Các nhà khoa học tại đại học quốc gia Australia đã phát hiện sắc tố màu hồng tươi trong lớp địa chất sâu bên dưới sa mạc Sahara ở Châu Phi. Sắc tố có niên đại 1,1 tỷ năm tuổi này trở thành màu lâu đời nhất trên thế giới từng được ghi nhận. Từ đó đến nay, màu hồng đã đi một hành trình dài và không ngừng chuyển mình theo dòng chảy lịch sử.

 

THỰC HIỆN: ĐÔNG QUÂN - MINH HỌA: IO - THIẾT KẾ: ANH KIỆT


Hành trình nhập thế

Vào thế kỷ 18, màu hồng là màu dành cho hoàng gia phương Tây. Vào những năm 1700, các quý tộc nam và nữ ở châu Âu đều chọn trang phục màu hồng nhạt hoặc hồng phấn như biểu tượng của đẳng cấp và sự sang trọng. Madame de Pompadour, người tình nổi tiếng của vua Louis XV, yêu thích màu sắc này đến nỗi, vào năm 1757, xưởng sản xuất đồ sứ của hoàng gia Pháp Sèvres đã đặt tên cho màu hồng mới của họ là Rose Pompadour, theo tên bà.

Đến đầu thế kỷ 19, cách mạng công nghiệp và hoạt động sản xuất hàng loạt dẫn đến sự phát triển của các loại thuốc nhuộm có màu sắc tươi sáng, sặc sỡ. Màu hồng của giới quý tộc dần xâm nhập vào đời sống của tầng lớp lao động, nhưng chưa bao giờ gắn liền với giới tính này hơn giới tính khác. Ở thời điểm đó, một người đàn ông mặc bộ suit lụa màu hồng với họa tiết thêu hoa vẫn hoàn toàn nam tính. Vào năm 1897, The New York Times còn đăng một bài báo có tựa đề Tủ quần áo đầu tiên của bé, khuyên các bậc cha mẹ rằng “màu hồng là màu cho bé trai và xanh dương là màu cho bé gái”.

Vào đầu thế kỷ 20, màu hồng đã có một hướng đi mới. Trong thời đại công nghiệp, nam giới chủ yếu chuyển sang mặc đồ đen hoặc các màu tối, để lại các lựa chọn sáng màu hoặc pastel cho nữ giới. Đó là khoảng thời gian mà nữ quyền của màu hồng thực sự bắt đầu. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, phụ nữ làm việc trong các nhà máy thường mặc đồ màu xám hoặc denim. Nhưng sau chiến tranh, phụ nữ đón nhận màu sắc quay lại như một lẽ tự nhiên, và màu hồng là lựa chọn hàng đầu, đại diện cho sự tinh tế và mềm mại.

Bước sang thế kỷ 21, màu hồng mang theo chức năng tuyên ngôn khi các nhân vật của công chúng sử dụng màu sắc này để gửi đi những thông điệp táo bạo. Từ hình ảnh Madonna biểu diễn trong chiếc áo bustier màu hồng pastel của Jean Paul Gaultier năm 1990, chiếc Cadillac mang tính biểu tượng của Elvis Presley năm 1955 cho đến chiếc váy lụa satin của Marilyn Monroe trong Gentlemen Prefer Blondes; từ biển người đội mũ “pussy” tràn ngập cuộc tuần hành Women's March ở Washington DC đến những chiếc sari màu hồng của Gulabi Gang - “băng đảng” đấu tranh vì quyền của phụ nữ Ấn Độ… màu hồng đã trở thành lựa chọn của sức mạnh, sự cương quyết và không khuất phục. Mang hiệu quả mạnh mẽ về mặt thị giác, màu hồng buộc người khác phải chú ý và ngẫm nghĩ về câu chuyện ẩn phía sau người/nhóm người đang nương tựa vào “quyền lực mềm” của nó. Nó sớm được đón nhận như một màu sắc của sự phản kháng và nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Không phải tự nhiên mà dải ruy băng hồng trở thành biểu tượng của Tháng Nhận thức về Ung thư vú, “Pinkwashing” được dùng để mô tả các hoạt động thúc đẩy quyền LGBTIQ+ hay thuật ngữ “thuế hồng” đặt ra vấn đề về việc các sản phẩm được tiếp thị dành riêng cho phụ nữ thường có giá cao hơn. Đúng như Miley Cyrus đã nói: “Màu hồng không chỉ là một màu sắc. Nó là một thái độ”.

