[ELLE Voice] Thử thách Gen Z cho các nhà quản lý

Đăng ngày:

Người nhân viên trẻ thuộc thế hệ gen Z có tính tự lập cao, ham học nhưng hiệu quả công việc còn phụ thuộc vào người đưa ra định hướng đúng đắn cho họ.

Gen Z được cho là những người có khả năng học hỏi nhanh, xoay chuyển tình thế liên tục và luôn tiên phong trong cách làm việc tự do. Đây là nhóm có độ tuổi rất trẻ, sắp hoặc vừa mới tham gia lực lượng lao động nhưng lập tức đã trở thành mối quan tâm lớn của hầu hết mọi lĩnh vực. Sự tham gia của Gen Z trong một doanh nghiệp đem đến sự đa dạng, nhưng ngược lại cũng trở thành một thách thức với các nhà quản lý. Làm thế nào để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hòa nhập với những công dân thế hệ mới này tại nơi làm việc? Làm cách nào để các nhà lãnh đạo phát huy tiềm năng của Gen Z một cách tốt nhất?

Để hiểu được kiểu quản lý nào phù hợp nhất với Gen Z, các nhà lãnh đạo cần hiểu những người trẻ này là ai. Thế giới của họ là một thế giới không chắc chắn bởi nguy cơ chiến tranh, khủng bố, suy thoái kinh tế, khủng hoảng dịch bệnh và một thế giới bị chia rẽ. Tuy nhiên, Gen Z cũng là một lớp trẻ tự nhận mình là người sáng tạo, cởi mở và dễ tiếp thu những ý tưởng mới.

nhân viên thế hệ gen z

Ảnh: Unsplash

Kỳ vọng của gen Z

Chị Trương Lý Hoàng Phi – CEO của một doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp – chia sẻ để có thể dẫn dắt và định hướng Gen Z, từ khóa quan trọng nhất đó là “đồng cảm”. Hiểu được Gen Z, nắm bắt được những điều mà họ mong đợi là chìa khóa vượt qua rào cản thế hệ để công việc đạt được hiệu quả tốt nhất.

Cần biết rằng, Gen Z là những đứa trẻ có thể sử dụng điện thoại thông minh trước khi biết đi. Sự hiện diện của internet là một thực tế hiển nhiên trong thế giới của họ. Họ mong đợi và yêu cầu thông tin luôn có sẵn hoặc có quyền truy cập tức thì để tìm kiếm thông tin mà mình cần. Họ có thể trở nên mất kiên nhẫn khi câu trả lời không được đưa ra kịp thời. Đây chính là một lợi thế ở nơi làm việc giúp thúc đẩy động lực ở các nhân viên khác hoạt động năng nổ hơn.

Mặt khác, Gen Z luôn tập trung và có định hướng, đặc biệt, họ muốn ổn định về tài chính. Khác với thế hệ Millennials có thể phải mất thời gian dài để xác định mục tiêu cuộc đời, Gen Z khá chắc chắn về hình ảnh một “công việc mơ ước” và không ngừng tìm kiếm nó. Theo Fortune, 32% người được hỏi thuộc Gen Z có mục tiêu làm công việc như kỳ vọng của họ trong vòng 10 năm kể từ khi bắt đầu sự nghiệp. Họ không ngây thơ đến mức nghĩ rằng tìm việc sẽ dễ dàng và họ nhận ra thị trường việc làm cạnh tranh vô cùng gắt gao. Với mục tiêu chung là một công việc mơ ước, họ sẽ có xu hướng tập trung nhiều vào các cơ hội phát triển hơn là mức lương ban đầu. Và tất nhiên, họ muốn những người quản lý đặc biệt quan tâm đến việc giúp họ đạt được mục tiêu cá nhân và sự nghiệp.

nhân viên thế hệ trẻ

Ảnh: Unsplash

Bên cạnh đó, Gen Z luôn tìm kiếm sự thay đổi và định hướng để đổi mới. Đối mặt với những thách thức quốc gia và toàn cầu đáng lo ngại, họ đang gióng lên một hồi chuông lớn: thay đổi những vấn đề xã hội với tư cách công dân. Trong một nghiên cứu gần đây, gần 2/3 số người (65%) nói rằng họ muốn “tạo ra sự khác biệt cho một mục tiêu mà họ quan tâm” và 60% người muốn “tự mình tạo ra thứ gì đó thật sự sáng tạo”. Thật vậy, không còn là việc chỉ nhận được tiền lương, Gen Z khao khát mục tiêu và lý tưởng lớn ở nơi làm việc hoặc cảm giác rằng họ đang có tác động lớn hơn đến thế giới, ngay cả khi họ đang làm công cho người khác. Vì vậy, nhà quản lý cần cân nhắc đưa mục đích và ý thức về sứ mệnh vào công việc hằng ngày nếu không muốn những nhân viên nhiệt huyết này bỏ rơi mình. Hãy thể hiện tiềm năng đổi mới trong tổ chức của bạn và tận dụng sự nhạy bén về kỹ thuật số của Gen Z bằng cách cho họ tham gia vào các nỗ lực đổi mới hoặc nâng cao kỹ năng. 

