OCD là gì và liệu bạn có đang mắc phải chứng bệnh này?

Đăng ngày:

Bạn đã bao giờ mắc chứng Rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay đang phải chịu đựng sự giày vò của nó mỗi ngày? Trên thực tế, căn bệnh này ảnh hướng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào và làm thế nào để vượt qua nó? Cùng ELLE tìm hiểu nhé

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế viết tắt là OCD (Obsessive–compulsive disorder), đây là một chứng rối loạn tâm thần. Theo đó, một người sẽ có xu hướng lặp đi lặp lại các thói quen (được gọi là cưỡng chế) và suy đi nghĩ lại một vấn đề (được gọi là ám ảnh), bởi vì không thể kiểm soát được hành động và suy nghĩ của mình trong một thời gian.

rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Ảnh: ADDitude

Đặc điểm của OCD

Nhắc đến Rối loạn ám ành cưỡng chế, có hai đặc điểm mà bạn cầu lưu tâm đó là:

  1. Những suy nghĩ và thôi thúc không thực tế, lặp đi lặp lại, khiến một người rơi vào trạng thái lo lắng và căng thẳng. Đây là phần ám ảnh (obsessive) trong OCD.
  2. Cố gắng dập tắt những lo lắng và thôi thúc này bằng một số suy nghĩ hoặc hành vi cụ thể. Đây là phần cưỡng chế (compulsive) trong OCD.

Một số dấu hiệu dễ nhận thấy của chứng OCD là bạn rửa tay quá nhiều lần trong ngày, thường xuyên sắp xếp lại đồ vật khi mọi thứ vẫn ngăn nắp, hay kiểm tra xem đã khóa cửa nhà chưa, đếm đi đếm lại các lỗ, hình, màu sắc… Theo thời gian, những điều này dường như trở thành một nghi thức không thể thiếu của bất kỳ ai mắc chứng bệnh này.

ám ảnh cưỡng chế sắp xếp đồ vật

Ảnh: Unsplash

Các kiểu và ảnh hưởng của mỗi loại rối ám ảnh loạn cưỡng chế

1. Sạch sẽ

Bạn thường xuyên rửa tay và giặt giũ dù bản thân và mọi thứ xung quanh đều rất sạch sẽ. Bạn cũng rất dễ nảy sinh cảm giác là bất cứ thứ gì cũng đều mang theo vi khuẩn và mình sẽ bị ốm hoặc lây nhiễm nếu chạm vào nó. Từ đó, bạn sẽ phát sinh các hành động cưỡng chế như lẩn tránh những nơi hoặc đồ vật khiến nỗi sợ này xuất hiện, thường xuyên rửa tay, làm sạch bề mặt, khử trùng đồ vật.

ám ảnh cưỡng chế sạch sẽ

Ảnh: Unsplash

2. Kiểm tra

Đối với người mắc chứng OCD, bất kỳ lỗi lầm nào cũng có thể gây ra những hậu quả to lớn, chẳng hạn như rời khỏi nhà và quên khóa bình ga thì sẽ gây ra hỏa hoạn. Bạn sẽ luôn suy nghĩ rằng: “Mình đã kiểm tra khóa cửa trước chưa? Mình đã tắt điều hòa? Hay là quên cất máy ủi đâu đó? Chắc chắn là mình làm rồi, à không, có thể mình đã làm. Nhưng lỡ mình nhớ nhầm thì sao? Thôi quay lại kiểm tra cho chắc”. Những câu hỏi này không ngừng lặp lại trong đầu, tạo ra những cơn lo lắng không nguôi và chỉ có việc kiểm tra lần nữa mới có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm. 

3. Lặp lại

Khi bạn mắc chứng OCD theo kiểu lặp đi lặp lại, bạn sẽ tin rằng mọi việc cần được thực hiện một cách hoàn hảo và không có trường hợp nào là ngoại lệ. Nếu trình tự quét nhà của bạn là từ phòng khách rồi mới đến nhà bếp, bạn sẽ không bao giờ đảo ngược quá trình này. Mọi thứ phải được lặp lại theo đúng thứ tự, nếu không, bạn sẽ có cảm giác bất an. Khi có bất cứ yếu tố nào xen ngang khiến cho quy trình của bạn bị thay đổi, bạn sẽ cố gắng đưa nó trở về đùng với khuôn mẫu càng sớm càng tốt. 

