[Review sách hay] Chóng Mặt: Những synapse đứt gãy

Đăng ngày:

Với cuốn sách tuy mỏng nhưng lại chứa đựng những xung đột nội tại, W. G. Sebald đã cho người đọc thấy cái rỗng không rất con người và của con người. Chúng bất biến, giữ nguyên và thường trở đi trở lại cùng ký ức.

Trong cuốn tiểu thuyết Bieguni – Những người không ngừng chuyển động, nữ văn sĩ Olga Tokarczuk đã đưa ra một mệnh đề về những cách vận hành của thời gian. Theo bà, những tộc người định cư chuyên làm nông nghiệp yêu thích thú vui của thời gian quay vòng, trong khi dân du mục và thương gia lại thực dụng hơn với thời gian tuyến tính. Cho đến nay, việc quyết định xem quả thực thời gian đi theo hướng nào vẫn còn bỏ ngỏ. Và trong một nỗ lực tự giải mã bản thân khác, nhà văn người Anh W. G. Sebald lại bổ sung một cách diễn dịch mới trong cuốn sách Austerlitz – Một cái tên, ông cho rằng “Nó [Thời gian] gạt bỏ sự tuần hoàn tuyến tính, không hề tiến đến về phía trước mà lại đi theo đường dích dắc […] tiến hóa theo những cách khó lường”.

sách hay của nhà văn sebald

Nhà văn W. G. Sebald. Ảnh: The New York Times/Jillian Edelstein

Và cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên Chóng mặt dường như là đại diện tiêu biểu nhất cho mô hình vận hành này. Với cuốn sách tuy mỏng nhưng lại chứa đựng những xung đột nội tại, W. G. Sebald đã cho người đọc thấy cái rỗng không rất con người và của con người. Chúng bất biến, giữ nguyên và thường trở đi trở lại cùng ký ức. Chúng bất định nhưng siêu thực và chuyển dời; chúng ở đó nhưng đồng thời lại nhân bản xuất hiện ở nhiều dòng thời gian khác nhau. Chúng ở trọ trong quãng đời hiện thực nhưng lại sẵn sàng để thực dụng mang vào từng khoảnh khắc nhỏ nhất, nhảy cóc, ngắt quãng và rồi trồi sụt trong não trạng vốn bất định của con người, khi tìm về ký ức, sống trong nỗi đau của cơn đọa đày hay nỗi cô độc không thể lý giải.

Vẫn trung thành với một thành phố hồn rỗng vốn là điểm đặc trưng nhất của ông, Chóng mặt là cuốn sách nền móng cho sự cô độc vốn trở đi trở lại trong di sản của Sebald. Từ những nhà ga hay chuyến tàu đi xuyên hành trình châu Âu ở Vienna, Venice, Verona, Riva, Bavaria cho đến ngôi nhà ấu thời trong ký ức bất định của mình, Sebald xoay ngược bánh xe thời gian để đồng hành cùng các văn hào Stendhal, Kafka, Cassanova hay Tiepolo. Ông minh chứng cho chiếc lồng rỗng không của thời gian, ông xác quyết một niềm bất định về tính xác thực của ký ức. Ông vẩn vơ trong cơn điên loạn, mất trí nhớ hay những xung động của các synapse ngăn cản quá trình chuyển giao thông tin của những tế bào thần kinh. Thêm một lần nữa, động cơ nào của những con người ảm đạm khiến họ sống, tồn tại và tìm về những gì đã mất?

Có thể nói Chóng mặt là cuốn sách mang nhiều dấu ấn đặc trưng nhất của Sebald, giúp phân biệt ông với những tác gia khác khi cùng tìm về cánh cửa của ký ức đương thời. Nếu ta thấy sự giống nhau một mặt nào đó giữa Patrick Modiano và Sebald trong cuốn sách Austerlitz, thì với Chóng mặt, đó là một Sebald thử nghiệm, dấn thân và độc nhất trên con đường độc đạo của riêng mình. Trong cuốn sách này, bằng những ghi chép và dòng suy nghĩ lẩn quẩn hết thu hẹp rồi lại mở rộng ra không ngừng, Sebald đã xóa nhòa ranh giới của mọi thể loại: từ hiện thực đến phi hiện thực, từ tác phẩm văn chương đến một kiểu hồi ký tự truyện, từ giả tưởng đến phi giả tưởng… Bằng cách kể chuyện phi phàm và đầy thấu hiểu, những con người vốn bị chôn vùi nơi xứ mù sương nay thoát xác với ánh sáng soi rọi, thêm lần nữa tồn tại và chứng minh mình.

