Họa sĩ Trần Quốc Long – Một tình yêu thăm thẳm với sơn mài

Đăng ngày:

[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 2/2019] Làm sơn mài rất kỳ công, nhưng Trần Quốc Long gây ấn tượng về độ tập trung và cảm hứng sáng tạo với gần 50 tác phẩm chỉ trong năm 2018. Đến với vẽ là một cơ duyên, nhưng với sơn mài, Long như tìm được tình yêu đích thực và nuôi dưỡng nó lớn dần theo năm tháng. Hay nói cách khác, anh để cho sơn mài cuốn hút và rồi thăng hoa với những khao khát thăm thẳm rất đời.

Cơ duyên gì khiến anh chọn vẽ tranh sơn mài thay vì những chất liệu khác?

Trong quá trình học tập, làm việc tại Hà Nội tôi đã có cơ hội tiếp xúc với sơn mài khá sớm qua dấu tích ở đình chùa. Lần mò, tôi biết thêm về chất liệu truyền thống này, về giá trị văn hóa xoay quanh. Khi nắm bắt được kỹ thuật cơ bản, được trải nghiệm thực tế trong quá trình vẽ, mài, sự sung sướng trong tôi bùng lên, tình yêu với sơn mài được khẳng định. Sơn mài giúp tôi miêu tả các hình thái cuộc sống vào nghệ thuật một cách sâu sắc nhất. Màu sắc sơn mài sâu thăm thẳm, khác với sơn dầu nổi trên bề mặt. Mỹ cảm nhẹ nhàng, tựa như chất Thiền trong Phật giáo. Khi sáng tác, tôi tập trung mà lòng thanh thản như đang ngồi thiền. Vì vậy sơn mài phù hợp với tính cách của tôi: từ tốn, nhẹ nhàng như từng lớp sơn được tạo tác một cách tỉ mẩn, kiên nhẫn.

sơn mài 1

Theo anh, thực trạng hiện nay về tranh sơn mài trong lĩnh vực nghệ thuật trong nước và quốc tế như thế nào?

Họa sĩ Lê Thiết Cương từng chia sẻ: “Gần 90% họa sĩ Việt thành danh là từ sơn dầu, phần còn lại là các chất liệu khác trong đó bao gồm sơn mài. Ai chọn sơn mài là cả sự đam mê và can đảm”. Ngay cả quốc gia từng “tự hào” về việc sớm đưa sơn mài vào hội họa để dạy từ những năm 1930 thì sơn mài vẫn đang “thất sủng”. Sơn mài là cả sự kỳ công trong sáng tác, nhiều công đoạn, nhiều lớp lang, vẽ rồi mài, thiếu tự do và quá trình hoàn thiện lâu khiến họa sĩ trẻ không chọn sơn mài làm chất liệu sáng tác của mình.

sơn mài 2

Một số trường hợp khác cũng chọn sơn mài, nhưng không dùng sơn ta mà lại sử dụng sơn Nhật để tranh nhanh khô, dễ bán, dễ kiếm tiền (màu Nhật công nghiệp rẻ nên giá tranh rẻ nhưng màu không sâu, sang bền màu như sơn ta). Hiện nay nhiều tranh sơn mài Việt được trưng bày trong bảo tàng ở Trung Quốc, Singapore, Hong Kong và được giới sưu tầm săn lùng, tìm mua với giá rất cao. Việc các bức tranh sơn mài cũng như các tranh chất liệu khác được mua với giá kỷ lục bởi người Việt trong các phiên đấu quốc tế sẽ góp phần nâng tầm vị thế của tranh sơn mài cũng như hội họa Việt Nam trên trường quốc tế.

sơn mài 3

Theo anh, làm thế nào để nghệ thuật tranh sơn mài không bị đánh đồng với mỹ nghệ?

Đồ thủ công mỹ nghệ hay tranh mỹ nghệ thường được làm hoàn toàn bằng tay. Đó là một vật phẩm mang lại giá trị trang trí, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề khéo léo, giàu kinh nghiệm để khảm xà cừ, khắc lên gỗ thành các hình tượng mang nhiều ý nghĩa có tính biểu tượng truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian, sau đó phủ sơn mài. Tranh mỹ nghệ được mài rất bóng bẩy, chạm khắc tỉ mỉ, công phu và sắp xếp luôn ngay ngắn, đều đặn hay vuông vức nên rất ít tạo cảm xúc. Tranh sơn mài hội họa truyền thống có bề mặt không quá phẳng láng, độ bóng vừa phải, nhấn mạnh ở chất liệu sơn mài và phong cách tự do của người vẽ trong thể hiện hình tượng. Các hình tượng thường mang tính tượng trưng, gợi ý chứ không chú trọng “chạm trổ” từng chi tiết như mỹ nghệ. Sơn mài mỹ thuật bay bổng hơn nên tạo nhiều cảm xúc cho người thưởng lãm.

sơn mài 4

Tranh sơn mài của anh có khác gì với tranh sơn mài truyền thống? Anh đã làm gì để tạo dấu ấn của riêng mình so với những họa sĩ khác?

