[ELLE Voice] Ngô Đình Bảo Châu: Sự đa dạng cũng là một phong cách cá nhân

Đăng ngày:

Bảo Châu là nghệ sĩ thị giác sinh ra tại Đồng Tháp, bởi nghệ thuật mà gắn bó nhiều hơn với Huế và Sài Gòn. Châu say mê khám phá nhiều chất liệu khác nhau, biểu đạt tác phẩm qua nhiều hình thức như tranh vẽ, điêu khắc và sắp đặt. Những chất liệu Châu sử dụng để sáng tác đa dạng, phong phú và gần gũi với thế giới quan của cô, giúp cô truyền đạt tầng lớp ý niệm và ngôn ngữ phức tạp của chính mình.

Vẫn luôn là một họa sĩ độc lập, vì sao gần đây Châu lại chuyển hướng làm việc với nhiều chất liệu, cùng nhiều nghệ sĩ khác?

Thật ra, làm việc với nhiều chất liệu là một cách để nhìn nhận tác phẩm của tôi từ xưa đến nay. Nó không hẳn là sự bộc phát, mà đã nhen nhóm từ thời sinh viên, tôi cũng từng có vài tác phẩm triển lãm về điêu khắc khi còn học về sơn mài. Sự chuyển hướng này đến một cách tự nhiên, có thể do chất liệu đó đáp ứng được ý niệm của tác phẩm mà mình muốn. Bản thân tôi cho rằng, nghệ sĩ không nên bó buộc mình vào giới hạn nào, mà có thể sử dụng bất kỳ chất liệu nào để biểu đạt ý tưởng của mình.

nghệ sĩ Bảo Châu đa dạng phong cách

Triển lãm cá nhân “Trông thật khác, nhìn thực giống” của Ngô Đình Bảo Châu hiện đang diễn ra tại Galerie Quynh. Triển lãm mường tượng như một không gian, nơi cái kín và cái mở, cái riêng và cái chung, cái tôi và cái tập thể đan xen nhau, phụ thuộc lẫn nhau.

Có khó khăn nào trong quá trình kết hợp với các nghệ sĩ khác?

Có thể nói Trông thật khác, nhìn thực giống là triển lãm đầu tiên được thực hiện với ý tưởng và quy mô như thế này. Nó cũng được xem như là triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi. Kết hợp chung với nhiều nghệ sĩ khác nằm trong ý tưởng ngay từ ban đầu của chuỗi tác phẩm, mang ý nghĩa “mình với người khác, mình với một tập thể khác”. Mô hình của triển lãm được bố trí như một ngôi nhà có phòng khách, phòng thờ, phòng ngủ, nhà bếp, trông như một sự bài trí nội thất của một ngôi nhà thông thường, nhưng mở rộng hơn. Nó mang tính chất cộng đồng, hay đúng hơn là một đất nước, có sự phân công lao động rõ ràng.

Trong triển lãm này, tôi may mắn làm việc với nhiều nghệ sĩ đồng thời là bạn nên cũng dễ cảm thông với nhau. Tôi học hỏi thêm được rất nhiều từ các kỹ thuật chuyên môn của họ, mặc dù cũng gặp đôi chút thất bại về chất liệu. Chẳng hạn như tác phẩm Ngôi sao sa, ban đầu ý tưởng của tôi là sử dụng gốm, dùng kỹ thuật khảm các mảnh vỡ sành sứ để mô phỏng những con mắt trên bức tượng tôn giáo. Tuy nhiên, ý tưởng này không thực hiện được. Với nghệ sĩ, làm việc bằng nhiều chất liệu bản thân vốn không am hiểu mà phải nhờ đến chuyên môn của người khác cũng là một thách thức. Bởi nhiều khi nghĩ trong đầu thì lung linh, nhưng thực tế lại là chuyện khác. Nhưng trong quá trình sáng tác, thất bại là một lẽ thường. Nó buộc ta phải thay đổi và chấp nhận.

nghệ sĩ thị giác tác phẩm bằng thép và gỗ sơn

Tác phẩm “Khuất” bằng thép và gỗ sơn mài chạm trổ.

Mỗi nghệ sĩ đều có một phong cách riêng trong nghệ thuật để tạo dấu ấn của mình. Vậy phong cách cá nhân của Châu là gì?

Bản thân tôi rất ngưỡng mộ những bạn đã có thể định hình phong cách cá nhân từ sớm. Còn tôi có lẽ là một người tham lam, thích rất nhiều nhưng lại không thật sự gắn bó hẳn với một thứ gì. Tôi mê tìm tòi và trải nghiệm những thứ khác lạ. Mỗi chất liệu lại khai mở cho tôi một thế giới mới mẻ và kỳ thú mà đến khi khám phá ra, niềm vui lại nhân lên.

Hồi ấy, đôi khi tôi thấy buồn vì tự bản thân không có phong cách cá nhân, như kiểu tôi vẫn chưa tìm ra chính mình vậy. Sau này, tôi bắt đầu say mê hơn với những thử nghiệm mới và nghĩ rằng, không có phong cách cá nhân cũng được xem là một phong cách cá nhân chăng?

nghệ sĩ Bảo Châu trong căn bếp bằng giấy

Bảo Châu trong căn bếp dựng bằng giấy bìa.

