Corset và waist trainer là giải pháp tối ưu cho nàng “eo bánh mì”?

Đăng ngày:

Đâu là điểm tạo nên sự khác biệt giữa hai phiên bản nịt eo – corset và waist trainer? Bạn đã biết cách mặc chúng sao cho hiệu quả, an toàn nhất?

Từ xưa, nịt eo đã là “vũ khí đắc lực” giúp che đi phần mỡ thừa hiệu quả, giúp phái đẹp có được vóc dáng đồng hồ cát như ý. Theo thời gian, những thế hệ corset mới ra đời, phù hợp hơn với nhu cầu của phụ nữ. Một trong số đó là waist trainer – phiên bản ít “o ép” và tiện lợi hơn để phụ nữ có thể diện được trong nhiều dịp. Cùng tìm hiểu điểm khác biệt giữa hai phiên bản nịt eo: corset và waist trainer này và bí quyết để diện chúng hiệu qủa và an toàn nhất.

Corset và waist trainer

Corset và waist trainer đều có công dụng điều chỉnh khung lưng và đặc biệt giúp định hình vòng eo cho vóc dáng thon gọn như ý. Tuy nhiên, hai thiết kế nịt eo lại được ra đời với nhiều điểm khác biệt để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng đa dạng.

Cấu tạo khác nhau

Corset

Corset là thiết kế nịt eo được làm từ loại vải dày, chắc chắn nhưng linh hoạt như cotton, satin, da hay lưới. Áo được cấu tạo từ những đoạn thép nhỏ, tạo đủ lực để nâng thắt lưng, làm gọn đường cong của hông và thân trên cơ thể. Đa số những mẫu corset sẽ có hàng mắc cài ở mặt trước và hàng dây thắt phía sau lưng để tạo hiệu quả tối đa cho việc định hình xương lưng và vòng eo. Bạn tuỳ ý điều chỉnh phần dây để siết eo, tương tự như việc niềng răng.

Thiết kế corset định hình vòng eo

Thiết kế dây thắt mặt sau corset. (Ảnh: orchidcorsetry).

Waist trainer 

Đai nịt bụng waist trainer cũng có những đoạn thép hay đoạn ni lông giúp định hình eo và xương lưng nhưng không nhiều bằng corset. Chúng được cấu tạo từ những chất liệu nóng hơn như nylon, latex hoặc spandex. Waist trainer chỉ có thể giúp bạn thu nhỏ vòng eo một cách giới hạn, chủ yếu như một chuông báo “nhắc nhở” bạn về lượng calories nạp vào cơ thể chứ không thật sự tạo được thân hình đồng hồ cát như corset. Người dùng sẽ điều chỉnh lượng móc cài có sẵn ở phía trước áo để siết eo. 

Chị em nhà Kardashian mặc waist trainer định hình vòng eo

2 chị em nhà Kardashian là một trong những người đầu tiên đưa khái niệm về waist trainer gần hơn với cộng đồng mạng xã hội. (Ảnh: Instagram @kimkardashian)

Ưu điểm và khuyết điểm corset và waist trainer

Với thiết kế được cấu tạo bằng nhiều đốt kim loại và phần dây thắt phía sau lưng, corset giúp tạo nên đường cong quyến rũ tối đa ở phần eo. Mặc dù vậy, đối với những nàng đi theo chế độ siết eo nghiêm khắc, đi ngủ trong chiếc corset thép định hình cồng kềnh sẽ là “cơn ác mộng”. Lúc này, waist trainer sẽ “cứu cánh”, giúp cô bạn thoải mái hơn để mặc đi ngủ, kết hợp cùng buổi tập gym, hay ngồi làm việc nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu định hình eo. Ngoài ra, với thiết kế mỏng, và không nhiều gọng, waist trainer cũng dễ dàng ẩn sau lớp áo hay chiếc đầm, khó bị lộ hơn corset. 

Kylie Jenner diện waist trainer

Bạn có thể linh hoạt diện waist trainer cả ngày, kể cả khi đi ngủ và kết hợp cho bài tập gym. Thiết kế này cũng giúp che đi phần mỡ thừa dưới lớp quần áo ít bị lộ hơn corset. (Ảnh: Instagram @kyliejenner)

Mặc corset và waist trainer sao cho hiệu quả?

Không ít các nguồn đưa tin corset và waist trainer gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ như các bệnh về lưng và nhịp tim. Tuy nhiên, những hậu quả đó đều được tổ chức khoa học chứng minh từ trường hợp mặc chúng không đúng cách, ví dụ như chèn ép quá nhiều dẫn đến khó thở. Vậy đâu là cách sử dụng corset và waist trainer hiệu quả nhưng vẫn an toàn?

