Bắt đầu sự nghiệp với công việc của chuyên gia trang điểm, Jeannie Mai trở thành hiện tượng khi trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên giành giải Emmy năm 2018. Trong cuộc trò chuyện cùng ELLE Việt Nam, Jeannie chia sẻ về ước vọng khi làm mẹ và nỗ lực thay đổi những khuôn mẫu về người châu Á ở Hollywood.

 

Nhiếp ảnh Võ Minh Toàn - Sản xuất & Stylist Hensi Lê - Trang điểm & Làm tóc Khánh Mỹ - Trợ lý Stylist PH-Siêu - Trợ lý Trang điểm Hoài Thương - Trợ lý Nhiếp ảnh Giang Thảo - Ánh sáng FatCat - Retouch Trần Thái - Bài Phương Huyên - Giám đốc Sáng tạo IO

 


 

Xin chào Jeannie, chúng tôi có thể biết chị đã bắt đầu sự nghiệp của mình như thế nào không?

 

Tôi khởi nghiệp là một nghệ sĩ trang điểm. Lựa chọn này là từ ảnh hưởng của mẹ tôi, một người rất yêu thời trang và làm đẹp. Tôi lớn lên và quan sát bà trang điểm mỗi ngày và tình yêu của tôi dành cho việc làm đẹp bắt đầu từ đó. Thế nhưng, công việc của tôi không chỉ là trang điểm, tôi còn tạo mẫu, hướng dẫn cách ăn mặc cho khách hàng. Tôi thực sự quan tâm và hiểu cách tôn lên vẻ đẹp cơ thể của phụ nữ. Không lâu sau khi bắt đầu sự nghiệp, tôi chuyển đến San Francisco và bắt đầu hợp tác với một số kênh truyền hình trong tư cách người cố vấn trang điểm và tạo phong cách. Tôi thích hướng dẫn những người phụ nữ khác, tôi muốn tôn vinh vẻ đẹp của họ. Và từ đó, tôi trở thành người dẫn dắt chương trình truyền hình How Do I Look, nơi tôi có thể giúp phụ nữ phát huy trọn vẹn tiềm năng.

Và không chỉ làm đẹp, tôi tin rằng Jeannie cũng đã giúp phụ nữ theo một cách khác khi chị chia sẻ về trải nghiệm cá nhân, về việc từng là nạn nhân của tấn công tình dục?

 

Vâng, từ năm 9 đến 12 tuổi, tôi đã bị tấn công bởi chính một người họ hàng mà tôi rất tin tưởng. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn, tôi đã mang theo rất nhiều đau khổ và mặc cảm. Tôi từng cảm thấy tội lỗi, tôi nghĩ đi nghĩ lại trong đầu: Tại sao mình lại không ngăn chặn chuyện đó cơ chứ? Lý do cuối cùng khiến tôi lên tiếng là vì sau nhiều năm điều trị tâm lý và đi qua tuổi 20 và 30 của mình trong tủi hổ, cuối cùng tôi đã quyết định “Đủ rồi, mình không đáng phải sống với sự tủi hổ này”. Tôi lên tiếng, vì tôi biết rằng tôi cần phải giải thích với mẹ những gì đã xảy ra trong những năm tháng tuổi trẻ của tôi, để tôi có thể giải thoát cho bản thân và biết đây không phải là lỗi của tôi. Tôi muốn nói rằng tôi tha thứ cho mẹ vì đã không biết phải làm gì, nói gì vào lúc đó và tại sao tôi lại làm những điều như vậy trong quá khứ.

Bây giờ, Jeannie đã trở thành một người mẹ, những trải nghiệm của chị đã giúp chị trở thành một người mẹ như thế nào, và chị có ước mơ gì cho con gái mình?

 

