Bạn là ai trong 7 kiểu người thường gặp khi đi mua sắm?

Đăng ngày:

Bạn sẽ dành hàng giờ trên các ứng dụng mua sắm, tìm kiếm mã giảm giá hay là kiểu người “đánh nhanh rút gọn”?

Hiểu rõ bản thân là dạng người nào khi mua sắm sẽ giúp bạn đưa ra quyết định mua hàng đúng đắn hơn, tránh trường hợp “vung tay quá trán”. Nếu như bạn là người bán, hiểu rõ các đối tượng khách hàng sẽ giúp bạn tiếp cận họ hiệu quả hơn và tiết kiệm nguồn lực cho quảng cáo.

người mua sắm “bồng bột”

Nhóm người này thường xuyên mua sắm theo cảm tính và là “thiên tài” biện minh cho món hàng mình vừa mua. Họ luôn có lý do để đặt thêm một đôi giày vào tủ giày đồ sộ, một màu mới vào cùng BST dòng túi xách đã có…

Người mua “bồng bột” thường đưa ra quyết định rất nhanh chóng. Có lẽ ban đầu họ đến cửa hàng chỉ để mua một đôi tất nhưng cuối cùng lại trở về với vô số túi mua sắm trong mọi kích cỡ. Không cần ai giới thiệu và có thói quen mua hàng tùy hứng, bạn không dễ từ chối trước những lời giới thiệu “ngọt ngào” của người bán.

cô gái đeo kính râm tay cầm nhiều túi mua sắm

(Ảnh: Pexels)

“nhà nghiên cứu” sản phẩm

Ngược lại, người bán gặp nhiều khó khăn khi giới thiệu sản phẩm cho những khách hàng đã tìm hiểu sản phẩm từ trước. Những “nhà nghiên cứu” này sẽ dành thời gian xem xét giá cá, chất liệu, mẫu mã của mặt hàng họ muốn mua, dù đó là bình nước thủy tinh hay máy tính xách tay. Mọi thông tin từ các blog, diễn đàn, trang đánh giá đều đã được họ nắm chắc trong tay.

Kiểu người này biết rõ họ muốn gì và đã tìm thấy mức giá hợp lý nhất cho sản phẩm mình muốn mua. Tự tin vào hiểu biết của bản thân, chắc chắn không nhân viên bán hàng nào có thể qua mắt mình, đây là kiểu người có khả năng buộc người bán giảm giá cho mình với những lý lẽ vô cùng chắc chắn.

“Thợ săn” khuyến mãi

Sẵn sàng trong tay những mã giảm giá, phiếu mua hàng và thẻ tích điểm, kiểu người này còn có thể được tìm thấy trong khu vực hàng khuyến mãi hay những buổi xả kho nhộn nhịp. Họ là những người sẽ truy lùng tất cả phiếu giảm giá để có một món hàng hời nhất có thể. Bạn bè và gia đình luôn trầm trồ trước “tài năng” này của họ.

Những người “thợ săn” này sẽ rất hào hứng khi có thể chốt được mức giá thấp hơn bình thường, ngay cả cho những món đồ họ chẳng bao giờ có ý định mua. Phương châm của họ có thể là: Miễn là có ưu đãi, mua gì cũng không quan trọng.

giá treo quần áo giảm 50%

(Ảnh: Pexels)

Nhà đàm phán

Ngoài “thợ săn” khuyến mãi, một kiểu người mua sắm thường xuyên được giảm giá đó là những “nhà đàm phán”. Không cần biết giá cả như thế nào, họ luôn cố gắng thương thuyết để chốt được mức giá thấp hơn. Họ không nhất thiết phải mua hàng với giá ưu đãi, chỉ là họ muốn tận hưởng quá trình thương lượng và thắng thế.

Đây có thể là kiểu người được người bán dè chừng nhất. Những nhà đàm phán thường thuộc nằm lòng tất cả các lựa chọn giá cả tại mọi cửa hàng lân cận để có thể “giành chiến thắng” trước nhân viên bán hàng và có được mức giá hời nhất.

Người “lượn lờ”

Kiểu người này thường bước vào cửa hàng mà không có ý định mua sắm cụ thể, chỉ đơn giản là họ thích đi mua sắm thôi. Ngoài ra, họ rất dễ bị thuyết phục bởi thiết kế bao bì bắt mắt và những tiện ích trước mắt.

Người “lượn lờ” biết cách tận hưởng trải nghiệm mua sắm, dù tại cửa hàng thực tế hay online. Mua sắm là thú vui vủa họ và họ dành nhiều thời gian cũng như tiền bạc cho hoạt động này. Nếu như người phụ nữ trung bình dành khoảng 190 giờ mỗi năm để mua sắm quần áo, con số của những “kẻ lượn lờ” sẽ cao hơn đáng kể.

sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán khi mua sắm trên mạng online

(Ảnh: Pexels)

Người mua sắm Trung thành

Ví dụ điển hình cho kiểu người này là những khách hàng “cắm trại” qua đêm để mua sản phẩm sẽ được ra mắt vào sáng hôm sau. Họ không nhất thiết phải mua đồ mới, nhưng họ cảm thấy việc mua sắm để thể hiện lòng trung thành với thương hiệu là cần thiết.

Người trung thành sở hữu một BST khổng lồ tất cả các sản phẩm từ thương hiệu mà họ yêu thích, và sẽ khó lòng ngó ngàng đến bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào, mặc cho thiết kế của đối thủ có ưu việt hay đẹp mắt hơn.

Ngoài thương hiệu, cũng có những người sẽ chỉ mua sắm ở một cửa hàng nhất định vì họ tin tưởng vào nhà phân phối. Họ hoạt động tích cực trong các chương trình thành viên, nhận mọi thư thông báo và cập nhật tình hình sản phẩm tại cửa hàng được mình ưu ái.

Người mua sắm thực tế

Người mua sắm thực tế biết rõ mình cần mua gì và không dành thời gian quanh quẩn trong cửa hàng. Họ đã chuẩn bị mọi thứ tại nhà: tìm hiểu không gian cửa hàng, giờ vắng khách nhất, lộ trình đi nhanh nhất… để tiết kiệm tối đa thời gian mà vẫn có được món hàng như ý.

Ngược lại hoàn toàn với kiểu người “bồng bột”, người thực tế có giới hạn ngân sách rõ ràng, nắm chắc sản phẩm mình cần mua và địa chỉ cửa hàng mình cần đến. Họ không dễ xiêu lòng trước những mặt hàng lộng lẫy và bắt mắt.

cô gái tóc dài cầm túi mua sắm thực phẩm wholefoods

(Ảnh: Pexels)

Nhóm thực hiện

Bài viết: Bảo Châu

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Lavareviews, Forbes

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more