Lê Hiền Minh – Nghệ thuật cho nhau thêm sức mạnh

Đăng ngày:

Gọi cho Lê Hiền Minh vào thời điểm cả thành phố bước vào những ngày phong tỏa đầu tiên của tháng 7, người viết nhanh chóng nhận ra sự ấm áp trong chất giọng xen lẫn âm điệu hào sảng quen thuộc của Sài Gòn ở cô. Có vẻ như dù trong tình thế nào hay bất kỳ chủ đề nào, Minh vẫn duy trì sự sôi nổi và năng lượng tích cực đáng nể.

Khi khắp nơi trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì nghệ thuật và nghệ sĩ cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên trong gần một năm rưỡi đại dịch kéo dài, Lê Hiền Minh vẫn tham gia thực hiện 3 triển lãm nhóm ở nhiều nước trên thế giới. Cô tự nhận do may mắn, dẫu vậy không thể phủ nhận khả năng giữ cho tâm trí vững vàng trong khoảng trời riêng dù biệt lập nhưng vẫn cần rất nhiều nỗ lực và sự chăm chỉ. Đặc biệt, người nữ nghệ sĩ này vẫn quan tâm đến lối sống truyền thống và không ngừng tự vấn bản thân trước cách nhìn về phụ nữ qua nhiều bối cảnh biến động của xã hội.

nghệ thuật nghệ sĩ Việt Nam Lê Hiền Minh

Chị có thể chia sẻ một chút về cơ duyên xuất hiện và vai trò của mình trong cuộc triển lãm nhóm dưới tên gọi “Lần Trong – Nằm Giữa – Vùi Dưới – Lộ Trên”, cùng các nghệ sĩ Richard Streitmatter, Phan Thảo Nguyên và sự góp mặt của tác phẩm đến từ nữ điêu khắc gia Điểm Phùng Thị?

Tôi rất vui với triển lãm nhóm lần này vì biết Richard và Thảo Nguyên từ rất lâu mà chưa có dịp triển lãm chung. Tôi đem đến một tác phẩm sắp đặt lớn mang tên “Các Thánh của Kỳ Vọng” gồm 3 bộ tượng: Thánh Vòng Lập, Thánh Bất Tận và Thánh Giống Nòi. Tác phẩm này nói về những đòi hỏi của xã hội đối với người phụ nữ, đặc biệt trong nghĩa vụ với gia đình như nội trợ và sinh con. Thời xưa có “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, thì thế kỷ 21 là “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Những định kiến ngàn đời hạ thấp phụ nữ, khi nam giới thường gắn với sức mạnh trụ cột, phụ nữ thì phải đóng vai trò hậu cần. Niềm tin này hạn chế tiềm năng của phụ nữ, ăn sâu vào tâm thức người Việt. Người phụ nữ dù thành công bao nhiêu ngoài xã hội, về nhà không làm tròn những nghĩa vụ này thì vẫn không được coi trọng.

Lựa chọn theo đuổi văn hóa và nghệ thuật truyền thống sẽ phải phụ thuộc vào chất liệu sáng tác, chị có đồng ý với điều này không? Nếu như không sử dụng chất liệu truyền thống thì chị sẽ làm gì để kể câu chuyện của Việt Nam?

Điều tôi quan niệm, sử dụng chất liệu truyền thống hay không là một lựa chọn, nó không phải là phương tiện duy nhất. Mình là người Việt Nam thì tiềm thức câu chuyện của mình luôn là câu chuyện Việt Nam cho dù sử dụng chất liệu nào đi chăng nữa.

nghệ thuật tác phẩm của Lê Hiền Minh

Tác phẩm “The Invisibility of Female Labor” được triển lãm ở Đức năm 2020.

Nhiều người nghệ sĩ kỳ công trong việc lựa chọn chất liệu và cải tiến chất liệu để duy trì sự trường tồn của tác phẩm, tại sao chị lại chọn giấy dó? Chị có quan tâm đến dấu ấn nghệ thuật của cá nhân để lại cho hậu thế?

Đến với chất liệu giấy dó là một ngẫu nhiên mang tính thử nghiệm, chọn đi đường dài 20 năm với chất liệu này thì lại là một quyết định có tính ý thức cộng thêm sự ương bướng. Đã chọn là đi đến tận cùng. Điều tôi quan tâm hiện nay thiên nhiều về việc vị trí nghệ sĩ Việt Nam ở đâu trên bản đồ nghệ thuật thế giới và họ đánh giá nghệ sĩ Việt như thế nào. Tôi cố gắng làm việc chăm chỉ tạo ra những tác phẩm tốt mang đi triển lãm ở nước ngoài, góp phần chứng minh cho sự hiện diện của nghệ sĩ Việt với thế giới. Chúng ta sống trong một thế giới còn nhiều sự kỳ thị đối với nghệ sĩ da màu, nghệ sĩ châu Á, nghệ sĩ Việt Nam, nghệ sĩ nữ giới. Bản thân tôi đã không ít lần chịu đựng sự kỳ thị này, và cũng đã không ít lần phải lên tiếng đấu tranh. Đơn cử như trong một lần tham dự trại sáng tác ở nước ngoài, vị giám đốc bên đấy có những lời nói suy nghĩ kỳ thị, họ nghĩ nghệ sĩ Việt nghèo nên định kiến mình sẽ ăn cắp tiền. Tôi phải lên tiếng cho dù việc này chắc chắn sẽ gây trở ngại cho chính tôi (sẽ bị mang tiếng là khó khăn, họ sẽ không muốn làm việc với tôi nữa…). Nhưng tôi chấp nhận đấu tranh để lần sau khi họ làm việc với những nghệ sĩ Việt khác, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ còn ít kinh nghiệm, hy vọng họ sẽ suy nghĩ đắn đo trước khi có những hành động hay lời nói kỳ thị. Đóng góp tiếng nói của mình cho lợi ích của cộng đồng là việc nên làm.

