Chất Pháp cổ điển nơi Thủ đô Hà Nội

Đăng ngày:

Thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay nằm trong vùng tam giác châu thổ sông Hồng, Miền Bắc, Việt Nam có đất đai mầu mỡ, trù phú, nơi đây đã sớm là một trung tâm chính trị và tôn giáo ngay từ những buổi đầu của lịch sử Việt Nam.

Trong nghìn năm văn hiến đó, Hà Nội trải qua khoảng 80 năm thời kỳ Pháp thuộc (1858-1945) và 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) với chiến thắng của Đảng Cộng Sản Việt Nam tại Điện Biên Phủ ngày 07.05.1954. Sau đó gần 20 năm, ngày 12/4/1973, Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng cùng nhau vượt qua những thăng trầm của lịch sử để chung tay vun đắp một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện, lâu dài giữa hai dân tộc. Gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Thủ Tướng Pháp François Hollande ngày 05.07.2016.

Hà Nội đậm chất Pháp cổ điển - 01

Tổng thống François Hollande và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch.

Ngoài những công trình kiến trúc mang đậm hơi thở phương Đông truyền thống như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Cột cờ Hà Nội, Chùa Một Cột, Nhà Sàn Bác Hồ, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Hà Nội còn lưu giữ vô vàn những giá trị vật chất cũng như tinh thần mang hơi hướng phương Tây cổ điển và đặc biệt là từ nền văn minh Pháp Quốc. Elle Việt Nam mời bạn đọc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các công trình kiến trúc và văn hóa nghệ thuật mang phong cách Pháp còn được lưu giữ lại gần như nguyên vẹn tại thủ đô Hà Nội.

1. Phủ chủ tịch: The Presidence Palace

Phủ Chủ tịch được xây dựng năm 1883 thời Pháp thuộc được gọi là trụ sở Phủ toàn quyền Đông Dương do kiến trúc sư người Pháp Charles Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong trong vòng 5 năm. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, tòa nhà được Đảng nhà nước đổi tên thành Phủ Chủ Tịch và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp trên 1.000 đoàn đại biểu trong nước và ngoài nước và Người cũng đã nhiều lần đọc thơ chúc Tết đầu Xuân nhân dịp năm mới ngay tại đây. Cho đến nay, nơi đây vẫn được sử dụng là nơi làm việc của Chủ tịch nước và những hoạt động có ý nghĩa quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Phủ Chủ Tịch - Hà Nội - ELLE VN

Phủ chủ tịch – Ảnh: Nguyễn Đức

Ngoài tòa nhà nguy nga tráng lệ của Phủ Chủ Tịch, Hà Nội vẫn còn vẹn nguyên nhiều tòa nhà kiến trúc kiểu Pháp và được sử dụng làm trụ sở văn phòng của các cơ quan nhà nước, các toàn soạn báo, các bộ ban ngành, văn phòng các Đại sứ quán, nhà riêng của các Đoàn ngoại giao quốc tế.

Toà soạn báo Hà Nội mới

Tòa soạn báo Hà Nội mới ngày nay bên hồ Gươm trước đây là trụ sở báo l’Avenir du Tonkin, được xây dựng năm 1893 có các bộ phận và chi tiết trang trí theo phong cách Art Nouveau là phong cách kiến trúc thịnh hành thời Pháp thuộc tại Pháp và trên toàn châu Âu.

Hà Nội đậm chất Pháp cổ điển - 05

Tòa nhà văn phòng đại sứ quán Tây Ban Nha.

Nhà hát lớn thành phố: Hà Nội Opera House

Khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội là sự kết hợp kiến trúc cổ Hy Lạp và nhà hát Opera le Paris. Dự án nhà hát rộng 2.600 m2 ở Hà Nội, với kinh phí lên tới 2 triệu Franc đã gây nên những tranh cãi trên báo chí tại Pháp thời kỳ đó. Công trình là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc cổ Hy Lạp Cô-ranh-tơ kết hợp với kiểu lâu dài Tuy-lơ-ri và Nhà hát Opera de Paris để tạo nên một khối kiến trúc riêng biệt. Năm 1955, để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ Đô, Nhà hát Lớn Hà Nội bước vào đợt trùng tu lớn nhất với ngân sách cho phép là 156 tỷ đồng (khoảng 14 triệu USD). Hơn 100 năm đã đi qua, chứng nhân lịch sử Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn đẹp huy hoàng giữa lòng thủ đô, vẫn là nơi diễn ra các hoạt động nghệ thuật tầm vóc và nhiều ý nghĩa của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.