ám ảnh cưỡng chế lặp đi lặp lại

Ảnh: Unsplash

4. Tích trữ

Trên thực tế, bạn không thể nào từ chối những món đồ vô giá trị và luôn cố gắng tích trữ những thứ như giấy gói, hộp cũ, quần áo không mặc nữa, những lon nước rỗng mà bạn nghĩ rằng mình sẽ tái chế nó vào một thời điểm nào đó… Bạn sợ rằng sau khi mình vứt bỏ nó thì vào lúc cần thiết sẽ không tìm thấy nữa cũng như những giá trị tình cảm mà những đồ vật này mang lại. Về lâu dài, khi đồ vật tích trữ ngày càng nhiều, bạn sẽ cảm thấy ngôi nhà mình ở rất lộn xộn và dễ nảy sinh cảm giác bất lực, tự trách bản thân.

5. Ám ảnh

Khác với các hành vi cưỡng chế khác, ám ảnh ở người bị OCD thường không có biểu hiện rõ ràng. Bạn thường xuyên lo lắng khi có nhiều luồng suy nghĩ xuất hiện trong đầu. Khi đọc phải bản tin tồi tệ, bạn sẽ cảm thấy bất an rằng những điều tương tự có thể xảy đến với mình. Những câu hỏi tiêu cực không ngừng giày vò tâm trí khiến họ dễ suy sụp và tràn ngập tội lỗi. Để xua tan sự ám ảnh này, bạn sẽ liên tục cầu nguyện, làm bản thân xao nhãng và tìm kiếm sự an ủi từ người thân. 

đọc tin tức nỗi sợ OCD

Ảnh: Unsplash

7 bước đối phó với chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Thực tế, căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế phức tạp hơn chúng ta tưởng và cũng cần rất nhiều thời gian, công sức để có thể chữa khỏi. Tuy nhiên, trước khi tìm đến một liệu pháp cụ thể, bạn có thể tham khảo 7 bước vượt qua nỗi sợ OCD dưới đây:

1. Viết ra 10 nỗi sợ hãi khiến bạn bị mắc kẹt trong chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế: Đó có thể là những nỗi sợ hãi về tinh thần, vật chất hoặc thiếu an toàn… Càng viết ra chi tiết, bạn càng hiểu rõ được điều mình đang sợ hãi là gì.

2. Đối với mỗi nỗi sợ hãi, hãy viết ra những loại cưỡng chế về tinh thần hoặc thể chất mà bạn sử dụng để chế ngự nỗi lo. Chẳng hạn, bạn ám ảnh về sự hoàn hảo trong mỗi công việc, cho nên, bạn luôn đặt ra yêu cầu quá cao cho mình và người khác.

liệt kê các nỗi sợ OCD

Ảnh: Unsplash

3. Xếp hạng từ cao đến thấp mức độ sẵn sàng đối mặt với các nỗi sợ của bạn. Nếu bạn cảm thấy nỗi ám ảnh về việc tích trữ đồ dễ giải quyết nhất, hãy xếp hạng thứ 10.

4. Tiếp đó, hãy viết ra quá trình suy nghĩ của bạn và theo dõi tiến triển của việc bạn đã đối mặt với nỗi sợ hãi nhỏ nhất như thế nào, kể từ thời điểm nó mới xuất hiện trong tâm trí bạn cho đến lúc bạn vượt qua.

5. Đối với mỗi giải pháp giả định bạn đưa ra trong quá trình trên, hãy xem xét từng lựa chọn và quyết tâm thực hiện giải pháp khả thi nhất.

vượt qua rối loạn ám ảnh cưỡng chế

Ảnh: Unsplash

6. Bây giờ đã đến lúc xem xét các bước cụ thể bạn cần thực hiện để vượt qua nỗi sợ hãi. Hãy chia nhỏ quy trình thành ba, bốn, hoặc thậm chí nhiều bước nhỏ hơn.

7. Bước cuối cùng là hãy tiếp tục và lặp lại quá trình này đối với các nỗi sợ hãi còn lại trong danh sách. Bạn sẽ thấy rằng bắt đầu đối mặt với những nỗi sợ hãi nhỏ này giúp bạn dễ dàng đối mặt với những nỗi sợ hãi lớn hơn.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Vi Tường

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: The Minds Journal

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more