20 bài học các vận động viên trẻ dạy chúng ta trong mùa thể thao vừa qua

Đăng ngày:

Mùa Hè vừa qua, thế giới đã được dịp chứng kiến sức mạnh và tính cách đáng kinh ngạc, đầy cảm hứng của những vận động viên trẻ tuổi.

Thông qua hàng loạt sự kiện thể thao, từ Euro 2020, Wimbledon 2021 cho đến Tokyo Olympics, chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh ưu tú của các vận động viên trẻ tuổi. Đến với các cuộc thi, họ không chỉ mang theo tài năng mà còn có phẩm giá và sự tôn trọng. Họ không bao giờ quên rằng cách hành xử luôn quan trọng hơn thành tựu. Dưới đây là 20 bài học mà các vận động viên trẻ đã dạy cho chúng ta trong mùa Hè sôi động này.

Naomi Osaka đặt sức khỏe tinh thần lên hàng đầu

Khi Naomi Osaka rút khỏi Giải Quần vợt Pháp mở rộng, tiếp đó là Wimbledon, để tập trung chăm sóc sức khỏe tinh thần, cô gái 23 tuổi này đã cho thế giới thấy rằng vận động viên ưu tú cũng chỉ là những con người bình thường. Trong thông báo rút khỏi Giải Pháp mở rộng, Osaka nói rằng cô thường cảm thấy lo âu khi tiếp xúc với báo chí và đã chịu đựng những cơn trầm cảm kéo dài. Hành động dũng cảm của cô đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều tay vợt huyền thoại như Martina Navratilova và Billie Jean King. Naomi Osaka đã lên tiếng bảo vệ sức khỏe tinh thần cho cả một thế hệ vận động viên. Vì lý do đó, cô xứng đáng được ngợi khen.

bài học về sức khỏe tinh thần từ naomi osaka

Ảnh: Getty Images / Tim Clayton

Đội tuyển bóng đá Anh tạm kết thúc một “cuộc chiến văn hóa”…

Thời gian gần đây, hành động quỳ gối tại các sự kiện thể thao (nhằm chống lại nạn phân biệt chủng tộc) đã trở nên phổ biến. Song, khi các cầu thủ Anh quỳ gối trong lúc làm thủ tục trước trận đấu tại Euro 2020, họ đã nhận về nhiều phản ứng trái chiều. Trước tình hình đó, huấn luyện viên Gareth Southgate nói rằng các cầu thủ đang thực hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng cách phản đối các vấn nạn như bất bình đẳng hay kỳ thị chủng tộc.

Southgate và đội tuyển Anh đã nêu ra một bài học: Tình yêu nước không chỉ được thể hiện qua nỗ lực vì thành tích quốc gia mà còn có những cống hiến cho cộng đồng. Các tuyển thủ trẻ tuổi, đa dạng về sắc tộc của nước Anh không ngần ngại bảo vệ quan điểm của mình. Dù sự bình yên chỉ tồn tại trong vài tuần, đội tuyển Anh cũng đã có công kết thúc một “cuộc chiến văn hóa”.

đội tuyển anh quỳ gối chống phân biệt chủng tộc

Ảnh: The Guardian / Tom Jenkins

…khẳng định thể thao dành cho mọi người…

Đội trưởng Harry Kane của đội tuyển Anh đã ra sân với một chiếc băng tay cầu vồng để thể hiện sự ủng hộ dành cho cộng đồng LGBTQ+. Tiền vệ Jordan Henderson cũng đã đăng tải dòng tweet ủng hộ những người hâm mộ có bản dạng giới và xu hướng tính dục khác với quan niệm truyền thống. Những hành động của Tam Sư trong mùa Hè này đã gửi gắm một thông điệp ý nghĩa: Thể thao là dành cho mọi người.

băng tay cầu vồng của harry kane

Ảnh: Getty Images / Jonathan Brady

…và thể hiện tinh thần trách nhiệm

Sau khi sút hỏng loạt penalty trong trận chung kết Euro 2020, các cầu thủ Bukayo Saka, Jadon Sancho và Marcus Rashford của đội tuyển Anh đã gửi lời xin lỗi đến đồng đội, ban huấn luyện và những người hâm mộ vì đã làm họ thất vọng. Họ đã nhận trách nhiệm và hứa sẽ làm việc chăm chỉ hơn trong tương lai dù họ không cần làm như vậy. Sau khi phải đối diện với những hành động phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội, các cầu thủ da màu vẫn lựa chọn mang đến cho công chúng một cử chỉ đẹp đẽ.

