Tìm hiểu Internet đã theo dõi bạn như thế nào

Đăng ngày:

Có thể bạn không biết, nhưng dù bạn có cẩn thận như thế nào thì những thông tin cá nhân của bạn như dữ liệu tài chính, sức khỏe, thói quen… vẫn có thể bị lấy cắp và trao đổi một cách bí mật. Vậy làm thế nào mà những điều như vậy lại xảy ra?

Cùng tìm hiểu xem Internet đã theo dõi bạn ra sao nhé! 

internet theo dõi bạn thế nào

Ảnh: Unsplash

Vô tuyến truyền hình

Các thông tin về lịch sử những bộ phim, chương trình truyền hình bạn xem sẽ bị các nhà cung cấp bán cho nhà môi giới dữ liệu, sau cùng, đến tay các công ty truyền thông và quảng cáo. Các công ty này sẽ dò soát và đối chiếu với các sản phẩm bạn mua, những gì bạn tìm kiếm trên điện thoại, máy tính bảng… sau khi xem các chương trình quảng cáo trên các thiết bị vô tuyến truyền hình. Từ đó, họ có thể đo lường được có bao nhiêu người mua sản phẩm của họ sau khi xem xong quảng cáo.

vô tuyến truyền hình theo dõi bạn thế nào

Ảnh: Unsplash

Trợ lý ảo

Trợ lý Google, Alexa, Siri hoặc bất kỳ trợ lý ảo nào mà bạn cho phép xuất hiện trong cuộc sống của mình đều có thể là những “thiết bị nghe trộm”. Mỗi khi các thiết bị này nhận được lệnh từ bạn, các công ty mẹ sẽ biết được bạn đang làm, muốn hay cần gì. Chẳng hạn, từ việc thiết lập báo thức qua giọng nói, họ cũng biết được giờ đi ngủ, thức dậy và đi làm của bạn. Khi bạn hỏi “làm thế nào để chế biến món ăn nào đó”, ngay lập tức, món ăn này sẽ được đưa vào danh sách quảng cáo được đề xuất cho bạn. 

trợ lý ảo nghe lén bạn

Ảnh: Unsplash

Ô tô

Đa số những chiếc ô tô hiện đại ngày nay đều được trang bị các hộp viễn thông – công cụ giúp bạn kết nối mạng, nghe nhận các cuộc điện thoại, tìm kiếm địa chỉ, theo dõi lịch trình… Những thông tin đều được gửi đến người dùng cũng như các nhà sản xuất ô tô. Tuy đem lại những lợi ích không nhỏ cho các tài xế, những thiết bị này cũng mang lại nhiều tác dụng ngược như theo dấu những cuộc gọi riêng tư, lưu giữ lịch trình, thậm chí đo lường tình trạng thể chất của chúng ta. Trong một số trường hợp, để truy cập vào thông tin lịch trình của bạn, những nhà bảo dưỡng xe cần phải thông qua các nhà sản xuất ô tô cũng như trả thêm phí truy cập thông tin cho họ. Điều này khiến phí sửa chữa cao hơn khi mà bạn không phải là những người kiểm soát thông tin của mình.

hệ thống theo dõi trong ô tô

Ảnh: Unsplash

Trường học và công ty

Ban đầu, khi các phương tiện học tập trực tuyến chưa thực sự phổ biến thì ở Việt Nam, các công ty lớn như Google hay Microsoft vẫn còn hạn chế trong việc sở hữu thông tin dữ liệu của người học và người dạy. Nhưng hiện nay, khi việc học trực tuyến và làm việc từ xa không còn gì lạ lẫm với chúng ta, đặc biệt là sau thời kỳ đại dịch, các phần mềm như Zoom, Google Classroom, Google Meet, Microsoft Teams… đang dần trở nên phổ biến. Để truy cập vào các tài khoản này, người dùng phải sử dụng email do nhà trường cung cấp hoặc người đi làm sử dụng email của công ty. Thông qua những email này, các công ty có thể theo dõi và biết được thêm thông tin cá nhân hoặc những hoạt động gần đây nhất của bạn. 

Facebook, Google

google và thông tin của bạn

Ảnh: Unsplash

Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao mình vừa mới nhắc đến một sản phẩm với một người bạn mà chỉ ngay vài tiếng sau đó, quảng cáo về sản phẩm này đã hiện lên trang Facebook của mình? Liệu có phải Facebook đang lắng nghe cuộc hội thoại hàng ngày của chúng ta? Sự thật ở đây là Facebook hay Google đều theo dấu chúng ta theo nhiều cách mà chúng ta không hề nhận ra, chẳng hạn như sử dụng dữ liệu nhân khẩu học và địa điểm để phát các chương trình quảng cáo. Thậm chí, các công ty này không cần các thiết bị nghe lén để thu thập thông tin về bạn, họ có thể biết được sở thích, thói quen của bạn thông qua những gì bạn nghe, thấy, xem và trao đổi hàng ngày trên nền tảng trực tuyến của họ.

Nhà bán lẻ trực tuyến

nhà bán lẻ trực tuyến đề xuất quảng cáo

Ảnh: Unsplash

Mỗi lần bạn mua sắm hay đặt hàng thông qua các trang web và ứng dụng trực tuyến, các thông tin như địa chỉ nhà, sở thích, thói quen ăn uống, mua sắm của bạn đều được theo dõi. Những thông tin này cho phép các nhà bán hàng biết được bạn muốn và thích cái gì, từ đó đề xuất các sản phẩm, dịch vụ nằm trong tệp sở thích để kích thích nhu cầu mua sắm của bạn nhiều hơn. Lấy ví dụ, khi bạn tìm kiếm món đồ văn phòng phẩm trên các trang web quảng cáo, các sản phẩm tương tự sẽ liên tục xuất hiện trên trang web này mỗi khi bạn ghé thăm hoặc được đề xuất thông qua các trang mạng xã hội mà các nhà bán lẻ trực tuyến này có liên kết.

Làm thế nào để bảo vệ thông tin của bạn?

bảo vệ thông tin trên mạng

Ảnh: Unsplash

Bạn không thể nào ngăn chặn tất cả các thiết bị theo dấu, chỉ cần bạn truy cập mạng hoặc vô tình click chuột vào một món hàng nào đó, bạn đã chính thức bị theo dõi. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số mẹo sau đây nếu muốn hạn chế điều đó.

– Không đưa tên, địa chỉ, số điện thoại và địa chỉ email một cách tùy tiện.

– Sử dụng các trang web ẩn danh khi bạn truy cập máy tính nơi công cộng và kể cả máy tính của những người thân quen.

– Tắt Dịch vụ Định vị cho tất cả các ứng dụng không cần thiết trên điện thoại. Bạn có thể để lại định vị cho bản đồ hoặc các ứng dụng cần biết vị trí của bạn.

– Giảm tần suất ghép điện thoại của bạn với các thiết bị giải trí như hệ thống nghe nhạc trên xe, loa thông minh…

– Thiết lập chế độ không gắn thẻ tự động thông qua nhận dạng khuôn mặt trên các trang mạng xã hội.

– Đăng xuất Gmail trước khi xem Youtube và không sử dụng Facebook để đăng nhập vào các trang web khác.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Vi Tường

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Vi Tường

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more