôi, còn yếu tố con người mới là quan trọng nên sẽ sâu sát ngay từ khâu tuyển dụng.

Trong quá trình xây dựng sản phẩm, khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải là gì? 

Khó khăn lớn nhất chính là bản thân sản phẩm. Xây dựng sản phẩm công nghệ rất khó, đòi hỏi bạn phải có 1 team đủ mạnh để xây dựng nền tảng đó. Thứ hai là việc tiếp cận thị trường. NextFit có 2 đối tượng khách hàng: HLV và người dùng, bước đầu mình phải tìm hiểu xem nên tiếp cận đối tượng nào trước. Khi tiếp cận các HLV thì lại phải làm sao để giữ họ ở trên ứng dụng trong thời điểm mà người dùng của mình còn ít.

Tôi luôn nghĩ rằng đối với một người khởi nghiệp, khó khăn nhất không phải là vận hành công ty như thế nào mà là khoảnh khắc quyết định biến ý tưởng thành hiện thực. Lúc đó chị có đắn đo nhiều không?

Hoàn toàn không. Tôi thuộc típ người hành động, kiểu như đang ngồi nói chuyện, tự nhiên ý tưởng nảy ra trong đầu là bắt tay làm liền luôn. Do dự thì không, nhưng hoang mang thì vẫn có. Thứ nhất là vì thị trường mình bước vào không lớn trong khi mình lại là người tiên phong. Thứ hai là mình sẽ luôn đặt câu hỏi “làm cái này có phí thời gian hay không? sao không làm công ăn lương cho dễ?”… Đôi lúc tôi không biết mình có đang đi sai đường không. Nhưng luôn có nhiều người xung quanh giúp tôi lấy lại cân bằng. Khởi nghiệp cũng giống như đang bước đi trên một lớp băng mỏng vậy. Mình phải luôn quyết đoán bước tới, nếu cứ chần chừ thì sớm muộn gì băng cũng nứt. Quan trọng là mình phải tìm được một team thực sự hiểu nhau và có tính cách hành động giống mình. Tôi may mắn đã tìm được những con người luôn đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau. Đa phần start-up thất bại vì chọn sai thị trường, tạo ra sản phẩm mà người ta không cần và nhất là nội bộ lục đục.

nextfit 3

(Ảnh minh họa: tfw connecticut)

Còn về quản lý tài chính thì sao?

Tôi không giỏi số nên co-founder của tôi là người phụ trách tính toán chiến lược để cân bằng tài chính, nhưng các quyết định liên quan tới tiền thì đều phải có sự đồng nhất của cả 2 người. Tôi thấy các start-up trong những năm đầu tiên thường chi tiền vào những việc không hợp lý, ví dụ như văn phòng phải đẹp, phải sang, phải ở trung tâm… trong khi mình không thực sự cần những điều đó. Cũng may mắn tôi là dân truyền thông nên khi phụ trách quảng bá cho NextFit, tôi đi từng bước chậm mà chắc, có chiến lược chứ không chi cả cục tiền cho quảng cáo mà không thu được hiệu quả xứng đáng. Các khoản tiền đầu tư tôi dồn vào việc đem lại lợi ích cho người dùng để thay đổi thói quen của họ.

Hiện tại, chị đang trong quá trình khởi nghiệp nhưng đồng thời vẫn giữ vị trí Giám đốc Sáng tạo của công ty quảng cáo. Vậy chị phân chia thời gian như thế nào để đảm bảo công việc hai bên?

Thật ra tôi đang dành thời gian cho NextFit nhiều hơn và dần dần sẽ chuyển hẳn sang NextFit. Ở công ty quảng cáo, tôi chỉ giải quyết các vấn đề quan trọng, chủ yếu là đưa ra quyết định và duyệt ý tưởng thôi. Còn ở NextFit thì gần như mọi vấn đề tôi đều phải tự giải quyết hết. Nhiều người nghĩ tôi đang tham công tiếc việc mà ôm đồm quá nhiều, nhưng tôi lại nghĩ khác. Nhiều khi ở bên NextFit quá căng thẳng, quá mệt mỏi vì phải lo tiền bạc, kinh doanh, tôi sẽ quay về với công việc sáng tạo để được “bay”, được “phiêu lưu” nhiều hơn, nhờ vậy mà tôi lấy lại cân bằng nhanh hơn.

(Ảnh minh họa: LEP Fitness)

Thường thì, khi đã đạt được thành tựu, phụ nữ sẽ dễ hài lòng với sự ổn định trong công việc. Chị đã lên tới vị trí Giám đốc Sáng tạo rồi, tại sao vẫn quyết định dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới và bắt đầu từ con số 0? Sao đường bằng phẳng không đi mà lại chọn một con đường khó khăn như vậy?

Tại vì tôi là một người rất tham vọng và muốn làm một cái gì đó cho riêng mình. Tự nhiên, một ngày tôi nhận ra, tất cả những khó khăn mình đang phải đối mặt trong công việc, những áp lực, mệt mỏi, bất mãn, buồn tủi… đều vì góp phần xây dựng một cái gì đó không phải của mình. Vậy thì tại sao mình không làm một cái gì đó của mình, hay cũng được, dở cũng được, nhưng những cái mình hy sinh thì không vô nghĩa. Làm vì bản thân mình bao giờ cũng có nhiều động lực hơn, vì mình biết cái stress đó là của mình, vì mình. Đến một lúc nào đó, ai cũng sẽ cần một thành tựu riêng để thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Trong tương lai, chị dự định sẽ phát triển NextFit như thế nào?

Tôi đang có suy nghĩ sẽ mở rộng hoạt động của NextFit ra các nước trong khu vực, nhưng cũng phải 3 – 4 năm nữa.

Cảm ơn chị. Chúc chị luôn thành công!

nextfit 1

Lê Quỳnh Khanh là đồng sáng lập và CEO của NextFit – ứng dụng di động cung cấp giải pháp luyện tập cá nhân, kết nối HLV cá nhân tại nhà. Chị đồng thời cũng là Giám đốc Sáng tạo (Creative Director) của một công ty quảng cáo.

nextfit 6

NextFit là ứng dụng di động cung cấp giải pháp luyện tập cá nhân, kết nối HLV cá nhân tại nhà. Được ra mắt vào tháng 1/2018 bởi Trần Minh Tân và Lê Quỳnh Khanh, NextFit hiện có hơn 100 HLV cá nhân ở các môn: Fitness, Kickboxing, Bơi, Yoga và Tennis.

Xem thêm:

Có một thực trạng đáng buồn cho cộng đồng phụ nữ khởi nghiệp

Phụ nữ khởi nghiệp, tại sao không?

Nhóm thực hiện

Bài: Đ.T (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE)

Ảnh: NVCC, Unsplash

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more