Không chỉ là màu sắc

Màu sắc không chỉ là một trải nghiệm thị giác, nó còn ảnh hưởng đến cảm giác, suy nghĩ và hành vi của chúng ta. Các lý thuyết liên quan đến màu sắc và tâm lý học cho thấy mỗi màu sắc có những tác động cụ thể đến chúng ta ở mọi cấp độ - tinh thần, cảm xúc và thể chất. Khi nhìn thấy màu sắc, chúng ta nhận lấy những thông điệp vô thức bằng ngôn ngữ cảm xúc mà chúng ta hiểu theo bản năng.

Màu hồng là một màu sắc tinh tế, khiến người ta ngay lập tức liên tưởng đến những phẩm chất nữ tính như ngọt ngào, tươi vui, ngây thơ, dễ thương, quyến rũ, mềm mại, nhân hậu, nuôi dưỡng, từ bi, trắc ẩn. Nó cũng có thể gợi nhớ đến tình yêu và sự lãng mạn. Màu hồng mang theo tất cả niềm đam mê và năng lượng của màu đỏ rồi tôi luyện nó bằng sự thuần khiết của màu trắng, để lại cho chúng ta một màu sắc dịu dàng và trìu mến. Trực quan và sâu sắc, màu hồng cũng có khả năng khơi dậy sự sáng tạo, niềm tin và tinh thần lạc quan, thế nên, “Bất cứ điều gì cũng có thể trở nên khả thi với ánh mặt trời và một chút màu hồng” (Lilly Pulitzer).

Màu hồng ẩn chứa nhiều khía cạnh khác nhau và biến thiên theo các yếu tố xã hội, chính trị, văn hóa. Màu hồng không còn bị tiếp cận một cách rập khuôn như một thứ gì đó trẻ con, mong manh, sến súa và thiếu chín chắn. Màu hồng còn có thể đẹp đẽ, nữ tính và quyền lực. Nam giới cũng đang quay trở lại với màu hồng như họ đã từng vào thế kỷ 18. Hồng cũng có thể rất “ngầu” theo cách đầy sôi nổi, phi giới tính và mạnh mẽ. “Khi tâm trạng ủ dột, hãy mặc màu hồng” không phải là một lời khuyên sáo rỗng. Điểm tô thêm chút sắc hồng có thể khiến cuộc sống của bạn dịu dàng hơn, hoặc kiên cường hơn, biết đâu đấy.


 

Giữa sự ồn ào của màu sắc, sự xuất hiện của màu hồng như một ốc đảo bình an. Màu hồng với Thủy mang đậm “tính nữ”. Tính nữ ở đây là sự ngọt ngào và ấm

áp, năng lượng tự nhiên của màu hồng thu hút những người thích sự âu yếm và nâng niu, dịu hòa và ôn nhu.

Màu hồng luôn tươi trẻ, không già cũ, không mệt mỏi. Sự ấm áp, tràn đầy nguồn sống được phản chiếu qua màu hồng. Chính nguồn năng lượng này thúc đẩy, làm cho Thủy nhiệt tình hơn, cảm thấy chính mình thật trẻ trung, quyến rũ và nhẹ nhàng như màu hồng pastel, thanh thoát như những em bé mới lớn, tựa như niềm vui của những đứa trẻ chơi với màu sắc.

