Món ăn cổ truyền ngày Xuân độc đáo của người Trung Quốc

Đăng ngày:

Tăng cường sức khỏe, cầu mong hạnh phúc và mùa màng bội thu là những điều mà người Trung Quốc gửi gắm trong món ăn ngày Xuân của họ.

Người Trung Quốc đánh giá cao những lợi ích sức khỏe từ việc ăn theo mùa. Sự xuất hiện của mùa Xuân đồng nghĩa mọi người lại được dịp thưởng thức hàng loạt những món ăn ngon theo mùa, được chế biến từ người nguyên liệu tươi mới vừa hồi sinh sau cái lạnh mùa Đông.

Món ăn ngày xuân Trung Quốc

1. Mầm tuyết tùng

Đất nước Trung Quốc trải rộng nên không thể tránh khỏi sự khác biệt truyền thống và văn hóa trong mỗi vùng miền. Văn hóa ở đất nước này được phân chia rõ rệt theo trục Bắc – Nam, được xác định bởi dòng Dương Tử hùng vĩ. Mùa Đông ở miền Bắc lạnh lẽo, khắc nghiệt, nên Xuân về là lúc thưởng thức hương vị rau lá xanh tươi sau một mùa trụi lá. Một đặc sản theo mùa đặc biệt phổ biến là lá non và chồi của cây tuyết tùng Trung Quốc, loại cây gỗ cứng lâu năm, còn được gọi là gỗ gụ. Đối với người dân địa phương mà nói, bắt gặp và ngửi thấy hương thơm độc đáo của loại cây này ở các chợ Bắc Kinh có nghĩa là tiết trời đang dần ấm áp hơn. Mọi người tận dụng hai tuần ngắn ngủi cây mọc mầm, chế biến với trứng, gạo hoặc đậu phụ để thêm độ giòn dễ chịu và hương vị tương tự như hành tây. Giàu vitamin và chất chống oxy hóa, lá chồi tuyết tùng là khởi đầu hoàn hảo cho một mùa Xuân ăn uống lành mạnh.

mầm tuyết tùng

2. Bánh xèo mùa Xuân

Theo lịch âm của Trung Quốc, tiết Lập Xuân là sự khởi đầu của mùa xuân. Trong gần 2.000 năm, người dân phía Bắc đất nước đã ăn mừng một mùa mới bằng cách ăn bánh xèo mùa Xuân. Ngày nay, những chiếc bánh xèo Trung Quốc này được bọc quanh rau và thịt tươi (thường là thịt lợn), đôi khi người ta còn thêm quả óc chó và đường để có vị ngọt hơn. Được làm từ bột pha nước, những chiếc bánh này thường mỏng và lớn hơn một chút so với loại để ăn với vịt quay Bắc Kinh. Khi ăn những chiếc bánh này, mọi người nghĩ rằng mình đang “cắn vào mùa Xuân” và mong cầu một năm mùa màng bội thu.

3. Măng

Mặc dù mùa Đông ở miền Nam Trung Quốc có phần ôn hòa hơn, những nó nổi tiếng với cái lạnh ẩm ướt đến thấu xương. Tuy nhiên, khi tiết trời ấm áp trở lại, nhiều người dân miền Trung và Nam Trung Quốc ăn mừng bằng cách men theo những con đường mòn lên núi tìm măng Xuân. Những chồi măng non nớt thường được đào lên khỏi mặt đất vào khoảng hai tuần tuổi. Măng tươi có vị đắng và phải được đun sôi trong nước để loại bỏ những độc tố tự nhiên. Chúng thường được chiên hoặc hầm với thịt mặn và bắp cải muối, vị mặn nồng hòa quyện tuyệt vời với hương vị tươi mát, mộc mạc của măng.

