Haute Couture và thời trang nhanh: Cuộc đối đầu không hồi kết

Đăng ngày:

Trang phục may sẵn, thời trang nhanh hiện diện phổ biến trong cuộc sống, thế chỗ cho những thiết kế may đo cầu kỳ, tốn kém. Những hàng năm, những BST Haute Couture vẫn ra đời và vẫn là mảng sáng huy hoàng, tôn vinh thời trang như một lĩnh vực nghệ thuật.

Haute Couture là thuật ngữ thời trang biểu thị cho những quy chuẩn nhất định để được mang tên BST Haute Couture. Trong Tiếng Pháp, thuật ngữ “haute” là “cao” còn “couture” là “may váy”. Haute Couture sử dụng chất liệu cầu kỳ và kỹ thuật may phức tạp .

Để một thương hiệu đủ tiêu chuẩn thiết kế thời trang cao cấp, thương hiệu đó phải sản xuất quần áo cho các khách hàng cá nhân với hơn 1 lần thử, sử dụng nhà may có ít nhất 15 nhân viên làm việc riêng, cùng 20 nhân viên kỹ thuật riêng. BST Haute Couture phải có ít nhất 50 thiết kế nguyên bản cho cả ngày và đêm và đến với công chúng mỗi mùa tháng 1 và tháng 7.

BST haute couture review

Từ trái qua phải, hình ảnh thiết kế của Elie Saab, Viktor & Rolf, Ralph & Russo thể hiện sự cầu kỳ của chất liệu và kỹ thuật may. (Ảnh: Collezioni, The Fashion Spot, Imaxtree)

Haute Couture và thời trang nhanh (fast fashion) dường như là hai thái cực đối lập, phục vụ đối tượng và nhu cầu hoàn toàn khác biệt. Tính cẩn trọng là điều thời trang nhanh không thể chạm tới, nhưng sự thắng thế đảo chiều khi nói đến tốc độ.

BST Haute Couture của Dior cho Thu – Đông 2018/2019 diễn ra tại Bảo tàng Rodin (Musée Rodin), Paris vào tháng 7 năm ngoái là ví dụ về cách tiếp cận mới của thời trang cao cấp.

BST haute couture Dior

Bảo tàng Rodin, Paris – nơi diễn ra BST Haute Couture của Dior (Ảnh: Michael Daks)

Bên trong khán phòng, ánh điện thắp sáng không gian, chiếu rọi những khối trưng bày các bộ trang phục được may đo kỹ lưỡng, gắn từ sàn nhà lên trần nhà.

BST haute couture Dior

Bên trong khán phòng BST Haute Couture Thu – Đông 2018/2019 của Dior. (Ảnh: Imaxtree)

Câu hỏi mà Dior đặt cho đề tựa của buổi trình diễn, cũng là câu hỏi khi đề cập đến đến ý tưởng BST: “Liệu có thể ngợi ca Haute Couture trong khi vẫn xem xét với con mắt đánh giá?”. Đây rõ ràng là một câu hỏi đầy tranh cãi vì dù Haute Couture lộng lẫy, cuốn hút nhưng công sức bỏ ra và giá thành trên trời khiến sự xuất hiện của Haute Couture giới hạn trên sàn diễn hoặc trong BST cá nhân của một bộ phận nhỏ người mua. Haute Couture thường ít ứng dụng và không dành cho đại chúng, đôi khi bị đánh giá thiếu hiện đại.

 Kỹ thuật thêu phức tạp trong chiếc váy thuộc BST Haute Couture của Dior Thu – Đông 2018/2019 đòi hỏi sự dày công nghiên cứu.

Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri đã trả lời câu hỏi đó bằng việc đề cập Haute Couture như một ý tưởng (concept). Nhà thiết kế cũng gợi ý rằng Haute Couture có thể thoát ra khỏi tính ước lệ, cầu kỳ để mang vẻ đẹp hiện đại qua việc sử dụng chất liệu nhẹ nhàng, dễ mặc. Trong khi đó, những vật phẩm trưng bày trên tường làm nhiệm vụ nhắn nhủ về nguồn gốc của các tác phẩm Haute Couture – kỹ thuật may đo tinh tế.