Làm việc cùng gen Z

Gen Z là những nhân viên trẻ có đòi hỏi cao nhưng tiềm năng phát triển thành nhân viên xuất sắc của họ thậm chí còn cao hơn. Các đặc tính chính mà họ đang tìm kiếm ở ban lãnh đạo là sự trung thực và chăm chỉ, và đổi lại nhà quản lý cũng sẽ nhận được những điều tương tự. Họ khao khát được trò chuyện và đối thoại. Họ muốn có trách nhiệm và sẽ tìm đến người lãnh đạo tín nhiệm để được hướng dẫn. Và đây là những lời khuyên cơ bản dành cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang có nhân viên Gen Z trong đội ngũ của mình:

Tổ chức các nhóm nhỏ với sự quản lý năng động. Gen Z hoạt động tốt trong các nhóm nhỏ với các mục tiêu cao. Một nhà lãnh đạo với chuỗi chỉ đạo công việc rõ ràng và dứt khoát sẽ giúp phát huy những điều tốt nhất ở họ.

Giúp họ thích nghi với những công việc ban đầu. Nhiều Gen Z thường xuyên nhảy việc do họ luôn cố gắng tìm kiếm những gì phù hợp với họ. Họ có xu hướng né tránh những nơi có các quy tắc bất thành văn phức tạp hay các hoạt động bè phái ngầm nơi công sở và cũng không ngại để bắt đầu lại từ con số 0 trong khoảng 10 năm đầu. Hãy lắng nghe những kỳ vọng của họ trong công việc và những khó khăn họ đang trải qua để xác định cách hỗ trợ và giúp họ cảm thấy bản thân được đánh giá cao, giống như họ là một phần quan trọng của dự án. Hãy nói rõ về cách doanh nghiệp đang hoạt động, và đâu là cơ hội tốt nhất để phát triển.

Hãy chứng minh giá trị của bạn với tư cách là nhà quản lý. Thứ bậc, vai trò, chức danh trong công ty không đủ để thu hút những người tuổi 20. Khi còn nhỏ, cha mẹ của các Gen Z đã đầu tư vào họ như thể mỗi người có một sứ mệnh duy nhất trên thế giới. Do vậy, những người quản lý nên sẵn sàng đóng vai trò là người cố vấn và tìm ra động lực thúc đẩy mỗi cá nhân – tiếp đến kết nối động lực đó với giá trị của chính người quản lý và doanh nghiệp. Một khi những người trẻ này được truyền cảm hứng, họ sẽ làm việc cực kỳ chăm chỉ để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra.

nhân viên trẻ tuổi tiềm năng

Ảnh: Unsplash

Tìm cách trao quyền cho họ với tư cách cá nhân. Gen Z đã quen với việc tự do hoạt động theo sở thích của riêng mình. Bạn sẽ “được” nhiều hơn nếu tạo điều kiện để họ có thể sở hữu những gì họ làm và cách họ quyết định làm điều đó. Tạo cho họ điều kiện hướng tới như cơ hội thể hiện cá nhân và thay đổi thế giới. Điều này sẽ giúp họ cảm thấy rằng việc đầu tư vào những phần công việc mà họ có thể không quan tâm lại chính là điều đáng để đầu tư.

Sức khỏe tinh thần là mối quan tâm hàng đầu. Đáng lo ngại hơn là sức khỏe tinh thần đứng  thứ ba  trong số những lo lắng hàng đầu của Gen Z, trước cả ngoại hình, điểm số hay việc vào đại học. Vì vậy, doanh nghiệp và nhà quản lý cần lưu tâm tạo môi trường văn hóa, hỗ trợ và làm việc theo nhóm để giảm căng thẳng và đặc biệt là có chính sách về sức khỏe tinh thần như khám sức khỏe định kỳ, du lịch cùng nhau…

Đem đến cơ hội thăng tiến. Những nhân viên này sẽ phát triển mạnh khi có cơ hội, điều này có thể dẫn đến việc thay đổi công việc thường xuyên. Để giữ chân nhân viên Gen Z, hãy cho họ biết vị trí mơ ước của họ trong công ty của bạn có thể đạt được ở đâu, khi nào và như thế nào. Tạo cho họ một mục tiêu để phấn đấu và hướng dẫn họ đến thành công.

nhân viên gen z khát khao điều gì

Ảnh: Unsplash

Gen Z là những người tò mò vô độ nhưng cũng có nghĩa là họ đang lắng nghe. Các nhà lãnh đạo nên cảm thấy lạc quan về lực lượng lao động đầy năng lượng này trong tương lai. Gen Z sẽ chấp nhận sự thay đổi và có thể xử lý một lượng lớn thông tin.  Họ không ngại làm việc và họ thấy không cần phải phân biệt giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Bên cạnh đó, Gen Z là những người tháo vát và sáng tạo, bất cứ lúc nào cũng có thể đưa ra những ý tưởng khá độc đáo. Các nhà lãnh đạo cần lắng nghe ý kiến đóng góp của Gen Z và cân nhắc sử dụng các đề xuất của họ khi tìm giải pháp trong công việc.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, đã đến lúc các CEO cần thay đổi cách nhìn nhận về thế hệ trẻ, không chỉ vì sự phát triển của công ty mà còn vì khả năng cạnh tranh với quy mô toàn cầu.

Nhóm thực hiện

Bài: Hương Tôn 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more