Richard Clayderman – Một thời để nhớ

Đăng ngày:

Đã có một thời ở Việt Nam, từ radio cho tới tivi, từ trong nhà ra tới quán cà phê và thậm chí là cả trên những chiếc loa phường cũ kỹ, ai cũng có thể nghe thấy tiếng đàn Piano lãng mạn của người nghệ sĩ đến từ nước Pháp.

ellevn-art46

Giai đoạn thập niên 1980 và 1990 tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng dường như lại là những năm tháng mà đời sống văn hóa của người Việt phong phú nhất. Âm nhạc quốc tế du nhập vào thời kỳ này với nhiều dòng nhạc. Boney M, Modern Talking, Whitney Houston, Sandra, ABBA… là những cái tên vô cùng thân thuộc. Bên cạnh đó, nhạc không lời với những đại diện tiêu biểu như Kenny G., Yanni, Paul Mauriat và đặc biệt là Richard Clayderman đã ghi dấu ấn cho một thời kỳ không thể nào quên đối với người Việt.

Tôi sinh ra vào năm 1987 – là thời điểm âm nhạc phương Tây du nhập vào Việt Nam mạnh mẽ nhất. Lần đầu tiên tôi biết tới Richard Clayderman là vào một ngày mùa Hè năm 1994. Khi ấy, một đứa bé vẫn chỉ biết tới những bộ phim hoạt hình Walt Disney như tôi đã say sưa với những giai điệu du dương của bản nhạc Ballade pour Adeline trong cuốn băng video VHS của chiếc đầu V8. Cha tôi là một người rất yêu nhạc không lời và chính ông đã đưa tôi đến với âm nhạc của Richard Clayderman. Chính tiếng đàn ấy của Clayderman đã in sâu vào trong tôi ấn tượng về nước Pháp là một nơi đầy lãng mạn, bay bổng.

Qua lời kể của cha, tôi được biết Richard Clayderman từng được theo học để trở thành nghệ sĩ Piano cổ điển, nhưng cuối cùng ông lại chọn đi theo con đường là một nghệ sĩ chơi các bản nhạc phổ biến, các tình khúc đương thời. Nhiều nghệ sĩ Piano cổ điển ở nước ngoài cho rằng âm nhạc của Richard là “thị trường”, là dành cho giới “bình dân”. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì khi chính ông lại khiến cho nhiều người tìm đến với Piano.

Mỗi khi nghe những bản nhạc như Ballade pour Adeline hay Love is Blue, tôi đều có một cảm giác yêu đời, bình yên, nhẹ nhàng hơn. Những đứa trẻ đồng trang lứa với tôi thời đó cũng đã lớn lên cùng tiếng đàn ấy. Một số đứa đã đi học Piano và sau thành trở thành những người chơi nhạc chuyên nghiệp, một số đứa cũng học đàn nhưng bỏ dở giữa chừng… Những đứa trẻ năm xưa đều đã trưởng thành và có những con đường riêng nhưng khi nhớ về Hà Nội những năm 1990, bên cạnh những hình ảnh thân thuộc của riêng mỗi người, không ai có thể quên được tiếng đàn piano du dương, ngọt ngào của Richard Clayderman.

Tất cả những ký ức xưa cũ ấy tràn về khi tôi biết Clayderman sắp sang Việt nam. Việt Nam luôn bị cho là thua thiệt bởi nhiều nghệ sĩ quốc tế lừng danh chỉ tới đây biểu diễn khi họ đã hết thời. Nhưng tôi nghĩ đó cũng là một điều may mắn mà khán giả ở những nơi khác không có được. Bởi, với khán giả Việt Nam, những đêm nhạc như vậy không đơn thuần là chỉ tới để nghe nhạc mà còn có thể coi là một chuyến hành trình trở về quá khứ, về một thời để nhớ và thấy trân trọng thực tại hơn.

Richard Clayderman biểu diễn tại Việt Nam

Richard Clayderman sẽ có mặt biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội vào ngày 22/8. Trong lịch trình biểu diễn tại Việt Nam, đây cũng là buổi biểu diễn duy nhất. Suốt sự nghiệp của mình, Richard dành nhiều thời gian để biểu diễn tại các buổi hòa nhạc bởi đối với ông, không gì tuyệt vời hơn là được trực tiếp giao lưu với khán giả. Các nhà phê bình không mấy mặn mà với âm nhạc của Richard Clayderman khi cho rằng ông thương mại hóa các tác phẩm cổ điển và coi nhạc của ông là màu mè và rỗng tuếch. Tuy nhiên, điều ấy không ngăn cản khán giả yêu nhạc của ông.

Nhóm thực hiện

Bài: Nick M.

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more