Thủy nhìn cuộc sống bằng màu hồng, mọi thứ dường như trở nên dịu dàng, ngọt ngào và tích cực biết nhường nào, là một sự bình yên giúp tinh thần được thư giãn, dường như mọi âu lo đang dừng lại ở ngoài kia. Cũng chính vì thế mà Thủy đặt tên cho xưởng phim của mình là Xưởng Phim Màu Hồng, với mong muốn mang đến những tác phẩm điện ảnh qua lăng kính thật “pink”, thật tích cực.

Trong thực hành hội họa, màu hồng là màu giữ được tương quan hài hòa với các màu sắc khác. Nó không nóng, nó không lạnh. Nó trung lập, nó tự do. Màu hồng, với Thủy, là màu có thể hữu hình hóa chính xác nhất những thông điệp, câu chuyện mình muốn kể qua tác phẩm - niềm vui rất bình an. Nghệ thuật có thể mang đậm dấu ấn cá nhân, nhưng thời trang lại là cách Thủy giao tiếp với xã hội. Khi tôi mặc màu hồng, có nghĩa rằng tôi đang tự tin và hài lòng với hiện tại. Màu hồng có thể khiến bạn trở nên ngọt ngào, gợi cảm, mạnh mẽ và nổi loạn. Để tôn vinh “quyền lực mềm” của người phụ nữ, Thủy đưa màu hồng vào khá nhiều thiết kế của mình. Các sáng tạo này là cách trực diện nhất để người mặc kể câu chuyện của riêng họ.

Thủy được “bồng bềnh” trôi qua ranh giới của đúng-sai, tự do-khuôn khổ, bản thân-công chúng khi làm việc với màu sơn hay tấm vải hồng. Màu hồng dạy cho Thủy cách tạo ra năng lượng tươi trẻ và hạnh phúc theo cách rất đỗi bình an trong từng tác phẩm của mình, trong cả hội họa cũng như thời trang. Có khi chỉ là màu hồng ở nhiều cung bậc, cũng có khi được xen kẽ bởi các sắc màu khác, bao hàm cả khái niệm “less is more”, tối đa hóa khả năng biểu đạt thông qua hình khối và cấu trúc, trên các chất liệu khác nhau, Thủy muốn tác phẩm của mình có nhiều lớp lang. Càng ngắm nghía, tìm tòi, càng thấy được sự phong phú trong cả hình hài vật lý, tâm trạng, cảm xúc và cả những trạng thái đang chuyển động bên trong của người xem và người mặc.

Tiếp xúc với con người thật của mình thông qua màu sắc, Thủy được kết nối với những gì thuộc về bản năng và sự thật, thả mình trên con đường sống một cuộc đời chân thực, vui tươi và tự nhiên. Nếu biết cách “chọn” màu hồng cho mình, vây quanh ta sẽ chỉ toàn màu hồng tích cực!


 

Tôi vẫn nhớ như in chương về biểu tượng công chúa trong quyển Sức mạnh của sự quyến rũ, Virgina Postrel đã đề cập rằng ước mơ làm công chúa được ươm mầm trong nhiều bé gái. Trong nhiều dẫn chứng được tác giả đưa ra, tôi nhớ nhất đoạn Lia - con gái của siêu mẫu Kate Moss - vào năm 4 tuổi đã chẳng ấn tượng gì khi gặp 2 nàng công chúa thực thụ là Beatrice và Eugenie. Cô bé hỏi: "Sao các cậu lại là công chúa nếu không có vương miện và áo đầm hồng?". Rõ ràng đóng vai công chúa chính là hình ảnh quyến rũ và lung linh không gì sánh được trong giấc mơ thời thơ ấu của các bé gái. Và rộng lớn hơn, tôi đồ rằng đó cũng là hình ảnh nữ tính gần như đầu tiên và rõ rệt nhất của những bé gái mơ mộng như tôi: mặc trên người chiếc đầm hồng nhiều tầng, chân đi giày búp bê và tất trắng, sống một cuộc đời nhung lụa và êm ấm, có quyền lực trong tay và mọi người săn đón ở mọi khoảnh khắc cuộc đời. Màu hồng trong vai diễn công chúa là một phần chẳng thể tách rời.

