Những mùa đông không thể quên trong đời – Blog Nguyễn Danh Quý

Đăng ngày:

Khi khẽ rùng mình vì những luồng gió lạnh mùa Đông ở Hà Nội hay nghe một bản nhạc Giáng sinh rộn rã trong quán cà phê Starbucks giữa lòng Sài Gòn, tôi thường nghĩ tới những mùa Đông tha hương của mình. Trên blog tuần này, tôi muốn chia sẻ với bạn những kỷ niệm khá riêng tư về những mùa Đông của tôi tại một thành phố cổ ở Đông Đức có tên Dresden…

1. Tôi quay trở lại Đức vào một ngày nặng trĩu mây không có nắng trong tháng 9. Trong lòng háo hức. Nhớ lại thấy mình đã đến đất nước này khi lòng vẫn còn phơi phới. Mới 19 tuổi đầu. Có nhiều điều người ta không thể quên khi 19 tuổi. Người ta sẽ không nhớ ngay lúc đấy. Nhưng chắc chắn sẽ nhớ nó lâu, sau nhiều năm như tôi chẳng hạn. Nếu bạn hỏi tôi về những mùa Giáng sinh tôi đã đi qua. 4 mùa, đủ mùi vị. Như mới nếm thử mọi thứ ngày hôm qua…

2. Đó là mùa đông đầu tiên tôi nhìn thấy tuyết. Chuyện nghe cứ xưa như trái đất. Đứa nào đi du học chả có những mùa đông nhìn thấy tuyết lần đầu. Chắc là giống tôi, bạn hẳn đã háo hức lắm vì ở cái xứ nhiệt đới nóng ẩm nào bao giờ có cơ hội. Đã nghe nhiều về nó. Cũng lạ là sau nhiều năm, năm đó tuyết mới rơi đúng vào đêm Giáng sinh ngày 24 ở thành phố này. Cũng không uổng công chờ đợi. Tôi phi như bay từ căn phòng bé tí tầng 7 xuống đường. Không quên vòng qua kéo đứa bạn ở dãy nhà bên đi làm phó nháy. Đèn vàng mù mù còn tuyết trắng xóa. Chân đi đến đâu lún xuống như … bãi lầy. Cả một vùng tuyết, cơ man là tuyết. Lạnh, mềm và tan ướt trên tay. Chúng tôi ngửa cổ nhìn, tìm cho ra bông hoa tuyết. Hai đứa chúng tôi nhảy múa tự nhiên xung quanh cột đèn đường. Rồi giơ tay ra giả làm ông già tuyết. Nhìn lại tấm ảnh cũ, chỉ thấy mình múp míp trong áo khoác, mặt cười nhăn nhở. Cơn háo hức rồi cũng đi qua. Tôi tỉnh bơ đi về phòng. Ngủ ngon một đêm. Sáng 25, ra căn bếp chung đế chuẩn bị bữa trưa. Không thấy một ai. Chợt nhớ ra là ngày Giáng sinh. Chợt nhớ ra là làm gì còn đứa nào ở lại ký túc xá nếu đã có nơi chốn để trở về. Giáng sinh là để sum họp cơ mà. Tự nhiên chạnh lòng. Tay rò quyển lịch. Chết tiệt, ít nhất 2 tuần nữa bọn nó mới quay lại. Sao lúc đấy thấy ghét ngày lễ ngày nghỉ thế. Nếu có lỡ lên mạng mà tìm chút chia sẻ tử quê nhà thì hẳn sẽ thất vọng lắm vì nào có ai chung tâm trạng mà chia sẻ. Cả ký túc xá giờ im tiếng, chỉ còn lại những đứa sinh viên ngoại quốc. Như sinh viên Trung Quốc thì thể nào cũng tìm một nơi để mà tụ tập. Người Việt không quá nặng nề cộng đồng như vậy. Nhìn ra đường không một bóng người, phố xá như là hậu chiến. Nỗi cô đơn giờ bắt đầu như tuyết tan. Nỗi cô đơn cứ lạnh âm âm như tuyết. Không phải cái lạnh ập vào ngực, ngập phổi, bóp nghẹt hơi thở… như cái lạnh của mùa đông Hà Nội. Cái lạnh của tuyết ngấm dần sau cái nỗi khinh khỉnh “trời cũng chả lạnh lắm”. Lạnh cứ từ từ theo từng phút mon men bò từ đầu ngón tay ngón chân. Tê tê. Bò dần vào tim. Cái lạnh làm tim đông cứng. Và đến lúc bạn không thể chống đỡ. Rồi cứ thế mà đi qua nỗi cô đơn.