Hình ảnh Kalvin Phillips chạy đến an ủi Bukayo Saka

Sau khi sút hỏng quả penalty quyết định trong trận chung kết Euro 2020, Bukayo Saka đã vô cùng suy sụp. Khi đứng giữa sân cỏ và cố kìm nước mắt, cậu cầu thủ 19 tuổi của đội tuyển Anh trông thật bé nhỏ. Tiền vệ Kalvin Phillips đã nhanh chóng chạy về phía người đồng đội của mình và ôm cậu thật chặt. Khoảnh khắc xúc động ấy đã chứng minh những vận động viên ưu tú nhất luôn có trái tim ấm áp. Phillips cũng mang đến cho chúng ta một bài học: Dù chiến thắng hay thất bại, tinh thần đồng đội vẫn là quan trọng nhất.

bài học về tinh thần đồng đội từ kalvin phillips

Ảnh: Getty Images / Paul Ellis

Đội tuyển bóng đá Đan Mạch bảo vệ sự riêng tư của đồng đội

Tại Euro 2020, trong trận đấu gặp đội tuyển Phần Lan, cầu thủ Christian Eriksen của Đan Mạch đột ngột quỵ xuống giữa sân vận động. Sự im lặng và nỗi thảng thốt bao trùm khán đài khi người hâm mộ nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Trong tình huống hỗn loạn đó, các tuyển thủ Đan Mạch đã tạo thành một hàng rào để bảo vệ sự riêng tư của Eriksen trong khi anh được hồi sức. Trong khi nhiều nhà đài vẫn phát sóng sự cố của Eriksen, cử chỉ chân thành của đội tuyển Đan Mạch đã để lại cho người xem một bài học về phẩm giá và sự văn minh.

đội tuyển đan mạch bảo vệ sự riêng tư cho đồng đội

Ảnh: Getty Images / WOLFGANG RATTAY

Mason Mount biến ước mơ của một cô bé thành hiện thực

Tối ngày 7/7, đội tuyển Anh đã chiến thắng Đan Mạch và giành tấm vé vào bán kết Euro 2020. Trong không khí vui mừng ở sân vận động Wembley, cầu thủ Mason Mount đã tiến lên khán đài và tặng chiếc áo đấu của mình cho một cô bé 10 tuổi – Belle McNally. Trong tiếng hò reo của khán giả xung quanh, Belle đã bật khóc vì vui sướng trong vòng tay bố. Đoạn clip ghi lại hành động ấm áp của tiền vệ người Anh nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và thu về hàng triệu lượt xem.

Tình đồng đội giữa Kye Whyte và Bethany Shriever

Vì UK Sport không còn tài trợ cho các nữ vận động viên BMX, Bethany Shriever đã phải tự gây quỹ cộng đồng để đạt đủ điều kiện tham dự Tokyo Olympics. Dù gặp nhiều trở ngại, cô vẫn xuất sắc mang về cho tuyển Anh tấm huy chương vàng đầu tiên ở nội dung đua xe đạp BMX. Đặc biệt, bên cạnh cô luôn có sự hỗ trợ và cổ vũ từ người bạn, người đồng đội Kye Whyte. Sau khi vượt qua vạch đích, Shriever đã đau đớn quỵ xuống vì bị chuột rút chân. Whyte đã không ngần ngại tiến đến nhấc bổng cô bạn lên và cùng nhau ăn mừng chiến thắng.

bài học về tình đồng đội từ kye white và bethany shriever

Ảnh: Getty Images / Ezra Shaw

Huy chương vàng đôi của Mutaz Essa Barshim và Gianmarco Tamberi

Tinh thần Thế vận hội không chỉ được thể hiện qua chiến thắng mà còn nằm ở điều lệ “hữu nghị, đoàn kết và thi đấu công bằng”. Vận động viên Mutaz Essa Barshim của Qatar và Gianmarco Tamberi của Ý đã nêu cao tinh thần này. Ở trận chung kết bộ môn nhảy cao, họ đã hòa nhau liên tiếp 3 lần. Thay vì tiếp tục thi đấu xếp hạng, Barshim đã hỏi: “Liệu chúng ta có thể có hai huy chương vàng hay không?”. Vị trọng tài đã gật đầu. Không chờ thêm lời giải thích nào, hai vận động viên đã ôm lấy nhau trong niềm vui chiến thắng. Hai tấm huy chương vàng hy hữu ấy là một bài học thú vị về tinh thần thể thao.

huy chương vàng đôi của mutaz essa barshim và gianmarco tamberi

Ảnh: AFP

Đẳng cấp của đội tuyển Ireland tại đấu trường Olympics

Trong lễ khai mạc Tokyo Olympics, đoàn vận động viên Ireland đã dừng lại và cúi chào ban tổ chức để thể hiện sự tôn trọng, đúng như phép tắc truyền thống của nước chủ nhà Nhật Bản. Đó là một bài học về động thái nhã nhặn và mang đậm tinh thần Olympics.