Xét về văn hóa truyền thống Trung Quốc,"hồng" (màu đỏ) trong quá khứ cũng khác với "hồng" (màu đỏ) trong thời hiện đại. Trong nhiều triều đại tôn sùng Hỏa đức của Trung Quốc (ví dụ nhà Minh), màu trang phục là màu đỏ. Nhưng công nghệ nhuộm cổ Trung Hoa không dễ nhuộm ra màu đỏ tươi, vả lại quan niệm thời đó cũng bài xích những màu sắc quá chói, nên màu đỏ thời xưa xác thực là khác màu đỏ bây giờ. Hệ màu đỏ khi đó được chia thành nhiều loại khác nhau, có quy định chi tiết về các trường hợp và như giai tầng sử dụng. Dân thường muốn dùng màu đỏ chỉ có thể dùng màu hồng tương đối nhạt.

Nhưng màu hồng trong quan niệm ngày nay thế nào, liệu giấc mơ màu hồng công chúa có khả thi với tất cả chúng ta?

Tôi không biết và không thể có câu trả lời cho tất cả. Dẫu tuổi thơ tất cả bé gái đều mê mẩn váy hồng công chúa với những diềm đăng-ten diễm lệ, thì lớn lên, thuận theo sự phát triển và môi trường, ý nghĩa màu hồng trong lòng mỗi người đều sẽ thay đổi. Có người dần xem đó là màu của sự ủy mị, của những yếu đuối nước mắt, của nhạt nhòa không cá tính, của những gì xinh đẹp nhưng vô dụng... Nhưng trong một chiều Thu đầu tháng 10, khi nhận trong tay lời mời viết vài dòng cho màu hồng, tôi lại muốn bênh vực sắc màu này một chút. Ít nhất thì với cuộc đời tôi và với nhiều người xung quanh, màu hồng đã nâng đỡ chúng tôi êm dịu và bao dung thế nào, như một đám mây mềm xốp bồng bềnh phiêu đãng.

Tôi nhớ năm mình 17 tuổi, một người bạn trong lớp đã gửi cho tôi một tin nhắn trên Yahoo chat thế này: "Sophie, hãy nói gì đó, nói gì cũng được". Sau đó tôi biết rằng bạn đang buồn và muốn"nhờ sức mạnh màu hồng" của tôi để xoa dịu. Lúc đó tôi không dám hỏi nỗi buồn của bạn là gì, chỉ nói những chuyện mà tôi cho rằng nhẹ nhàng nhất. Bạn cám ơn tôi và nói trong lòng đã nhẹ đi nhiều. Năm đó tôi hiểu rằng màu hồng của tôi trong mắt mọi người không chỉ là những dải màu trên trang phục hay phụ kiện, nó toát lên từ nội tâm và ánh nhìn của tôi với cuộc đời. Sự ngô nghê của thuở hoa niên có thể rất lớn, nhưng trong những phút giây buồn bã thì một màu hồng như thế có thể giúp bạn thoát ly khỏi vùng trũng của tiêu cực và nhìn đời với tâm thái lạc quan hơn.