 

Chợ Giáng sinh (Weihnachtsmarkt) ở Dresden là một trong những chợ Giáng sinh lâu đời nhất tại Đức.

Chợ Giáng sinh (Weihnachtsmarkt) ở Dresden là một trong những chợ Giáng sinh lâu đời nhất tại Đức.

Mùa đông thứ hai tôi chọn đi xem phim vào đúng ngày cận kề năm mới sau khi đã giết thời gian cho những ngày trước Giáng sinh bằng lịch nấu nướng kín mít với mấy đứa bạn (bày ra toàn món hiểm: nào bánh bao, bánh giò… !). Vào rạp một mình vào một trong những đêm cuối năm nói chung cũng là bất đắc dĩ. Thế mà hôm đó rạp cũng phải có ít nhất 50 người. Nếu không kể một vài đôi trung niên có vẻ muốn tận hưởng một trải nghiệm mới mẻ thì chắc số còn lại cũng giống như tôi. Hóa ra trong cái thành phố gần triệu dân này nỗi cô đơn cũng đâu có ít. Đâu phải chỉ những người ngoại quốc như tôi mới cô đơn. Bộ phim tôi xem hôm đó là Babel. Nỗi cô đơn khủng khiếp nhất là nỗi cô đơn trong chính cộng đồng nơi mình đáng lẽ thuộc về. Ám ảnh bởi bộ phim gần như theo tôi tới tận giờ khắc sang năm mới. Có lẽ đó là năm mới buồn nhất trong đời. Trên chuyến tàu điện về nhà, nhìn vào những cửa sổ sáng đèn ấm cúng, thèm được gõ cửa bất kỳ một gia đình nào. Mới thấy Giáng sinh là mùa linh thiêng. Tàu vẫn chạy, ảo ảnh vun vút. Như trong một cuốn phim road movie… Tôi nhớ rằng ở Dresen gần vùng núi biên giới với Cộng hòa Séc có nghề làm đồ gỗ trang trí truyền thống cho dịp Giáng Sinh, và đôi búp bê gỗ anh thợ mỏ mặc áo xanh đội mũ cao thành có tua ngù với cô tiên đeo cánh trắng cầm nến thắp sáng hiện diện khắp mọi nhà. Trên những bệ cửa sổ hầu như nhà nào cũng đặt giá đèn bằng gỗ chạm khắc sống động, ánh đèn vàng ấm áp soi rọi khuôn cửa để người con xa nhà về hội ngộ Giáng Sinh cũng thấy được từ ngoài phố. Và bao người cô đơn giữa mùa đông thấy lòng chợt ấm lại cũng như được sưởi ấm trong bầu không khí hội ngộ của gia đình. Đêm đó, tôi đã về nhà và xuống kho lấy giá đèn bằng gỗ lượn hình cung. Cửa sổ nhà tôi cũng sẽ tỏa ánh sáng ấm màu vàng cùng hàng triệu ô cửa trang trí cho thành phố bình yên này thật lung linh trong dịp Giáng Sinh!

Mùa đông thứ ba do nhân duyên, tôi bắt đầu quen với gia đình một người bạn Đức. Đó là mùa đông đầu tiên trên xứ người tôi không phải vật lộn với kế hoạch dày đặc làm gì cho hết Giáng sinh… Rồi cứ thế, hai mùa đông nữa đã qua. Mùa đông năm nay sẽ là mùa trở về. Giờ tôi đã yêu và luôn mong ngóng tới mỗi mùa Giáng sinh. Tôi thấy mình hạnh phúc hơn một chút vì giờ có hẳn 2 cái Tết để chờ đợi. Các bạn cùng lớp hỏi tôi “có kế hoạch gì cho Giáng sinh chưa?”. Tôi tự hào nói rằng: Tôi sẽ quay trở lại ngôi nhà thứ hai của tôi ở Dresden. Tôi không còn cô đơn trong đêm Giáng sinh thêm lần nào nữa…

 

Bánh cổ truyền Stollen nhân nho khô ngon tuyệt vời cho dịp Giáng sinh. Vì được yêu thích, nên loại bánh này hiện giờ đã được bán quanh năm trong các siêu thị và cửa hàng bánh ngọt. Tới giớ mỗi khi nghĩ đến, tôi vẫn còn thèm!

Bánh cổ truyền Stollen nhân nho khô ngon tuyệt vời cho dịp Giáng sinh. Vì được yêu thích, nên loại bánh này hiện giờ đã được bán quanh năm trong các siêu thị và cửa hàng bánh ngọt. Tới giớ mỗi khi nghĩ đến, tôi vẫn còn thèm!

Nhóm thực hiện

Blog Nguyễn Danh Quý – Phó thư kí tòa soạn/Chỉ đạo Thời trang

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more