Trong suốt quá trình làm nghệ thuật từ năm 2010 đến nay, đã có khi nào Châu gặp phải vấn đề bế tắc, gián đoạn trong sáng tác?

Nếu nói về gián đoạn trong mạch sáng tác thì chưa, nhưng vào thời điểm sinh con thì có. Làm mẹ là một công việc vất vả và chiếm rất nhiều thời gian nhưng tôi may mắn được chồng và gia đình chồng hỗ trợ hết mình để tôi chuyên tâm sáng tác. Phải nói rằng, mỗi giai đoạn con người lại thay đổi cả về tư duy và cách làm nghệ thuật. Tôi cũng vậy. Khi đã là mẹ rồi, suy nghĩ đưa vào tác phẩm bằng một cách nào đó đã chín và trọn vẹn hơn.

Từng đi lưu trú sáng tác ở New York và Bắc Kinh, sau đó hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam, Châu có thấy sự chênh lệch hay khác biệt nào giữa tư tưởng nghệ thuật của nghệ sĩ phương Đông và phương Tây?

Đây là một câu hỏi lớn. Có lẽ tôi chưa đủ khả năng để trả lời. Nó phụ thuộc nhiều vào những yếu tố khác nhau như hoàn cảnh, môi trường chính trị, tôn giáo, giáo dục, xã hội… Tuy nhiên, mỗi kỳ lưu trú lại mang đến cho tôi những kỷ niệm đáng nhớ, những bài học lớn mà cho đến mãi sau này tôi không thể nào quên.

nghệ sĩ thị giác và tác phẩm Trong mộng tưởng

Tác phẩm “Những mộng tưởng” trong gian “phòng ngủ”.

Nhiều người cho rằng, nghệ thuật Việt Nam ngày càng mang tính thương mại, nghệ sĩ phải theo thị hiếu số đông nên cái chất riêng lại khó giữ được. Châu nghĩ sao?

Tôi đồ rằng đó là sự lựa chọn của mỗi người, miễn sao họ có thể sống với nghề, làm nghề và đủ sức theo đuổi đam mê của mình. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào sự cung cầu của thị trường. Thực tế, không phải nghệ sĩ nào cũng có đầy đủ điều kiện vật chất để thỏa sức vùng vẫy. Họ cũng có gánh nặng về tài chính, gia đình, phải làm những nghề tay trái. Tất cả nghệ sĩ bất kể bằng cách nào để sống với nghề cũng đều đáng trân trọng.

Là nghệ sĩ, Châu muốn định hướng khán giả tư duy về tác phẩm theo ý tưởng của mình hay để họ tự do suy nghĩ theo cách của họ?

Nghệ sĩ luôn muốn được tự do sáng tạo, thì tại sao lại gò bó khán giả rập khuôn theo mình được. Tôi thích sự đa dạng và theo hướng gợi mở để khán giả thoải mái phát triển ý niệm của họ trên từng tác phẩm. Đôi khi, những suy nghĩ của họ dù là phản biện cũng khai mở cho tôi những ý tưởng mới mà mình chưa từng nghĩ đến khi sáng tác. Tôi hứng thú với những suy nghĩ trái chiều bởi cuộc sống luôn tồn tại những nghịch lý, phải không?

nghệ sĩ thị giác gian phòng khách

Mô hình gian phòng khách với tác phẩm ghế bê tông “Sao cũng được” và giấy dán tường “Sĩ số 40”.

Bản thân Châu có nhận thấy khoảng cách lớn giữa các thế hệ nghệ sĩ ở Việt Nam không?

Dù có khoảng 10 năm làm nghề, nhưng trong giới nghệ thuật, tôi vẫn được xem là một nghệ sĩ trẻ (cười). Theo tôi, nghệ thuật là một điều kỳ diệu, không có khoảng cách, không có giới hạn. Nghệ sĩ là những người luôn muốn bứt phá để vượt qua mọi rào cản. Các bạn nghệ sĩ trẻ bây giờ được tiếp cận với công nghệ tiên tiến, internet nhanh chóng, vì vậy tác phẩm của các bạn cũng mang hướng hiện đại, gần gũi với thời đại các bạn đang sống. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những tác phẩm theo phong cách hàn lâm trường tồn với thời gian. Chung quy, mỗi tác phẩm làm ra đều là cống hiến cho nghệ thuật và những người thưởng thức nó.

Vậy còn khoảng cách giữa nghệ thuật thế giới và Việt Nam?

Theo nhận định của tôi, khoảng cách này khó mà rút ngắn ngay được, đó là do môi trường giáo dục nghệ thuật từ trong nhà trường vẫn không thay đổi từ bao đời nay. Các cá nhân đủ điều kiện ra nước ngoài học hỏi có nhưng không nhiều. Quan trọng là hệ thống giáo dục trong nước nên thay đổi, cấp tiến để thu hút nhiều bạn trẻ theo học ngành Mỹ thuật hơn.

Nhóm thực hiện

Bài: Q. Hương

Ảnh: Galerie Quynh, Chương Phạm

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more