Bỏ túi ngay 5 công thức làm mứt Tết dễ nhất mà ai cũng có thể làm được

Đăng ngày:

Nếu bạn đang tìm kiếm các công thức làm mứt Tết đơn giản, dễ thực hiện, hãy tham khảo ngay 5 công thức sau đây.

Một trong những đặc trưng không thể thiếu của ngày Tết là các loại bánh mứt truyền thống. Còn gì tuyệt vời hơn việc vừa nhâm nhi bánh mứt, vừa chia sẻ những câu chuyện rôm rả đầu Xuân bên gia đình và bạn bè. Mặc dù hiện nay có rất nhiều loại mứt Tết được bày bán trên thị trường, việc trực tiếp vào bếp trổ tài làm mứt vẫn là thú vui của nhiều người.

Dưới đây là 5 công thức mứt Tết đơn giản mà ai cũng có thể dễ dàng thực hiện. 

1. Mứt khế 

Khế là loại quả có vị chua nhẹ cùng vô vàn tác dụng dinh dưỡng. Khế chứa ít calo, nhiều vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa. Vì vậy, chế biến mứt Tết từ loại quả này sẽ vừa tốt cho sức khỏe, vừa lạ miệng nhờ kết cấu dai và giòn. 

Nguyên liệu: 

– 2 kg khế (nên chọn loại khế xanh để khi sên mứt, khế còn giữ lại được độ dẻo dai)

– 1 kg đường nâu

– 100 gram đường phèn

– 2 muỗng canh nước cốt chanh 

– 2 muỗng cà phê muối

Cách làm:

– Khế sau mua về rửa sạch với nước, cắt bỏ phần đầu và phần viền ở các cạnh. Sau đó, cắt khế thành miếng có độ dày vừa phải. Các bạn có thể cắt theo chiều ngang sao 5 cánh hoặc từng múi theo chiều dọc. 

– Cho khế vào ngâm trong dung dịch nước muối và chanh pha loãng từ 5 – 6 tiếng. Vớt khế ra, rửa lại bằng nước sạch nhiều lần và để khế ráo nước.

– Chần khế khoảng 30 giây với nước đun sôi cùng một ít đường phèn để khử vị chua và vị chát của khế. Sau đó, vớt khế ra, rửa lại bằng nước lạnh và để ráo nước. 

– Cho khế và đường nâu vào nồi với tỷ lệ 2:1 (2 kg khế trộn với 1 kg đường). Trộn đều tay hỗn hợp này và ướp trong vòng 5 giờ cho đường tan và thấm đều vào từng miếng khế.

– Cho phần khế đã ướp với đường lên chảo nóng và sên với lửa nhỏ, thỉnh thoảng dùng đũa đảo nhẹ khế trong nồi.

– Khi nước đường khô dần và khế chuyển sang màu cánh gián thì tắt lửa.

– Ở bước này có thể đem khế ra phơi với ánh nắng mặt trời hoặc sấy khô với lò nướng, nồi chiên không dầu để mứt dẻo hơn. 

– Cuối cùng, bỏ vào lọ thủy tinh và đậy kín để bảo quản tốt nhất. Món mứt này nên để trong ngăn mát tủ lạnh để có thể dùng trong thời gian dài.

2. Mứt dừa 

Mứt dừa là loại mứt đã quá quen thuộc trong ngày Tết truyền thống. Đây là loại mứt được nhiều người yêu thích bởi độ dai dai, sần sật của cùi dừa hòa quyện cùng vị ngọt thanh của đường, hương thơm của vani. 

Nguyên liệu:

– 1kg cùi dừa 

– 500g đường trắng

– 50ml sữa tươi không đường

– Bột vani 

Cách làm: 

– Cùi dừa mua về gọt sạch phần vỏ nâu bên ngoài. Rửa sạch và nạo thành từng sợi mỏng, vừa ăn. 

– Sau khi nạo xong, cho dừa vào thau ngâm và bóp sạch cho ra hết dầu dừa với 2 – 3 lần nước. 

– Đem phần dừa đã rửa sạch chần qua với nước sôi rồi để ráo. 

– Cho vào thau sâu lòng cùi dừa đã sơ chế và 500g đường. Trộn đều hỗn hợp trên cho đến khi đường tan hết và ướp từ 5 đến 6 tiếng, đến khi phần dừa trở nên trong vắt. 

– Đun chảo nóng đều và cho dừa vào sên với lửa nhỏ. Đảo liên tục và đều tay để mứt dừa không bị cháy. 

– Khi nước đường dần cạn, cho 50ml sữa tươi không đường và vani để tạo mùi thơm cho mứt. Tiếp tục sên khoảng 30 – 45 phút đến khi dừa khô lại, có phấn trắng bám xung quanh thì tắt bếp. 

– Đem phần dừa đã sên trải đều trên khay rồi đem đi phơi nắng hoặc sấy khô để mứt được săn lại hoàn toàn và có màu trắng tươi. 

3. Mứt tắc

Với vị chua chua, ngọt ngọt cùng một chút the nhẹ ở đầu lưỡi, mứt tắc là món bánh mứt vô cùng thơm ngon, ăn không bị ngán. Ngoài vẻ ngoài vàng óng, dẻo thơm, mứt tắc còn có tác dụng trị ho tốt. 

công thức làm mứt Tết mứt tắc mứt quất

Ảnh: Tuổi trẻ

Nguyên liệu:

– 1kg tắc chín

– 750g đường 

– Muối

Cách làm:  

– Tắc rửa sạch và ngâm trong nước muối loãng từ 20 đến 30 phút. Sau khi ngâm, rửa tắc qua nước sạch một lần nữa rồi để ráo. 