động thái nhã nhặn của đội tuyển ireland tại olympics

Ảnh: Buzz.ie

Marcus Rashford luôn là chính mình

Marcus Rashford không chỉ là người hùng của nước Anh mà còn là một nhà lãnh đạo. Ở tuổi 23, tiền đạo này đã hai lần góp phần thay đổi chính sách của chính phủ Anh: một là cung cấp các bữa ăn miễn phí ở trường, hai là đề xuất một chương trình đọc sách trên phạm vi toàn quốc.

Rashford lớn lên trong một gia đình có thu nhập thấp. Giờ đây, anh sử dụng những kinh nghiệm ấy để bảo vệ và xóa tan nỗi mặc cảm cho những đứa trẻ có hoàn cảnh tương tự. Anh âm thầm sử dụng những nguồn lực của mình cho mục đích cao cả. Đó là điểm đặc biệt và đáng nhớ nhất ở cầu thủ này. Rashford đại diện cho những gì tốt đẹp nhất ở thế hệ vận động viên trẻ. Bản thân anh chính là một bài học về lòng khiêm nhường và sự cống hiến.

bài học về sự cống hiến từ marcus rashford

Ảnh: AFP

Những giọt nước mắt hạnh phúc của Tom Daley

Hai giọt nước mắt đã lăn dài trên má Tom Daley sau khi anh và đồng đội Matty Lee đoạt huy chương vàng ở nội dung nhảy cầu 10m đôi ván cứng. Vận động viên người Anh đã bỏ ra hàng giờ để tập luyện. Anh từng bị bắt nạt ở trường, cũng từng đấu tranh để come out (công khai giới tính). Năm 2011, anh bị đánh bại tại Giải Vô địch thế giới. Cùng năm, bố anh qua đời. Năm 2016, anh thất bại tại bán kết Rio Olympics. Sau tất cả những nỗ lực và thử thách, Daley đã quay trở lại Tokyo 2020 để giành lấy chiếc huy chương vàng mà anh xứng đáng.

những giọt nước mắt hạnh phúc của tom daley

Ảnh: Bustle

Tom Daley cho thế giới thấy ý nghĩa thực sự của Tự hào…

Vận động viên Tom Daley đã thay đổi định nghĩa về một người đàn ông trong thể thao. Anh nói về xu hướng tính dục của mình một cách cởi mở và chân thành. Sau khi đoạt huy chương vàng, anh chia sẻ: “Khi còn trẻ, tôi luôn cảm thấy mình cô đơn, khác biệt và lạc lõng. Tôi hy vọng tất cả những bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT ngoài kia hiểu rằng, dù bạn có thấy cô đơn đến đâu vào lúc này, bạn vẫn không bao giờ đơn độc”. Bài học mà Daley muốn nhắn gửi chính là “Bạn có khả năng đạt được bất cứ mục tiêu nào”.

…và trở thành một biểu tượng cho sở thích đan len

Không chỉ là một nhà vô địch, Tom Daley còn là một người yêu thích đan len. Ở vòng chung kết nhảy cầu 3m nữ, giới truyền thông đã bắt gặp hình ảnh anh chàng vừa đan len vừa theo dõi trận đấu. Sau đó không lâu, anh đã hoàn thành chiếc áo len đặc biệt để kỷ niệm thời gian thi đấu tại Tokyo. Daley còn lập hẳn tài khoản Instagram @madewithlovebytomdaley để chia sẻ các tác phẩm của mình. Niềm đam mê đan len của Daley đang nhắc nhở chúng ta lý do anh trở thành một người hùng của thể thao Anh: Anh hoàn toàn không e ngại khi là chính mình.

tom daley tự tin là chính mình

Ảnh: Instagram / @madewithlovebytomdaley

Simone Biles cho thấy sức khỏe thể chất hay tinh thần đều quan trọng…

Simone Biles được công nhận là vận động viên thể dục dụng cụ tuyệt vời nhất từ trước đến nay của Mỹ. Biles đến Tokyo 2020 với kỳ vọng lớn lao của thế giới trên vai. Song, tại vòng loại, cô đã không thi đấu suôn sẻ. Cô tránh được một chấn thương nghiêm trọng trong gang tấc và nhận về số điểm thấp nhất trong sự nghiệp. Sau sự cố đó, Biles đã rút khỏi nội dung toàn năng nữ.

Biles đã có triệu chứng “twisties” (mất khả năng nhận thức về không gian trong khi biểu diễn, từ đó mất kiểm soát cơ thể) và đang gặp khó khăn về tinh thần. Cô thấy rất tệ khi không thể tham gia cuộc thi mà bản thân đã dành nửa thập kỷ chuẩn bị. Tuy nhiên, hành động của Naomi Osaka đã cho cô động lực để nói về sức khỏe tinh thần của mình và quyết định nghỉ ngơi.

