Hộp nhạc: Giai điệu về ký ức – blog Phương Bùi

Đăng ngày:

Một ngày đẹp trời, người yêu tặng tôi một chiếc hộp nhạc bé xíu hiệu Fridolin của Đức. Chiếc hộp vuông vức bằng giấy cứng phát ra đoạn nhạc mở đầu của một tác phẩm của Beethoven.

Hop-nhac---Giai-dieu-ve-ky-uc

Không cần phải nói, chiếc hộp ngay lập tức khiến tôi mê mẩn. Mấy buổi tối liền trước khi đi ngủ, tôi chầm chậm xoay tay quay chìa ra từ một góc hộp để âm thanh lan tỏa trong đêm và nhẹ nhàng đưa tôi vào giấc ngủ.

Tôi vốn mê những đồ vật bé xinh và thường bỏ tiền túi vào những thứ đôi khi chẳng dùng vào việc gì, ngoài để ngắm. Những khi đi du lịch nước ngoài, tôi luôn có một khoảng thời gian nhất định dành cho việc thả bộ vào các cửa hàng lưu niệm để chọn quà, hoặc đôi khi chỉ để chiêm ngưỡng thỏa thích các đồ vật dễ thương. Nhờ đó mà tôi phát hiện ra một thế giới hộp nhạc vô cùng đa dạng, đặc biệt trong chuyến du lịch bụi kéo dài hơn hai tuần qua các nước châu Âu trong thời gian du học ở Pháp. Từ những ki-ốt bán dạo dọc theo sông Seine cho đến những cửa hiệu lấp lánh ánh đèn trong các con hẻm nhỏ lát đá ở Praha, những chiếc hộp nhạc với mọi hình dạng, kích thước, giai điệu luôn là thứ khiến du khách tò mò và thích thú.

Về cơ bản, hệ thống cơ học của mọi chiếc hộp nhạc đều bao gồm một bánh răng truyền động, một cuộn lăn nhạc hình trụ có những chấm nhỏ trên mặt gọi là kim nhạc và một chiếc lược thép có răng lược xếp đều theo kích thước từ dài đến ngắn. Các kim nhạc được phân bố trên thân cuộn lăn nhạc sao cho khi cuộn lăn nhạc xoay quanh trục nhờ vào bánh răng truyền động nối với dây cót hoặc tay quay, chúng sẽ gảy răng lược để vang lên một nốt nhạc và hòa thanh tạo thành giai điệu. Mỗi cuộn lăn nhạc tương ứng với một giai điệu duy nhất. Tất cả các bộ phận của hộp nhạc sau đó được cố định trên một chiếc đế bằng kim loại hoặc gỗ và thường đi kèm với một chiếc hộp đựng.

Tuy nhiên, người ta đã chế tạo ra hộp nhạc có thể chơi được những giai điệu khác nhau nhờ vào các cuộn lăn nhạc có thể tháo lắp được, hoặc một cuộn lăn nhạc với nhiều kim nhạc và chơi được nhiều giai điệu trong một thời gian dài hơn. Cấu trúc hộp nhạc nhìn có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác đến từng chi tiết như độ dài của răng lược, vị trí và số lượng kim nhạc, tốc độ của hệ thống dây cót… Hộp nhạc càng có nhiều kim nhạc càng chơi được những giai điệu phức tạp với hòa âm “dày” hơn. Một hộp nhạc có độ dài lược thép tương ứng với 88 răng lược có thể chơi được những nốt tương tự như một cây đàn piano. Tuy nhiên, những hộp nhạc ở cửa hàng lưu niệm thường có kích thước nhỏ và được bán với giá thành phù hợp với túi tiền của hầu hết mọi người.

Người ta cho rằng khởi thủy của hộp nhạc là một loại dàn chuông tên là Carillon (bắt nguồn từ tiếng Pháp “quadrillion” nghĩa là bốn chiếc chuông). Vào thời Trung Cổ ở châu Âu, tháp chuông được dùng như một phương tiện truyền tin đến dân cư: báo cháy, bão, chiến tranh, hoặc thông báo một số sự kiện quan trọng khác. Ví dụ như tiếng chuông vang lên theo thứ tự từ trầm nhất đến cao nhất nghĩa là thành phố đang trong tình trạng báo động vì xâm lăng.

