6 tựa sách hay về chủ đề LGBTQ+ cho tháng tự hào

Đăng ngày:

Chủ đề LGBTQ+ không còn xa lạ trong xã hội hiện đại khi mọi người đã có cái nhìn cởi mở hơn và dành những tình cảm đặc biệt cho cộng đồng này. Điều đó đã được thể hiện qua các tác phẩm điện ảnh, hội họa và văn chương được đông đảo công chúng đón nhận.

Nhân tháng tự hào, ELLE xin gợi ý bạn đọc một số quyển sách hay viết về chủ đề LGBTQ+.

Thăm lại Brideshead

Là một trong những tác phẩm kinh điển của tiểu thuyết gia người Anh Evelyn Waugh, Thăm lại Brideshead có thể được xếp ngang hàng với Một con người của tác giả Christopher Isherwood hay Căn phòng Giovanni của James Baldwin, không chỉ bởi vẻ đẹp trong văn chương, mà còn bởi giá trị và sức ảnh hưởng vẹn toàn cho đến ngày nay.

Thăm lại Brideshead mang đậm chất Anh Quốc từ ngôn ngữ, khung cảnh cho đến câu chuyện về hai nhân vật chính. Được kể từ góc nhìn của nhân vật Charles Ryder, Thăm lại Brideshead là những ký ức của anh về người bạn thân Sebastian và gia đình nhà Flytes. Tình cờ gặp nhau trong một ngôi trường Công giáo của tầng lớp quý tộc Anh, cả hai sớm tìm thấy ở nhau sự đồng cảm. Đó là tuổi trẻ, là cao vọng, là mất mát, là sự cô độc cũng như nỗi đau bị gia đình ruồng bỏ. Trên hết, họ đại diện cho lớp thanh niên vỡ mộng còn mơ hồ về tương lai.    

Nếu Charles có đời ngao du trải qua hầu hết những chuyến hành trình của sự trưởng thành, thì Sebastian sẽ mãi là chàng công tử luôn mang theo mình một chú gấu nhỏ và bị kẹt mãi ở tuổi 19. Không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ đã được xác lập, thế nhưng, bằng sự tinh tế điển hình của văn chương Anh, Waugh đã viết nên một câu chuyện với nhiều nỗi đau, bi kịch gây ám ảnh cho người đọc mãi tận về sau.

Thăm Lại Brideshead

Nửa kia biệt tích

Là tác phẩm có thành tích ấn tượng nhất năm 2020, giúp cho tác giả Brit Bennett gặt hái vô số giải thưởng, Nửa kia biệt tích đại diện cho tiếng nói của nhóm người thiểu số trên nhiều phương diện, từ sắc tộc, giới tính cho đến những người vật vờ đi tìm bản dạng của mình. Được so sánh với Yêu dấu của nhà văn đoạt giải Nobel Toni Morrison, Nửa kia biệt tích là cuốn sách hay, lôi cuốn nhưng cũng không kém phần xúc động, tựa như áng sử thi thời hiện đại.

Xoay quanh thị trấn Mallard và hai chị em song sinh Desiree và Stella bất chợt mất tích, tác phẩm là lời nói thay cho hành trình đi tìm chính mình của những cá thể thuộc về nhóm “queer”. Đó là những người đánh mất một phần bản thân, không hiểu hết về mình nhưng luôn nỗ lực thoát khỏi định kiến của xã hội.

Có người thoát khỏi gia đình tìm đến ước mơ, có người sinh ra là một cô bé nhưng muốn sống như một người đàn ông, có người yêu thích cả hai bản dạng phân theo sáng – tối và những vai trò nương theo xã hội… Cuốn tiểu thuyết của Brit Bennett không chỉ viết về chủng tộc, mà còn nói thay cho thân phận của những người khao khát tìm thấy chính mình.

Nửa kia biệt tích

Trường ca Achilles

Được xuất bản hơn 11 năm, Trường ca Achilles vẫn luôn nằm trong trong danh sách những quyển sách bán chạy hàng năm. Trong thời điểm cách ly vì đại dịch, cuốn sách cũng thu hút sự chú ý của nhiều người nhờ vào cộng đồng BookTok – những người yêu sách lan tỏa giá trị của văn hóa đọc trên mạng xã hội TikTok. Trường ca Achilles của Madeline Miller là câu chuyện dựa trên nền tảng Sử thi Iliad của Homer, kể về hai nhân vật: anh hùng Achilles và người bạn thân, cũng là tình nhân của anh – Petroclus. 

Là một quyển sách hay chứa đầy những câu chuyện thần thoại, Trường ca Achilles mở ra không gian của những vị thần, á thần và người trần mắt thịt. Sáng tạo theo hướng đi mới từ những “gợi ý” được thu vén trong câu chuyện của Homer, Madeline Miller cho thấy tài năng của mình khi xây dựng được một thế giới nằm giữa cõi trần và chốn thần tiên, ẩn sâu trong đó là câu chuyện tình bi kịch, đầy nước mắt.

