[ELLE Voice] Gen Z nói gì khi nói về công việc trong mơ?

Đăng ngày:

Thế hệ Z với một thời đại nhiều biến đổi và bối cảnh sống đặc thù sẽ “rối bời” như thế nào khi nói về công việc mơ ước?

Thùy Anh (23 tuổi)

23 năm sống trên đời, tôi chưa bao giờ trả lời được câu hỏi “Nghề nghiệp mơ ước của em là gì?”. Tôi nhớ như in vào năm lớp 12, mình và bạn học đã phải lên Google tìm danh sách những nghề “hot” nhất lúc bấy giờ để… khai khống vào phiếu khảo sát nguyện vọng đại học. Nôm na là đến ước mơ của mình cũng nhờ Google trả lời cho! Chúng tôi khi đó đều như vậy: Không đam mê, không mơ ước. Dù ngoài mặt thường cười giễu, tôi đã thầm dằn vặt, thầm khóc rất nhiều vì sự rỗng tuếch và vô định của bản thân. Khái niệm “công việc mơ ước” với tôi khi ấy thực sự là một gánh nặng, một nỗi buồn.

Nhưng rồi tôi nhận ra ước mơ cũng không phải thứ quan trọng lắm sau lần đầu thực tập toàn thời gian ở vị trí Content Writer cho một công ty bán lẻ. Đó là một công việc văn phòng lặng lẽ, không hào nhoáng cũng không có gì thú vị, nhưng tôi vẫn vui. Mỗi ngày đi làm là một ngày hài lòng, khoan khoái. Vui vì  được thấy mình có ích, có giá trị. Vui vì nhận ra năng lực của mình vẫn có “đất dụng võ” chứ không bị phủ nhận hoàn toàn khi không có ước mơ. A, hóa ra mình không vô dụng.

công việc trong mơ và thực tế

Từ đó, tôi trở về trường và tiếp tục học ngành Báo chí bằng tất cả sự nghiêm túc, chân thành và kính trọng. Tôi gạt bỏ mọi băn khoăn đúng – sai về ngành học, về nghề nghiệp tương lai và chỉ tập trung vào hiện thực trước mắt: học. Học để nắm vững kiến thức và kỹ năng của nghề. Khi không có công việc mình muốn làm, tôi chọn những công việc mình có thể làm – để thấy mình hữu ích, thấy mình là một sự tồn tại có ý nghĩa.

Giờ đây, dù đã đi làm, tôi vẫn không có câu trả lời khi được hỏi về nghề mà mình mơ ước. Công việc nào cũng được, miễn là mình còn sống có ích cho bản thân, gia đình và cuộc đời. Tôi chấp nhận mình chỉ là một hạt cát vô danh, nhưng phải là một hạt cát sống vui và tử tế.

Bảo Tâm (22 tuổi)

Nếu có ai đó hỏi tôi: “Công việc nào là tốt nhất?”, tôi sẽ trả lời rằng: “Công việc tốt nhất là công việc mà khi làm, mình cảm thấy hạnh phúc nhất”. Với tôi, việc sáng tạo nội dung thông qua viết lách là công việc trong mơ, bởi nó mang lại cho tôi niềm vui và niềm cảm hứng bất tận.

Tôi cảm thấy tự hào và may mắn khi được trải nghiệm vị trí thực tập sinh Digital Content Writer ở một tạp chí. Tại đây, dưới sự chỉ dẫn tận tình của các anh chị đi trước, tôi đã được học hỏi và tích lũy nhiều kinh nghiệm bổ ích cho hành trang sự nghiệp của mình. Trải nghiệm thực tập này cho tôi cơ hội đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Từ hào hứng, phấn khích vì được “chơi đùa” với con chữ mỗi ngày cho đến cảm giác áp lực, bối rối khi rơi vào trạng thái “cạn” ý tưởng, hay cảm giác thất vọng khi bài viết của mình chưa nhận được phản hồi tốt. Tuy vậy, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc vì tin rằng bản thân đã tạo ra những bài viết tích cực, bổ ích cho bạn đọc.

công việc trong mơ của gen z

Tình yêu viết lách luôn là “ngọn đèn” dẫn lối tôi theo đuổi con đường này. Thế nhưng, yêu thôi là chưa đủ, tôi nhận ra rằng để phát triển sự nghiệp, mình còn cần thêm trách nhiệm, sự cam kết và mong muốn tạo ra giá trị. Để sản xuất những bài viết chất lượng, tôi cần phải “làm đầy” thế giới tâm hồn, đồng thời mở mang tri thức, tầm nhìn của bản thân. Trước đây, tôi vẫn hình dung những công việc liên quan đến nghệ thuật, sáng tạo thường mang tính nhất thời và chỉ phụ thuộc vào cảm hứng. Tuy vậy, không thể “chờ đợi” cảm hứng xuất hiện mà cần phải tự tạo ra cảm hứng thông qua việc học, đọc, quan sát và lắng nghe. Nếu cảm hứng là chất xúc tác cho sự sáng tạo thì tôi nghĩ rằng sự rèn luyện, kỷ luật tự giác chính là nền tảng để tôi phát triển và gắn bó với con đường viết lách sau này.

