[ELLE Voice] Ngừng so sánh và học cách yêu đủ

Đăng ngày:

“Ai trong chúng ta cũng đều đang phải đối mặt với những vấn đề riêng của đời mình, vì vậy hãy luôn đối xử tốt với những người xung quanh và ngay cả với chính mình” – Oliver Burkeman, tác giả cuốn sách “The Antidote: Happiness for People Who Can’t Stand Positive Thinking”.

Lời khuyên này có vẻ không mới nhưng cho đến tận bây giờ, nó vẫn không cũ. So sánh bản thân mình với người khác đã trở thành căn bệnh cố hữu, và trầm trọng hơn khi xã hội ngày càng phát triển, chủ nghĩa vật chất lên ngôi và con người sử dụng thời gian trong ngày của mình trên mạng xã hội còn nhiều hơn bất cứ việc nào khác.

Việc so sánh hình thành từ đâu?

Từ khi chúng ta còn rất nhỏ, “con nhà người ta” dường như là câu nói ám ảnh và mang tính “sát thương” nhất từ các bậc cha mẹ. Những đứa trẻ so kè nhau từ điểm số, cái áo mới đến tiền quà sáng… Lớn lên, mọi người đố kỵ và âm thầm chạy theo thành công của bạn bè, hàng xóm bằng mọi cách: nhà to hơn, xe xịn hơn, quần áo đắt tiền hơn… Trong các cuộc gặp mặt hay sự kiện, ai cũng đua nhau bày biện những thứ tốt đẹp nhất của mình: chức vụ trong công ty lớn, lương khủng, thành tích học hành của con cái…

Ngày nay, nhờ vào các phương tiện truyền thông, việc so sánh dần trở thành phản xạ vô điều kiện, xảy ra hằng ngày, thậm chí hàng giờ khi thời gian truy cập internet dần trở nên… mất kiểm soát. Bạn vừa có một ngày không vui, cuộc sống đang có nhiều điều lo lắng. Như một thói quen, bạn chìm đắm vào điện thoại hòng trốn chạy thực tại, mong tìm thấy giải pháp. Nhưng càng lướt newsfeed của bạn bè, tâm trạng lại càng bất an hơn. Vì sao?

so sánh suy nghĩ tiêu cực

Trên Instagram, cô bạn đồng nghiệp đang lang thang ở trời Âu trong những bộ cánh thật kiêu sa, bữa sáng được phục vụ tận giường trong một khách sạn xa hoa; cô em mới quen đang có một bữa tối hẹn hò lãng mạn bên người bạn trai mới… Mọi thứ đều quá tuyệt mỹ.

Trên Facebook, những bức ảnh đẹp lộng lẫy không góc chết, người vừa được tặng một chiếu túi hiệu giá trị nghìn đô; người vừa được thăng chức hay ký hợp đồng lớn… Ai cũng ít hay nhiều không giấu giếm hạnh phúc và khoe khoang về một số điều tuyệt vời trong cuộc sống của họ.

Còn bạn, bất giác so sánh những thứ bạn đang có với bề ngoài lung linh của người khác mà bạn vừa nhìn thấy. Bạn thu mình trong mớ cảm xúc hỗn độn: sợ hãi, bất an, buồn chán, cô đơn, thất vọng: Tại sao bằng tuổi mình mà cô ấy đã có cả một gia tài, đi nước ngoài như đi chợ? Tại sao gia đình người ta hạnh phúc, đám cưới rình rang, còn mình thì không? Tại sao… Tại sao? Dần dần, làn sóng tiêu cực xâm chiếm lấy tâm hồn, nuốt chửng bạn, làm tiêu tan những hy vọng ít ỏi còn sót lại cuối ngày và biến bạn thành một kẻ thất bại, đáng thương không hơn.

phía sau sân khấu

Nếu như những gì bạn thấy trên mạng xã hội không hoàn toàn đúng thì sao?

Cô gái đang chu du thế gian mà bạn ngưỡng mộ, biết đâu cô ấy vừa mới trải qua biến cố của cuộc đời và đang lạc lối? Hai vợ chồng đang tay trong tay viên mãn nhưng có biết đâu họ đang phải đối mặt với sóng gió và bất hòa? Người phụ nữ thành đạt và quyền lực trong hình đâu nói cho ai biết cô đang trải qua nỗi day dứt vì không có đủ thời gian dành cho chồng, cho con? Ai cũng đang cố che giấu đi nỗi buồn của mình hay vật lộn với thực tế đầy khó khăn nhưng khi máy ảnh đưa lên, họ chỉ đồng nhất phô diễn nụ cười hạnh phúc nhất.

Sự thật là, chúng ta không biết điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của người khác.

Có thể bạn biết rõ hơn một chút về hoàn cảnh của những người trong gia đình hay bạn bè thân thiết. Nhưng còn những người bạn không gặp lại từ thuở đại học, những đối tác kinh doanh, những người bạn vừa mới quen? Họ đâu sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện riêng tư của mình cho hàng trăm người xa lạ qua màn hình máy tính?

so sánh cuộc sống cá nhân với mạng xã hội

Chúng ta không biết điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của người khác. Ngược lại, họ cũng đâu biết về những gì đang diễn ra trong nội tâm của chúng ta.