Con gái tôi Monaco vừa là người Việt, vừa là người Mỹ da đen. Cả hai nguồn gốc đó đều mang đến cho con những giá trị văn hóa, lịch sử vô cùng đặc biệt và tôi muốn con thấy tự hào và trân quý cả hai cội nguồn của mình. Điều đó có thể không dễ dàng trong xã hội hiện nay, nhưng tôi mong con lớn lên và luôn thấy tự tin vào chính mình. Tôi đã mất ít nhất 30 năm để thực sự thích Jeannie Mai. Tôi đã lãng phí nửa cuộc đời tự hỏi về cuộc hành trình và tự hỏi liệu tôi có thích mái tóc, làn da của mình, hay chiếc mũi của chính mình không. Và tôi không muốn Monaco lãng phí những năm tháng trong đời con lo lắng về điều đó nữa. Tôi hy vọng sẽ thấy con gái mình trở thành một người nắm lấy mọi thứ cần thiết để đạt tới điều con bé khao khát. Trong văn hóa Việt Nam, chúng ta được kỳ vọng rất nhiều. Ta phải học được cái bằng này, ta phải có được cái nhà này, phải có cái xe này. Tất cả đã được ấn định trong đời. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi có được điều đó. Nhưng, hành trình nỗ lực cũng là một phần của câu chuyện cơ mà. Hành trình thực sự đã giúp chúng ta trở thành những người phụ nữ Việt Nam kiên cường, cương quyết và thực tế. Tôi muốn Monaco trân trọng cả điều đó.

Nhưng khoan đã, tôi tin rằng cảm giác không “thích mình là ai” cũng bắt nguồn từ những thử thách mà chị phải đối mặt khi là một phụ nữ Mỹ gốc Việt, đúng không?

 

Khi bắt đầu làm việc tại Hollywood, tôi nhận thấy rằng có rất ít phụ nữ châu Á xuất hiện trên truyền hình. Tôi thường được yêu cầu làm một số việc mà lúc đó tôi không nhận ra vấn đề của chúng. Giờ tôi mới hiểu là tại sao lại như vậy. Họ muốn biến tôi thành các khuôn mẫu họ đã tạo ra tôi. Tôi nhớ mình được yêu cầu nhuộm tóc đen tuyền vì họ muốn tôi trông giống một người châu Á quyến rũ với mái tóc đen đặc trưng. Tôi cũng nhớ mình đã được hỏi: “Bạn đang thoa kem giả rám nắng phải không? Chúng tôi muốn người có làn da như ngọc trai ấy”. Và tôi khẳng định: “Không, đây là da tự nhiên của tôi. Cha mẹ tôi là người miền Nam Việt Nam, da tôi sẫm màu hơn vậy đó”. Và họ gợi ý thẳng thừng: “Nhưng chẳng phải có những loại kem làm trắng da hay các phương thức tương tự bạn có thể dùng để làm trắng da một chút sao?”. Tôi đã nói không với những công việc đó, những lời đề nghị đó, và việc ấy tiếp thêm sức mạnh cho tôi.

Vẫn có những định kiến ở Hollywood rằng phụ nữ châu Á nên trông như thế nào, phụ nữ Việt Nam nên trông như thế nào. Họ có thể là người phụ nữ độc đoán, hay phụ nữ châu Á kiểu nhân tình gợi cảm, những cô gái mọt sách, hay người đàn bà luôn phục tùng. Và rồi lại có Jeannie Mai không giống với bất cứ định nghĩa nào kể trên, cô ấy ồn ào sôi nổi và có mái tóc màu xanh! Từ buổi đầu sự nghiệp, đó là những thứ mà tôi đã chiến đấu chống lại. Tôi muốn thể hiện đúng với bản chất, cá tính của chính mình, và những nỗ lực đó đã được ghi nhận khi tôi trở thành người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đoạt giải Emmy cho chương trình truyền hình hằng ngày The Real.

Tôi đã từng cảm thấy rất cô đơn, nhưng điều đó đang thay đổi. Khi những tội ác chống lại người châu Á tại Mỹ gia tăng thì cũng có những tác phẩm Hollywood như bộ phim Crazy Rich Asians đã khuyến khích người trẻ gốc Á và gốc Việt hãy tự hào về cội nguồn của mình, hãy đừng chấp nhận thay đổi để phù hợp với những định kiến có sẵn. Tôi rất may mắn vì được là thành viên của các tổ chức như Gold House, The Asian American Foundation (TAAF), và cùng với những người dẫn đầu trong lĩnh vực sáng tạo như Lisa King, Daniel Dae Kim, Prabal Gurung, Phillip Lim, Min Jin Lee, Andy Kim, Melvin Mar, Jose Antonio Vargas, Daniel Wu góp phần vinh danh những thành tựu mà chúng ta, những người châu Á đã đạt được và đấu tranh để mang đến những giá trị đại diện đúng đắn hơn. Tôi thật sự rất hứng thú vì nhận thấy có rất nhiều cơ hội ở phía trước cho những người Mỹ gốc Việt.