Nhà hát lớn Hà Nội - ELLE VN

Nhà thờ Lớn thành phố: Hanoi City Cathedral

Nhà thờ được Giáo hội Công giáo Pháp thuộc cho xây dựng bằng gạch thay thế cho kiến trúc cũ bằng gỗ trên nền chùa cũ, khoảng từ năm 1884 – 1886, trong bối cảnh Hà Nội chuyển hình thái sang đô thị mới kiểu phương Tây. Nguồn vốn xây dựng nhà thờ được huy động từ 2 đợt mở xổ số và các nguồn vận động khác. Công trình khánh thành vào Giáng sinh năm 1887. Về tổng thể, công trình mang phong cách kiến trúc Gothic châu Âu, nhưng vẫn có sự kết hợp với kiến trúc bản địa, thể hiện ở hệ thống mái ngói đất nung, cách trang trí nội thất đậm chất truyền thống Việt Nam. Vì thế nó chính là sản phẩm của sự giao lưu văn hóa Đông Tây hết sức đặc sắc. Công trình được xem là kiến trúc nhà thờ tiêu biểu và là một trong những nhà thờ Công giáo đẹp nhất của thủ đô và cả nước. Nằm ở trung tâm thành phố, gần hồ Gươm, nhà thờ Lớn là công trình kiến trúc đặc sắc, là hình ảnh quen thuộc đối với người dân Hà Nội và du khách. Đặc biệt, trong dịp Giáng sinh, nơi đây trở thành điểm đến, nơi “hành hương” của đông đảo tín đồ Công giáo và giới trẻ Hà Nội.

Nhà thờ lớn Hà Nội - ELLE VN

Khách sạn Sofitel Metropol Hanoi: Sofitel Legend Metropole Hanoi 

Khách sạn được xây dựng năm 1901 bởi hai nhà thầu André Ducamp và Gustave-Émile Dumoutier. Sofitel Metropol Hanoi là khách sạn 5 sao đầu tiên ở Hà Nội, có lịch sử lâu dài đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, các chính khách, ngôi sao, nhà văn nổi tiếng như: Charlie ChaplinJane FondaGeorge H. W. BushFrançois MitterrandIsabelle de ValvertJacques Chirac, etc., Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, khách sạn được đổi chủ và sang tên vài lần như khách sạn Thống Nhấ, khách sạn (Reunification Hotel), Khách sạn Pullman (Pullman Metropole Hotel) và tên hiện tại là the Sofitel Legend Metropole Hanoi.

Khách sạn Sofitel Metropole Hà nội - elle vn

Khách sạn Sofitel Metropole Hà nội - elle vn

Cầu Long Biên: Long Biên Bridge

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng bắt đầu từ năm 1899 cho đến năm 1902 thì cây cầu này được khánh thành và đặt tên là cầu Doumer, (tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer). Dân gian còn gọi là cầu sông Cái. Cầu được thiết kế theo kiểu dáng của cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris – Orleáns, Pháp. Cầu xây dựng chủ yếu để phục vụ tuyến xe lửa chở nhiên liệu trong cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Cầu Long Biên từng bị nghiêng vì những dòng xe của thực dân điều quân từ trong nội thành sang sân bay Gia Lâm, tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ và từng hai lần bị gãy trong những lần Mỹ thả bom tấn công miền Bắc nhưng lại được nhân phục chế lại. Hiện nay, qua bao bom đạn, giông bão của lịch sử tự nhiên và xã hội, cầu Long Biên vẫn luôn gắn bó, thân thuộc với những người dân thủ đô với dòng người xe đi lại thong dong, tấp nập gánh gồng ngược xuôi trên sông Hồng.