Tôi vẫn vẽ theo cách truyền thống tranh sơn mài Việt và dùng 100% sơn ta trong các lớp vẽ. Nhưng với dung môi là sơn ta, tôi có cách pha trộn riêng của mình để tạo ra các sắc màu mang cá tính riêng. Chẳng hạn như màu xanh cổ vịt là nét riêng của tôi và có tính liên kết để nhận diện phong cách trong loạt tranh 32 bức “Hoa về trong đêm” vừa triển lãm giữa tháng 12 qua. Với các thế hệ đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương, lúc đó ông cha học hỏi các phương pháp tạo hình phối màu phương Tây để truyền tải những hình ảnh rất cụ thể, giản dị của phương Đông như cây tre, bến nước, con đò, hoa sen… Còn tôi chọn trường phái biểu hiện cho các ý niệm sáng tác của mình. Phong cách này rất mạnh mẽ, giúp tôi nhấn mạnh và thậm xưng trong sự thể hiện cá tính nghệ thuật, nêu bật cảm xúc và hình tượng chủ thể một cách tự do nhất có thể.

sơn mài 5

Trong buổi ra mắt triển lãm, anh có nói đến vóc và các làng nghề truyền thống. Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về sự mai một của làng nghề và những người còn tâm huyết?

Đây là điều mà GN181 (GN) muốn triển khai trong thời gian sắp tới. Nói về vóc, cách bó vóc được tiến hành như sau: dùng đất phù sa hoặc có thể dùng bột đá, trộn sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy hoặc vải màn, sau đó còn phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (ván gỗ) để chống vết rạn xé dọc tấm vải. Công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc không thấm nước, không bị mối mọt, không phụ thuộc môi trường làm gỗ co ngót. Xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có tuổi thọ nhiều thế kỷ (500 năm).

Một tin không vui là vì không nhiều người chọn sơn mài để sáng tác hội họa, (như tôi đã nhắc ở phần trên) nên “đầu ra” cho vóc hay các làng nghề liên quan cung cấp nguyên liệu cho người vẽ tranh sơn mài cũng không bán được, dẫn đến thu nhập thấp, khó duy trì được nghề. Chỉ còn những người nghệ nhân già vẫn đeo đuổi nghề của tổ tiên, con cháu của họ có nguy cơ không tiếp tục theo nghề truyền thống.

sơn mài 6

Việc tiếp tục vẽ và ra mắt triển lãm tranh sơn mài liệu có thể vực dậy, giữ gìn và phát triển làng nghề? Anh và nhóm GN181 có những hướng đi mới như thế nào để hỗ trợ?

Chúng ta hiểu rằng nói thì dễ, làm mới khó. Vẽ tranh và triển lãm rồi bán tranh là đương nhiên, nhưng mình cần có cách đặt vấn đề mới lạ và hấp dẫn hơn. Đầu tiên chúng tôi muốn kể chuyện bằng hình ảnh qua phim tài liệu, hình chụp về sơn mài Việt Nam, các làng nghề truyền thống phía Bắc và cả Bình Dương, Nam Vang. Tôi muốn câu chuyện sẽ được tiếp cận đến đối tượng trẻ thích nghệ thuật hoặc chưa có điều kiện tìm hiểu đến nghệ thuật sơn mài Việt. Chúng tôi giới thiệu, kết nối với doanh nhân và mời họ đồng hành. Mặt khác, GN có thể sẽ kết hợp sản xuất với các đài truyền hình trong nước, quốc tế và đẩy mạnh hơn về truyền thông trên mạng xã hội. Đồng thời, chúng tôi muốn tổ chức workshop để mọi người có thể học và trải nghiệm với tranh sơn mài, từ đó nảy nở những mỹ cảm đối với nghệ thuật sơn mài.

sơn mài 7

Cảm ơn anh và chúc những kế hoạch của nhóm GN181 thành công!

Họa sĩ Trần Quốc Long và GN181

Họa sĩ Trần Quốc Long sinh năm 1981 tại Thanh Hóa. Triển lãm cá nhân đầu tiên vào năm 2014 mang chủ đề “3.600 ngày”. Triển lãm “Hoa về trong đêm” được triển lãm vào tháng 12 vừa qua là 32 tác phẩm tranh sơn mài đầy bứt phá và bùng nổ về cảm xúc.

Nhóm GN181 là nhóm yêu thích nghệ thuật tạo hình, mong muốn hỗ trợ tài năng phát triển hội họa, cũng như góp phần giúp hồi sinh các làng nghề truyền thống Việt Nam.

Dự định sắp tới của GN sau triển lãm “Hoa về trong đêm” của Trần Quốc Long là việc thực hiện một phim tài liệu với sự tham gia của đạo diễn người Pháp – Pierre Semere, (người đã đồng hành từ video ngắn về Trần Quốc Long và Hành trình về sơn mài tại triển lãm “Hoa về trong đêm”) về thực trạng các làng nghề làm vóc và sơn ta tại các tỉnh phía Bắc – vốn là cái nôi của nghệ thuật truyền thống sơn mài Việt Nam.

sơn mài 8

Xem thêm:

Hội họa Phục hưng qua ngôn từ mới của Freddy Fabris

Họa sĩ nhí Giana – tài năng hội họa chủ trì triển lãm tranh nghệ thuật khi chỉ vừa 7 tuổi

Nhóm thực hiện

Bài: H.Tôn

Ảnh: GN181

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more