Tôi tin rằng cuộc chiến chống lại các khuôn mẫu vẫn chưa kết thúc đối với Jeannie, phải không? Không chỉ cho riêng chị mà cho cả cộng đồng châu Á?

 

Phải nói rằng không chỉ trong cộng đồng châu Á ở Mỹ, mà còn là cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Tôi đã nhiều lần trở về quê hương, lần cuối cách đây 4 năm do bị gián đoạn bởi dịch COVID-19. Trong lần trở lại này với chồng, tôi đã thật sự bất ngờ bởi quá nhiều thứ tuyệt vời mà tôi được trải nghiệm, từ ẩm thực, âm nhạc đến nghệ thuật và môi trường start-up... Tôi đã làm việc với một công ty du lịch được thành lập bởi phụ nữ, Your Travel Nation, để thiết kế chuyến đi trải nghiệm từ Nam ra Bắc cho chúng tôi. Nhờ họ, vợ chồng tôi đã được đi câu cá, làm vườn, và cùng ăn những bữa cơm thật đáng nhớ cùng những con người đặc biệt từ Sài Gòn đến Hà Nội. Năng lượng sáng tạo và sự kiên cường của người Việt chúng ta thật tuyệt vời, và tôi muốn cả thế giới biết rằng Việt Nam không chỉ là những gì mọi người thấy qua các bộ phim Hollywood.

Tôi sẽ dùng mọi khả năng của mình để hướng sự chú ý của thế giới đến những điều thú vị, mới mẻ từ những con người tài năng ở Việt Nam, ngay lúc này và cả trong tương lai. Tôi có nhiều kênh và công cụ để chia sẻ về cuộc sống của mình, một người Mỹ gốc Việt, một người vợ, người mẹ, người dẫn chương trình TV, một doanh nhân. Trên kênh YouTube Hello Hunnay của mình, tôi muốn cho khán giả thấy những hình ảnh khác nhau của mẹ tôi, dì tôi, gia đình tôi, vì không có người hay kiểu người châu Á đơn nhất nào cả.

Có một điều khiến tôi chú ý trong chuyến đi kỳ này, đó là tiêu chuẩn về một “vẻ đẹp lý tưởng” của những cô gái trẻ. Đó là những nét đẹp kiểu phương Tây, đôi mắt hai mí, gò má cao, cằm thon... Tôi nghĩ bạn có thể thay đổi đôi chút để thấy tự tin hơn, nhưng đừng xóa đi những nét đẹp vốn rất “Việt Nam” của mình. Tôi chỉ muốn nói rằng bạn đã rất đẹp với chính những đặc điểm của riêng mình, hãy yêu thương sự khác biệt đó để thật sự nổi bật trong đám đông, thay vì phải trở nên đồng điệu với tất cả mọi người.

Tôi tin rằng nỗ lực và nhận thức về tầm quan trọng của sự đa dạng và bản sắc văn hóa cũng bắt đầu từ gia đình chị?

 

Vâng, điều đầu tiên thể hiện cảm giác tự hào được là người Việt là việc tôi luôn nói tiếng Việt bất cứ khi nào có thể. Tôi tự hào vì bố mẹ tôi đã dạy tôi nói tiếng Việt từ khi tôi được sinh ra. Và đó là ngôn ngữ đầu tiên cho đến khi tôi bảy tuổi. Tôi cảm thấy như đó là một phần trong quá trình giáo dục và di sản của tôi. Tôi tiếp nối di sản đó bằng việc luôn chỉ nói chuyện với con gái bằng tiếng Việt, để con hiểu tầm quan trọng của việc giữ gìn việc nói tiếng Việt. Ẩm thực cũng là một phần của văn hóa, là một cách chúng ta thể hiện tình thương, và Monaco cũng được yêu thương như thế. Con bé thích ăn phở, ăn bún thịt nướng và cũng thích món gà rán, món bột yến mạch đặc sản của miền Nam nước Mỹ.

