Tương lai nào dành cho sàn diễn thời trang?

Đăng ngày:

Ngày trật tự lập lại vẫn còn vô định nhưng những sàn diễn thời trang đang dần học cách thích nghi với khó khăn. Nhiều thương hiệu lớn đã chọn giải pháp mang đến buổi trình diễn gần chuẩn chính thống nhất có thể.

Những sàn diễn thời trang truyền thống

Cứ đều đặn 6 tháng, tuần lễ thời trang cho mùa mới lại diễn ra ở các kinh đô của làng mốt. Cần nhấn mạnh rằng thời trang là một ngành kinh doanh và Tuần lễ thời trang là một phần của thương vụ khổng lồ đó. Bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, xuất bản và quảng cáo, Tuần lễ thời trang cũng đóng một phần doanh thu lớn cho các tập đoàn, công ty (nếu không tính đến ngành công nghiệp du lịch và vận tải khi có hàng trăm nghìn người di chuyển cùng một lúc từ kinh đô thời trang này đến thánh địa mốt kia). Mỗi show diễn ở New York Fashion Week trung bình sẽ tiêu tốn từ 125.000 – 312.000 USD (theo chia sẻ từ NTK Christian Siriano) cho công tác thuê mướn, sản xuất và nhân sự. Những thương hiệu lớn hơn như Ralph Lauren, Tommy Hilfiger có thể tốn gấp 3 – 5 lần tùy vào quy mô buổi diễn. Chúng ta hãy thử nhân lên con số NTK và thương hiệu giới thiệu BST trong một Tuần lễ thời trang để thấy số tiền khổng lồ mà Tuần lễ thời trang tiêu tốn.

Trong thời đại của mạng xã hội và những người có tầm ảnh hưởng trên mạng (KOL), công tác marketing cũng bắt buộc phải trở nên thức thời hơn. Các ngôi sao hay người nổi tiếng của mỗi thị trường lại có dịp tề tựu đông đảo về các thành phố lớn để tham dự các buổi trình diễn nhằm quảng bá, đánh bóng thương hiệu tại thị trường nội địa thông qua những kênh mạng xã hội của riêng họ. Tuần lễ thời trang đã từng là những bữa tiệc đông vui theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng.

thời trang tương lai thời đại covid

Những tuần lễ thời trang ảm đạm thời Covid

Dịch bệnh đã tạo ra những bức tường chắn vô hình giữa người và người, quốc gia và quốc gia khiến ngành công nghiệp thời trang lao đao. Theo thống kê của WWD, trong quý một năm ngoái, một danh sách dài các thương hiệu, sự kiện tầm cỡ đã phải gánh chịu những tổn thất chưa từng có. Nặng thì phá sản, nhẹ thì doanh số sụt giảm, trễ lương, cắt việc. Trong các Tuần lễ thời trang, không chỉ có các nhà mốt lúng túng, do dự trước quyết định tổ chức hay hủy show bắt đầu từ tháng 5/2020 mà những biên tập viên, khách hàng, buyers hay influencers cũng mang một cảm giác bất an chung.

Nhưng ngành thời trang vẫn phải tiếp diễn, tuần lễ thời trang vẫn diễn ra, những BST vẫn được giới thiệu với nhiều cách thức ứng phó khác nhau. Thay vì trình diễn trực tiếp trên sàn diễn có khán giả, một số thương hiệu tung ra những bộ lookbook đẹp như ảnh tạp chí, đi kèm là những đoạn phim ngắn theo hướng kể chuyện. Công nghệ lúc này trở thành cứu cánh đắc lực khi các thương hiệu áp dụng những phát minh mới như AR, VR cho các buổi trình diễn thời trang.

