Kem dưỡng ẩm không chứa dầu có phải là sự lựa chọn tối ưu cho làn da người Việt?

Đăng ngày:

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu thường là tiêu chí để lựa chọn mỹ phẩm đối với nhiều người. Nhưng thật sự da dầu có cần kem dưỡng không chứa dầu?

Sống ở khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam, mọi người thường chọn các loại kem dưỡng ẩm không chứa dầu (oil-free) để tránh tình trạng nhờn rít, bí bách trên bề mặt da. Tuy nhiên, không phải làn da nào cũng nên chọn các loại mỹ phẩm không dầu. Vì…

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu là gì?

Nói một cách đơn giản, những loại mỹ phẩm khi được gắn mác “oil-free” sẽ được tạm hiểu là mỹ phẩm không chứa dầu. Theo Bác sĩ Da liễu Ellen Marmur với 23 năm kinh nghiệm và đang công tác tại Trung tâm Y tế Ellen Marmur tại New York, “Kem dưỡng ẩm không chứa dầu là các sản phẩm không chứa dầu cọ, dầu dừa, dầu olive hay các loại dầu thực vật khác cũng như mỡ cừu (Lanolin) hoặc dầu khoáng (Mineral Oil). Tuy nhiên, các loại mỹ phẩm có thể thay thế bằng các thành phần khác có công dụng tương tự, ví dụ như isopropyl palmitate…”.

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu 1

Phân loại các kem dưỡng không chứa dầu:

Trong các loại kem dưỡng ẩm thường chứa 3 nhóm chất: Thành phần cấp ẩm, làm mềm da và khóa ẩm. Chất làm mềm da giúp giải quyết các tình trạng bong tróc, nứt nẻ và trả lại độ mềm mượt cho bề mặt. Chất hút ẩm sẽ đưa độ ẩm từ môi trường vào da để tạo vẻ căng mướt. Tuy nhiên, để giữ lại độ ẩm cần có chất khóa ẩm để ngăn tình trạng thất thoát.

Dầu vốn dĩ là chất khóa ẩm hoàn hảo. Song, nếu không có dầu thì các nhà sản phẩm sẽ dùng các chất thay thế để sản phẩm hoạt động tốt trên da. Chính vì vậy, các loại kem dưỡng không chứa dầu được chia làm 3 nhóm chính:

1. Các sản phẩm hoàn toàn không chứa dầu (Oil-free hydrator)

Các sản phẩm thuộc nhóm này chỉ chứa các chất hút ẩm và không có chức năng khóa lại độ ẩm. Thông thường, các sản phẩm không chứa dầu này thường nằm ở bước serum. Tức là, bạn vẫn sử dụng các loại kem dưỡng để khóa lại tinh chất và độ ẩm trong da.

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu 2

Ví dụ: B-Hydra™ Intensive Hydration Serum của Drunk Elephant.

2. Các sản phẩm có thành phần silicone

Silicone là một trong những thành phần khóa ẩm và không chứa dầu. Bởi lẽ, silicone hoạt động tựa như chất làm mềm và chất khóa ẩm nhưng lại có kết cấu nhẹ hơn dầu và không gây tình trạng bóng nhờn. Mặc dù silicone vẫn gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng làm đẹp, nhưng không thể phủ nhận thành phần này sử dụng ổn cho cả da dầu và da khô. Tuy nhiên, những làn da có tiền sử kích ứng với silicone thì nên cân nhắc kỹ trước khi sử dụng.

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu 3

Ví dụ: The Water Cream của Tacha (Ảnh: 30seconds).

3. Các sản phẩm có thành phần tương tự dầu

Vì FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) chưa có văn bản chính thức định nghĩa về các sản phẩm không chứa dầu (Oil-free) nên vẫn còn… kẻ hở trong mỹ phẩm. Lấy ví dụ như C12-15 alkyl benzoate – thành phần không chứa dầu phổ biến được tìm thấy trong các loại kem dưỡng ẩm. Đây là thành phần được este hóa và không chứa từ “oil”, nhưng chất này lại sở hữu tất cả các đặc tính của thành phần gốc dầu. Hoặc các sản phẩm kem có chỉ số SPF sử dụng các bộ lọc hữu cơ để chống tia cực tím đều có nguồn gốc từ dầu (polar oil). Nhưng với kết cấu mỏng nhẹ nên các sản phẩm này phù hợp cho những người thuộc nhóm da hỗn hợp hoặc da dầu nhẹ.

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu 4

Ví dụ: Clear Face Mattifying Cream của sebamed (Ảnh: Pink-parcel).

Đây là những thành phần mặc dù không có từ “oil” nhưng lại có kết cấu tựa như dầu: Cetyl Dimethicone (hầu hết các loại Dimethicone), C12-15 Alkyl Benzoate, Homosalate, Octisalate, Isononyl Nanoate, Isopropyl Myristate, Dicaprylyl Carbonate, Dicaprylyl Ether, Octyldodecanol và Squalane.

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu có phải là sản phẩm ưu việt?