Câu chuyện tình vượt qua ranh giới thần linh – người phàm của Achilles và Patroclus thể hiện quan điểm mạnh mẽ của tác giả: dẫu vật đổi sao dời, nhân gian xoay chuyển, tình yêu có thể vượt lên trên mọi thứ, kể cả phải chia ly hay đối diện với cái chết.

Trường Ca Achilles

Shuggie Bain

Với chiến thắng vô cùng bất ngờ tại giải Booker 2021, Shuggie Bain của Douglas Stuart hấp dẫn người đọc bằng sự chân thành. Khắc họa đời sống con người những năm 80 ở Glasglow, dưới đế chế u tối của nữ thủ tướng Margaret Thatcher, cuốn tiểu thuyết đầy nhạc cảm đau thương này có thể khiến người mạnh mẽ nhất phải bật khóc.

Câu chuyện kể về cậu bé Hugh Bain và hành trình trưởng thành của mình. Cậu bị cha bỏ rơi, người mẹ Agnes nghiện rượu, anh chị em dần thoát ly khỏi gia đình và chính Hugh cũng phải đối mặt đối với nỗi khổ riêng trong hành trình nhìn nhận bản thân, bởi cậu vốn dĩ khác biệt so với những đứa con trai khác. Giữa Hugh và mẹ có mối liên kết đặc biệt, cậu phải luôn cố gắng kéo mẹ mình thoát khỏi vũng lầy tuyệt vọng mà chính cuộc đời đã gây ra cho bà.

Shuggie Bain là quyển sách hay, là khúc nhạc buồn của những mất mát. Thông qua đó, câu chuyện cũng cho người đọc thấy ý nghĩa của sự tử tế, lòng thấu hiểu cũng như sức mạnh của sự sẻ chia. Là một cây viết không chuyên làm việc trong ngành thời trang, Douglas Stuart, bằng những hồi ức, đã mang đến một cuốn tiểu thuyết đẹp đến nao lòng nhưng đôi khi cũng nhuốm màu tuyệt vọng.

Shuggie Bain: Chiếc Linh Hồn Nhỏ

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian

Là tiểu thuyết đầu tay của nhà thơ, nhà văn gốc Việt Ocean Vương, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian không chỉ được đánh giá cao bởi cách sử dụng hình ảnh, hình tượng, ngôn từ đậm chất thơ, mà ở đâu đó giữa những ký ức khiến nhiều người đồng cảm, Ocean Vương cũng cho thấy tâm hồn của một thế hệ tụt lại phía sau, với tuổi thơ, ký ức, quê hương và những vùng bất định.

Kể về nhân vật Chó con cùng những ký ức với mẹ, với bà, với quê hương bên kia đất nước, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian cũng đồng thời khắc họa quá trình trưởng thành của một cá nhân vẫn thường được gọi bằng từ “lệch chuẩn” cùng mối tình không có đoạn kết với cậu bạn Denver và hành trình vượt qua định kiến lai lịch, nguồn gốc và bản dạng.

Bằng một bút pháp vô cùng nên thơ, Ocean Vương đã phóng chiếu nỗi buồn của sự cô độc lên một tuổi trẻ có phần bí bách. Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian của Ocean Vương đã cho người đọc thấy rằng nỗi buồn cũng đẹp và ký ức cũng nên thơ. Bởi lẽ, toàn bộ quyển sách chứa đựng gần như tất cả những chủ đề lớn của văn chương: tình mẫu tử, tuổi mới lớn, chiến tranh, nhập cư, LGBT+, và vượt lên tất cả, đó là một suy tư đau đáu về sự rực rỡ thoáng chốc ấy của cái đẹp, của kiếp người phù du.

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian

Olivia

Tuy Olivia là quyển tiểu thuyết ngắn duy nhất của nữ văn sĩ Dorothy Strachey, nhưng nó đã khiến nhà văn đoạt giải Nobel André Gide khen ngợi là “kiệt tác nho nhỏ”, còn nhà văn André Aciman thì tiết lộ Olivia chính là nguồn cảm hứng khiến ông chấp bút cho Call me by your name.

Olivia kể về nhân vật chính cùng tên, một thiếu nữ 18 tuổi và khoảng thời gian hơn một năm học tập tại ngôi trường Les Avons ở Pháp. Tại đây, cô đã có những xúc cảm đầu tiên của mình với hiệu trưởng Mademoiselle Julie. Trong bối cảnh gượng ép gò bó của thời Victoria, đây là những tình cảm trong sáng, thuần khiết nhưng cũng đầy bí mật và nhiều dồn nén.

Cũng như Thăm lại Brideshead, kết thúc tác phẩm, Dorothy Strachey không cho người đọc một khẳng định nào, mà đó là sự chiêm nghiệm của mỗi người. Liệu giữa Olivia và Mademoiselle Julie có tồn tại tình cảm, hay đó chỉ là những bước ngưỡng vọng của Olivia và sự hâm mộ dáng vẻ non trẻ của người phụ nữ? Olivia là một quyển sách hay, mang màu sắc cổ điển đẹp đẽ trong ngôn từ và bối cảnh, thu hút người đọc ngay từ những chương đầu tiên.

Olivia