10 nhà thiết kế mũ đương đại tài hoa (Phần 1)

Đăng ngày:

ELLE giới thiệu tới các bạn 10 nhà thiết kế mũ đương đại, những người không chỉ giữ gìn một nét đẹp thời trang đầy lãng mạn và quý phái mà còn mang hơi thở hiện đại đầy táo bạo vào các thiết kế của mình.

Tuy có chỗ đứng khá khiêm tốn trong thế giới thời trang, ấn tượng và vẻ đẹp mà những chiếc mũ mang lại thật khó quên. Văn hóa đội mũ (hats, fascinators hay headpiecess) của thời kỳ phong kiến Châu Âu cho đến nay mặc dù đã bị mai một nhiều, chủ yếu chỉ còn xuất hiện tại các nước có chế độ Quân chủ lập hiến như Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Luxemburg, Bỉ, Tây Ban Nha, nhưng vẫn tồn tại một điều không thể phủ nhận. Đó là, những chiếc mũ được thiết kế và làm ra một cách cầu kỳ, công phu luôn mang lại vẻ tinh tế, sang trọng và lộng lẫy cho phái đẹp trong các sự kiện trọng đại thường dành cho tầng lớp hoàng gia và thượng lưu hay giới nghệ sĩ, sân khấu. 

1. Noel Stewart

Để nhắc tới một cái tên giữ vai trò đầu đàn trong làng thiết kế mũ đương đại, ngoài huyền thoại Stephen Jones ra, không ai khác xứng đáng với vị trí này hơn nhà thiết kế người Anh Noel Stewart. Nghệ thuật đương đại và kiến trúc là những nguồn cảm hứng chính giúp anh tạo ra các thiết kế dành cho cả nam lẫn nữ. Tất cả đều mang hơi hướng hiện đại và thanh lịch, là sự kết hợp giữa chất liệu cao cấp, nghệ thuật làm mũ truyền thống và các yếu tố sáng tạo mới mẻ. Thiết kế của Stewart không xa lạ gì với các tạp chí thời trang hàng đầu thế giới như Vogue (phiên bản Anh, Ý, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp), Elle, Harper’s Bazaar, Dazed & Confused, V Magazine, LOVE, Financial Times, Dansk, Ponystep, Another & 10 Magazine.

Trước khi theo học tại Royal College of Art (Học viện Nghệ thuật Hoàng gia), Stewart đã có thời gian làm trợ lý cho Dai Rees, đặc biệt là cùng làm việc với Stephen Jones tại Christian Dior Couture và Louis Vuitton. Kể từ khi thành lập thương hiệu riêng, Stewart đã thiết kế mũ cho các nhà thiết kế thời trang hàng đầu như Roland Mouret, Roskanda Ilincic, Erdem, Hussein Chalayan, Richard Nicoll, Marc Jacobs, Holly Fulton, Viktor & Rolf, Jaeger, Sibling, Claire Barrow và Gareth Pugh. Stewart cũng có một đội ngũ fan trung thành là các ngôi sao, biểu tượng thời trang hàng đầu như Keira Knightley, Lady Gaga,  Kylie Minoque,Florence Welch và Beth Ditto. Các thiết kế của Noel Stewart có thể được tìm thấy tại các cửa hàng Barneys trên khắp nước Mỹ, Hatwoman và I.T tại Hong Kong, Weave Toshi ở Tokyo, Alter ở Thượng Hải, Olivier Mauge ở Đức và 101 ở Đài Bắc.

The Design Musuem (Bảo tàng Thiết kế) đã chọn chiếc mũ Ribboned Cityscape của Noel Stewart đại diện cho năm 2011 trong tập sách “50 chiếc mũ làm thay đổi thế giới”. Một số thiết kế khác của Stewart cũng giữ vai trò quan trọng trong cuộc triển lãm “Hats: An Anthology by Stephen Jones” (Mũ: Tuyển tập bởi Stephen Jones) diễn ra tại Bảo tàng Victoria & Albert từ cuối tháng 2 đến tháng 5 năm 2009.

Stewart được chọn tham gia sáng kiến Headonism diễn ra tại Tuần lễ thời trang London từ năm 2009 đến năm 2012. Đây là một sáng kiến độc đáo nhằm vinh danh làn sóng các nhà thiết kế mũ Anh Quốc, khẳng định London là kinh đô của nghệ thuật làm mũ (millinery) thế giới. Tháng 10 năm 2013, Noel được bổ nhiệm làm Giám đốc sáng tạo của thương hiệu Christy & Co.

