Nám da – hiểu đúng để điều trị hiệu quả và hạn chế tái phát

Đăng ngày:

Tuy nám da không hề ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe, nhưng những chấm đen li ti trải dài trên gương mặt lại gây tâm lý tự ti cho nhiều người. Trái ngang thay, nám da lại thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới và nhiều hơn ở khu vực phải hứng chịu tác động mạnh mẽ từ tia tử ngoại.

Vì sao phụ nữ Việt Nam lại dễ bị nám da hơn? Điều trị nám da nhưng lại dễ bị tái phát hoặc kết quá không như mong đợi, nguyên nhân là do…

Phân biệt nám da và tàn nhang

Nếu như tàn nhang là những chấm đen li ti dàn trải bất kỳ nơi nào gương mặt và xuất hiện từ khi chúng ta sinh ra, thì nám thường có  ở hai vùng gò má cũng như hai bên má và xuất hiện ở giai đoạn sau dậy thì – đặc biệt là trong thời điểm thai kỳ.

Phân biệt nám da và tàn nhang

Tàn nhang là những đốm li ti nhạt màu và có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trên da. Ảnh: Courtesy of Tamara Williams.

Cách phân biệt nám da và tàn nhang

Nám thường xuất hiện ở gò má và hai má. Đây là tình trạng nám mảng nông. Nám mảng xuất hiện thành mảng lớn nhưng nông và không có đốm đen. Ảnh: skin of color society.

Nám da - nám chân sâu hay còn được gọi là nám đinh

Nám chân sâu hay nhiều người vẫn gọi là nám đinh biểu hiện là những đốm sắc tố sẫm màu xuất hiện. Ảnh: coveteur.

Nám da - nám mảng và nám chân sâu

Đây là bề mặt da có nhiều loại nám khác nhau, từ nám mảng đến những đốm nám chân sâu. Ảnh: Derma Health.

Cơ chế và nguyên nhân hình thành nám

Cơ chế hình thành nám

Dù đó là tàn nhang, nám nông hay sâu thì tất cả đều được hình thành theo cơ chế được gọi là tăng sắc tố. Tuy nhiên, do cấu trúc gen di truyền khiến quá trình tạo sắc tố của cơ chế bị rối loạn nên tàn nhang sẽ biểu hiện rất sớm – thậm chí tàn nhang đã có từ lúc vừa sinh ra. Với nám da, do nội tiết tố cơ thể mất ổn định và (hoặc) làn da chịu ảnh hưởng bởi môi trường – đặc biệt là tia UV – sẽ kích thích nám xuất hiện.

Nguyên nhân hình thành nám da

Hình ảnh cấu trúc lớp biểu bì (hay còn gọi là thượng bì) của da. Trong đó, cơ quan tạo sắc tố Melanocyte nằm ở tầng cuối cùng của biểu bì. Ảnh: dreamstime.

Cụ thể là, khi nội tiết tố thay đổi và (hoặc) do ảnh hưởng của môi trường, enzyme tyrosinase được tuyến yên tiết ra và tác động trực tiếp lên acid amin tyrosine có trong cơ quan sản sinh sắc tố (melanocyte) nằm ở lớp đáy của thượng bì. Quá trình tác động của tyrosinase lên tyrosine sẽ chuyển hóa thành DOPA và sau đó là dopaquinone, nhờ các phản ứng sinh lý hóa trong cơ thể quá trình này sẽ tiếp tục tạo ra eumelanin (có sắc nâu và đen – màu sắc của nám).

Cơ chế hình thành nám da

Hình ảnh phóng to của cơ quan tạo sắc tố melanocyte và quá trình tạo sắc tố cho da. Ảnh: Mickaël Ohanna/ Researchgate.

Các loại eumelanin có màu nâu đen này sẽ được bọc trong các túi sắc tố nhỏ được gọi là melanosome. Các túi sắc tố melanosome này sẽ được xúc tu của tế bào sắc tố melanocyte vận chuyển để nhuộm đen tế bào keratinocyte (tế bào hóa sừng). Theo quy trình được lập trình sẵn tự nhiên của cơ thể, các tế bào da bị nhuộm đen sẽ dần di chuyển lên trên bề mặt da và tạo ra nám.

Các nguyên nhân hình thành và làm nám phát triển

Nguyên nhân phổ biến nhất và chiếm phần trăm cao nhất khiến da người Việt Nam dễ nám là do tia UV. Do chúng ta sống trong khu vực cận xích đạo nên sẽ nhận được lượng lớn bức tạ tử ngoại từ mặt trời. Trong điều kiện như thế, chúng ta không sử dụng kem chống nắng mỗi ngày, chọn phải sản phẩm có khả năng chống tia tử ngoại không tốt, bôi không đủ liều… sẽ là nguyên nhân gây ra nám. Bên cạnh đó, nhiều người làm nhạt màu nám bằng cách sử dụng các hóa chất độc hại để làm trắng da khiến bề mặt da suy yếu kèm thêm việc không chống tia tử ngoại sẽ khiến da dễ bị nám.

