Đinh Công Đạt – Nghệ thuật không giấu giếm

Đăng ngày:

Kết thúc buổi chụp hình, tôi hỏi Đinh Công Đạt: “Anh ngồi lên tranh của mình để chụp mà có vẻ… chả vấn đề gì?”. Gã đầu trọc tủm tỉm: “Đúng, chả có vấn đề gì vì tranh của tớ, thích thì tớ ngồi. Mà đó là tranh sơn mài, chắc chắn nên mới dám ngồi chứ tranh thường ai dám ngồi”.

1

Điêu khắc gia Đinh Công Đạt là người hoạt ngôn, thậm chí ai tiếp xúc lần đầu sẽ hơi “khó chịu” vì anh nói nhiều mà tốc độ nói cũng không chậm tí nào. Nếu bắt nhịp được câu chuyện của anh, chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng bị gã “lắm mồm” này chinh phục bởi sự dễ mến, thẳng thắn và hài hước của gã.

Đinh Công Đạt nổi tiếng với những sản phẩm điêu khắc gắn với loài vật. Nho nhỏ như con kiến, gã phóng to ra và cho leo lên tường. Xinh xinh như mấy chú gà trống, gã bọc giấy rồi thả vào phòng triển lãm cho bọn trẻ con tha hồ nghịch chơi, rồi cả nhện, châu chấu, cua… nữa chứ. Mỗi con một câu chuyện, một triển lãm. Hết ở Việt Nam, lão còn đưa lũ động vật của mình đi triển lãm nước ngoài. “20 năm qua mình cũng đến lắm nước, về tới nhà mới ớ ra: nghèo vẫn hoàn nghèo”, Đinh Công Đạt kết luận.

 

5

Kiến (1999)

Và ông nghệ sĩ bắt đầu bất đắc chí?

Không. Ông nghệ sĩ này chả bất đắc chí vì cuộc đời gã đã trải nhiều nghề,
từ anh thợ đến anh lính rồi mới làm anh nghệ sĩ điêu khắc. “Chả nghệ sĩ
nào thích nghèo, tớ khẳng định đấy, từ ông Picasso tới ông Đinh Công
Đạt”.

Khoảng năm 2004, Đinh Công Đạt ra mắt serie tượng Phật âm dương gây tiếng vang trong và ngoài nước. Người đến triển lãm nhiều lắm, nhưng tác phẩm lại ít người mua, gã nghệ sĩ băn khoăn… Tình cờ, một người nước ngoài sau khi mua tác phẩm của Đạt tâm sự rằng bà thích lắm nhưng nói thật không biết bày vào đâu và như thế nào cho đúng. Đạt sướng quá, gã chế ngay cái móc nhỏ sau lưng tác phẩm để treo được. Vậy là tượng Phật âm dương… bán “ngon lành”.

 

4

Tác phẩm Mặt nạ (2002) – Những gương mặt Phật, khi dương (lồi) khi âm (lõm).

“Nhiều vị chửi tớ lắm đấy, bảo thằng Đạt “rồ” là thằng Đạt “rồ dởm”. Rồi bảo tớ làm tiền chứ có phải làm nghệ thuật đâu. Cái con ngựa lăng nhăng mà bán tới mấy ngàn đô, nhưng tớ nói thật nhá, cứ đói 20 năm như tớ rồi thì chửi thế nào cũng được. Còn tớ thấy cái việc mình làm được thiên hạ họ đón nhận tức là tớ đang làm đúng!”, anh nói.

Giới phê bình xếp Đinh Công Đạt vào phong cách Pop-Art. Tác phẩm của anh không làm người xem choáng ngợp, lạ lẫm, băn khoăn hay mất định hướng. Chúng thú vị và gần gũi, có gì đó hồn nhiên, nhưng lại gợi mở nhiều cách cảm nhận và suy tư khác nhau.

6

3

10

Các tác phẩm điêu khắc đương đại của Đinh Công Đạt: Sắp đặt Những tờ báo không có nghĩa (2004), Cheap & Chic (2011), Chuyển động (1998), Dự án nghệ thuật Đồ chơi trẻ con (2010)

Gần đây, Đinh Công Đạt còn tạo dấu ấn riêng với công việc của một người thiết kế sân khấu trong nhiều chương trình nghệ thuật. Nhiều đối tác đánh giá cao anh như một thương hiệu đáng tin cậy ở cách thức làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm. Xem một số chương trình có sự “nhúng tay” của Đinh Công Đạt sẽ nhận ra phong cách của gã: Chọn ngôn ngữ phù hợp nhất với chương trình dù có thể đó là sự tối giản, nhưng cũng có thể là những dấu ấn thị giác mạnh của sắp đặt và điêu khắc, luôn rất cầu kỳ với những tiểu tiết và không để ý tưởng bị lặp lại lần thứ hai.

Một shoot ảnh khác chúng tôi thực hiện với Đinh Công Đạt khi anh ngồi trên chiếc xe tự chế từ tre và bọc da cho trẻ con. Gã đàn ông tuổi ngoài 40 cưỡi trên món đồ chơi con trẻ với vẻ mặt cao ngạo. Tất cả những tương phản đó chính là Đạt “rồ”.

ĐỐI THOẠI VỚI ĐINH CÔNG ĐẠT

Anh tự miêu tả về mình thế nào?
Thì thiên hạ tả hộ tôi rồi đấy: Đạt “rồ”.

Tạo ra tác phẩm một cách chủ quan và làm tác phẩm cho một dự án được đặt hàng, cái nào khó hơn?
Chả cái nào khó hơn cái nào, cái nào cũng khó và dễ vì cốt lõi là trước khi thực hiện tác phẩm, anh đã xong phần lý thuyết chưa. Điều đó có nghĩa là anh đã trả lời được hết các câu hỏi làm để làm gì, làm cho ai, làm như thế nào… chưa mà thôi.

Thú vui lớn nhất của anh là gì?
Du lịch

Âm nhạc, điện ảnh… có tác động tới công việc sáng tạo của anh?
Có. Cái này có thể gây cảm hứng để làm cái khác, nhưng đối với công việc thiết kế sân khấu, bắt buộc anh phải hiểu tác phẩm trình diễn.

Anh có bao giờ ngồi ở ghế khán giả để xem chương trình do mình “nhúng tay”?
Không. Tôi chỉ chịu trách nhiệm tới trước giờ diễn thôi.

Người ta bảo nghệ thuật của anh là Pop-Art đấy, anh thấy sao?
Thế thì chắc là thế (cười). Quan trọng nó đúng là nghệ thuật còn nghệ thuật nào đôi khi không quan trọng lắm.

Thời gian bế tắc, không thể sáng tác của anh dài nhất là bao lâu?
Giỏi lắm 1 tháng. Tôi thuộc tạng người không “ngồi không” được.

Anh có tuyên ngôn nghệ thuật không?
Tôi chỉ nghĩ là nghệ thuật thì nên làm thế nào để ai cũng hiểu và thích được.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Từ Phương Thảo – Ảnh: Tường Huy, Thu Thủy

Bài: Xuân Thi, Nguyễn Đình, Thu Thủy

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more