 

Lady Gaga, Kate Moss and Naomi Campbell trong các thiết kế mũ của Noel Stewart Một thiết kế trong bộ sưu tập Xuân Hè 2009  của Noel Stewart Noel Stewart Xuân/Hè 2010 Noel Stewart for Hussein Chalayan Noel Stewart Noel Stewart for Erdem Noel Stewart for Gareth Pugh Noel Stewart for Holly Fulton

Lady Gaga, Kate Moss and Naomi Campbell trong các thiết kế mũ của Noel Stewart

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-2

Một thiết kế trong bộ sưu tập Xuân Hè 2009 của Noel Stewart

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-3

Noel Stewart Xuân/Hè 2010

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-7

Một thiết kế khác của Noel Stewart

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-4

Noel Stewart for Erdem

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-5

Noel Stewart for Hussein Chalayan

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-6

Noel Stewart for Gareth Pugh

 

2. Philip Treacy

Là nhà thiết kế mũ được nói đến nhiều nhất trong thời gian gần đây, Philip Treacy sinh ra ở Ireland năm 1967. Ngay khi mới 5 tuổi, anh đã tập tành thiết kế và tự tay làm ra những chiếc mũ xinh xắn cho búp bê của chị gái. Lớn lên, anh theo học tại London College of Fashion (Học viện thời trang London). Sau khi tốt nghiệp, Treacy tới Paris làm việc cho Karl Lagerfeld dưới thương hiệu Chanel trong vòng 10 năm.  Năm 1988, Treacy theo học khóa Master về thiết kế thời trang tại Royal College of Art (Học viện Nghệ thuật Hoàng gia) ở London. Một năm sau đó, anh mang một thiết kế của mình tới gặp Michael Roberts và Isabella Blow, lúc đó là tổng biên tập và biên tập phong cách (style editor) của tạp chí uy tín Tatler. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Royal College of Art loại xuất sắc (first class honours), Treacy bắt đầu làm việc tại xưởng dưới tầng hầm trong chính căn nhà của Isabella Blow và chồng cô, Detmar Blow tại Elizabeth Street, Belgravia, London. Và cũng chính Isabella Blow (qua đời năm 2007) là fan trung thành với các thiết kế của Philip Treacy, đồng thời là người giúp anh tạo dựng tên tuổi của mình trong làng thời trang quốc tế.

Treacy từng 5 lần giành danh hiệu Nhà thiết kế phụ kiện (người Anh) của năm (British Accessory Designer of the Year) tại Giải thưởng thời trang Anh Quốc (British Fashion Awards) trong những năm 1990. Năm 2005, Treacy được bổ nhiệm làm giám đốc thiết kế của The g Hotel ở Galway. Tháng 11 năm 2007, anh được phong tặng danh hiệu OBE (Order of the British Empire) bởi những đóng góp của mình cho nền công nghiệp thời trang Anh Quốc, trao tặng bởi Hoàng tử Charles và Camilla, Nữ công tước Cornwall trong một lễ kỷ niệm ở Clarence House. Cũng chính Treacy là người thiết kế mũ cho Camilla trong lễ cưới của bà với Thái tử Charles.

Phong cách thiết kế của Philip Treacy luôn mang một dấu ấn khó phai, ở việc sử dụng các màu sắc, đường nét đồ họa phóng khoáng, táo bạo, hiện đại và đầy kịch tích (dramatic).  Anh thực sự tạo được ấn tượng khó quên khi thiết kế mũ cho bộ sưu tập Haute Couture trắng nổi tiếng của Alexander McQueen thời còn làm Giám đốc sáng tạo cho Givenchy. Ngoài quá trình làm việc cho Karl Lagerfeld  dưới thương hiệu Chanel, Treacy còn thiết kế cho các thương hiệu lớn khác như Valentino, Ralph Lauren và Donna Karan. Ít ai biết rằng chính anh là người thiết kế mũ cho các tập phim Harry Potter nổi tiếng.  Giới celebrities cũng yêu thích các thiết kế của Philip Treacy.  Sarah Jessica Parker đã diện một chiếc mũ vô cùng lộng lẫy do Treacy thiết kế khi xuất hiện tại buổi công chiếu bộ phim Sex and the City (the movie).  Trong số những chiếc mũ vô cùng độc đáo mà anh thiết kế cho Laday Gaga, nổi bật nhât là chiếc mũ có hình điện thoại mà Lady Gaga lựa chọn khi xuất hiện tại chương trình TV “Friday Night with Jonathan Ross” (Tối thứ sáu với Jonathan Ross) năm 2010. Một điều đáng nể nữa, Philip Treacy chính là nhà thiết kế với số lượng những chiếc mũ xuất hiện nhiều nhất (36 chiếc) trong Lễ cưới Hoàng gia diễn ra giữa Hoàng tử William và Kate Middleton vào ngày 29 tháng 4 năm 2011.