Chồng tôi là người Mỹ gốc Phi. Chúng tôi luôn muốn con cái của mình sẽ thấu hiểu và cảm thấy tự hào về những khó khăn mà ông bà tổ tiên, cộng đồng của cả hai chúng tôi đã trải qua để có được ngày hôm nay. Ngày đầu tiên chúng tôi hẹn hò, tôi đã nói: Em biết chuyện đang xảy ra rất tuyệt vời, nhưng anh sẽ chẳng hiểu hết em cho đến khi anh thăm Việt Nam và đất nước em. Ngày lễ Giáng sinh đầu tiên bên nhau, tôi đã làm cho anh ấy bảy mô hình cảnh quan nhỏ để anh ấy thấy được Việt Nam trông như thế nào, đó là những nơi tôi sẽ đưa anh ấy đến vào một ngày nào đó. Vì COVID-19, dự định của chúng tôi không thành, nhưng anh ấy đã trang trí toàn bộ căn hộ của mình giống như Hội An, và anh ấy cầu hôn tôi trong căn hộ Hội An đó vì anh ấy muốn cầu hôn tôi ở Việt Nam.

 

Và tôi nghe nói rằng chị cũng đang làm việc với người Việt Nam cho một dự án mới?

 

Vâng, tôi đã đến Việt Nam để sản xuất bộ phim tài liệu thứ ba tập trung về vấn nạn buôn người. Đó là một phần trong quá trình chữa lành từ những tổn thương của tôi, tôi chống lại nạn buôn người và trao quyền cho những người sống sót sau nạn buôn bán tình dục vì tôi hiểu cảm giác đơn độc khi bị lạm dụng tình dục. Tôi là người sống sót, vì vậy khi đến lượt mình, tôi nên giúp đỡ người khác. Kế hoạch của tôi là nâng cao nhận thức cho mọi người về vấn đề này, mua bán người là gì, làm thế nào để cảnh giác và bảo vệ lẫn nhau, để không rơi vào tình trạng bị lừa và lạm dụng. Tôi cũng dành nhiều thời gian ở những trạm cứu hộ để có thể ở bên những người sống sót. Tôi có thể giúp họ chữa lành vết thương và đưa họ trở lại với xã hội với tư cách một con người tốt đẹp hơn, mạnh mẽ hơn so với trước đây. Ở Việt Nam, tôi hợp tác chặt chẽ với các nghệ sĩ và tổ chức địa phương để tìm ra cách giúp trao quyền cho tiếng nói của phụ nữ ở Việt Nam. Tôi muốn mang tiếng nói của Việt Nam đến Mỹ và giúp mọi người ở đây biết thêm về tình hình ở Việt Nam.

Tôi biết rằng trong văn hóa Việt Nam, những người sống sót sau nạn buôn bán tình dục được yêu cầu phải giữ bí mật, phải giấu giếm. Điều đó biến họ thành vô hình, bị bỏ mặc. Điều đó khiến họ như thể bị dơ bẩn. Họ thấy như tội lỗi là ở họ. Và đó là điều đầu tiên chúng ta cần thay đổi. Những người sống sót phải dành cả cuộc đời còn lại để giải thoát chính họ khỏi chấn thương và thực sự đưa họ trở lại với xã hội. Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên mà chúng ta có thể làm là hiểu và trân trọng vì họ đã đủ dũng cảm để trốn thoát tình huống ngặt nghèo đó.

 

Cảm ơn Jeannie rất nhiều vì tất cả những gì chị đã làm để giới thiệu văn hóa Việt Nam tốt hơn và trao quyền cho nhiều phụ nữ.

JEANNIE MAI JENKINS

 

• Nhà sản xuất, nghệ sĩ trang điểm, chuyên gia thời trang, nhân vật truyền hình và MC người Mỹ gốc Việt.

• Từng xuất hiện trong nhiều chương trình truyền hình như How Do I Look?, Character Fantasy, Today Show, America's Test Kitchen: The Next Generation...

• Từng 3 lần được đề cử giải Daytime Emmy cho talkshow The Real và đoạt giải Outstanding Entertainment Talk Show Host năm 2018, giải Outstanding Talk Series tại NAACP Image 2018 cũng với The Real.

• Tháng 5/2021, được chọn vào danh sách A100 của Gold House, công nhận những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong cộng đồng châu Á.

• Sở hữu kênh YouTube Hello Hunnay và podcast Listen Hunnay.

• Từng tham gia phim tài liệu Stopping Traffic: Phong trào chấm dứt buôn bán tình dục.

• Nhà sản xuất của phim tài liệu về nạn buôn người - Surviving Sex Trafficking.

• Đấu tranh cho những người sống sót sau nạn buôn người và là nhà hoạt động chống buôn bán tình dục từ năm 2009.

• 2019, nhận giải thưởng từ Thành phố Los Angeles cho các hoạt động chống nạn buôn người của mình.