Văn hóa / Thế giới văn hóa

Lắng nghe chia sẻ từ người trong cuộc để biết người châu Á tại Mỹ đang phải đối mặt với điều gì

Cách đây không lâu, cái chết của George Floyd đã dấy lên làn sóng phẫn nộ cùng phong trào Black Lives Matter nhằm đòi lại sự công bằng và quyền bình đẳng của người da đen tại Mỹ. Cho đến gần đây, một phong trào khác của người châu Á – Stop Asian Hate – lại một lần nữa sôi sục để chống đối sự kỳ thị và phân biệt đối xử cực đoan đối với cộng đồng người gốc Á trên thế giới, cụ thể là tại Mỹ. Tất cả những điều trên chứng tỏ, khát vọng về một xứ sở nơi mọi chủng tộc cùng chung sống trong hòa bình giờ đây gần như là một giấc mộng xa vời.

Vậy cộng đồng người châu Á đang phải đối mặt với những vấn đề như thế nào?

Bạo lực hướng đến đối tượng người châu Á không phải chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã hiện hữu từ nhiều thế kỷ trước. Cho đến ngày nay, dấu tích của nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội Mỹ, tiếp diễn nhiều năm và để lại những thương tổn sâu sắc cho cộng đồng người gốc Á đang sinh sống và làm việc tại xứ sở cờ hoa. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, vấn nạn phân biệt đối xử càng bị đẩy lên cao khi đại bộ phận người Mỹ cho rằng, nguồn cơn của đại dịch thế kỷ xuất phát từ những người châu Á.

Stop AAPI Hate, là một tổ chức được lập nên nhằm theo dõi những vụ  bạo lực hướng đến nhóm đối tượng người Mỹ gốc Á và cư dân đảo Thái Bình Dương. Kể từ khi đại dịch bùng phát, họ đã nhận được hơn 2.800 báo cáo về những vụ bạo lực với người châu Á diễn ra trên toàn nước Mỹ. Ngoài ra, theo báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu những hành vi cực đoan và thù ghét ở Đại học California State, tội phạm vì lý do thù ghét người châu Á ở 16 thành phố đã tăng hơn 150% vào năm 2020. 

chiến dịch chống kì thị người châu Á
Ảnh: Unsplash/Jason Leung

Các vấn nạn bạo lực hướng đến đối tượng người gốc Á đang càng ngày càng gia tăng nhiều hơn, đủ để thấy mức độ nguy hiểm và căng thẳng mà những người mang trong mình dòng máu châu Á đang phải đối mặt hàng ngày. 

Những vụ việc đau lòng

Tội phạm với lý do căm ghét người châu Á không chỉ giới hạn ở những lời xúc phạm nhân phẩm, mà còn thể hiện qua hình thức tấn công bằng vũ lực hay phá hoại những doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh của cộng đồng gốc Á. 

Mới đây, vào ngày 16/3, cả thế giới chấn động bởi tin tức sáu phụ nữ người Mỹ gốc Á thiệt mạng trong các cuộc nổ súng diễn ra tại các tiệm massage tại Atlanta. Robert Aaron Long, 21 tuổi, kẻ đã thực hiện các cuộc tấn công trên đã bị cảnh sát bắt giữ. Tuy nghi phạm khai rằng động cơ của y xuất phát từ chứng nghiện tình dục, dẫn đến ý muốn tấn công và bạo lực với phái nữ, nhưng vụ việc đau lòng này lại diễn ra trong bối cảnh sự thù ghét hướng đến cộng đồng châu Á gia tăng.

Những nạn nhân châu Á trong vụ nổ súng ở Atlanta
Ảnh: 6abc

Trước đó, vào ngày 28/1/2020, người đàn ông Thái Lan 84 tuổi – Vicha Rattanapakdee – bị một thanh niên xô ngã bất tỉnh khi đang cùng gia đình con gái đi dạo tại San Francisco. Hai ngày sau đó, ông qua đời do tình trạng xuất huyết não.