Tường Vi (21 tuổi)

Đối với tôi, công việc mơ ước suy cho cùng chính là phương tiện đạt được cuộc sống hằng mong. Sáng mở mắt được làm điều mình thích, tối về nhà được thư thái xem phim. Nhưng cuộc sống vốn không hề đơn giản và bản thân con người thì rất phức tạp. Có quá nhiều thứ thú vị trên đời này và tôi thì luôn muốn được trải nghiệm hết từng ấy thứ.

Khi bước chân vào năm nhất, tôi đã chọn ứng tuyển vào vị trí marketing của một câu lạc bộ trong trường đại học. Những thứ mới mẻ lúc nào cũng đầy cảm hứng, thế nên thời gian đầu, tôi luôn phấn đấu trở thành thành viên ưu tú của ban. Nhưng thời gian càng trôi qua, tôi càng cảm thấy năng lượng của bản thân cạn kiệt và mất niềm tin về bản thân. Tôi cảm thấy chán nản và lần đầu tiên thấy mình mất định hướng khi ở tuổi 18.

công việc và những điều gen z suy nghĩ

Trước giờ tôi vẫn cho rằng làm gì cũng được, chẳng phải mục đích sau cùng cũng chỉ là đảm bảo nhu cầu của cuộc sống hay sao? Thế nên, đây là cơ hội để tôi chiêm nghiệm và nhìn rõ bản thân mình hơn. Một công việc tốt với thu nhập ổn định không hẳn sẽ khiến mình hạnh phúc và thỏa mãn. Đối với tôi, không có định nghĩa cụ thể nào về công việc trong mơ, chỉ cần công việc đó khiến mình hứng thú và phù hợp với tính cách của bản thân. Tôi tin rằng từng trải nghiệm mình tích lũy được trong tuổi trẻ này đều sẽ là những kinh nghiệp quý giá giúp tôi có đủ hành trang và chuẩn bị tâm thế vững vàng với đời.

Diễm Ái 24 tuổi

Tôi vừa hoàn thành chương trình đại học sau sáu năm, trong đó, có hai năm lang thang tìm kiếm mình ở ngành học khác ngoài Văn hóa học. Thuở nhỏ, khi phiêu lưu cùng các trò chơi, tôi muốn trở thành nhà bác học với kiến thức uyên bác. Bẵng đi một thời gian, hướng dẫn viên du lịch lại là nghề tôi nghĩ mình sẽ đeo đuổi khi vào đại học nhưng cuối cùng lại thôi bởi ý định chớp nhoáng lúc làm hồ sơ. Nào là thông dịch viên, nhà diễn thuyết, phóng viên… tôi tiếp tục thay đổi sở thích theo năm tháng. May thay, ba mẹ cho tôi tự do làm chủ và chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Vậy nên, dù hơi lòng vòng nhưng tôi đã kịp chiêm nghiệm vài bài học để dần bắt đầu tiến vào công việc mơ ước.

Với bản tính thực tế, tôi luôn thấy lãng phí nếu phải làm những điều không có giá trị với bản thân. Vì vậy, tôi quyết định học hỏi một cách chính thức vị trí công việc mình ấp ủ – nghề đưa tin bằng con chữ. Việc không được đào tạo bài bản đã được minh chứng qua những lỗ hổng cơ bản khi tôi bắt tay vào thực hiện những bài viết đầu tiên. Sự say mê vẫn còn đó nhưng dường như không còn chút tự tin nào sót lại khi tự tôi đối mặt với những khiếm khuyết của chính mình.

công việc và định hướng tương lai

Dần dần thích nghi và điều chỉnh góc tiếp cận, tôi từ chỉ biết viết nên những gì mình muốn thành biết đắn đo hơn để truyền đi điều độc giả cần. Dù không mấy dễ dàng để thay đổi nhưng tôi học được cách tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm, cách điều chỉnh cái “tôi” cá nhân cho phù hợp với cái “ta” phổ quát.

“Đừng chỉ nghĩ mà hãy bắt tay vào hành động”, đại khái, là lời nhắn nhủ của người hướng dẫn trao cho khi tôi kết thúc quãng thời gian thực tập đầy ý nghĩa. Tôi hẳn rồi, đã học được nhiều thứ, nhưng vẫn chưa đủ sức lấp đầy tính tò mò vốn có. Thế nên, tôi lại đang thử sức ở một lĩnh vực liên quan sau khi tự mày mò qua sách vở. Với tôi, có thể tự nuôi sống và khiến bản thân duy trì sự háo hức mỗi khi thực hiện là một công việc mơ ước. Nhưng công việc ấy sẽ không trọn vẹn nếu thiếu vắng môi trường cùng đồng nghiệp mang đến sự hứng khởi tương tự.

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more