nghệ thuật triển lãm của Lê Hiền Minh

Tác phẩm “Các Thánh của Kỳ Vọng” với chất liệu chính là giấy dó.

Phần lớn tác phẩm trong BST “Các Thánh của Kỳ Vọng” của chị đều có vị trí nằm trên. Nhìn cách sắp xếp biểu tượng mang tính tôn giáo đặt trên các vật dụng mang tính biểu trưng phục vụ đời sống, liệu ta nên cảm nhận theo tâm thế nào? Sự vật nằm trên trấn giữ vật bên dưới hay ngược lại?

Mỗi khán giả đều có cách cảm nhận riêng của mình. Đi sâu vào thì tùy thuộc độ tuổi, giới tính mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng. Đi rộng ra thì lại có khán giả đến từ vùng miền, đất nước, văn hóa khác nhau sẽ có cảm nhận khác nhau. Đây là nét rất đẹp trong nghệ thuật. Trong bao năm sáng tác, tôi luôn tránh việc thao túng cảm nhận và hiểu tác phẩm của người xem.

Nói đến cách hiểu về nữ tính của tập thể, chị thấy có cần không một “cuộc giải phóng” cho những người phụ nữ đồng thuận với cái hạnh phúc được tôn thờ trong chính “lãnh địa” của họ?

“Cuộc giải phóng” nên đến từ chính bản thân mỗi người. Nghệ sĩ không phải và cũng không thể là người đi giải phóng cho người khác. Cái tôi mang đến thông qua tác phẩm của tôi là cầu nối cho những người có chung tiếng nói hội tụ lại để chia sẻ, động viên nhau cho thêm sức mạnh. Tác phẩm cũng là nơi chốn để bạn không cảm thấy lẻ loi, thấy không ai lắng nghe mình, thấy tiếng nói của mình bất lực. Ngoài ra, với người không chung tiếng nói thì thông qua sự bàn luận cởi mở, tôn trọng nhau hy vọng sẽ mang đến cái nhìn tích cực cho đôi bên.

nghệ thuật tác phẩm các Thánh của kỳ vọng

Tác phẩm “Các Thánh của Kỳ Vọng”.

Nhìn vào các gia đình chật vật cài cửa trong đại dịch, nép mình bên trong thành phố bất động qua một thời gian dài, chị có suy nghĩ gì? Đặc biệt là về hình ảnh người phụ nữ? Trước loạt tự vấn về phụ nữ, câu trả lời của chị đã biến đổi như thế nào khi đại dịch xảy đến?

Trong đại dịch, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, người phụ nữ trở nên vất vả hơn rất nhiều trong công việc gia đình. Họ phải gồng mình làm gấp nhiều lần xoay vòng trong công việc nấu ăn, chăm con, chăm chồng, dọn dẹp… Nhiều trường hợp phải chịu bạo lực tinh thần và thể xác từ chính gia đình cho dù lúc bình thường không xảy ra hiện tượng này. Đại dịch gây ra những hoang mang về tâm lý cũng như kinh tế, và khi phụ nữ là người yếu thế hơn, họ nhanh chóng trở thành đối tượng để trút lên cơn thịnh nộ. Đây là một thực trạng rất đáng buồn. Thế nhưng đối lập với mặt tiêu cực đó, đại dịch mang đến cho nhiều gia đình cơ hội đoàn tụ, hàn gắn, yêu thương, chăm sóc nhau. Điều gì xảy đến cũng có ít nhất hai mặt cả.

Chị đặc biệt lưu tâm quan sát điểm gì ở Sài Gòn trong giai đoạn này? Sài Gòn có lưu giữ những ký ức nào của chị? Chị cảm thấy bầu không khí sáng tạo bên trong thành phố này như thế nào? So với những thành phố chị đã đi qua, Sài Gòn có góp phần nào vào nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của chị?

Sài Gòn là nơi tôi lớn lên, là một phần máu thịt của tôi nên ký ức nhiều không kể hết được. Tôi luôn nhớ nhiều đến kỷ niệm thời thơ ấu khi bố mỗi sáng chở đi ăn hủ tiếu, đi uống nước mía. Ngày đó xe bán nước mía phải quay tay chứ không chạy máy như bây giờ. Đến giờ điều tôi thích nhất là chạy xe máy lòng vòng dạo phố phường Sài Gòn. Nhiều lúc chỉ cần thấy ánh chiều tà trên sông lấp lánh là đã thấy Sài Gòn đẹp nao lòng rồi. Sài Gòn sôi động náo nhiệt và cởi mở nên bầu không khí sáng tạo chắc chắn sẽ thừa hưởng những yếu tố tốt đẹp này.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Hạ
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more