Vào ngày 8/2, một đoạn clip gây phẫn nộ ghi lại cảnh một cụ ông 91 tuổi bị xô ngã một cách thô bạo khi đang đi bộ trên vỉa hè khu Chinatown, Oakland, bang California. Hay gần đây là đoạn clip ghi lại một cụ bà 75 tuổi chống trả kẻ tấn công mình trong khi đang chờ qua đường tại San Francisco. Sự việc khiến bà cụ bị chấn thương nặng ở mắt kèm theo sang chấn tâm lý nặng nề. 

Những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông về sự nghiêm trọng của nạn phân biệt chủng tộc đang hướng về phía người châu Á. Kể từ thời điểm bắt đầu đại dịch, những người gốc Á đã chịu không ít thiệt thòi và bị chính cộng đồng mình đang sinh sống quy mọi trách nhiệm cho nguyên nhân của dịch bệnh COVID-19. Điều này đã gây nên không ít lo sợ cho cộng đồng châu Á đang sống tại Mỹ, mỗi bước chân họ đi trên đường phố đều nhuốm màu căng thẳng, sợ sệt bởi họ quan ngại rằng biết đâu chừng mình và người thân cũng sẽ là nạn nhân tiếp theo của những cuộc bạo lực chưa diễn ra. 

Phong trào Stop Asian Hate lan rộng

Không ít người đã bày tỏ sự phẫn nộ trước những vụ việc nghiêm trọng hướng đến cộng đồng châu Á xảy ra trong thời gian gần đây. Phần lớn nạn nhân của các cuộc bạo lực nghiêm trọng đều là người cao tuổi và phụ nữ – những đối tượng dễ bị tổn thương, hoặc ít có khả năng tự vệ. Điều này càng khiến sự phẫn nộ trong cộng đồng tăng cao hơn. 

Phong trào Stop Asian Hate phản đối phân biệt chủng tộc với người châu Á tại Mỹ
Ảnh: 6abc

Phong trào Stop Asian Hate tuy không mới, nhưng trước tình hình căng thẳng mà những người gốc Á đang chịu đựng, một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ nhằm chống đối nạn phân biệt chủng tộc cực đoan hướng tới người châu Á. Trên khắp các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội, hashtag #StopAsianHate đang lan truyền với tốc độ chóng mặt. Song song đó, các hashtag tương tự như #AsiansAreHuman, #StopAsianHateCrimes và #StopAAPIHate cũng được nhiều người nhắc đến.

Tiếng nói từ người trong cuộc

Randy Tran, nhiếp ảnh gia cộng tác với tạp chí Phái đẹp ELLE Việt Nam đang làm việc tại Los Angeles, Mỹ, đã gửi về những chia sẻ chân thành của anh với tư cách là một người Mỹ gốc Việt, đang ở trong tâm điểm của căng thẳng những ngày gần đây. “Tôi cảm thấy tức giận, thành thực mà nói, tôi cũng lo sợ cho nhiều người như tôi. Nhưng tôi biết rằng, chúng tôi, cộng đồng châu Á, cần phải mạnh mẽ và nghiêm túc nêu lên suy nghĩ và ý kiến của mình. Chúng tôi không phải là “hình mẫu thiểu số” của họ. Chúng tôi không thể bị định nghĩa theo kiểu định kiến về người Mỹ gốc Á. Chúng tôi cũng không sống ở đây để bị định nghĩa theo kiểu những dân tộc thiểu số  ít ỏi và chịu thua kém bởi người Mỹ da trắng”.

