“Vén màn” bí mật về gia tộc Gucci – Phần 1: Người cha châm ngòi cuộc nội chiến

Đăng ngày:

Ở vị trí là người đứng đầu gia đình, Guccio Gucci đóng vai trò gì trong cuộc chiến tranh giành tiền tài và quyền lực của các con mình?

Giai thoại về những mâu thuẫn nội bộ của Gucci đã trở thành chất liệu “sống” cho nhiều bộ phim, vở kịch nổi tiếng. Nhưng từ đâu những người anh em cùng lớn lên dưới một mái nhà lại nảy sinh xung đột không thể cứu vãn? Ngọn nguồn của câu chuyện bắt đầu từ Guccio Gucci – người sáng lập thương hiệu. Không chỉ thản nhiên dạo bước trong “chiến trường” gia tộc được gây nên bởi những người con của mình, Guccio còn đóng vai trò như “động lực” thúc đẩy sự cạnh tranh khốc liệt đó bởi loạt bài học cuộc sống mang tính chủ quan và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của mình.

sóng gió tạo nên đế chế thời trang bậc nhất nước ý

Sinh ra trong một gia đình có nghề đan nón rơm ở Florence, Ý, Guccio Gucci được kỳ vọng sẽ kế thừa cơ nghiệp của cha mẹ, ít nhất là trước khi nó phá sản vào năm ông 17 tuổi. Bị cha đuổi khỏi nhà với hai bàn tay trắng, Guccio sau đó nhảy lên một chuyến tàu chở hàng tiến thẳng đến nước Anh. Ông đặt chân vào một trong những khách sạn xa hoa nhất London, Savoy và bắt đầu những công việc tay chân như bồi bàn, rửa chén hay sau đó là nhân viên bấm thang máy. Có cơ hội quan sát cận cảnh những vị khách sang trọng và thời thượng, ông nhanh chóng khám phá ra đam mê của họ với những chiếc túi xách xa xỉ bằng da. Không chỉ đơn thuần là một phụ kiện chức năng, chúng còn là con dấu khẳng định địa vị của người sử dụng. Mùa này qua mùa khác, Guccio dần trở nên nhạy bén với tư duy thẩm mỹ của giới thượng lưu và thấu hiểu niềm khao khát của họ với nhứng món hàng thủ công tinh xảo.

Gia đình Guccio Gucci

Guccio và cha mẹ, ông Gabriello và bà Elena Gucci năm 1905 (Ảnh: Gucci)

Sau vài năm làm việc tại Savoy, Guccio tiết kiệm đủ tiền để quay về Florence và sau đó kết hôn với một cô thợ may váy tên Aida Cavelli và tìm được việc làm trong một công ty chuyên sản xuất đồ da cao cấp, Franzi. Dưới sự hướng dẫn của ông chủ, Guccio nhanh chóng trở nên thạo nghề và đứng ra mở một cửa hàng cho riêng mình với tên gọi Valigeria Guccio Gucci vào năm 1921. Thời gian đầu, cửa tiệm chỉ bán túi xách và vali bằng da do Guccio tự tay lựa chọn từ các nhà cung cấp ở Tuscany, Đức và Anh. Nhưng kinh nghiệm ở khách sạn Savoy đã hối thúc ông thoát khỏi sự phụ thuộc để tìm kiếm những mẫu mã thực sự khiến giới nhà giàu phải “phát cuồng”. Ông quyết định mở một xưởng chế tác và sửa chữa đồ da để tạo ra những thiết kế “độc nhất vô nhị” lấy cảm hứng từ văn hóa đua ngựa. 

Gucci Workshop

Nhà máy sản xuất đầu tiên của Gucci ở Florence. (Ảnh: Gucci)

Gucci 1930s

Thiết kế túi và vali Gucci những năm 1930. (Ảnh: Gucci)

Giống như tất cả các doanh nhân, Guccio cũng phải đối mặt với những nốt thăng trầm trong sự nghiệp. Các nhà cung cấp vải yêu cầu ông giải quyết những khoản nợ còn khách hàng thì liên tục dời lại ngày thanh toán. “Ông ấy như một người đàn ông đang đối diện với án tử vậy” – các thành viên trong gia đình hồi tưởng lại. Không thể chịu nổi khi thấy ông tự giày vò bản thân mình, con rể tương lai của Guccio, Giovanni Vitali đã cho ông vay toàn bộ khoản tiết kiệm mà anh dành dụm cho cuộc hôn nhân với cô con gái Grimalda của nhà sáng lập thương hiệu. Trong vòng hai tháng, ông không chỉ trả hết các hóa đơn mà còn thuê thêm một đội nghệ nhân lành nghề để gia công thắt lưng, ví, giày da,…