Tôi nhớ năm mình 24 tuổi, ngồi tàu điện ngầm ở trời Tây xa lạ, chị hướng dẫn người nước ngoài đã nhìn tôi và bảo rằng: "Ở đây hầu hết mọi người đều mặc trench coat màu tối (xám, đen)". Khi đó, tôi đang mặc một chiếc trench coat màu hồng phấn, vải có pha sợ ánh ngọc trai, dưới ánh đèn càng thêm cảm giác lấp loáng. Tôi nhìn quanh thấy mình thật khác mọi người, giữa những gam màu tối và trầm lặng, tôi như một đốm hồng tươi tắn đang tỏa sáng. Màu sắc có ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng, và với tôi thì những màu sáng sẽ làm cuộc đời tôi vui vẻ và dễ chịu hơn. Năm nay, các thương hiệu thời trang lớn đồng loạt ưu ái gam màu hồng dịu ngọt và xu hướng Barbiecore đang nổi đình đám từ bộ phim Barbie của Margot Robbie cũng tượng trưng cho cú hích lớn sau những ngày đại dịch buồn bã. Chúng ta cần một điều gì đó đủ sức vực dậy tinh thần sau những mất mát và vô vọng!

Hơn 1 tháng trước, tôi lướt Instagram và giật mình thấy có gì đó không ổn. Tôi nhắn tin cho người bạn mà tôi kể trong câu chuyện năm 17 tuổi thì biết rằng bạn vừa phẫu thuật ung thư cổ tử cung. Từ lúc phát hiện bệnh cho đến lúc phẫu thuật xong chỉ gần 1 tháng. Bạn chẳng nói với mấy người, chỉ lẳng lặng đi bệnh viện. Chồng bạn ngồi ngoài phòng chờ run rẩy đến độ bật khóc trong điện thoại khi gọi cho sếp. Khi tỉnh lại, bạn tôi hỏi chồng: "Sao anh lại khóc, em còn không khóc mà anh khóc gì?". Tôi đến thăm khi bạn đã về nhà và đang xỏ vòng đeo tay nhiều màu để giết thời gian. Khi đó mặt bạn tôi còn nhợt nhạt, nhưng câu chuyện bạn kể về bệnh của chính mình thì chẳng u buồn gì, bạn tôi thậm chí còn thốt lên phấn khích: "Nhìn xem cái vòng tay màu hồng nè, mình xỏ cho con mình đó".

Tôi cũng nhớ lại mình khoảng một năm trước khi nằm gây tê trên giường mổ trong ca tiểu phẫu u nang tại ngực, tôi đã nói chuyện đến mức bác sĩ bật cười. Tôi cũng được biết rằng có rất nhiều bệnh nhân ung thư vú tại Việt Nam đã lạc quan thế nào khi cài trên ngực chiếc nơ hồng như một biểu tượng của tinh thần vượt trên nghịch cảnh. Khi cuộc đời đưa bạn vào giông bão, bạn chẳng thể vùng vẫy được mà chỉ có thể thay đổi cách đón nhận với sự việc đó. Tôi, bạn tôi, những bệnh nhân ung thư vú, hay tất cả những người lỡ rơi vào phút giây khó khăn đó đó, chúng ta làm được gì hơn ngoài gạt nước mắt và nắm chặt chiếc nơ hồng - như nắm trong tay một món quà niềm tin ta trao cho chính mình?

Với tôi, màu hồng thật ra chẳng yếu đuối hay vô dụng chút nào. Nếu bạn bình tâm nhìn nhận, bạn sẽ thấy màu hồng được chọn làm gam màu đại diện cho rất nhiều tổ chức hoạt động vì phụ nữ. Gam màu này chưa từng vắng bóng trên các sàn diễn thời trang, và dẫu nhiều bà mẹ trẻ hiện đại cho rằng màu hồng sẽ khiến con họ trở nên xinh đẹp nhưng ngờ nghệch, thì mọi thứ màu hồng vẫn được bán rất chạy cho bé gái. Các cô bé yêu thích màu sắc này có thể vì chúng mường tượng hình ảnh nữ tính của mình khi lớn lên, trong những váy áo mềm mại và tươi sáng, môi nói lên những ái ngữ dịu dàng và chữa lành trái tim người xung quanh, trở thành một quý cô có tiêu chuẩn, có quy tắc và luôn hòa ái với thế giới. Sự mềm mại của màu hồng chẳng những không đại diện cho ủy mị, mà trái lại còn phản ánh một nội lực rất to lớn của phái đẹp, một quyền lực mềm mà tất cả những người phụ nữ chân chính đều ấp ủ trong mình, như ấp ủ một mầm hoa xinh xắn.