Một số thương hiệu vẫn chọn cách trình diễn truyền thống nhưng đảm bảo khoảng cách an toàn cho khách mời (Dolce & Gabbana, Jacquemus) hay ghi hình một show diễn không người xem (Giorgio Armani, Prada). Balenciaga chọn cách trình làng BST mới thông qua một trò chơi điện tử. Hiển nhiên những biện pháp đối phó trên vẫn không thể làm thỏa mãn những tâm hồn yêu thời trang và ưa dịch chuyển.

thời trang phát triển bền vững

Tương lai của sàn diễn thời trang

Ngày trật tự lập lại vẫn còn vô định nhưng ngành thời trang đang dần học cách thích nghi với khó khăn. Nhiều thương hiệu lớn đã chọn giải pháp mang đến buổi trình diễn gần chuẩn chính thống nhất có thể. Đó là khi người mẫu khoác lên mình những thiết kế mới và sải chân trên sàn catwalk, còn người xem có thể dựa vào tình huống để tham dự hay không. Tại sàn diễn Haute Couture mới nhất của Chanel, không khí quen thuộc ở Grand Palais được sống lại nhưng khách mời chỉ gồm những gương mặt đại diện của hãng. Không những thế, Chanel cũng công bố BST Cruise 2022 sẽ được tổ chức tại miền Nam nước Pháp vào tháng 5 tới. Với Giorgio Armani, để an toàn hơn nữa, ông vẫn tiếp tục chọn mô hình show không người xem mà chính ông là người tiên phong tại Milan Fashion Week hồi đầu năm ngoái khi dịch bệnh bắt đầu tại đây.

Lookbook không chỉ là lựa chọn tối ưu của những thương hiệu trẻ độc lập cần tiết kiệm chi phí mà còn với cả những thương hiệu hàng đầu. Dior tiếp tục làm lookbook đi kèm phim ngắn thời trang cho BST Haute Couture Xuân – Hè 2021. Tách khỏi lịch diễn chung của Fashion Week, Saint Laurent “chơi trội” bằng video ghi lại buổi trình diễn không người xem tại một sa mạc bí ẩn bên cạnh lookbook được tung ra cách đó không lâu. Hãng thời trang ứng dụng Sunnei của Ý tiếp tục với lookbook 3D công nghệ cao mang tên “Canvas” cho mùa Thu – Đông 2021 bao gồm 3.000 lựa chọn có cả đồ cho thú cưng để buyers tự do sáng tạo đơn hàng cho riêng mình. Đặc biệt, BST lần này được làm theo ý tưởng video trò chơi nhằm mang lại trải nghiệm mới đầy hứng khởi cho buyers.

thời trang áp dụng công nghệ hiện đại

Tại Việt Nam, nhờ công tác phòng chống dịch tốt, các hoạt động của ngành thời trang vẫn được diễn ra, từ những sự kiện, tiệc tùng ở quy mô boutique cho đến Tuần lễ thời trang tập trung đông đảo người xem. Trong một năm mà đa số đều không thể du lịch nước ngoài, những sự kiện thời trang trong nước lại càng quan trọng và được chú ý nhiều hơn bao giờ hết. Điều đó cho thấy những buổi trình diễn truyền thống vẫn luôn cần thiết.

Chúng ta vẫn cần những Tuần lễ thời trang để người xem có thể sống trong không khí thời trang, được tận mắt nhìn ngắm những thiết kế, người mẫu thật gần. Nhưng thời trang buộc phải tiến hóa. Những nỗ lực thay đổi để đối phó với tình thế cũng có thể trở thành giải pháp cho hướng đi bền vững trong tương lai. Rất có thể trong tương lai hậu bệnh dịch, tuần lễ thời trang sẽ trở lại và lợi hại hơn xưa cùng sự đa dạng về phương thức giới thiệu các BST. Nếu tất cả các lựa chọn đều có ưu điểm, tội gì phải loại bớt?

NTK Adrian Anh Tuấn

Năm 2020 NTK Adrian Anh Tuấn vẫn giới thiệu BST mới trên sàn diễn thời trang. BST Đào của anh ra mắt tại một resort bên non thiêng Yên Tử với không gian rộng lớn. Bằng tất cả trải nghiệm và quan sát cá nhân, NTK bày tỏ niềm tin vững chắc vào chỗ đứng khó có thể thay thế của cách thức trình diễn thời trang truyền thống.