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-9

Lady Gaga ở Show trình diễn của Philip Treacy tại London Fashion Week 2012

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-10

Lady Gaga trong một thiết kế của Philip Treacy

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-11

Isabella Blow trong thiết kế “Vườn Trung Quốc” (Chinese Garden) của Philip Treacy cho bộ sưu tập Xuân Hè 2005 của Alexander McQueen

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-12

Mặt nạ ren do Philip Treacy thiết kế cho Bộ sưu tập couture Thu Đông 2009 của Valentino

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-13

Lady Gaga trong các thiết kế khác nhau của Philip Treacy, trong đó bao gồm thiết kế hình chiếc điện thoại.

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-15

Victoria Beckham đội chiếc mũ do Philip Treacy thiết kế dự lễ trao tặng danh hiệu Order of British Empire (OBE) của David Beckham(2003).

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-16

Kate Middleton trong một thiết kế của Philip Treacy

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-19

Một số thiết kế của Philip Treacy tại Đám cưới Hoàng gia giữa Hoàng tử William và Kate Middleton (tháng 4 năm 2011)

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-17

Một thiết kế khác của Philip Treacy

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-20

Isabella Blow trong một thiết kế của Philip Treacy

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-21

Sarah Jessica Parker trong hai thiết kế của Philip Treacy

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-22

Philip Treacy thiết kế mũ cho Camilla trong lễ cưới giữa bà và Thái tử Charles

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-24

Kate Middleton trong một thiết kế của Philip Treacy dự lễ tốt nghiệp học viện quân sự Sandhurst của Hoàng tử William

 

3. William Chambers

Tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Textile Design (Thiết kế Dệt may) tại Scottish College of Textiles (Trường Dệt may Scotland) năm 2001, William Chambers sau đó làm việc cho công ty tư vấn dệt may Carruthers Associates. Đầu năm 2007, Chambers theo học thiết kế mũ tại Đại học Metropolitan, Glasgow. Cùng trong năm này, anh mở studio riêng tại trung tâm thành phố. Không lâu sau, các thiết kế của anh được trình diễn tại Tuần lễ thời trang Glasgow.

Ngay trong năm 2007, các thiết kế của William Chambers được ca sĩ Roisin Murphy lựa chọn cho tour lưu diễn của cô. Không lâu sau, anh nhanh chóng được giới truyền thông để mắt tới. Năm 2008 Chambers giành giải nhất cuộc thi Creative 30 toàn Vương Quốc Anh được tổ chức bởi Vice Magazine, Volvo, The Independent và Yahoo với mục đích tìm kiếm các tài năng thiết kế trẻ. William Chambers đã 2 lần giành “Giải thưởng Thời trang Scotland” (Scottish Fashion Awards) năm 2010 và 2012 ở hạng mục “Nhà thiết kế phụ kiện (người Scotland) của năm”.

Chambers sử dụng màu sắc và chất liệu trong các thiết kế của mình một cách rất tinh tế.  Nguồn cảm hứng chính trong các thiết kế của anh đến từ hoa lá, các loài chim Anh Quốc và kiến trúc Glasgow.  Anh thường xuyên kết hợp các chất liệu truyền thống như nỉ, sinamay vớicác chất liệu hiện đại như latex, nhựa hay lông vũ ánh kim (metallic feathers).

Khách hàng có thể tìm thấy các bộ sưu tập của William Chambers tại Harrods, Fortnum & Mason ở London, Harvey Nichols tại Edinburg, Samuel’s Hats tại New York và Lovehats.com. Các thiết kế của Chambers cũng xuất hiện trên các tạp chí lớn như Vogue, Elle, New York Post, The Telegraph, The Sun, Grazia, Glamour, Conde Nast Brides, Style.com và cuốn sách “Couture Hats”. Anh cũng thiết kế theo đơn đặt hàng của Cruise, Giải thưởng Thời trang Scotland, Disney Studio, Harvey Nichols, Sunday Herald, Giải thưởng Phong cách Scotland (Scottish Style Awards). Các celebrities đã từng diện những chiếc mũ do Chambers thiết kế, ngoài Roisin Murphy phải kể đến Ana Matronic, Joan Jett, Kelis, Suzi Perry, Livia Firth và Anna Dello Russo.

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-26

Một thiết kế của William Chambers

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-27

Roisin Murphy trong một thiết kế của William Chambers

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-28

Một thiết kế của William Chambers

 

4. Rachel Trevor-Morgan

Ra mắt năm 1990 với cửa hàng đặt tại St.James London, các thiết kế của Rachel được biết đến bởi sự nữ tính, thanh lịch, mềm mại nhưng không kém phần hoa mỹ. Giá thành của chúng rơi vào khoảng từ 90 Bảng Anh trở lên. Trước khi thành lập thương hiệu của riêng mình, Rachel đã có thời gian thực tập với hai nhà thiết kế mũ couture dày dặn kinh nghiệm là Philip Somerville và Graham Smith.