măng xuân Trung Quốc

4. Rau xanh

Trên khắp Trung Quốc, hàng triệu người dân vẫn tuân thủ các nguyên tắc cổ xưa của Y học cổ truyền. Họ điều trị, phòng chống bệnh tật bằng những bài thuốc thảo dược cũng như châm cứu và thái cực quyền. Tính thời vụ vô cùng quan trọng trong y học cổ truyền, vì người ta tin rằng cơ thể cần sự chăm sóc khác nhau vào từng thời điểm khác nhau trong năm. Ví như mùa Xuân có sự liên kết với gan, vì cơ quan này được cho là chịu trách nhiệm trong việc di chuyển khí công (năng lượng) mới dọc khắp cơ thể sau những tháng mùa Đông im lìm. Nếu chức năng không cân bằng, người ta tin rằng có thể gây ra sự tức giận, trầm cảm, căng cổ và đau đầu. Để tránh những căn bệnh này, đến Xuân, nhiều người Trung Quốc tuân thủ theo chế độ ăn nhiều rau xanh như giá đỗ, rau dền cũng như những thứ có vị chua, vì họ tin rằng những thực phẩm này giúp tăng cường chức năng gan.

5. Trà Xuân

Mùa Xuân là thời điểm lý tưởng nhất để thưởng thức đồ uống cổ truyền của Trung Quốc. Người Trung Quốc đặt tên cho các loại trà theo mùa, và trà Xuân dùng để chỉ những mẻ lá đầu tiên được thu hoạch sớm nhất trong năm. Tại thời điểm này, những chiếc lá non nhú lên ở độ mềm và ngọt nhất, mang lại hương vị tươi mát và tinh tế cho chất trà làm ra. Thời gian để hái những chiếc mầm ngon này cực kỳ ngắn ngủi, chỉ độ 10 đến 14 ngày. Ở các tỉnh trồng chè phía Đông như Chiết Giang và Giang Tô, mùa hái thường bắt đầu vào đầu tháng 4, mặc dù các vùng sẽ có thời điểm thu hoạch khác nhau tùy thuộc vào khí hậu. Sau thời kì nảy mầm đầu tiên, các bụi chè bắt đầu phát triển nhanh hơn, lá lớn hơn khiến chất lượng trà giảm dần. Trà được làm từ mầm Xuân có nhiều chất dinh dưỡng như vitamin và axit amin, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên giá cả cũng vô cùng đắt đỏ. Loại lá sớm nhất, được hái từ những bụi chè tốt nhất cả nước, chẳng hạn như trà Dragon Well từ Hàng Châu, còn đắt hơn cả vàng cho mỗi kg.

Món ăn ngày xuân

6. Ẩm thực lễ hội Thanh Minh

Mùa Xuân ở Trung Quốc không chỉ là thời gian ăn uống lành mạnh cho bản thân mà còn là thời kỳ để dâng cúng tổ tiên ở bên kia thế giới những món ăn công phu. Vào đầu tháng 4, người dân Trung Quốc tổ chức Lễ hội Thanh Minh (lễ Tảo mộ) bằng cách dọn dẹp các ngôi mộ của ông bà tổ tiên. Cũng như người Việt, họ cúng bái đồ ăn, thức uống và đốt tiền giả để người thân đã khuất có thể sử dụng ở thế giới bên kia. Lễ hội cũng là cơ hội để các gia đình tận hưởng chuyến đi chơi đầu Xuân, và họ thường chuẩn bị thức ăn cho những buổi dã ngoại để thưởng thức trong khi chăm sóc mộ phần của gia đình. Các khu vực khác nhau của đất nước có các món ăn truyền thống khác nhau cho lễ hội, nhưng các món cho Lễ Thanh Minh cổ điển bao gồm bánh bao làm từ bột gạo và nước rau xanh, cháo gạo nấu với hoa đào tươi. Những thực phẩm này thường được nấu một hoặc hai ngày trước lễ hội Thanh Minh đến để mọi người có thể thư giãn và ăn trong kỳ nghỉ.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Huyết Vy

Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Nguồn và Hình ảnh: theculturetrip.com

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more