Tiếng chuông còn là một cách báo giờ tương tự như tiếng chuông đồng hồ. Ban đầu, tháp chuông được canh giữ và vận hành bởi người gác chuông. Cùng với sự phát minh ra hệ thống dây cót và phát triển của ngành chế tạo đồng hồ, những chiếc chuông dần được tự động hóa để phát ra âm thanh cố định vào những khoảnh khắc cố định trong ngày. Người ta cho rằng hệ thống này đã được sử dụng lần đầu tiên trong một tháp chuông có tên gọi Nicolas Karc vào thế kỷ 14 tại Bỉ. Cơ chế này sau đó đã được cải tiến để áp dụng vào chiếc hộp nhạc ngày nay.

Hop nhac - Giai dieu ve ky uc 2

Từ một món đồ thể hiện trình độ cơ khí bậc thầy, hộp nhạc đã có nhiều biến tấu độc đáo trong cuộc sống, thậm chí trở thành một vật trang trí sang trọng có giá trị thẩm mỹ cao. Dọc con đường du lịch đó đây, tôi đã phát hiện ra vô số hình dạng của hộp nhạc từ đơn giản đến cầu kỳ như quả cầu thủy tinh, vòng quay ngựa gỗ, vũ công, lồng chim, hộp nữ trang, đồng hồ bỏ túi… với hàng ngàn giai điệu phong phú. Một số nơi còn tách hẳn giai điệu và hộp đựng để người mua có nhiều sự lựa chọn. Tại Hàn Quốc, trong một cửa hàng lưu niệm chuyên bán hộp nhạc, tôi thấy người ta trưng bày vỏ hộp nhạc bằng gốm sứ tráng men với họa tiết trang trí mang đậm màu sắc văn hóa dân gian xứ Hàn. Với nét vẽ tinh tế và lớp men bóng loáng, chúng thật sự là một món hàng có giá trị. Những nhà sản xuất hộp nhạc danh tiếng trên thế giới như Reuge (Thụy Sĩ), Sankyo (Nhật) có hàng chục bộ sưu tập hộp nhạc với đủ kích cỡ, hình dáng và chất liệu. Nguyên liệu được sử dụng để chế tạo vỏ hộp cũng phong phú không kém, từ giấy, nhựa cho đến gỗ mun, gỗ sồi hoặc thủy tinh cao cấp. Các chi tiết trang trí bằng xà cừ, ngà voi, nạm vàng hoặc đá quý càng làm tôn lên tính thẩm mĩ của những chiếc hộp này khiến cho bất cứ một người đam mê cái đẹp nào cũng phải thán phục.

Âm sắc của hộp nhạc mang tính “kim”, khô lạnh nhưng trong trẻo. Đó là một loại âm thanh cần có sự tinh tế để cảm nhận. Người yêu dặn tôi phải đặt hộp nhạc lên một chiếc bàn gỗ và nghe bằng cách áp tai lên mặt bàn. Khi cuộn lăn nhạc chầm chậm xoay và giai điệu vẳng đến theo thớ gỗ, tôi thấy mình như rũ bỏ những suy nghĩ bộn bề và chìm vào một thế giới xa xăm. Người ta nói âm nhạc có thể làm ký ức sống dậy. Quả vậy. Tôi nhớ trong một cửa hàng lưu niệm gần Khải Hoàn Môn ở Paris, tôi đã mua một chiếc hộp nhạc hình cái trống nhỏ với tay quay màu đỏ phát ra đoạn điệp khúc của bản nhạc bất hủ “La vie en rose” làm quà tặng một người bạn. Mỗi khi ngắm nghía và lắng nghe chiếc hộp nhạc đó, tôi nhớ khung cảnh hữu tình và những hàng cây trên đại lộ Champs Élysées. Còn khi người bạn tôi nghe giai điệu đó, tôi chắc hẳn cô ấy sẽ nghĩ đến những kỷ niệm giữa chúng tôi. Chỉ cần lắng nghe tiếng nhạc vang lên khi réo rắt, khi ngập ngừng, khi nhanh, khi chậm rãi, mỗi một lần kim nhạc gảy vào răng lược là một lần bước chân về ký ức, mới hiểu vì sao hộp nhạc mãi mãi là thứ gắn liền với hoài niệm êm đềm.

Nhóm thực hiện

Blog Phương Bùi

Ảnh tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more