Ngược lại, họ cũng đâu biết về những gì đang diễn ra trong nội tâm của chúng ta. Không thể phủ nhận mạng xã hội đã cho phép chúng ta cập nhật tin tức một cách nhanh và chi tiết nhất. Nó cho chúng ta cơ hội được thể hiện các khía cạnh tốt nhất trong cuộc sống, một phiên bản hoàn hảo đã qua chỉnh sửa, một cuộc đời mà ta tạm thời cảm thấy vừa ý nhất để phô bày cho cả thế giới chiêm ngưỡng và bình luận.

Phải thừa nhận rằng, mặc dù chúng ta đã luôn tự ý thức rằng nếu phải đưa lên mạng, hãy đưa lên những bức ảnh chân thật nhất, nhưng dường như ta không điều khiển được mình. Ta chỉ chọn những khoảnh khắc đẹp nhất. Ta “cố gắng giữ cho nó thật” nhưng thành thật mà nói, ta đang bị cuốn vào vòng xoáy “chỉnh sửa”, đôi khi hơi quá đà. Không ít lần ta được nghe từ người khác: “Ước gì tôi có cuộc sống của bạn!”. Trong khi một nửa trong ta ngây ngất với những lời tung hô có cánh, thì một nửa còn lại cảm thấy tội lỗi vì đã không cho người ngoài thấy bức tranh đầy đủ và chân thật về cuộc sống của mình. Nó bao gồm những góc khuất khác mà chỉ ta biết. Ta sợ, họ sẽ thay đổi suy nghĩ về mình. Ta sợ, họ sẽ thất vọng bởi những ảo tưởng họ đã dệt từ chính ta. Tự bao giờ, giá trị của một người được đánh giá qua những bức ảnh chỉnh sửa cùng số “like” hay “thả tim”?

mâu thuẫn nội tại

So sánh bản thân mình với những thứ không hoàn toàn có thật từ người khác, liệu có công bằng cho chính bạn hay không?

Nghiên cứu khoa học từ chính cảm xúc của con người cho thấy rằng, chúng ta hiểu rõ suy nghĩ và cảm nhận từ sâu thẳm bên trong của chính mình, nhưng để giải thích và dùng từ ngữ miêu tả chân thực về những cảm xúc đó là điều vô cùng khó. Có những điều mà ta không thể chia sẻ hoàn toàn với người khác. Chúng ta biết rõ những thất bại, lo lắng, nghi ngờ và sợ hãi của chính mình, nhưng lại hiếm khi thể hiện điều này với thế giới bên ngoài. Khi thấy được những thành công của người khác, như một phản xạ, chúng ta vội vàng chối bỏ những điều tốt đẹp và chỉ đem những khiếm khuyết của mình để so sánh với bề nổi của người khác, tự đánh giá thấp về bản thân và trở thành một con người tự ti, yếu đuối.

Tuy nhiên, ở một mặt khác, chúng ta dễ giận dữ và khó kiềm chế được cảm xúc khi tình cờ biết được sự thật của người khác phía sau những bức hình hoàn hảo kia. Chúng ta thất vọng, cảm thấy bị lừa dối nhưng lại hả hê bởi sự tự ti của mình phút chốc được xoa dịu. Chúng ta dễ dàng quy chụp, phán xét người khác nhưng lại không cần hiểu rõ những gì đang diễn ra bên trong.

so sánh cách đối phó với cảm xúc tiêu cực

Những thứ bạn thấy trên mạng xã hội có thể không phải hoặc chỉ là một phần sự thật.

Vậy chúng ta phải làm gì?

Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Hãy luôn đối xử tốt với bất cứ ai, bởi có thể những người mà bạn gặp đang phải đấu tranh với những vấn đề của riêng mình”. Hãy đối xử tốt với chính bản thân mình nữa, bởi những khó khăn mà bạn đang đối mặt có thể còn tệ hơn bạn nghĩ. Sau tất cả những điều này, việc so sánh sẽ trở thành vô nghĩa.

Có lẽ bạn sẽ cần một vài điều sau đây mỗi khi phải thức tỉnh bản thân:

• Thứ nhất: Khi lên mạng, hãy tự nhắc nhở bản thân, rằng những gì bạn thấy bên ngoài chưa chắc hoàn toàn là họ. Đó chỉ là một phần mặt tích cực của họ và hãy xem đó là niềm cảm hứng cho mình để học hỏi và phấn đấu.

• Thứ hai: Bạn không cần phải chú ý đến tất cả mọi người. Hủy theo dõi hoặc ẩn đi những người mà bạn cảm thấy luôn mang lại cho mình cảm giác tiêu cực và bất an hoặc bị thách thức trong một lĩnh vực nhất định của cuộc sống. Bạn hoàn toàn có quyền chủ động lựa chọn được thấy những gì làm cho mình thấy vui hơn.

• Thứ ba: Hãy đặt mình vào vị trí của người khác và suy nghĩ. Hãy soi chiếu nội tại và thành thật với bản thân mình. Nên thực hành lòng biết ơn hằng ngày như một cách tuyệt vời để kết nối bạn với những gì có thật và tích cực trong cuộc sống của mình. Khi bạn càng cảm thấy tốt hơn về cuộc sống của chính mình, bạn càng ít có khả năng so sánh bản thân với người khác.

Nhóm thực hiện

Bài: Hương T

Ảnh: Dzũng Yoko

Minh họa: Elena Nguyễn

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more