Một buổi chiều trước khi cơn bão đổ bộ vào thành phố với những lưới mây xám xịt, tôi ung dung nằm trên thảm cỏ non và ăn những trái hồng giòn ngọt. Một vài giọt mưa nhỏ xuống đầm hồng, tôi thấy tâm mình trong veo như một mảng thạch hồng mềm mát, hát khẽ vài lời trong bài La vie en rose. Tôi cũng thầm mong bạn dù thế nào cũng vẫn giữ một chút hồng nữ tính và an nhiên trong tâm. Mong màu hồng dịu êm sẽ chở che đời bạn từ khi chỉ là một bé gái trong nôi đến khi trở thành một phụ nữ trưởng thành và bản lĩnh. Nếu "hồng" từ vi quan lan rộng đến hồng quan, thì màu hồng của bạn sẽ lây sang những người xung quanh và bao bọc họ trong sự an hòa của bạn.

Một sự dịu êm đầy tính nữ rất quý giá khi ngoài kia gió đã thổi bay chiếc lá cuối cùng trên cành khô trụi lá...


 

Cứ tháng 10 sắp tới là trong người em lại có cảm giác nôn nao khó tả, vui, nhưng cũng buồn chị ạ…”. Đây là dòng tin nhắn mà cứ gần đến tháng 10 tôi sẽ nhận được từ một em gái nhỏ ở Hà Nội, mắc ung thư khi tuổi đời mới 22. Mà cũng đã 3 năm rồi, tôi không còn cơ hội để được nhận tin nhắn của em nữa.

Tháng 10 là tháng nâng cao nhận thức về ung thư vú - trên khắp thế giới, các hoạt động thể hiện sự đồng hành cùng với những người mắc căn bệnh này đều ngập tràn sắc hồng. Với tôi - một người không phải là bệnh nhân ung thư vú, lòng tôi cũng đầy cảm xúc xốn xang khó tả mỗi khi chờ đón tháng 10 về.

Tôi có thể giống bạn vì tôi đã từng không thích màu hồng. Tủ quần áo và tất cả đồ đạc trong nhà của tôi đã từng không có bất cứ sắc hồng nào cả.

Tôi có thể cũng giống bạn vì tôi chưa bao giờ thực sự quan tâm tới những chiếc áo lót khi mà tôi vẫn phải mang nó ít nhất 8 tiếng mỗi ngày đi làm.

Tôi có thể cũng giống bạn vì tôi đã từng nhất quyết không vào bệnh viện nếu phải đi khám vú - phụ khoa khi biết bác sĩ khám cho tôi là nam giới.

Tôi có thể giống bạn vì tôi đã từng không quan tâm tới vú của mình, và rất ngại ngùng khi phải gọi tên hay đề cập tới nó. Tôi có thể giống bạn vì tôi đã từng cố gắng gọi né tránh tên căn bệnh ung thư vú bằng ung thư ngực hay vòng một, vì cho rằng đây là cách nói lịch thiệp và không thô tục. Mặc dù đây chính xác là cách mà y học hiện đại đã nghiên cứu và gọi tên. Tôi chắc chắn bạn cũng vậy và có nhiều cái giống tôi, khi bạn đang đọc đến những dòng này! Ở Việt Nam, vú còn là thứ quá thầm kín, quá riêng tư và cũng quá nhạy cảm - thậm chí là cấm kỵ để nói về. Tôi hiểu và đồng cảm cùng với bạn.

