Tin thời trang – Carol Lim và Humberto Leon gửi tâm thư tuyên bố đóng cửa Opening Ceremony

Đăng ngày:

Toàn bộ cửa hàng của Opening Ceremony khắp các châu lục sẽ sớm đồng loạt đóng cửa trong năm 2020.

Trong khi đó, Saint Laurent ký hợp đồng xây dựng một nhà máy sản xuất phụ kiện da mới trong khu vực Scandicci tại Ý. Tin thời trang này khiến những người yêu thích thương hiệu Pháp kỳ vọng cao vào chất lượng các sản phẩm bằng da sắp đến của Saint Laurent.

Opening Ceremony đóng cửa toàn bộ hệ thống

Tâm thư của Carol Lim và Humberto Leon, hai nhà đồng sáng lập Opening Ceremony đã được gửi đến bạn bè và giới truyền thông vào ngày 14/1. Theo đó, bộ đôi nhà thiết kế thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ các cửa hàng trong hệ thống. Hai người quyết định sẽ cùng Tập đoàn New Guards “tập trung vào phát triển sản phẩm, thiết kế cũng như thương hiệu Opening Ceremony”.

tin thời trang nhà sáng lập opening ceremony

Opening Ceremony là tâm huyết của Humberto Leon và Carol Lim và được thành lập vào năm 2002. (Ảnh: AP Photo)

Opening Ceremony sở hữu hàng loạt cửa hàng đa thương hiệu tại New York, Los Angeles, London và Tokyo. Trang phục từ các nhà mốt nổi danh thế giới, phụ kiện từ các nhà thiết kế, triển lãm nghệ thuật sắp đặt cùng những sản phẩm độc quyền khác đều được trưng bày tại các cửa hàng bán lẻ này. Opening Ceremony đã hợp tác với các hãng thời trang như Columbia, Vans, addidas, Disney… và thu hút nhiều dự án các nghệ sĩ nổi tiếng như Spike Jonze hay Yoko Ono. “Những thương gia sắc sảo” là cách Pierre-Yves Roussel, CEO của Tory Burch LLC miêu tả về Carol Lim và Humberto Leon.

Hai nhà đồng sáng lập quyết định rút lui khỏi thị trường bán lẻ để đánh giá lại thương hiệu và trải nghiệm khách hàng. Họ cho rằng thay đổi cách suy nghĩ và tầm nhìn sẽ là một bước đi đúng đắn để sau này có thể cải thiện chất lượng dịch vụ và làm choáng ngợp các tín đồ mua sắm.

Tập đoàn New Guards hiện đang sở hữu Off-White, Palm Angels, Heron Preston. Tập đoàn thông báo đã mua lại nhãn hiệu và tài sản trí tuệ của Opening Ceremony vào 13/1.

saint laurent mở nhà sản xuất da tại ý

Scandicci, Ý được Saint Laurent lựa chọn làm địa điểm xây dựng một nhà máy sản xuất túi và ví da. Chủ tịch Francesca Bellettini thông báo sẽ di dời 340 công nhân đến địa điểm mới, đồng thời tuyển dụng thêm khoảng 300 nhân viên nữa. 

Hai tòa nhà hiện đang được bỏ hoang sẽ được Saint Laurent sửa sang và thuê với hợp đồng kéo dài 27 năm. Dự kiến 9/2022 nhà máy sẽ chính thức được hoàn thành. Đây là nơi sẽ chịu trách nhiệm sản xuất thiết kế túi và ví da nguyên mẫu đồng thời nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân công. Saint Laurent cũng đang đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất giày da ở vùng Veneto phía Đông Bắc Ý.

Là một phần của “Phố Hàng Da” kéo dài hơn 10km tại Ý, Scandicci và các vùng lân cận đang nằm trong tầm ngắm của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp muốn mở rộng nhà máy sản xuất và mở rộng nguồn cung ứng vật liệu. Nơi đây vốn nổi danh với nhiều nghệ nhân lành nghề có kinh nghiệm và truyền thống làm da cả trăm năm. Gucci, Valentino, Giorgio Armani, Dolce & Gabbana là một số tên tuổi đã tin cậy giao thiết kế thời trang của mình cho vùng Tuscany nổi tiếng với chất lượng thượng hạng và độc đáo.

Art Basel 2019: nhìn Thời trang qua lăng kính triển lãm nghệ thuật

Quan điểm thời trang là nghệ thuật cho đến nay vẫn mang nhiều tranh cãi. Nhưng tại sự kiện Art Basel 2019 ở Miami, thời trang đã dùng ngôn ngữ của nghệ thuật làm hình thức trưng bày triển lãm, truyền tải góc nhìn mới.

thời trang triển lãm nghệ thuật

Art Basel 2019 có sự tham gia của các nhà mốt nổi tiếng với những dự án cộng tác nghệ thuật như: Louis Vuitton với nghệ sĩ Andrew Kudless, Gucci và nhà làm phim Harmony Korine, Loewe cùng Hilary Lloyd và Ewen Henderson. NTK Harry Nuriev từ studio thiết kế nội thất Crosby cũng có màn hợp tác đáng chú ý với Balenciaga. Bên cạnh đó, thương hiệu đồng hồ Audemars Piguet mang tác phẩm nghệ thuật âm thanh cộng tác với nghệ sĩ Jana Winderen… Có thể nói, ngoài các tuần lễ thời trang, Art Basel là dịp để các thương hiệu quảng bá một khía cạnh khác của bản thân với người yêu thời trang lẫn nghệ thuật đương đại.

“Tân binh” Daniel Lee thắng lớn

Đem lại hình tượng mới, trẻ trung hơn, làm hài lòng những tín đồ thời trang và doanh thu thuyết phục ban quản trị của thương hiệu Bottega Veneta, Daniel Lee là cái tên trẻ và nổi bật nhất năm nay của làng thời trang thế giới. Không ngạc nhiên khi anh được những 4 danh hiệu từ giải thưởng thời trang Anh quốc (British’s Fashion Awards). Cả Daniel lẫn Bottega Veneta đều được đề cử vào 4 hạng mục và giành được giải thưởng: Nhà thiết kế của năm, Nhà thiết kế Anh quốc của năm (cho dòng đồ nữ), Nhà thiết kế phụ kiện của năm và Thương hiệu của năm.

thời trang tân binh Daniel Lee

Nguyên nhân thắng lợi của Daniel có lẽ là vì đúng thời điểm. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Celine cùng Phoebe Philo, Daniel nắm bắt được tinh thần thời trang của Phoebe một cách chuẩn xác nhất và dùng đó làm công cụ thay máu Bottega Veneta trong thời điểm người yêu thời trang vẫn chưa nguôi nỗi nhớ Phoebe. Những món phụ kiện túi và giày mới của hãng bán đắt như tôm tươi, nhiều nơi cháy hàng và hiển nhiên thị trường bán lại trên mạng cũng sôi động không kém. Báo cáo tài chính quý III của hãng cũng công bố lợi nhuận tăng 9,8%, đưa Bottega Veneta lên vị trí thương hiệu đáng chú ý nhất năm.

Nhóm thực hiện

Bài viết: Bảo Châu, Hoàng Lê

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: WWD, BOF

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more