Blue Beauty – Làn sóng mỹ phẩm từ đại dương xanh thẳm

Đăng ngày:

Những sản phẩm làm đẹp đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, ảnh hưởng của chúng lên Trái đất lại chưa chắc đã đẹp. Càng ngày càng có nhiều làn sóng về mỹ phẩm xanh, sạch và blue beauty là xu hướng làm đẹp “xanh” được chú ý nhất hiện nay.

Blue beauty là gì?

Nếu như “green beauty” – làn sóng mỹ phẩm xanh hướng tới việc sử dụng nhiều nguyên liệu thiên nhiên và thân thiện với môi trường thì “blue beauty” hướng đến một vấn đề nhức nhối chưa có lối thoát, đó là rác thải của ngành công nghiệp mỹ phẩm.

Làn sóng blue beauty đã xuất hiện từ vài năm nay nhưng chỉ thực sự gây được chú ý từ đầu năm 2020. Dẫn đầu xu hướng blue beauty là Jeannie Jarnot, người sáng lập Beauty Heroes, một nền tảng thúc đẩy các thương hiệu, cộng đồng làm đẹp có hành động tích cực đến việc bảo vệ đại dương xanh và Trái đất thân yêu của chúng ta.

mỹ phẩm nền tảng Beauty Heroes

Jeannie Jarnot

mỹ phẩm blue beauty

Các vùng biển và đại dương ô nhiễm tới mức nào?

Một trong những trở ngại lớn nhất mà blue beauty muốn giải quyết chính là rác thải. Paula Chin, chuyên gia về vật liệu bền vững tại WWF cho biết: Trên thế giới mỗi năm có hơn 120 tỷ bao bì mỹ phẩm được sản xuất và hầu hết trong số đó không thể tái chế được.

Phải mất 500 tới 1.000 năm trôi dạt trên các bãi biển, những loại rác này mới được phân hủy. Chúng sẽ vỡ dần ra thành từng mảnh nhỏ và sau đó phân hủy thành những mảnh vi nhựa không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Những mảnh vi nhựa này sẽ len lỏi trong nguồn nước, trong các sinh vật biển và rồi sẽ quay ngược lại với con người, thậm chí có khả năng “tạm trú” lại trong cơ thể con người một cách thầm lặng mà chúng ta không hề hay biết.

mỹ phẩm giảm thiểu rác thải đại dương

Bên cạnh việc gây hại cho sức khỏe của con người, lượng rác thải từ nhựa còn đang phá hoại hệ sinh thái biển, đẩy nhiều loại sinh vật biển đến bờ vực tuyệt chủng.

Hình ảnh chú cá ngựa cuốn mình vào chiếc bông ngoáy tai được chụp bởi Justin Hoffman hay chú cua ẩn sĩ dùng chiếc nắp nhựa làm “nhà” bên bờ biển Okinawa nổi tiếng xanh, sạch đẹp của Nhật đã gióng lên hồi chuông về ô nhiễm đại dương ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm có 600.000 chú cua ẩn sĩ ra đi vì bị kẹt trong những chai lọ nhựa trôi dạt trên các bãi biển. Cua ẩn sĩ là một phần quan trọng của hệ sinh thái biển vì chúng là nguồn thức ăn cho rất nhiều sinh vật biển. Thêm vào đó, theo một nghiên cứu tại hòn đảo Lord Howe ở phía Đông nước Úc, 80-90% số chim biển có ít nhất một miếng nhựa trong dạ dày của chúng.

mỹ phẩm bảo vệ đại dương

Nếu tra cụm từ “Cocos Islands”, bạn sẽ thấy những hòn đảo nhiệt đới nằm giữa đại dương xanh và bờ cát trắng không khác gì Maldives. Tuy nhiên, nếu chỉ thêm một từ “trash” (rác thải) vào bên cạnh “Cocos Islands” trong ô tìm kiếm, bạn sẽ choáng váng với sự thật phũ phàng với một bờ biển chỉ toàn rác. Bạn có thể thấy đầy rẫy vỏ chai dầu gội, sữa dưỡng thể và cả bàn chải đánh răng nữa. Theo dự tính, có khoảng gần 400 ngàn bàn chải đánh răng nằm rải rác trên bờ biển của Cocos Islands.

Giảm thiểu bao bì nhựa

Bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất trong làn sóng mỹ phẩm xanh dương chính là giảm thiểu tối đa rác thải nhựa. Trên thế giới, làn sóng này đã được rất nhiều hãng mỹ phẩm cũng như các tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Cuối năm 2018, hơn 290 tổ chức đã ký cam kết The New Plastics Economy Global Commitment, dẫn đầu bởi tổ chức Ellen MacArthur Foundation hứa hẹn cắt giảm 20% tổng lượng bao bì nhựa được sản xuất trên toàn cầu. Những cái tên lớn trong ngành mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân đã ký vào cam kết này bao gồm L’Oréal, Unilever, Colgate-Palmolive, Johnson and Johnson.