Nguyên nhân khiến nám da phát triển

Quá trình hình thành nám do yếu tố tác động từ tia tử ngoại có trong ánh mặt trời. Ảnh: soltego.

Thay đổi nội tiết tố cũng là nguyên nhân kích thích tyrosinase tiết ra nhiều hơn. Lượng hormone trong cơ thể thay đổi cũng được gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Ví dụ như sử dụng thuốc uống (như thuốc tránh thai), đang trong giai đoạn thai kỳ và sau thai kỳ, căng thẳng thường xuyên và kéo dài, lối sống thiếu lành mạnh, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, những tổn thương của các cơ quan bên trong cơ thể… cũng là nguyên nhân làm nội tiết mất cân bằng.

Căng thẳng là nguyên nhân gây nám da

Căng thẳng là nguyên nhân gây rối loạn hormone và dẫn đến tình trạng tăng sắc tố. Ảnh: betterhelp

Nám da – có nhất thiết phải loại bỏ không?

Việc da sản sinh ra nám thực tế là cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước những tác hại bởi môi trường và thay đổi bên trong cơ thể. Đánh giá theo hướng khách quan, nám không những không gây hại mà nám là hiện tượng bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Ngoài việc gây mất thẩm mỹ thì nám hoàn toàn vô hại.

Có cần thiết phải loại bỏ nám da?

Ảnh: kathryynnicole.

Lật ngược lại vấn đề, nếu chúng ta không muốn nám hình thành và phát triển thì cách tốt nhất và an toàn nhất là đừng để da phải chịu những tác động tiêu cực từ môi trường cũng như duy trì lượng nội tiết trong cơ thể ổn định. Trong trường hợp điều trị nám trên bề mặt da bằng các sản phẩm bôi ngoài da và công nghệ cao nhưng thiếu đi sự bảo vệ cần thiết (ví dụ như bôi kem chống nắng) thì nám sẽ tái phát – thậm chí nhiều và đậm hơn xưa. Bởi lẽ, da sau điều trị sẽ yếu hơn trong khi lớp bảo vệ tự nhiên (nám) không còn thì cơ thể sẽ tự động đưa ra tín hiệu sản sinh nhiều hơn lượng melanin.

Thoa kem chống nắng giúp bạn tránh bị nám da

Ảnh: newidea.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lưu ý trong việc chọn và điều trị nám da. Một số trường hợp sử dụng các hoạt chất có nguy cơ làm mất khả năng sản sinh sắc tố ở melanocyte sẽ gây ra hiện tượng mất sắc tố vĩnh viễn, hay chúng ta vẫn hay gọi là bạch tạng. Khi cơ chế bảo vệ tự nhiên không còn nữa, ảnh hưởng từ tia tử ngoại sẽ tác động trực tiếp vào tế bào cũng như các cơ quan bên trong cơ thể và gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.

Mất sắc tố khi điều trị nám da

Ví dụ cho việc mất sắc tố da. Ảnh: Axel Bueckert/ Getty Images.

Một số trường hợp không mong muốn thường thấy trong trong việc điều trị nám da là màng đáy bị tổn thương – nơi có cơ quan sản sinh hắc sắc tố melanocyte. Khi màng đáy của lớp biểu bị bị tổn thương, một số trường hợp xúc tu của melanocyte sẽ di chuyển đưa melanosome xuống phần trung bì của da, nói cách khác là khiến nám đi càng sâu vào trong da. Trong những trường hợp này, việc xử lý vô cùng phức tạp, tốn kém chi phí và hiệu quả khôi phục lại không cao. 

Vì vậy, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trong việc chọn phương pháp điều trị nám để đem lại được kết quả giảm nám cũng như tránh được các trường hợp đáng tiếc có thể gặp phải.

Muốn trị nám hiệu quả và không tái phát phải làm như thế nào?

Trong trường hợp muốn loại bỏ nám và duy trì hiệu quả cũng như tránh tái phát, chúng ta nên bảo vệ làn da kỹ hơn trước tia UV và giữ cho lượng nội tiết ổn định. Ví dụ như hãy chọn kem chống nắng có chỉ số bảo vệ tốt, bôi kem chống nắng mỗi ngày và đủ liều lượng, ăn những thực phẩm mọng nước & giàu chất xơ, duy trì lối sống lành mạnh, tránh xa căng thẳng… Trong lúc xử lý nám đã có, chúng ta kèm thêm các biện pháp ngăn ngừa nám mới thì hiệu quả điều trị sẽ cao và ngừa được nguy cơ tái phát nám.

Điều trị nám da hiệu quả như thế nào

Ảnh: mrkate.

Nhóm thực hiện

Bài: Aaron Nguyen

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more