Năm 1997, Rachel cho ra đời bộ sưu tập mũ cưới đầu tiên. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, năm 1999 cô đã giành được danh hiệu Nhà thiết kế mũ xuất sắc nhất (“Headdress Designer Award”) tại Giải thưởng Cô dâu Anh quốc (British Bridal Awards). Cô cũng đã cộng tác với một số các nhà thiết kế có tên tuổi như Caroline Charles, Stewart Parvin, Bruce Oldfield, Neil Cunningham and Ulrich Engler.

Năm 2014, Rachel được phong tặng danh hiệu “The Royal Warrant of Appointment to Her Majesty the Queen”. Từ năm 2006, Nữ hoàng Anh liên tục lựa chọn nhưng chiếc mũ do Rachel thiết kế trong nhiều sự kiện quan trọng tại Royal Ascot (Trường đua ngựa Hoàng gia) hay lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 tại St. Pauls, lễ kỷ niệm Đám cưới kim cương tại Tu viện Westminster, cuộc gặp với cựu Tổng thống Mỹ George Bush ở Washington. Điều đáng nói là không chỉ Nữ hoàng Anh mà các thành viên khác của gia đình Hoàng gia cũng yêu thích các thiết kế của cô.

Như một số nhà thiết kế mũ khác, Rachel cung cấp các sản phẩm của mình cho các cửa hàng thời trang bán lẻ hàng đầu London như Harrods, Selfridges cùng các cửa hiệu khác trên khắp nước Anh, mở rộng sang Ireland, xuất khẩu sang cả Mỹ và Nhật. Các thiết kế của cô cũng thường xuyên xuất hiện trên trang bìa và editorial của các tạp chí danh tiếng như Vogue, Elle, Brides, the Daily Mail và the Sunday Times.

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-31

Nữ hoàng Anh đội chiếc mũ do Rachel-Trevor Morgan thiết kế trong tour Diamond Jubilee (60 năm ngôi vị nữ hoàng) đến Chester

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-32

Nữ hoàng Anh diện chiếc mũ của Rachel-Trevor Morgan khi tới festival Epsom Derby

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-36

Nữ hoàng Anh diện mũ của Rachel-Trevor Morgan trong tour Diamond Jubilee (kỷ niệm 60 năm ở ngôi vị nữ hoàng) vào ngày 13 tháng 6 năm 2012

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-35

Kate Middleton trong một thiết kế của Rachel-Trevor Morgan

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-33

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-34

 

5. Pip Hackett

Tốt nghiệp Royal college of Arts (Học viện Nghệ thuật Hoàng gia) năm 1996, Pip Hackett gặt hái được danh tiếng và thành công trong làng thiết kế mũ sau khi mở một studio riêng tại Great Western, London. Cô hiện đang là một trong những nhà thiết kế mũ couture bán chạy nhất tại các cửa hiệu lớn như Harrods, Liberty, Harvey Nichols. Pip có thiết kế được in trên tem Royal Mail First Class (Thư Hoàng gia Hạng nhất), đồng thời được trưng bày trong bảo tàng Victoria & Albert danh tiếng. Cô cũng từng cộng tác với các nhà thiết kế lớn như Thierry Mugler, Jasper Conran. Đáng chú ý hơn cả, Pip là nhà thiết kế mũ cho bộ phim nổi tiếng được đề cử giải Oscar “Girl with a Pearl earring” (Cô gái với chiếc hoa tai ngọc trai) sản xuất năm 2003. Pip còn được mời thiết kế búp bê đặc biệt dành cho Quỹ AIDS của Elton John. Dòng thời trang mũ diffusion lines (chỉ một dòng thời trang với giá cả phải chăng hơn dòng chính của một thương hiệu) của Pip dành cho Designers at Debenhams liên tục sánh vai với các thiết kế của Lulu Guinness, John Rocha, Matthew Williamson và Julien MacDonald trong suốt 10 năm qua.

Các thiết kế của Pip Hackett chịu ảnh hưởng từ cảm hứng thời kỳ lãng mạn Victoria, những năm 20 cho tới thời kỳ film noir những năm 1940. Các chất liệu thường được Pip sử dụng là lông vũ, kết hoa, nạng vintage, tràng hạt (beads), kim sa (sequins) và lụa truyền thống (antique silk).  Tất cả được kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật làm mũ cổ điển với thiết kế và kiểu dáng mới mẻ.

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-38

Thiết kế mũ của Pip Hackett trong bộ phim “Girl with a Pearl Earring” (Cô gái đeo bông tai ngọc trai) (2003)

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-39

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-40

 

ellevn-10-nha-thiet-ke-mu-41

Các thiết kế của Pip Hackett

Nhóm thực hiện

Hoàng Minh Châu tổng hợp và biên dịch

Ảnh sưu tầm

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more