“May đo là không gian của trí tuệ nhưng cũng là không gian thật”, Maria Chiuri nói về điều này trước khi nhấn mạnh sự thiếu vắng của may đo trong thế giới của thời trang may sẵn hay thời trang nhanh: “Tôi muốn một BST không hiển hiện rõ ràng trên mạng xã hội – chúng ta đang sống trong khoảnh khắc này”. Đó là khoảnh khắc người xem được trải nghiệm không gian và tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm may đo tinh tế.

BST haute couture Dior

Hình ảnh bên trong khán phòng nơi diễn ra buổi trình diễn BST Haute Couture của Dior tháng 7/2018. (Ảnh: LMVH)

Tháng 1/2018, LVMH – công ty mẹ của những thương hiệu lớn như Louis Vuitton, Givenchy, Celine, Loewe đã thông báo doanh thu hàng năm khổng lồ lên đến 49 tỉ đô la Mỹ cho năm 2017. Dior với Haute Couture đem lại nguồn tài chính thuận lợi, nhưng dường như ngoài giới thời trang, Haute Couture vẫn chưa được nhận diện rộng rãi. Chiuri nói: “Mọi người không biết đó là thứ gì. Tôi muốn giải thích cho họ giá trị của couture – mối nguy nếu như chúng ta không giới thiệu couture, chúng ta sẽ mất một phần văn hóa”.

Sau mùa Thu – Đông vào tháng 7/2018, BST Haute Couture của Dior cho Xuân – Hè 2019 diễn ra trong tháng 1/2019 lấy cảm hứng từ rạp xiếc nơi đặc trưng về sự phô trương, biểu diễn. Các thiết kế thêu đính sequin cầu kỳ dường như đưa Haute Couture trở về với định nghĩa truyền thống.

BST haute couture 2019 01

Hai thiết kế trong BST Haute Couture của Dior cho Xuân – Hè 2019 với thêu đính cầu kỳ. (Ảnh: Imaxtree)

Tuy nhiên, với BST Xuân – Hè 2019, Chiuri vẫn tiếp tục khám phá con đường hiện đại cho Haute Couture. Tông màu trung tính trắng – đen được lặp lại trong nhiều thiết kế mang tính ứng dụng cao. Áo ôm sát, chân váy xòe và tuxedo xuất hiện trong BST thể hiện sự giản lược và tính đương đại cho lĩnh vực may đo cao cấp.

BST haute couture 2019 02

Tuxedo và suit xuất hiện trong BST Haute Couture Xuân – Hè 2019 của Dior. (Ảnh: Imaxtree)

BST haute couture 2019 04

Những thiết kế mang hai màu trắng – đen chủ đạo trong BST. (Ảnh: Imaxtree)

Thời trang nhanh tiếp cận khách hàng dễ dàng và cập nhật liên tục nhưng đem đến hệ lụy môi trường và đặc biệt thiếu tính cá nhân. Những thiết kế sản xuất hàng loạt để sử dụng và thải bỏ nhanh chóng rất khó tạo nên những lưu giữ kỷ niệm giữa món đồ và người mặc như Haute Couture với số đo riêng cho từng khách hàng. Haute Couture cần thiết cho những cuộc đối thoại nghệ thuật văn minh.

Để kết nối thời đại, các BST Haute Couture cần tầm nhìn mới như sáng tạo trên chất liệu hiện đại hay tích hợp công nghệ vào may đo, hoặc chính các nhà thiết kế thoát khỏi tư duy cũ về sự cầu kỳ để tái tưởng tượng về định nghĩa thời trang cao cấp.

Xem thêm:

BST Dior Haute Couture 2019: Vũ khúc thời trang giữa rạp xiếc xa hoa

Giới thời trang trầm trồ trước 3 bộ váy cưới xa hoa của Chiara Ferragni đến từ thương hiệu Dior

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Nguyễn Thảo Trang

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Lược dịch: The Guardian, The Business of Fashion, ELLE, Vogue

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more