Bằng cách di chuyển dích dắc những dòng thời gian từ trận chiến Stendhal tham gia đến cõi lòng mục rữa của một tình yêu không được hồi đáp, từ Cassanova và nạn nhân của nền công lý đầu tiên đến một Franz Kafka được tái hiện trong những phác thảo sơ lược của truyện ngắn Thợ săn Gracchus và trên gác xép của quãng thời gian chữa bệnh bằng nước khoáng ở Riva hay những ký ức của nhân vật giấu tên (phải là Sebald không?) trong ngôi làng nhỏ ở vùng Bavaria; Sebald đã nhào trộn và trong cái bất định của những phương tiện truyền tải, ông cho thấy sự trống rỗng, nỗi cô độc và sự buồn thương đầy hiện sinh dâng lên trong từng áng văn câu chữ. Khác xa Austerlitz đầy những hiện thực tìm về lằn ranh của sự xác tín hay bất xác tín, Chóng mặt là một cõi mơ hồ của những phi lý một lần trỗi dậy, để sóng ký ức đưa lên, cuốn xa, và mất mát mãi mãi.

review sách hay Chóng mặt

Ảnh: Unsplash

Với sự bất định của dòng thời gian, cách Sebald gắn kết câu chuyện cũng đầy siêu thực với những chuyển dời của không gian nhiều chiều. Đó có thể là giấc mơ trong chuyến bộ hành tưởng như mộng du cùng nhà thơ điên Ernst Herbeck hay những chi tiết trở đi trở lại của một mê cung điên đảo chực chờ bật gốc, trong những vở opera hát đoạn arias từ xa xưa của Stendhal cho đến nhà hát mới ở Cairo sắp bị thiêu cháy. Đó cũng có thể là con chó giống Newfoundland hiền lành nhưng bị giam hãm chực chờ nổi điên và con vật theo sát người đàn ông không tên gần lâu đài Castelvecchio nơi quán ăn nhỏ mà ông ám ảnh, khi mà chỉ một chớp mắt đã gần 7 năm trôi qua của khúc cua thời gian đứt đoạn.

Sebald với những điểm chuẩn như thế gắn kết hành trình của 4 nhân vật với nhau. Ông xóa mờ ranh giới tiểu sử của Stendhal với những chi tiết trùng lặp về hồ Garda của Kafka sau này khi đi chữa bệnh. Ông cải biên tác phẩm của chính Kafka với câu chuyện về người đàn ông vô danh khi chứng kiến những tội ác dần dần xuất hiện, biến chuyển và cũng siêu thực về cái chết của thợ săn Gracchus. Sebald, với cuốn sách này, đã làm mờ lằn ranh của những thể loại, mà trong thời đại ngày nay, cái người ta cần lại một lần nữa là những tác phẩm không-định-hình như thế.

Thế nhưng rõ ràng như đúng tính chất của một thể loại không-định-hình, khi kết cấu của chúng ngày càng xoay chuyển, thì nội dung chính, những điều khó nói hay cũng bất định, lại hiện lên rõ ràng và thật nổi bật. Trong Chóng mặt, ta dễ dàng thấy ẩn sâu từng sự liên kết đầy tính ẩn ý là những động cơ của sự dẫn dụ lê bước khắp mọi con phố, của sự trở về trong những ký ức đã quên từ lâu, của sự khuyên răn đừng tin ký ức, của những tội ác mà các băng đảng Organizzazione Luwig gây ra được liệt kê ra thành hàng thật dài, như cách Bolaño viết hơn trăm trang 2666 chỉ toàn tội ác nằm trên sa mạc. Trong cuốn sách này, khác với Austerlitz, mọi vấn đề nhân sinh đau khổ đều được Sebald khắc họa, rõ ràng, nổi bật trong cơn chán chường và đầy ảm đạm của người đàn ông mỏi mệt.

Chẳng hạn trong một khoảnh khắc, ông khuyên ta đừng mua những bản in khắc vì sẽ đến lúc nó thay thế hoàn toàn ký ức, dẫn đến tình trạng hủy diệt ký ức. Ông cũng cho rằng, “thật khó mà đẩy người ta đến chỗ điên loạn, nhưng muốn cho họ mất cân bằng tâm trí thì lại chẳng khó gì mấy. Tất cả chỉ cần một chuyển dịch nhỏ, và sẽ không còn gì giống như trước”. Ở đó, trong những dòng văn tưởng chừng bóp méo và đầy tạp âm, một hiện thực khác về xã hội loài người, “với những người ở quầy thu ngân với vẻ miệt thị như muốn sỉ nhục […] trông giống một đoàn sinh vật bậc cao hơn đang ngồi phán xét, theo các luật lệ của một thể chế xa lạ nào đó, về thói tham lam đặc trưng của một giống loài đồi bại” cũng được hiện ra trong cái đối lập với thiên nhiên của cây cối, chim bồ câu, người làm vườn hòa nhã và những hiệu ứng sống động như tranh của Pisanello.

Với cuốn sách Chóng mặt, những gì là đặc trưng nhất của Sebald đã một lần xuất hiện, chuyển hóa và còn lại mãi. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết này, những đứt gãy, hóa thân, chuyển dời và siêu thực liên tục xuất hiện trong đường hầm của mất trí, tâm thần, mơ tưởng hay mộng du. Ở đó, từ nhà hát opera ở Cairo cho đến một nhà nghỉ ở Verona, từ luân lý tình yêu tách rời thể xác của Stendhal cho đến Thợ săn Gracchus của Kafka,”từ trần nhà lơ lửng bay xuống một nhân vật xa lạ. Thần chết đang đến nơi. Ta thấy bầu trời sụp đổ hay trong một màn mưa bụi vôi vữa, từ từ hiện hình trong ánh sáng lờ mờ. Một bóng người bay xuống trong đôi cánh lớn trắng ngà […] một thiên thần đích thực”. Không gì xác thực, tất cả đều bất tín. Một tác phẩm lớn, nhiều thể nghiệm và như một nhận định, “Sebald đã làm được điều mà mọi nhà văn đều mơ ước”.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Thuận Phát

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more