Đường xa chớ ngại: Bí quyết thành công của các nữ doanh nhân

Đăng ngày:

Điểm chung mà tôi nhìn thấy được từ cuộc sống của những phụ nữ thành công trong sự nghiệp là việc họ dám bước khỏi vùng an toàn để bắt đầu sự nghiệp, dù ý thức hay vô thức…

Bí quyết thành công của các nữ doanh nhân

Bí quyết thành công của các nữ doanh nhân

Tạo cơ hội cho bản thân

Margie Warren, tác giả cuốn Stop Playing Safe cho biết, điều bà nhận thấy được trong bí quyết thành công nói chung của các doanh nhân ở mọi ngành nghề, dù là muốn thăng tiến trong một tập đoàn lớn hay tự lập nghiệp, đều là việc họ dám “liều”. Trong một thời đại mà tất cả mọi điều đều dễ dàng thay đổi, cạnh tranh gay gắt như hiện nay, dám thay đổi, bước ra khỏi sự an toàn và không sợ thất bại là một phẩm chất vô cùng cần thiết với những người phụ nữ muốn thành công, đặc biệt là các nữ doanh nhân

Bà cũng chỉ ra trường hợp của Lori Garver, người phụ nữ đã vươn lên từ công việc trợ lý tới vị trí Phó giám đốc NASA – nơi hầu hết nhân sự là nam giới. Giống như rất nhiều người thành công khác, Lori hướng đến những điều tạo cho cô cảm hứng, chứ không phải những điều làm cô sợ hãi. Cô luôn thử những điều mới, nói rõ quan điểm của mình, ứng xử trước mọi khó khăn với một bản lĩnh mạnh mẽ và tránh tối đa việc suy diễn về mọi thứ. Trên bước đường thành công của mình, không phải lúc nào Lori cũng gặt hái thành công. Cô thừa nhận mình đã phải hứng chịu nhiều nghi ngờ, chỉ trích và có khi là cả những bước lùi, nhưng chưa bao giờ cô để mình gục ngã.

Tất nhiên, không phải sự “liều” nào cũng đảm bảo thành công, nhưng chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn cơ hội mới. Lợi ích quan trọng của việc bước ra khỏi vòng an toàn chính là bạn phát hiện ra những năng lực tiềm ẩn của mình. Hơn thế nữa, đây là cách duy nhất để bạn vượt lên những điều mà người khác và chính bạn đã làm trước đó. Không như những người đợi cả đời để chờ cơ hội đến, người phụ nữ thành công là người biết tự tạo ra cơ hội.

Để thấy rõ điều này, hãy thử nói chuyện với một người già đã đi đến chương cuối của cuộc đời về những gì họ hối tiếc. Có lẽ phần lớn trong số họ sẽ nói về việc tại sao họ không bớt cảnh giác, đề phòng hơn để dám theo đuổi những điều họ ấp ủ. Và thậm chí chính chúng ta cũng vậy, dù bây giờ ta bao nhiêu tuổi, nhưng khi nhìn lại phần đời đã qua, hẳn không ít người thấy rằng mình đã quá sợ hãi, thận trọng và để tuột mất những cơ hội.

Bình tĩnh trước thất bại

Nhà tâm lý học Daniel Kahneman, người giành giải Nobel Kinh tế năm 2002, cho biết rằng chúng ta thường nhìn vào cái mất nhiều hơn cái được, khả năng tiêu cực nhiều hơn khả năng tích cực. Vì thế, chúng ta thường cường điệu hóa những thất bại và thiếu sót. Trong khi đó, thực tế cho thấy những nguy cơ hiếm khi cao như ta dự tính, và cơ hội thành công lại cao hơn ta tưởng nhiều. Chính vì thế, khi chia đôi tờ giấy và vạch ra ưu điểm/nhược điểm cho món đầu tư sắp tới của bạn, nên nhìn nhiều hơn vào những gì ta sẽ được, hơn là những gì ta sẽ mất.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phần lớn mọi người thường nghiêm trọng hóa hậu quả nếu mọi thứ không diễn ra theo đúng kế hoạch. Thay vì ngay lập tức vạch ra phương án xử lý khi có trục trặc, chúng ta thường tưởng tượng ra những hậu quả kinh khủng, mọi thứ vượt ra khỏi vòng kiểm soát và thụ động đứng chờ biến chuyển. Và tất nhiên, trong đó có cả nỗi ám ảnh về mặc cảm thất bại và đánh giá của mọi người.

Đặc biệt là với những người phụ nữ phải mất khá nhiều công sức mới có thể khẳng định được mình hoặc bắt đầu một doanh nghiệp, thất bại ban đầu có thể là dấu chấm hết đối với họ. Thế nhưng, giả sử bạn rơi vào trường hợp này, đừng quên rằng bạn vẫn luôn có thể học được rất nhiều từ thất bại, và bạn vẫn luôn có cách cứu vãn tình hình.