Vừa qua, innisfree, nhãn hàng mỹ phẩm đến từ Hàn Quốc vốn gắn liền với những cam kết bảo vệ môi trường đã cho ra mắt phiên bản Green Tea Seed Serum trong vỏ giấy vụn tổng hợp, phần chai bên trong giảm 51,8% nhựa so với thiết kế có cùng dung tích.

mỹ phẩm trong hộp giấy hỗn hợp

Green Tea Seed Serum đựng trong chai làm bằng giấy hỗn hợp của innisfree.

Hãng mỹ phẩm thiên nhiên Aveda nổi tiếng với những sản phẩm tuyệt vời cho tóc sử dụng tới gần 100% nguyên liệu tái chế cho bao bì của mình. Thêm vào đó, hãng cũng ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất.

Rất ít người biết chai lọ nước hoa rất khó tái chế do kết cấu khép kín. Chai nước hoa tuy làm bằng thủy tinh nhưng ống nhựa và lò xo kim loại bên trong khiến hầu hết chúng không được tái chế. Thêm vào đó, sự cầu kỳ trong thiết kế chai được cho là góp phần vào ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Nhãn hiệu nước hoa Floral Street ưu tiên sử dụng hộp giấy có thể phân hủy 100% và nhựa từ mía. Nhựa từ mía rút ngắn được khả năng phân hủy xuống dưới 1/10 lần so với nhựa nguyên thủy làm từ dầu hỏa. Từ đó giảm thiểu được tác động đến môi trường.

mỹ phẩm với bao bì tái chế

Aveda sử dụng gần như 100% nguyên liệu tái chế cho bao bì.

Kem chống nắng thân thiện với san hô

Khi Hawaii trở thành bang đầu tiên tại Mỹ ra lệnh cấm kem chống nắng với thành phần gây hại cho san hô vào năm 2018, chúng ta mới hiểu một thứ tưởng chừng như có lợi nhưng lại hại vô cùng. Những rạn san hô tuy chỉ chiếm 0,1% đại dương nhưng lại hỗ trợ cho 25% các loại sinh vật biển. Hiện nay, một nửa lượng san hô nước cạn đã hoàn toàn biến mất.

Mỗi năm có khoảng 6.000 tới 14.000 tấn kem chống nắng tan chảy vào đại dương từ những người đi bơi và thợ lặn. Khoảng 10% số lượng san hô trên Trái đất đang gặp nguy hiểm vì bị tẩy trắng (bleaching) do các hóa chất trong kem chống nắng. San hô cực kỳ nhạy cảm, chỉ cần lượng rất nhỏ tương đương 1 giọt của 1 trong 4 chất sau hòa tan trong diện tích tương đương với 1 bể bơi tiêu chuẩn Olympic là đủ để diệt và tẩy trắng san hô. Bốn chất hóa học trong kem chống nắng gây hại cho san hô chính là: Oxybenzone, Octinoxate, Butylparaben và 4-methylbenzylidene camphor (4MBC).

mỹ phẩm kem chống nắng không có hại cho san hô

Các loại kem chống nắng không chứa 4 thành phần có hại cho san hô.

Từ khi người tiêu dùng quốc tế nhận thấy được sự nguy hiểm của những chất chống nắng hóa học với các rạn san hô, các hãng mỹ phẩm lớn lần lượt cho ra đời kem chống nắng vật lý không chỉ an toàn với san hô mà thực ra còn an toàn hơn rất nhiều cho con người. Ren Clean Screen Mineral SPF30 với 23% zinc oxide; Supergoop! Zincscreen 100% Mineral Lotion với 13% zinc oxide; và First Aid Beauty Weightless Liquid Mineral SPF 30 với 16.8% zinc oxide là 3 sản phẩm kem chống nắng vật lý với thành phần chủ đạo là zinc oxide an toàn cho da, có độ chống nắng cao (cả UVA và UVB) và cũng an toàn cho sinh vật biển. Trong đó cả Supergoop! Zincscreen 100% Mineral Lotion và First Aid Beauty Weightless Liquid Mineral SPF 30 có tông màu sáng nhẹ khắc phục tối đa nhược điểm dễ gây trắng của kem chống nắng vật lý thông thường. Nếu da bạn thiên dầu và e ngại kem chống nắng vật lý, hãy phủ nhẹ thêm lớp phấn bột.

Chiến dịch dọn sạch bãi biển

Bên cạnh việc cắt giảm rác thải và nhựa sử dụng trong mỹ phẩm, nhiều thương hiệu còn ủng hộ những tổ chức làm sạch bờ biển như Ocean Conservancy. Từ năm 1986, Ocean Conservancy và những tình nguyện viên của họ đã thu thập hơn 136 ngàn tấn rác thải từ các bãi biển khắp nơi trên thế giới. Vào ngày 21/9/2019, hãng mỹ phẩm Garnier đã phối hợp với Ocean Conservancy trong ngày “Dọn dẹp bờ biển quốc tế” và thu gom được hơn 6 tấn rác từ các bờ biển và nguồn nước khắp nơi trên thế giới. Năm 2019, Garnier đã tạo nên công thức cho các sản phẩm về tóc đạt tới 91% độ phân hủy sinh học. Đây là một điều đáng mừng vì rất nhiều nguyên liệu sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da và tóc không phân hủy được và thậm chí còn có hại cho các sinh vật biển.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thảo

Ảnh: Tư liệu, ELLE Việt Nam

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more