– Dùng dao khứa dọc thành 4 đến 5 cánh trên mỗi quả tắc, ấn dẹt để lấy sạch hạt và loại bỏ bớt nước tắc để tránh vị đắng. 

– Đun nước sôi cùng một ít muối và chần sơ tắc khoảng 2 phút rồi xả qua nước lạnh, để ráo nước. Bạn nên thực hiện bước này khoảng 2 đến 3 lần để loại bỏ hoàn toàn tinh dầu ở vỏ tắc. 

– Cho 800gr đường vào trộn đều với phần tắc đã được sơ chế ở trên và ướp từ 6 – 8 tiếng.

– Sau đó, cho tất cả vào chảo và sên ở lửa vừa, đảo nhẹ tay đến khi nước cạn và mứt trong hơn, chuyển sang màu vàng óng thì tắt bếp. Ở bước sên mứt, ta nên sử dụng chảo có đáy dày để phần mứt được ngon hơn. Không nên đảo tắc quá nhiều vì như vậy sẽ làm mất hình dạng cánh hoa đã khứa lúc ban đầu. 

– Cuối cùng, mứt tắc sau khi sên đem đi sấy khô hoặc phơi dưới ánh nắng mặt trời là có thể bảo quản và dùng được. 

4. Mứt vỏ bưởi

Mứt vỏ bưởi được biết đến như một món ăn vặt thanh đạm với nhiều công dụng làm đẹp. Loại mứt này có vị the the, kết hợp với vị ngọt thanh cùng hương bưởi thoang thoảng, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt. 

công thức làm mứt Tết mứt vỏ bưởi

Ảnh: Savourydays

Nguyên liệu:

– Vỏ của 2 quả bưởi

– Muối 

– 150g đường 

Cách làm:

– Vỏ bưởi rửa sạch rồi cắt thành từng sợi vừa ăn. Cho vỏ bưởi đã thái vào bóp cùng muối khoảng 5 phút để vỏ bưởi mềm và bớt đắng, rồi đem xả sạch với nước, vắt khô, để ráo.

– Cho phần vỏ bưởi này vào luộc sơ với nước sôi khoảng 10 phút. Sau đó, vớt ra cho vào thau nước đá lạnh và vắt khô. Lặp lại bước này khoảng 3 – 4 lần cho đến khi nếm thử thấy có vị đắng và the vừa phải.  

– Cho đường và vỏ bưởi theo tỷ lệ 10 phần đường 8 phần vỏ bưởi và đảo đều. Sau khoảng 1 – 2 tiếng, khi đường tan, sợi bưởi trở nên trong hơn.

– Cho phần hỗn hợp vào chảo nóng và đảo đều tay với lửa nhỏ. Đến khi vỏ bưởi bắt đầu khô lại và có đường kết tinh bên ngoài thì tắt bếp. 

– Chờ mứt nguội là có thể ăn và bảo quản. 

5. Mứt gừng

Là một trong những loại mứt Tết không thể thiếu khi thời tiết se se lạnh, mứt gừng có vị the và cay nồng ấm đặc trưng. Không chỉ là món ăn ngày Tết cổ truyền, mứt gừng còn được mọi người biết đến như bài thuốc cổ truyền, tốt cho hệ tiêu hóa.  

công thức làm mứt Tết mứt gừng

Ảnh: Savourydays

Nguyên liệu: 

– 200g gừng (nên chọn loại gừng củ to, không quá già và cũng không quá non)

– 160g đường

– Muối

– 2 quả chanh

Cách làm:

– Gừng cạo sạch vỏ, cạo đến đâu ngâm nước đến đấy để gừng không bị thâm. 

– Rửa sạch gừng đã cạo sạch vỏ, thái thành từng lát mỏng, vừa ăn và bỏ ngay vào âu nước có nước cốt chanh để gừng được trắng đẹp.

– Sau đó, vớt gừng ra rổ, để ráo. Cho gừng và 1 – 2 muỗng cà phê vào tô rồi bóp nhẹ trong vòng 10 phút. Xả gừng với nước sạch nhiều lần để hết sạch muối và để ráo. 

– Đun một nồi nước nhỏ có pha nước cốt ½ quả chanh để luộc gừng trong khoảng 10 phút. Vớt gừng ra và xả sạch với nước lạnh. Lặp lại bước này từ 3 – 4 lần để làm giảm vị cay của gừng. 

– Cho đường và gừng theo tỷ lệ 10 phần đường 8 phần gừng và đảo đều. Để từ 1 – 2 tiếng khi đường tan hết thì sên mứt. 

– Cho phần gừng lên chảo nóng và sên ở lửa vừa. Đảo đều và nhẹ tay đến khi nước cạn, gừng có phấn trắng áo đều bên ngoài thì tắt bếp. Khi tắt bếp, vẫn tiếp tục đảo đều tay để phần mứt không bị cháy, đến khi nguội thì mới lấy ra. 

– Mứt gừng sẽ có màu vàng trắng đẹp và không bị dính vào nhau.

Nhóm thực hiện

Bài: Bich Ngoc Hoang

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more