Một mặt khác, rất nhiều người cho rằng lựa chọn an toàn mới là thông minh bởi họ đã có sẵn kinh nghiệm từ rất nhiều người đi trước. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi mô hình cà phê “take away” xuất hiện và thành công, hàng loạt người muốn kinh doanh nhà hàng cà phê đều đồng loạt chạy theo mốt này. Thực tế cho thấy việc lựa chọn cái có sẵn không hề an toàn, nhiều cửa hàng rơi vào thất bại, chỉ có những cửa hàng đã có uy tín và biết cách tạo ra sự độc đáo của mình mới có thể tồn tại.

Bước ra khỏi những gì quen thuộc, an toàn luôn là thử thách không chỉ với những người khởi nghiệp, mà còn với bất cứ ai đã đạt tới những thành công nhất định. Dẫu vậy, việc không đứng yên trong sự an toàn nhưng nhàm chán có lẽ là điều mà những người thông minh nhất đã làm.

Trò chuyện cùng người thành công

Để nhìn rõ hơn vào việc dám làm, dám mạo hiểm để đi đến thành công, ELLE đã gặp chị Mai Nhung, một nữ doanh nhân – người sáng lập TFA – The First Academy, học viện mầm non đầu tiên tại Việt Nam. Trường của chị đi theo Phương pháp Giáo dục Montessori – phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori (1870–1952). Đây là một phương pháp sư phạm giáo dục đặc biệt dựa vào việc học qua cảm giác và các học cụ được thiết kế phục vụ cho nhu cầu khám phá của trẻ.

Đặc điểm nổi trội ở phương pháp Montessori là nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do (trong một khuôn khổ nhất định) trong việc hình thành nhân cách trẻ. Ngoài ra, phương pháp này rất tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cũng như trang bị đầy đủ cho học sinh các kiến thức khoa học. Trường học Montessori được xây dựng như một ngôi nhà, trong đó trẻ thuộc nhiều lứa tuổi được ghép lại với nhau, giáo viên cho phép trẻ được lựa chọn hoạt động trong số các hoạt động đã được lên kế hoạch. Trong suốt buổi học, trẻ học bằng cách “làm việc”, học hỏi khái niệm, kiến thức thông qua trải nghiệm thực tế với các học cụ, mô hình mang tính chất khám phá, xây dựng, hơn là học theo chỉ dẫn trực tiếp từ phía giáo viên.

Hiện nay, phương pháp này đã được nhiều người Việt Nam biết đến. Tuy nhiên, 7 năm trước, khi chị Mai Nhung bắt đầu sự nghiệp giáo dục của mình, Montessori vẫn còn là một khái niệm xa lạ với người Việt.

 

Chị Mai Nhung, người sáng lập TFA - The First Academy, học viện mầm non đầu tiên tại Việt Nam

Chị Mai Nhung, người sáng lập TFA – The First Academy, học viện mầm non đầu tiên tại Việt Nam

Dám khởi đầu những mô hình giáo dục mới, táo bạo, hẳn chị là một người có nhiều kinh nghiệm giáo dục lắm?

Hoàn toàn không phải thế đâu. Tôi từng làm nghề tổ chức sự kiện, rồi sau đó theo chồng sang Malaysia khi anh được biệt phái sang đây. Vì chính sách công ty chồng không cho vợ được làm việc, nên tôi đi làm tình nguyện viên tại trường học mẫu giáo của con trai. Và ở đây, tôi được nhìn thấy tận mắt phương pháp giáo dục Montessori. Là một người mẹ, tôi cảm thấy rất thích cách giáo dục trẻ em như vậy. Khi về Việt Nam, tôi bắt đầu “lọ mọ” tự tìm hiểu về phương pháp giáo dục này.

Nghĩ lại, tôi thấy mình lúc ấy thật liều và ngây thơ. Với 500 triệu trong tay, tôi mơ đến việc mở ra một ngôi trường trong khi phương pháp Montessori vẫn còn vô cùng xa lạ với người Việt Nam. Tài liệu của phương pháp giáo dục này thì không phải dễ mua vì chủ yếu họ chỉ bán nội bộ trong các trường Montessori. Đó là chưa kể, phương pháp này cần có những học cụ đặc biệt, mà khi ấy, tôi đâu có tiền để nhập về.

Chẳng lẽ chị không đi tìm đối tác?

Có chứ. Tất nhiên là không dễ, vì phương pháp giáo dục này mới và cả gia đình tôi thì làm trong ngành dầu khí, không có ai làm trong ngành giáo dục cả. Tôi có gặp một người bạn học từ Nhật về, muốn cùng tôi tạo ra một trường học kiểu mới, tuy nhiên, vì phương pháp của tôi và người ấy không thực sự hợp với nhau, nên cũng chỉ bàn bạc một tháng rồi ai đi đường nấy.