“Theo quan điểm cá nhân của tôi, cái gì không hư thì không nên sửa, sàn diễn thời trang truyền thống cũng vậy. Không chỉ để giới thiệu BST mới, sàn diễn còn là nơi NTK gửi gắm những tinh hoa của họ. Sàn diễn cũng là nơi bắt đầu ước mơ được sở hữu của khách hàng yêu thời trang. Như chúng ta đã trải nghiệm bao năm qua, giới thời trang xem buổi trình diễn là điểm hẹn được hội tụ, gặp gỡ, nên với tôi làm show sẽ vẫn là cách thức quan trọng để giới thiệu BST của mình. Nếu không có đại dịch xảy ra, tôi nghĩ tất cả các NTK cũng sẽ vẫn chọn cách truyền thống này (ít nhất là trong thập kỷ tới), chẳng qua là họ đang không thể mà thôi.

thời trang buổi triềnh diễn của ntk Adrian Anh Tuấn

BST Đào của NTK Adrian Anh Tuấn được trình diễn tại danh thắng Yên Tử vào tháng 12/2020.

Tuy nhiên vì tình hình Covid-19 còn phức tạp và nguy hiểm, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng. Chúng ta dần coi cuộc sống bị giãn cách, bị giới hạn như một sự “bình thường mới”, phải tìm cách khác để tồn tại và phát triển. Bản thân tôi cũng vậy, năm 2021 có khá nhiều dự định nhưng cũng luôn sẵn sàng một phương án dự phòng cho trường hợp xấu hơn có thể xảy ra”.

NTK Lâm Gia Khang

Trước tình hình bệnh dịch phức tạp, năm 2020, Gia Studios của NTK Lâm Gia Khang là thương hiệu đầu tiên giới thiệu BST Xuân – Hè 2021 trên các nền tảng trực tuyến của thương hiệu. Bên cạnh đó, NTK đã khai trương cửa hàng “trong mơ” đầu tiên tại Hà Nội… Covid-19 dường như trở thành một cuộc chơi mà ở đó Lâm Gia Khang đã có phần thưởng lớn.

thời trang buổi triềnh diễn của ntk Gia Khang

BST Xuân – Hè 2021 của Gia Studios được giới thiệu dưới dạng video phát trên các nền tảng trực tuyến.

“Khang chắc rằng Cov id-19 là yếu tố kích hoạt bắt buộc chúng ta phải thay đổi cách làm thời trang. Với dịch bệnh toàn cầu, các hoạt động ngoại tuyến (offline) của thời trang, từ tuần lễ thời trang với các sàn diễn hoành tráng, tới các sự kiện quảng bá mang tầm quốc tế, hay các sự kiện thương mại đều bị ảnh hưởng, dẫn đến trở ngại trong việc kinh doanh của tất cả các thương hiệu. Thay vào đó, các hoạt động trực tuyến (online) lại trở nên năng động và đa dạng hơn. Từ việc sử dụng các công nghệ hiện đại, đến việc tạo ra các nền tảng mới để giao tiếp với khách hàng toàn cầu. Cov id-19 chính là một bài kiểm tra, thách thức ngành công nghiệp thời trang chuyển đổi từ những quy cách truyền thống, qua những giải pháp hiện đại để hướng đến tương lai, và đây sẽ là sự “bình thường mới”. Đối với Khang, sáng tạo cần có sự nỗ lực vượt qua khuôn khổ và “thời đại Cov id-19″ là thời điểm mà mọi người đã và đang cùng nhau thay đổi tư duy, mang lại những trải nghiệm mới, giúp ngành thời trang thêm bền vững. Khang chắc rằng, thế giới sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa về khả năng sáng tạo và thích nghi của ngành công nghiệp sáng tạo này”.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Phái đẹp ELLE 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more