Thợ thủ công Gucci

Những người thợ thủ công của Gucci đôi khi phải tiêu tốn 10 tiếng đồng hồ để ghép 100 miếng vải da lại với nhau hoàn thiện nên một sản phẩm đạt tiêu chuẩn. (Ảnh: Gucci)

Nhưng sóng gió vẫn chưa dừng lại, vào những năm 1940 – 1950, việc chính phủ Ý bày tỏ quan điểm chính trị theo Chủ nghĩa Phát-xít đã khiến một số quốc gia châu Âu cấm vận hoàn toàn các cuộc giao thương với nước này, trong đó có những chuyến hàng vải da nhập khẩu của Gucci. Để cứu cửa hàng khỏi nguy cơ đóng cửa lần nữa, Guccio buộc phải tiết giảm các chi tiết da trên thiết kế của mình và thử nghiệm những chất liệu mới như canvas, tre, linen, vải lanh,… Sự khan hiếm vải da trên toàn ngành công nghiệp trong nước lúc bấy giờ cũng tạo đà cho Gucci “vượt mặt” công ty cũ của mình – Franzi và trở thành đế chế phụ kiện thời trang hàng đầu nước Ý. Dù trụ vững qua tất cả khó khăn, song gánh nặng duy trì sự thịnh vượng của thương hiệu đã khiến Guccio Gucci dần đánh mất bản lĩnh của một người tiên phong và bắt đầu áp đặt những đường lối khắc nghiệt và bảo thủ lên việc kinh doanh và với cả những người thân trong gia đình.

Gucci Bamboo Bag

Chiếc quai túi bằng tre đánh bóng mang tính biểu tượng được ra đời vào năm 1947. (Ảnh: Gucci)

sọc xanh lá cây đỏ Gucci

Những đường sọc xanh lá cây – đỏ cũng được tạo ra vào năm 1951. (Ảnh: Laurent Maous)

Lời răn dạy của cha về “kẻ sống sót”

Công việc kinh doanh bận rộn đã lấy đi của Guccio Gucci nhiều thời gian ở bên gia đình. Tính cách hướng nội cũng khiến bầu không khí trong những cuộc trò chuyện của ông với các con trở nên lạnh nhạt. Dẫu vậy, tất cả đều được ông truyền lại một bài học: “Kẻ sống sót là người chiến thắng và kẻ sống sót là người tồn tại duy nhất.” Guccio thích để bọn trẻ giám sát lẫn nhau và vạch trần lỗi lầm của đối phương. Khi những lời mách lẻo lần lượt kéo đến bên tai, ông sẽ xuất hiện để trừng phạt những kẻ mắc lỗi. Theo thời gian, những đứa trẻ hình thành thói quen cạnh tranh và cấu xé lẫn nhau. 

Con trai của Guccio

Aldo, Vasco và Rodolfo Gucci. (Ảnh: Gucci)

Như một nhà huấn luyện lành nghề, Guccio để một miếng vải da dưới mũi con trai mình và nói: “Đây là mùi hương của tương lai con!”. Từ những ngày còn trên ghế nhà trường, bọn trẻ đã bắt đầu học việc trong cửa hàng của gia đình và định sẵn cuộc đời gắn với cơ ngơi này. Không chỉ hà khắc với con trẻ, Guccio còn mang nặng tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Và sự bất công này “được” ông áp dụng lên Grimalda – người con gái lớn đã cống hiến cho công việc kinh doanh của Gucci trong nhiều thập kỷ và thậm chí còn cùng chồng mình dùng tất cả tiền tiết kiệm của mình để giúp công ty trụ lại trong thời kỳ khó khăn nhất. Tuy nhiên, đáp lại tấm lòng ấy, Guccio lại dành cho con gái mình một lời tuyên bố sắc lẹm: “Nếu con không tự mình đánh bại tất cả, toàn bộ tài sản sẽ được giao cho con trai!” Điều này trực tiếp khiến Grimalda trở mặt với cả gia đình.

Guccio Gucci và Rodolfo Gucci

Guccio và con trai Rodolfo trước cửa hàng ở Florence năm 1938. (Ảnh: Gucci)

Đúng như lời hứa vô tình trước đó, năm 1953, khi Guccio qua đời, ông để lại di chúc chỉ bao gồm tên của ba con trai: Aldo, Vasco và Rodolfo. Grimalda và chồng đấu tranh giành quyền thừa kế công ty với ba người em nhưng cuối cùng vẫn trắng tay ra về. Vương triều Gucci từ đây được tiếp nối bởi một thế hệ tham vọng và đố kị. Bên cạnh những mưu toan ngấm ngầm xâu xé lẫn nhau còn trực chờ sự trả thù đến từ cô con gái bị bỏ lại. Mỗi cá nhân trong gia tộc như cùng gieo những quả bom hẹn giờ báo hiệu cho một cuộc nội chiến tàn khốc. 

(Còn tiếp)

Nhóm thực hiện

Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more