1. Đối với da khô

Cấu tạo của da tồn tại hai yếu tố quyết định độ ổn định, căng mướt và khỏe mạnh: Dầu và độ ẩm. Trong khi đó, da khô lại cùng lúc thiếu cả hai yếu tố trên. Vì vậy, sử dụng các loại kem dưỡng ẩm không chứa dầu sẽ không giải quyết được tình trạng khô da, bong tróc và nứt nẻ. Thay vào đó, bạn hãy bổ sung các loại kem dưỡng ẩm có nguồn gốc từ dầu hoặc mỡ động vật để tạo nên lớp màng ngăn cản sự thất thoát độ ẩm.

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu 5

Ví dụ: Hydro-Dynamic Ultimate Moisture của Murad.

Bên cạnh đó, hàng rào bảo vệ da được liên kết với nhau bằng các acid béo. Làn da khô không bổ sung lượng chất béo cần thiết thì da dần trở nên suy yếu và dẫn đến tình trạng nhạy cảm, dễ kích ứng và khó dung nạp mỹ phẩm.

2. Đối với da dầu

Các loại kem dưỡng ẩm không chứa dầu được ra đời để hướng đến nhóm khách hàng có làn da nhiều dầu và e ngại cảm giác nhờn rít. Bởi lẽ, da nhờn là nhóm da có tuyến dầu hoạt động mạnh nhưng độ ẩm trong da lại thiếu. Theo lý thuyết, chỉ cần bổ sung độ ẩm cho da thì lượng dầu sẽ giảm dần và da sẽ trở nên ẩm mượt nhưng lại không bết dính. Và điều đó đã đúng với nhiều người.

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu 6

Ví dụ: Hydro-Dynamic Ultimate Moisture của Laneige.

Tuy nhiên, da dầu vẫn có thể sử dụng các loại mỹ phẩm chứa dầu hoặc thậm chí sử dụng dầu dưỡng da. Bởi lẽ, trong dầu dưỡng lại chia làm hai nhóm chính: Oleic acid và Linoleic acid. Đặc điểm của Linoleic acid là dễ dàng hấp thụ vào da mà không gây cảm giác bóng nhờn trong khi Oleic acid lại mang đặc tính ngược lại. Chính vì tiêu chí này da dầu có thể hoàn toàn sử dụng các sản phẩm có gốc dầu hoặc dầu dưỡng da có thành phần thuộc nhóm Linoelic acid ví dụ như dầu Jojoba.

Bên cạnh đó, khi sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa dầu hoặc dầu dưỡng, bạn đã tạo “tín hiệu giả” cho làn da. Cơ thể sẽ ngỡ rằng lượng dầu trên bề mặt đã đủ và sẽ ngừng quá trình gia tăng. Từ đó lượng dầu sẽ được kiểm soát dễ dàng. Nghiễm nhiên, bạn nên sử dụng các sản phẩm có thành phần Linoleic acid hơn là Oleic acid.

Trong tất cả các thành phần có chức năng khóa ẩm, thì dầu được xem là sự lựa chọn ưu việt. Theo tính chất vật lý, dầu nổi trên nước nên dầu sẽ là lớp màng ngăn mất nước hiệu quả. Đồng thời, trong cấu tạo của da tồn tại 2 yếu tố: Dầu và Độ ẩm. Vì thế sử dụng dầu sẽ tương thích với da hơn các thành phần khác.

3. Đối với da mụn

Đối với da mụn, việc sử dụng kem dưỡng ẩm có dầu hoặc dầu dưỡng cần có thêm ý kiến của chuyên gia. Tuy nhiên, nếu là một tín đồ làm đẹp chắc hẳn bạn đã không quá lạ lẫm với tinh dầu tràm trà – Tea Tree Oil. Mặc dù có tên là “oil” (dầu) nhưng thành phần này được sử dụng rộng rãi trong các loại mỹ phẩm trị mụn. Đó là do đặc tính sát khuẩn, giảm viêm và thấm nhanh của tinh dầu tràm trà. Thế nên, không phải vì kiểm tra bảng thành phần có từ “oil” mà bạn vội quy chụp sản phẩm không phù hợp với da dầu hoặc mụn nhé.

Kem dưỡng ẩm không chứa dầu 7

Ví dụ: Tea Tree Oil của The Body Shop

Nói tóm lại kem dưỡng ẩm không chứa dầu không nên là yếu tố tiên quyết để lựa chọn mỹ phẩm. Vì nếu không sử dụng các loại dầu để khóa ẩm thì các hãng mỹ phẩm có thể sẽ thay thế bằng các thành phần khác, và có thể bạn sẽ bị kích ứng với các chất thay thế đó. Bên cạnh đó, dầu trong kem dưỡng ẩm không hề xấu. Có những loại dầu sẽ giúp cân bằng lại độ nhờn rít trên da, đồng thời còn có khả năng trị mụn. Hơn cả thế, với sự phát triển của ngành công nghiệp mỹ phẩm thì các khuyết điểm vốn dĩ của dầu sẽ dần được khắc phục và đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng.

Xem thêm:

Toner nào tốt cho da dầu để bạn luôn rạng rỡ trong ngày Hè?

Xu hướng dưỡng da nào sẽ “thống trị” năm 2019?

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Aaron Nguyen

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Việt Nam

Tham khảo: Chemist Confessions

Ảnh: fernzzupar, baifernbah

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more