chống kì thị người châu Á
Ảnh: Unsplash/Jason Leung

Khi nêu cảm nhận về những cuộc nổ súng xảy ra gần đây, anh Randy chia sẻ thêm: “Cuộc nổ súng khiến tôi đứng ngồi không yên, bởi lẽ, vụ việc xảy ra gần sát nhà tôi theo nghĩa đen. Mẹ tôi sống ở Atlanta, khi nghe bà nói chuyện qua điện thoại, tôi biết rằng bà đang run rẩy và sợ hãi. Điều này khiến tôi căm phẫn và tức giận bởi mẹ tôi đáng ra không phải sống trong sợ sệt như vậy. Chúng tôi, với tư cách là người Mỹ gốc Á, xứng đáng được sống cuộc đời như bao người xung quanh! Vậy mà lại có những người đàn ông và phụ nữ phải thiệt mạng chỉ vì một kẻ nào đó vừa trải qua “một ngày tồi tệ”. Giờ đây, có những gia đình vừa bị cướp mất người thân. Những người phụ nữ đã qua đời cũng giống như bao người phụ nữ trong gia đình của chúng ta. Họ là những người mẹ tảo tần chỉ muốn được chăm lo cho con cái của mình. Tôi tưởng tượng rằng sẽ như thế nào nếu nạn nhân trong vụ nổ súng là mẹ mình. Và thực sự, nạn nhân có thể đã là mẹ của bất cứ ai trong số chúng ta. 

Cuộc đời tôi đã thực sự thay đổi trong năm vừa qua, từ việc biểu tình đòi công lý cho người Mỹ da đen và gốc Phi, cho đến việc đứng lên vì những người Mỹ gốc Á như tôi. Chúng tôi không yếu đuối chỉ vì chúng tôi được dạy về sự tôn trọng. Chúng tôi không yếu đuối vì được nuôi dạy phải sống tử tế với mọi người. Với tư cách là người Mỹ gốc Á, tôi trân trọng gốc gác và di sản văn hóa của bản thân. Tôi không hề sợ sệt khi phải thể hiện bản sắc văn hóa của mình.

Dù rằng tôi biết mọi thứ rồi sẽ tốt lên, nhưng hiện tại, chúng tôi là một cộng đồng cần phải đấu tranh và hỗ trợ lẫn nhau”.

người châu Á lên tiếng chống kì thị
Ảnh: Unsplash/Lerone Pieters

Ly Tran, một tác giả sách ở Mỹ với quyển sách sắp ra mắt của cô mang tên House of Stick: Memoir, đã chia sẻ với tạp chí Vogue về những vụ việc đau thương vừa qua. Khi các cuộc nổ súng vừa xảy ra, mẹ cô đã lập tức gọi điện và dặn cô đóng cửa lại: “Mẹ tôi nhìn thấy hình ảnh của tôi và bà trong những người phụ nữ bị sát hại, và điều này gợi lại cho bà những đau thương mà chúng tôi đã chịu đựng suốt một thời gian dài và đã rất cố gắng để thoát khỏi chúng”.

Ly Tran và mẹ cũng đã từng trải qua những ngày gian khó vì sự phân biệt chủng tộc tại Mỹ, khi mẹ cô còn điều hành một tiệm nail. Đối với cô, quãng thời gian tuổi thơ với mẹ là những ngày vô cùng tồi tệ:

“Như một lần, sau một ngày dài làm việc, một gã đàn ông vung dao bước vào tiệm, đẩy mẹ tôi thật mạnh vào tường, đầu lưỡi dao kề sát vào cổ mẹ, và ra lệnh bà phải móc hết tiền trong túi ra, rồi hắn cướp đi số tiền ít ỏi mà mẹ tôi đã phải làm việc cật lực mới kiếm được. Hôm đó là một ngày tồi tệ.

Hay một lần khác khi một khách hàng đập phá cửa tiệm, đập vỡ những lọ sơn móng tay, ném ghế, ném acetone vào mặt của chúng tôi vì bà ta không muốn trả tiền cho dịch vụ mà bà vừa nhận được. Hôm đó là một ngày tồi tệ. 