Cầu Long Biên - ELLE VN

Hà Nội đậm chất Pháp cổ điển - 010

Tấm biển kim loại còn lưu lại trên thân cầu có khắc chữ “1899 -1902 – Daydé & Pillé – Paris”.

Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza: Trang Tien Shopping Mall Plaza

Nắm kế cận những quần thể kiến trúc Pháp cổ khác, Tràng Tiền Plaza dễ bị nhầm lẫn là một khu kiến trúc cổ do được xây dựng theo kiến trúc Pháp và được tư vấn bởi nhà thiết kế người Pháp Claude Cuvelier. Tuy nhiên, thực ra công trình mới được xây dựng vào ngày 30 tháng 4 năm 2000, kỷ niệm 25 năm thống nhất đất nước, được hoàn thành sau 18 tháng khởi công chủ đầu tư là nhà thầu Vinaconex. Trước kia, con phố có tên là Đường Paul Bert nay được đổi tên thành phố Tràng Tiền luôn được người dân thủ đô và cả nước biết đến với hãng kem Tràng Tiền và các hiệu kính mắt nổi tiếng nhưng ngày nay, con phố còn tấp nập người qua lại hơn kể từ khi Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza được ra đời và đưa vào hoạt động với rất nhiều gian hàng của những hãng thời trang, công nghệ, ẩm thực nổi tiếng trong và ngoài nước.

Tràng tiền plaza Hà nội - ELLE VN

Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza lộng lẫy nhìn ra Hồ Gươm.

Chợ Đồng Xuân: Dong Xuan Market

Chợ Đồng Xuân nằm trong khu vực phố Cổ Hà Nội cách hồ Hoàn Kiếm 600 m được xây dựng bởi chính quyền Pháp năm 1889. Chợ được xây dưng bởi nhà thầu Poinsard Veyret với năm vòm cửa và năm nhà cầu dài 52m, cao 19m. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm năm phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, lợp mái tôn. Vào năm 1994 sau vụ hỏa hoạn lớn phá hủy gần như hoàn toàn khu chợ, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại với nguyên dạng kiến trúc cũ. Từ đó đến nay, chợ đã được tu sửa vài lần và luôn là nơi buôn bán, thăm quan, du lịch tấp nập sầm uất nhất khu vực phố cổ Hà Nội.

Chợ Đồng Xuân Hà Nội - ELLE VN

Kiến trúc dân sinh, kinh doanh, giải trí và du lịch trong phố cổ (Hanoi Old Town living architecture)

Khu phố cổ Hà Nội thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm tổng diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường, trong đó nổi tiếng nhất với 36 phố phường đại diện cho các ngành nghề buôn bán khác nhau tồn tại từ thời nhà Lý Trần. Đầu thế kỷ 19, thực dân Pháp đánh chiếm Đông Dương, khu phố cổ được người Pháp xây dựng nhiều công trình dân sinh kiểu Pháp. Các công trình kiến trúc có quy mô nhỏ hoặc các hộ dân không được sử sách lưu lại nguồn gốc và quá trình hình thành tuy nhiên cho đến ngày nay, trong trung tâm phố cổ Hà Nội vẫn tồn tại hàng trăm hàng nghìn tòa nhà và các kiến trúc kiểu Pháp. Một trong những công trình đó là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thời Pháp thuộc quảng trường này có tên là Place Négrier (“Quảng trường tướng Négrier”) với đài phun nước thiết kế theo kiểu Pháp.

 quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Đi sâu vào trong phố cổ, du khách thấy rạp hát Chuông Vàng cũng được xây dựng theo kiến trúc Pháp, rạp hát đã trải qua nhiều năm hoạt động dưới thời Pháp, Nhật, Mỹ và hiện nay là nhà hát Cải Lương Hà Nội.

Rạp hát Chuông Vàng elle vn

Rạp hát Chuông Vàng.