Nhưng đó là trước khi ung thư vú gõ cửa gia đình mình, trước khi tôi chứng kiến chị gái tôi và quá nhiều phụ nữ xung quanh mình là mẹ, là cô, là bác, là bà, là những người chị, người em phải cắt đi bộ ngực của họ; thấy những thay đổi khủng khiếp trên cơ thể vật lý của họ; chứng kiến họ chết vì căn bệnh ung thư vú, đặc biệt là khi tuổi đời còn quá trẻ, như chị tôi ở tuổi 30, như em gái nhắn tin hằng năm cho tôi vào tháng 10, qua đời khi chưa tròn 25. Và tôi cũng đã từng chếnh choáng khi gặp ca mắc ung thư vú ở tuổi lên 9; gặp cả những anh trai, bác trai mắc ung thư vú, phải xấu hổ trốn tránh mà không dám nói với ai về căn bệnh mình đang mang.

Trước khi những điều này xảy ra, xin bạn đừng đặt mình ngoài cuộc khi nhắc đến 3 từ ung thư vú!

Tôi cũng khâm phục khi tất cả những người tôi nói tới ở trên, đặc biệt là những người phụ nữ, lựa chọn cắt bỏ đi một phần cơ thể của mình - bộ ngực - để giành lấy sự sống. Cơ thể vật lý và tâm hồn họ theo một cách nào đó cũng đã bị cắt gọt, mãi mãi không bao giờ còn trọn vẹn, đủ đầy nữa. Để mỗi lần lột bỏ xiêm áo, những vết sẹo - những vết cắt lồi lõm - nhắc nhở họ về một lựa chọn đầy dũng cảm - lựa chọn để đẩy cái chết xa hơn. Mỗi năm, tháng 10 về, Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - Breast Cancer Network Vietnam (BCNV) do tôi điều hành đều tổ chức rất nhiều hoạt động và chiến dịch lớn, mời mọi người mặc màu hồng, cài ruy băng hồng để thể hiện sự cổ vũ, đồng hành cùng những người đang trên hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Khi còn được cài nơ lên ngực, đội lên đầu những chiếc nón màu hồng xinh xắn, được thấy nhau cười tươi, xúng xính váy áo, vòng vèo đủ các sắc hồng… chúng tôi biết rằng người bạn của mình còn sống, mừng cho một năm nữa được sống.

Tôi ở hiện tại rất tự hào khi mang các hoạt động màu hồng gieo đi khắp nơi, rất yêu màu hồng và không ngần ngại khi nói về ung thư vú với bất kỳ ai mà tôi gặp. Và nếu bạn đang đọc tới những dòng này, mong rằng ngay từ giây phút này, bạn hãy bắt đầu chăm chút, yêu thương cơ thể của mình, yêu vú của mình và yêu màu hồng theo một ý nghĩa vô cùng đặc biệt khác nữa, bạn nhé.


 

Không biết màu hồng đối với mọi người như thế nào, nhưng với mình, nó luôn gắn liền với sự phản kháng.

Nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng sự phản kháng của mình đơn giản chỉ bắt đầu từ những thôi thúc rằng bản thân phải làm gì đó để không phải chối bỏ tính nữ bên trong. Cụ thể là từ hồi học cấp hai, mình đã vô thức tự ép bản thân sửa rất nhiều hành vi hay giọng nói vì thường bị nhận xét là không được nam tính cho lắm. Đến cả cười mình cũng phải dè chừng vì mấy đứa bạn mình thường hỏi: “sao giọng cười của mày cứ the thé như con gái thế?”. Để đỡ trở thành chủ đề bàn tán, mình đành phải gồng, và nếu có ai vô tình chỉ ra điệu bộ nữ tính của mình thì mình sẽ xù lông lên chối cho bằng được thì thôi.

Rõ ràng gồng mãi thì cũng mệt, đến cuối năm lớp 12, mình lấy hết can đảm để “come out” (công khai) với nhóm bạn thân rằng mình là người đồng tính nam. Phản ứng của họ làm mình vô cùng bất ngờ, có đứa im lặng không biết nói gì, có đứa khóc, có đứa ôm chặt mình nhắc đi nhắc lại là không sao đâu, rồi sau một hồi bối rối thì tất cả đều cam đoan là vẫn sẽ luôn ủng hộ mình. Có thể nói, đây là lần đầu mình cảm thấy tự do, không còn gánh nặng phải giấu giếm nữa, và không còn phải chối bỏ một phần căn tính của mình.