Simone Biles đã cho thấy mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và thể chất. Đó cũng là một bài học ý nghĩa rằng bạn không cần xấu hổ khi lựa chọn nghỉ việc và ưu tiên chăm lo sức khỏe.

bài học về sức khỏe tinh thần từ simone biles

Ảnh: Getty Images / Laurence Griffiths

…và ý nghĩa của sự kiên cường

Trong quá khứ, Simone Biles đã từng vượt qua nghịch cảnh cá nhân và chấn thương tâm lý để trở thành một trong những vận động viên vĩ đại nhất trong thế hệ của cô. Ở hiện tại, dù đang gặp khó khăn, cô vẫn có mặt để cổ vũ những người đồng đội của mình. Trong lúc mọi người đang suy đoán liệu cô có hoàn toàn rút khỏi Olympics hay không, Biles đã giành huy chương đồng ở nội dung cầu thăng bằng. Chiếc huy chương duy nhất ấy là minh chứng và cũng là một bài học khác về sự kiên cường.

bài học về sự kiên cường từ simone biles

Ảnh: Getty Images / Jamie Squire

Nét cuốn hút của Ruby Tui

Sau trận đấu với đội tuyển Nga, nữ cầu thủ bóng bầu dục người New Zealand bất ngờ thu hút sự chú ý với phần trả lời phỏng vấn tuyệt vời. Sau khi đánh bại đội tuyển Nga với tỉ số 36 – 0 ngoạn mục, Tui đã cười thật rạng rỡ để cảm ơn gia đình và đồng hương của cô. Sau đó, cô đã dành lời ngợi khen cho đội bạn và gọi họ là “những người thực sự tuyệt vời”. Cô cũng tiết lộ rằng mình và đồng đội đã quyên góp cho các nỗ lực gây quỹ của đội tuyển Anh. Ruby Tui là đại diện cho tinh thần Olympics thuần túy: lạc quan, yêu thể thao và tôn trọng đối thủ.

tinh thần olympics ở ruby tui

Ảnh: Getty Images / Dan Mullan

Các nữ vận động viên Na Uy đấu tranh chống phân biệt giới tính

Sau 15 năm vận động thay đổi không thành công, đội tuyển bóng ném nữ Na Uy đã quyết định không tuân theo quy định của Giải Vô địch châu Âu. Nhằm phản đối quy định về trang phục phân biệt giới tính, họ đã mặc quần short, giống với các vận động viên nam, thay vì bikini khi tham gia thi đấu vào tháng 7 vừa qua. Hành động của họ nhận về khoản phạt 1.500 euro từ ban tổ chức. Thế nhưng, thế giới đã đứng về phía đội tuyển Na Uy. Nữ ca sĩ nhạc pop Pink thậm chí còn đề nghị được đóng phạt thay cho họ.

đội tuyển bóng ném nữ na uy chống phân biệt giới tính

Ảnh: Norway’s Handball Federation

Charlotte Worthington đã cho thế giới thấy lòng dũng cảm thực sự

Charlotte Worthington phải làm việc 40 giờ mỗi tuần ở một nhà hàng Mexico để theo đuổi sự nghiệp đua xe đạp của mình. Cô thường thi đấu trong khoảng thời gian nghỉ phép hàng năm. Tại Tokyo 2020, Worthington mang đến sự đột phá bằng một pha nhào lộn 360 độ cùng xe, nhưng đã thất bại ở lần thử đầu tiên. Song, cô đã chấp nhận rủi ro, thử lại lần hai và trở thành nữ vận động đầu tiên thành công thể hiện kỹ thuật này tại một đấu trường quốc tế. Huy chương vàng của Worthington là bài học dành cho chúng ta về lòng dũng cảm và niềm tin vào chính mình. 

bài học về lòng dũng cảm từ Charlotte Worthington

Ảnh: Getty Images / Ezra Shaw

Sky Brown trở thành vận động viên trẻ nhất của Anh giành được huy chương Olympics

Ở tuổi 13, cô bé Sky Brown nhỏ nhắn đã trở thành vận động viên trẻ tuổi nhất của Anh đoạt huy chương Olympics. Cô bé đã xuất sắc giành được huy chương đồng ở nội dung trượt ván nữ. Tony Hawk đã gọi cô là “một trong những vận động viên lướt ván tài giỏi và toàn diện nhất từ trước đến nay”. Ở Brown vừa có sự chững chạc của một người trưởng thành, vừa có sự liều lĩnh của một đứa trẻ. Thành công của Sky Brown tượng trưng cho tinh thần của các vận động viên gen Z: vô cùng tài năng và cạnh tranh hết mình.

sky brown vận động viên trẻ nhất nước anh nhận huy chương olympics

Ảnh: Adam Davy

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Uyên

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: The Guardian 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more