Người Nhật, tôi đã gặp, và cảm mến

Đăng ngày:

“Người Nhật vừa hung bạo vừa hiền hòa, vừa nghiêm khắc vừa thơ mộng, vừa cứng nhắc vừa nhu nhuyễn, vừa trung thành vừa phản trắc, vừa can đảm vừa hèn nhát, vừa bảo thủ vừa cấp tiến…” – đó là lời của chuyên gia nhân chủng học Ruth Benedict

Tôi đọc được những dòng này trước khi đến Nhật lần đầu tiên vào tháng 11/2013. Sau đó 5 tháng, tôi có dịp trở lại Nhật thêm 2 lần nữa… và quả thật, lần nào ấn tượng về người Nhật trong tôi cũng là một sự đối lập.

Trên một chuyến tàu cao tốc shikansen suốt chặng dài 2 tiếng, tôi ngồi cạnh một người đàn ông. Nhiều lần định bắt chuyện nhưng vẻ xa cách và lạnh lùng như thể “tôi đang ở thế giới riêng, đừng chạm vào!” của anh khiến tôi ngần ngại.

Khi xuống trạm, vì lần đầu đến chỗ lạ, bất đắc dĩ tôi phải nói xin lỗi và ngỏ lời mong được anh chỉ đường. Anh nhiệt tình trả lời mà vẻ mặt vẫn không khác mấy so với khi trên tàu. Ở Tokyo, tôi gặp khá nhiều người như anh Doremon ấy. Ngay cả khi bạn là người phụ nữ duy nhất bước vào nhà hàng, hay bạn là người nước ngoài, cũng chẳng mấy ai quan tâm đến bạn, chẳng ai buồn giao tiếp với bạn trừ người phục vụ. Người Tokyo quá bận rộn và căng thẳng, có lẽ vì thế mà họ lạnh lùng và căng thẳng. Khi bạn cần giúp đỡ, hoặc họ sẽ xua tay từ chối ngay hoặc họ sẽ hỗ trợ, nhưng vẫn rất khó gần. Tôi hay liên tưởng người Tokyo với món Sashimi ăn với thật nhiều wasabi. Vượt qua cảm giác “sốc nhẹ” như lần đầu nếm vị wasabi thì mới chạm được đến vị ngon lành sau đó.

ellevn-nhat-ban-5

Ở Osaka thì khác hẳn, tôi có duyên gặp rất nhiều người già đáng kính và dễ mến. Và đa phần khi nói tôi là người Việt Nam, họ đều nhìn tôi với ánh mắt vô cùng thiện cảm. Tôi được cho kẹo, được mời chụp hình cùng và được trò chuyện với vẻ chân tình và đôn hậu. Khi ăn, chỉ cần bạn tỏ ra thích món ăn ấy, bạn sẽ nhận được những cái nhìn thiện cảm và đầy biết ơn từ những người phục vụ. Thật chẳng khó để tiếp cận với người Nhật ở Osaka, chỉ cần bạn thích ăn!

Người Osaka giống như… takoyaki, món ăn nổi tiếng của vùng này, làm từ bột mì nướng và nhân bạch tuộc – không kiểu cách, thậm chí có phần bình dị, mà ai cũng thích.

Còn lần thứ hai đến Kyoto vào tháng 1/2014, tôi đi một mình. Tôi không sao quên được người đàn ông trung niên chưa kịp nhớ tên đã giúp đỡ tôi từ khi lên tàu cho đến khi đưa lên xe buýt về chỗ nghỉ. Ông nói tiếng Anh được vài từ bập bõm và tôi thì không hề biết tiếng Nhật nhưng sự chu đáo và tỉ mỉ của ông thì khiến tôi suýt khóc đôi lần vì sự tử tế. Ông giúp tôi xách hành lý, chỉ cho tôi cách ngả lưng ghế khi thấy vẻ mặt mệt nhoài. Khi tàu sắp đến ga, ông kiên nhẫn vỗ nhẹ tay vào thành ghế báo hiệu cho tôi biết trong khi tôi ngủ vùi, tuyệt nhiên không một đụng chạm nhẹ. Tôi sẽ còn nhớ mãi ánh mắt và nụ cười trìu mến của ông khi vẫy tay tạm biệt.

Và với tôi, người Kyoto dễ thương và thú vị như món bánh chocolate trà xanh Yatsuhashi, thanh và ngọt, đã có lịch sử cả 250 năm.

Bạn có thấy lạ chăng khi tôi cứ ví von người Nhật với những món ăn? Tiếp xúc với người Nhật là tiếp xúc bằng nhiều góc độ: đẹp nên phải nhìn ngắm nhiều, thơm và sạch nên không ngại… hít hà, không dễ hiểu ngay lập tức nên cần quan sát và trải nghiệm, chẳng khác nào món ăn, phải nếm mới hiểu được.

Xem thêm Nhật Bản – Hai mặt của một đất nước hoàn hảo

Xem thêm “Cuộc sống màu hồng” nhìn từ Nhật Bản

Nhóm thực hiện

Bài: Hiền Pooh – Ảnh: Corbis

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more