Bên cạnh đó, rất nhiều công trình dân sinh thời Pháp thuộc vẫn còn tồn tại đã và đang được người dân địa phương sử dụng, cải tạo làm các cơ sở kinh doanh dành cho du khách từ khắp nơi trên thế giới. Nếu du khách may mắn đến những hộ dân gốc Hà Nội và chủ chính thức của các cơ sở kinh doanh, sẽ tìm mua được những sản phẩm chất lượng tốt và đồng thời lắng nghe những câu chuyện nhiều đời truyền lại và những cảm xúc của người trong cuộc về những quãng thời gian đổi thay của lịch sử.

Hà Nội đậm chất Pháp cổ điển - 15

Các khu nhà dân, các hộ kinh doanh cá thể tại phố Hàng Điếu

Phố uống bia vỉa hè Tạ Hiện: là một trong những con phố nhộn nhịp và nổi tiếng nhất phố cổ Hà Nội bởi nơi đây tập trung nhiều quán bar, nhà hàng nhỏ, phù hợp với túi tiền khách du lịch bụi, đồng thời cũng là nơi người dân địa phương đến uống bia, ăn đồ ăn đường phố thăm quan, gặp gỡ và kết bạn với du khách quốc tế.

Phố đi bộ, uống bia vỉa hè Tạ Hiện - ELLE VN

Phố đi bộ, uống bia vỉa hè Tạ Hiện

Ở mỗi con phố cổ du khách có thể dễ dàng thấy nhiều khách sạn nhỏ, với chi phí phải chăng và chất lượng tiêu chuẩn châu Âu, với những phòng ngủ, nhà ăn còn giữ nguyên nét cổ kính của thời Pháp trộn lẫn với văn hóa Hà Nội cổ điển tạo cho khách những xúc cảm khó tả.

Hà Nội đậm chất Pháp cổ điển - 16

Khách sạn Lucky, tiệm may Phú Cường tại số 12 Hàng Trống.

Tiệm may Phú Cường là một trong những tiệm may có truyền thống nhiều đời để lại từ thời Pháp. Chủ hiệu may là thế hệ thứ ba tiếp nối kỹ thuật may tinh tế, đậm chất Pháp. Tiệm may vẫn hấp dẫn các nhà ngoại giao, các chuyên gia quốc tế đến may đo và thậm chí cả giới trẻ Hà Nội cũng tìm đến may những bộ comple đúng kiểu Pháp với chất liệu vải ngoại nhập tốt nhất và sang trọng nhất trong mùa cưới.

Hà Nội đậm chất Pháp cổ điển - 17

Tiệm may Phú Cường.

Phòng tranh Cọ Xanh là một trong những phòng tranh lớn nhất và đẹp nhất phố cổ Hà Nội với kiểu trang trí đậm chất Pháp hoa lệ cổ điển. Ngay đến những tác phẩm sáng tác hiện thời cũng rất nhiều tác phẩm mang hơi hướng phố cổ phong cách Pháp. Đến với Cọ Xanh, du khách được đắm mình trong mùi sơn dầu chất lượng tốt nhất, những những bức tranh tuyệt đẹp do những họa sỹ hàng đầu Việt Nam sáng tác và tận hưởng những giai điệu nhạc không lời Pháp và Âu Mỹ cổ điển say lòng.

Hà Nội đậm chất Pháp cổ điển - 17

Phòng tranh Cọ Xanh tại phố Hàng Gai.

Các khu công trình dân sinh còn gần như nguyên vẹn dáng dấp kiến trúc và văn minh Pháp quốc trải khắp phố cổ, tạo nên một phố cổ Hà Nội vô cùng cổ kính, độc đáo và đa dạng để lại trong lòng du khách quốc tế đặc biệt là người Pháp, châu Âu những xúc cảm khó quên về một thời thuộc địa vẫn còn vang bóng tại Hà Nội, Việt Nam.

Xem thêm

Trải nghiệm cả châu Âu chỉ bằng một tour du lịch Pháp

Dạo quanh 20 quán cafe đẹp và độc đáo tại thủ đô Hà Nội

Thành phố Hà Nội: Một nửa trong tôi

Nhóm thực hiện

Thanh Phạm (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE, tham khảo Lịch sử Việt Nam, Thể Thao Văn Hóa, Reuters, vnexpress.net, vtc.vn, vtv.vn, và nhiều nguồn khác)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more