Sau đấy, được đà, mình bắt đầu mạnh dạn tham gia các sự kiện thúc đẩy quyền của người LGBTIQ+, bắt đầu thoải mái hơn khi ăn mặc và cũng phản kháng nhiều hơn. Mình bắt đầu mua và mặc nhiều đồ màu hồng, đồng thời xem hành động này vừa là một công cụ để kiểm tra xem bản thân mình đã thực sự ổn với tính nữ đến mức nào, vừa là để thách thức tiêu chuẩn xã hội, chứng minh rằng chẳng có vấn đề gì khi nam giới thể hiện tính nữ cả.

Hồi mới lên đại học, mình từng bị một nhóm trai thẳng trong khoa gọi với thái độ miệt thị là “thằng quần hồng” hay “bê-đê quần hồng”, và thường sau khi gọi mình như vậy thì cả đám sẽ quay sang cười với nhau. Lúc đấy, mình chỉ tiến thẳng đến và hỏi nhóm đó rằng họ thấy buồn cười ở đâu rồi đợi câu trả lời, nhưng thường là chẳng ai nói được gì rồi cứ thế lờ đi. Được vài lần mình làm như vậy thì nhóm đó không còn dám trêu mình nữa. Đối với mình, đây chính là biểu hiện của sức mạnh màu hồng, sức mạnh của sự phản kháng ôn hòa.

Điều đáng buồn là tính nữ vẫn chưa được coi trọng bằng tính nam trong xã hội. Về mặt số liệu, chẳng khó để tra cứu ra các con số chứng minh rằng số lượng phụ nữ ở vị trí lãnh đạo luôn thấp hơn nhiều so với nam giới, kể cả ở những lĩnh vực mà thông thường phụ nữ vốn chiếm đa số nhân sự như y tế, giáo dục, phát triển. Báo cáo nghiên cứu Báo chí và định kiến giới đối với lãnh đạo nữ thực hiện bởi Tổ chức Oxfam cũng chỉ ra rằng, sự thiếu vắng hình ảnh lãnh đạo nữ trong tin tức không những là minh chứng cho việc tiếng nói và ý kiến của nữ giới không được thể hiện đầy đủ, mà còn gửi một thông điệp ngầm tới công chúng rằng lãnh đạo nữ không có quyền lực, hoặc không có phẩm chất lãnh đạo để xứng đáng đưa vào các bản tin.

Góp phần giải thích cho sự bất bình đẳng giới trên, nhà nữ quyền bell hooks trong cuốn sách Nữ quyền cho mọi người đã giải thích: “Mọi người trong chúng ta, dù là đàn ông hay đàn bà, đều đã bị xã hội hóa từ lúc được sinh ra để chấp nhận những tư tưởng và hành động mang định kiến giới”. Đúng vậy, những định kiến giới không dễ mất đi bởi chúng gắn liền với hệ giá trị cũng như quá trình học tập và trải nghiệm khác nhau của mỗi người, nhưng điều này cũng không có nghĩa là chúng ta không thể làm gì để tiếp tục phản kháng. Trong quá trình thực hiện dự án “Truyền Thông Chín”, mình nhận ra rằng, những thay đổi xã hội ngày nay xảy ra nhiều trong các cuộc đối thoại thường ngày hơn là qua các kênh tin tức truyền thông đại chúng. Vì vậy, lần tới, nếu bạn muốn tạo ảnh hưởng tới ai đó, hãy thử kiên trì thảo luận với người đó qua bữa ăn hằng ngày hay các cuộc tâm sự, trò chuyện… có thể, thay đổi sẽ diễn ra nhanh hơn và bền vững hơn!