Chọn kích cỡ áo phù hợp

Vì áo nịt định hình thường được cấu tạo từ những loại vải không co giãn và cứng cáp, bạn nên chọn mẫu có kích cỡ phù hợp từ thương hiệu chất lượng để không gây hại cho sức khoẻ. Những nơi bán uy tín sẽ cung cấp số đo cụ thể cho sản phẩm thay vì bảng size chung chung như nhỏ, trung bình và lớn. 

Cách đo vòng eo khi diện corset

(Ảnh: Instagram @huoggiangggg)

Và để có số đo vòng eo chính xác, hãy uốn người cong sang một bên để tạo ra nếp gấp tự nhiên trên cơ thể và đo ngay vị trí đó – dưới xương sườn và ngay trên rốn. Đối với những nàng mặc nịt eo lần đầu, sản phẩm nên nhỏ hơn 4 inch (khoảng 10,2 cm) so với số đo vòng eo tự nhiên.

Chọn dáng áo phù hợp

Corset

Corset có hai thiết kế chính là overbust (bao cả ngực) và underbust (dừng lại dưới ngực) với nhiều mẫu, phom, chất liệu đa dạng để phù hợp với nhiều dáng người. Khi diện overbust, nhiều trong số những thiết kế này sẽ vừa giúp định hình eo vừa đóng vai trò như chiếc áo ngực và chúng thường được lấy cảm hứng từ thời đại lịch sử.

nịt eo Victoria corset

Một ví dụ điển hình là corset dáng Victoria có xu hướng sử dụng hình dạng đồng hồ cát cổ điển. (Ảnh: Victoria and Albert Museum)

Thiết kế nịt eo dáng Edwardian

Một chiếc corset kiểu Edwardian sẽ có nhãn hiệu “S-uốn cong”, đưa cơ thể về phía trước. (Ảnh: popantique)

Với underburst corset, thiết kế phổ biến là classic corset (corset cổ điển) được thiết kế dừng lại ngay dưới phần ngực. 

Thiết kế corset waspie

Thiết kế Waspie (trái) kết thúc thấp hơn trên xương sườn và cao hơn ở hông so với các mẫu overbust, tập trung vào việc định hình trên thắt lưng. (Ảnh: corsets-uk)

Hailey Bieber trong thiết kế pointed corset

Hailey Bieber xuất hiện trong thiết kế pointed corset có phần đỉnh nhọn ở điểm giữa trên và dưới thân corset, tập trung nâng cả ngực và định hình vòng eo. (Ảnh: Style Caster)

Waist trainer

Được sản xuất với nhiều mẫu mã và độ che phủ khác nhau, từ waist trainer cổ điển đến những bộ bó sát cơ thể, có dây đeo nâng eo và thậm chí là quần đùi.

Thiết kế waist trainer toàn thân

Một thiết kế waist trainer toàn thân. (Ảnh: Amazon)

Tuỳ vào nhu cầu sử dụng, bạn nên tìm hiểu và chọn mua những thiết kế có thể định hình eo theo dáng eo mà bạn mong muốn. Bạn cũng nên kết hợp dùng cả corset và waist trainer để đạt được kết quả như ý.

Những lưu ý cho lần đầu sử dụng và kế hoạch lâu dài

Trong lần đầu tiên mặc áo corset và waist trainer, đừng cố thắt chúng thật chặt. Hãy kiên nhẫn dành cho cơ thể thời gian để dần thích nghi với sản phẩm nịt eo. Với corset, bạn nên áp dụng một nguyên tắc nhỏ là thắt dây chặt hơn không quá 4 cm trong khoảng thời gian 2 giờ. Và tất nhiên, nếu bạn cảm thấy đau hay khó thở, hãy dừng đeo ngay lập tức.

Kim Kardashian mặc corset đến thảm đỏ MET Gala 2019

Kim Kardashian xuất hiện tại thảm đỏ MET Gala 2019 với vòng eo bị o ép đến nỗi cô không thể ngồi một cách bình thường. (Ảnh: Getty Images)

Lời khuyên từ chuyên gia là chỉ mặc corset hay waist trainer trong khoảng 1,5 – 2 giờ trong lần đầu tiên và duy trì trong vài ngày sau đó, kể cả khi dùng corset chỉ một lần dưới lớp trang phục cho dịp đặc biệt.

Cụm từ “kiên nhẫn” là từ khoá dành cho những cô gái quyết định siết eo lâu dài. Bạn nên dần tăng thời gian của mình từ 1,5 giờ/ngày lên khoảng 6-8 giờ/ngày trong khoảng 10-14 ngày. Đừng nôn nóng mong chờ kết quả sau hôm đầu tiên, nguy cơ rất cao là bạn sẽ làm hỏng corset, và chính bản thânnếu cố gắng o ép quá mức.

Corset hay waist trainer chỉ là công cụ hỗ trợ định hình vòng eo, giúp vòng 2 gọn và “vào shape” nhanh hơn. Để đạt được kết quả ưng ý, bạn nên kết hợp chế độ luyện tập và ăn uống hợp lý.

Nhóm thực hiện

Bài viết: Tâm Như

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more