Tôi lại vừa một mình loay hoay tìm cách ứng dụng phương pháp này tại Việt Nam. Các học cụ không thể nhập về được thì tôi tự mình làm luôn. Hai năm đầu tiên đi qua, trường thu vào thì ít mà chi ra thì nhiều. Đến năm thứ hai thì tiền vốn hoàn toàn cạn kiệt, nhưng may mắn thay, khi ấy có một người đã nhìn thấy được hiệu quả của phương pháp giáo dục này và đã chung vốn cùng tôi. Người đối tác của tôi rất giỏi quản lý tài chính, tôi chỉ còn tập trung lo chuyên môn. Wonderland ra đời từ đó.

Khi mở ra mô hình trường Montessori, việc thuyết phục phụ huynh của học sinh cũng không phải dễ?

Đúng như vậy đấy, nhiều trường mẫu giáo của Việt Nam coi bố mẹ của trẻ con là đối tượng phục vụ. Họ làm gì cũng chỉ để chiều lòng người lớn. Cách giáo dục của chúng tôi hướng đến trẻ em, khuyến khích các bé tự lập và phát triển giác quan, sự đồng cảm. Thế nên, phụ huynh phải hiểu và hợp tác thì mới có thể đạt kết quả tốt. May mắn cho tôi là ngay từ ngày đầu, dù tôi chưa có nhiều kinh nghiệm, vừa dạy vừa học nghề, nhưng đã có những phụ huynh tin tưởng. Con của họ phát triển tốt, đó chính là cách chứng minh tốt nhất.

Tuy nhiên, có những lúc chúng tôi cũng phải thuyết phục họ khá nhiều. Chẳng hạn TFA hàng năm đều có tham gia hỗ trợ dự án Operation Smile và tôi luôn muốn sắp xếp cho các học sinh ở độ tuổi lớn đến thăm những người bạn thiếu may mắn bị hở hàm ếch trước và sau cuộc phẫu thuật. Việc thấu hiểu được nỗi buồn của người khác và niềm hạnh phúc vô bờ của các họ khi được giúp đỡ là điều vô cùng quan trọng trong việc hình thành tinh thần đồng cảm và quan tâm đến mọi người của trẻ em. Dù vậy, không phải phụ huynh nào cũng đồng ý với điều đó. Họ lo con mình sợ hãi. Thế nên tôi luôn phải nói với các phụ huynh hiểu rằng: chính việc người lớn chúng ta phân biệt, lo sợ mới gây ra cảm xúc tiêu cực trong các em.

Vậy còn gia đình, bạn bè của chị phản ứng ra sao?

Khi tôi mở ra trường đầu tiên, chồng đã ủng hộ tôi khá nhiều. Bao nhiêu tiền anh đi làm đều để đầu tư cho vợ hết. Đến khi anh đi Anh quốc làm việc một năm, muốn có gia đình đi cùng, nhưng vì trường, tôi vẫn phải ở lại và anh thông cảm cho quyết định đó của vợ. Giờ đây, khi chúng tôi quyết định vào Sài Gòn để mở TFA, những người đầu tư cùng tôi đều là bạn bè của gia đình mà ra. Dù đều là người làm kinh doanh, rất quan tâm đến lợi nhuận, nhưng hai đối tác của tôi hiện nay đều chấp nhận việc tôi trích ra một phần nhất định từ doanh thu để ủng hộ cho tổ chức Operation Smile.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua, chị có thấy mình dũng cảm không?

Thú thật là tôi chẳng nghĩ gì cả. Tôi cảm thấy mô hình giáo dục này tốt nên cứ thế mà làm. Trong những năm đầu, tôi gần như quá tải, đến đêm về nhà bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng trẻ con khóc. Thế nhưng tôi tin là mình làm được. Tôi mở ra trường này trước hết là cho con mình, tôi tin vào hiệu quả trong hệ thống giáo dục của nó.

Khi mở trường tại Sài Gòn, chúng tôi phải tự tay làm ngày làm đêm để có một ngôi trường theo đúng tiêu chuẩn của mình. Dù có khó khăn, vất vả và ngay cả chương trình học Montessori của tôi cũng phải thay đổi nhiều so với chương trình chính gốc để phù hợp hơn với văn hóa Việt Nam, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục làm để đi đến thành công. TFA đã mở được hơn một năm nay, ban đầu chỉ có 40, 50 trẻ, thế nhưng đến giờ chúng tôi đã bắt đầu tìm mặt bằng mới để mở cơ sở tiếp theo với mục tiêu là đón nhận được 500 trẻ. Chúng tôi cũng bắt đầu nghĩ đến việc franchise thương hiệu của mình.

Cảm ơn chị rất nhiều.

Xem thêm: Dám thay đổi để có sự thành công

Nhóm thực hiện

Bài: Huy Phương – Ảnh: Tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more