5 lỗi sai nên tránh để khử khuẩn quần áo hiệu quả hơn

Đăng ngày:

Dùng nhiều bột giặt có giúp quần áo sạch hơn? Keo xịt tóc chính là “khắc tinh” của vết mực dính trên áo? Cùng đi tìm lời giải đáp qua bài viết bên dưới.

Với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị và sản phẩm gia dụng đã được thay đổi đáng kể. Chính vì thế, nhiều mẹo vặt giúp làm sạch và khử khuẩn quần áo giờ đây đã không còn hiệu quả như trước. Để tiết kiệm thời gian, công sức và tài chính, bạn có thể cập nhật danh sách những hiểu lầm đã được giải đáp sau.

càng nhiều bột giặt, quần áo càng sạch

Thực ra, sử dụng quá nhiều bột giặt hay nước giặt sẽ tạo nên xút xà phòng dư thừa bám vào lồng giặt, giữ lại bụi bẩn và vi khuẩn thay vì khử sạch những chất cặn này.

Vì thế, bạn chỉ nên dùng vừa đủ chất tẩy rửa cho mỗi lần giặt để tiết kiệm tài nguyên và quần áo được làm sạch hiệu quả hơn. Đồng thời, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng máy giặt để biết được loại chất tẩy rửa và lượng mức phù hợp nhất cho mẫu máy tại nhà.

sử dụng quá nhiều bột giặt khử khuẩn quần áo

(Ảnh: Marco Verch)

kết hợp chlorine và chất tẩy rửa

Nhiều người cho rằng khi thêm nước chlorine vào cùng chất tẩy rửa sẽ giúp tăng hiệu quả khử khuẩn. Tuy nhiên, hai sản phẩm này lại triệt tiêu lẫn nhau, khiến quần áo của bạn không những không sạch mà còn bị xỉn màu.

Sau khi khởi động chu trình giặt, các enzyme trong chất tẩy rửa sẽ mất khoảng 5 phút để làm trắng và tẩy sạch quần áo. Hãy kiên nhẫn đợi sau khoảng thời gian này hẵng thêm chlorine đã được pha loãng vào lồng giặt. Nếu muốn tăng hiệu quả tẩy trắng của chlorine, bạn có thể sử dụng baking soda trong cùng tỉ lệ với chlorine để điều chỉnh độ pH của nước, đồng thời giặt sạch vi khuẩn và chất cặn.

Dùng Keo xịt tóc tẩy vết mực

Ý tưởng sử dụng keo xịt tóc để tẩy vết mực trên quần áo xuất phát từ những năm 1950. Lúc bấy giờ, sản phẩm xịt tóc còn chứa rất nhiều cồn nên có thể dễ dàng tẩy đi vết bẩn mà không phát sinh quá nhiều chi phí.

Tuy nhiên, công thức hiện đại của keo xịt tóc đã cắt giảm tối đa lượng cồn, khiến các sản phẩm này có thể vấy bẩn thay vì tẩy sạch quần áo của bạn. Nếu muốn xóa nét mực trên áo, hãy thấm cồn lên miếng bông sạch và nhẹ nhàng lau đi vết bẩn.

trực tiếp lau sạch vết bẩn

Khi áo bị vấy bẩn, phản ứng đầu tiên của bạn có thể là dùng khăn ướt lau trực tiếp lên bề mặt vải bị vấy bẩn. Tuy nhiên, hành động này sẽ gây phản tác dụng và chất bẩn sẽ bám sâu vào vải hơn.

Thay vào đó, hãy lộn trái áo và bắt đầu lau từ mặt bên trong. Bằng cách này, chất bẩn sẽ được đẩy ra khỏi bề mặt vải chứ không bám sâu hơn. Nếu có đủ thời gian và dụng cụ, hãy trải một tấm khăn khô, sạch bên dưới chiếc áo để tránh chất bẩn lan ra những khu vực lân cận.

khử khuẩn và làm sạch vết cà phê trên áo trắng

(Ảnh: milliyetemlak)

NHIỆT ĐỘ SẤY CAO KHIẾN QUẦN ÁO “teo nhỏ”

Tương tự với bàn là, nhiệt độ cao của máy sấy sẽ khiến quần áo giãn ra thay vì co lại như suy nghĩ thông thường. Có nhiều lý do khác khiến quần áo bỗng “thu nhỏ” như chất liệu vải, độ ẩm dư thừa, chất hóa học sử dụng trong tẩy rửa…

Để có thể làm sạch quần áo hiệu quả và tránh bị thay đổi kích cỡ ngoài ý muốn, hãy đọc và hiểu rõ các ký hiệu giặt ủi được nhà sản xuất ghi chú.

dry cleaning (giặt khô) hoàn toàn “khô”

Tên gọi “dry cleaning” khiến nhiều người hiểu lầm bản chất của giặt khô. Tuy quá trình giặt khô không sử dụng nước nhưng lại có sự hiện diện của nhiều chất lỏng khác.

Đối với phương pháp giặt khô truyền thống, perchloroethylene và một số dung môi khác sẽ được thêm vào trong chu trình giặt. Thậm chí những hiệu giặt thân thiện với môi trường cũng sử dụng dung dịch silicone và carbon dioxide lỏng để làm sạch quần áo.

Trước khi đến với tiệm giặt khô, hãy tham khảo các ký hiệu giặt ủi trên quần áo cũng như quy trình hoạt động của cửa hiệu để đảm bảo bạn không bị kích ứng với chất hóa học nào, cũng như bảo vệ và làm sạch quần áo tốt hơn.

quần áo tại cửa tiệm giặt ủi

(Ảnh: Unsplash)

Nhóm thực hiện

Bài viết: Bảo Châu

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: The Spruce, love2laundry

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more