Lần khác, vào buổi tối ngày 4/7 (Ngày Độc Lập ở Mỹ), sau một ngày dài sơn những bộ móng đỏ, trắng, xanh cho khách hàng, thì một đám con trai tuôn ra những lời khiếm nhã mang nặng sự phân biệt chủng tộc, ném pháo hoa một cách thô bạo vào tiệm của chúng tôi, khiến tấm thảm phát cháy, mẹ và tôi phải bò xuống sàn để dập tắt nó đi. Kể từ lúc ấy, Ngày Độc Lập, lẽ ra là ngày của sự tự do, lại mang một ý nghĩa khác đối với tôi. Hôm đó là một ngày tồi tệ.

Và kể cả những lần tôi phải đứng nhìn khi mẹ mình bị một khách hàng lăng nhục, đối xử với bà như một nô lệ thấp hèn thay vì một người xinh đẹp và tử tế mà tôi luôn nhìn nhận. Đó là những ngày vô cùng tồi tệ”. 

bả vệ phụ nữ châu Á
Ảnh: Unsplash/Jason Leung

Chủ nhân của tài khoản Instagram @sangchun_, con trai của nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ nổ súng, đã chia sẻ câu chuyện của mình lên trang cá nhân với cú sốc tinh thần quá lớn: “Mẹ là trụ cột vững chắc nhất của tôi và anh trai… Bà đã sống cả cuộc đời để một mình chăm sóc cho các con để rồi thật bất công khi thấy bà bị cướp khỏi chúng tôi. Mẹ sẽ chẳng bao giờ có thể thấy anh trai và tôi lập gia đình, mua nhà, tốt nghiệp đại học hay thậm chí được nhìn thấy cháu nội của bà. Hiện tại, tôi đang tìm kiếm lời khuyên, phương hướng và lan truyền sự nhận thức về hiện thực mà chúng tôi đang đối mặt”.

Nạn phân biệt chủng tộc vẫn cháy âm ỉ trong xã hội Mỹ, để lại những thương tổn nặng nề qua năm tháng với biết bao thế hệ người châu Á. Ngày qua ngày, cộng đồng gốc Á luôn mang trong mình những nỗi sợ không thể gọi tên, bất cứ lúc nào họ cũng có thể đối mặt với những hiểm nguy đến từ xã hội mình đang sinh sống. 

Từ phong trào Black Lives Matter, cho đến Stop Asian Hate, tất cả đều để lại những vết thương lớn của nạn phân biệt chủng tộc gay gắt trong cộng đồng và bị che lấp đi bởi sự hào nhoáng mà mọi người vẫn gọi bằng cái tên “giấc mơ Mỹ”. 

Chúng ta có thể làm gì?

Với những ai đang sinh sống tại Việt Nam, việc cảm nhận sâu sắc những lo lắng và sợ hãi của cộng đồng châu Á tại Mỹ là một điều khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể hỗ trợ họ bằng nhiều hình thức khác nhau. 

Anh Randy Tran chia sẻ thêm, hiện tại có rất nhiều cách để thể hiện sự ủng hộ của bản thân với phong trào Stop Asian Hate đang diễn ra. Trong đó, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về tình hình hiện tại của người Việt ở Mỹ cũng như quyên góp vào các tổ chức sau:

Advancing Justice

https://advancingjustice-la.org/

Viet Lead

https://www.vietlead.org/

Viet Rise

https://vietrise.org/

SEARAC  

https://www.searac.org/

API Equality LA

https://www.apiequalityla.org/

Ngoài ra, anh cũng cho rằng nên trò chuyện với bạn bè, người thân hay bất cứ ai bạn biết đang sinh sống và làm việc tại Mỹ để động viên và trấn an tinh thần của họ. Chủ động trong việc tìm hiểu và chia sẻ thông tin về tình hình của người Mỹ gốc Á đến với nhiều người. Đồng thời, khuyến khích mọi người chia sẻ thêm thông tin về những gì bản thân đã trải qua để mọi người có thể hiểu biết thêm về những vấn đề cộng đồng của mình đang đối mặt. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các hashtag #StopAsianHate, #StopAsianHateCrimes, #AsiansAreHumanity hay #StopAAPIHate trong các bài đăng để tiếng nói của cộng đồng được lan tỏa nhiều hơn. 

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Tân

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)