Đằng sau sự đắt đỏ mang tên Rolex (Phần 1)

Đăng ngày:

Bạn có biết rằng giá của một chiếc đồng hồ Rolex đôi khi còn đắt hơn cả một chiếc xe Ferrari?! Điều gì khiến Rolex đặt ra những con số ngất ngưởng đến thế?

Biểu tượng vương miệng của Rolex

Biểu tượng vương miệng của Rolex

Thương hiệu Rolex là một vũ trụ riêng: nơi tụ họp sự tôn trọng, ngưỡng mộ, giá trị, và danh tiếng. Rolex tập trung vào một công việc đơn giản là sản xuất đồng hồ; nhưng, những chiếc đồng hồ đó có giá trị lớn lao hơn là chỉ để xem giờ. Bạn có biết rằng giá của một chiếc đồng hồ Rolex đôi khi còn đắt hơn cả một chiếc xe Ferrari?!

Người ta mất hơn một thập kỷ để có thể đánh giá đúng về giá trị của thương hiệu Rolex. Và sẽ phải mất một gian lâu hơn thế, nếu chúng ta muốn có cái nhìn chi tiết hơn vào guồng máy hoạt động của thương hiệu này. Rolex là một thương hiệu đồng hồ đặc trưng của Thụy Sĩ, vốn rất kín tiếng và rất ít khi tự nói về mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Rất khó để có thể xin vào tham quan công xưởng sản xuất đồng hồ hạng sang này, và một khi đã được sự chấp thuận từ lãnh đạo cấp cao thì người lạ cũng không được phép ghi hình trong trụ sở của họ. Nhưng chỉ cần được vào nhìn thôi, thì những điều thú vị sau đây sẽ làm bạn phải trầm trò thán phục:

1. Để có đồng hồ đẹp, Rolex sử dụng một loại thép vô cùng đắt tiền, khó chế tác

 

Thép 904L

Thép 904L

Không phải tất cả các loại thép không gỉ đều như nhau, chúng cũng gồm nhiều loại, nhiều hạng…hầu hết thép làm đồng hồ đều là thép không gỉ 316L. Tuy nhiên, hiện nay thì chỉ riêng Rolex sử dụng thép 904L, trong khi các hãng khác hầu như không sử dụng. Trên thực tế thì Rolex đã từng sử dụng cùng loại thép với những hãng khác, nhưng vào khoảng năm 2003 họ đã chuyển sang dùng loại thép 904L vì tính ít bị ăn mòn, chống gỉ tuyệt đối và độ cứng cao mà kim loại này đem lại. Điều quan trọng nhất với Rolex là thép 904L khi chế tác đúng cách sẽ có thể sáng bóng đến mức khó tin. Nếu bạn từng nhận thấy kim loại của đồng hồ Rolex trông đặc biệt hơn các hãng khác, thì đó chính là vì thép 904L. Vào năm 1998 họ tung ra những chiếc đồng hồ thép 904L đầu tiên – một số ít thuộc dòng Sea – Dweller.

Một câu hỏi khá tự nhiên là vì sao không hãng đồng hồ nào khác dùng loại thép này? Rất dễ đoán – vì nó quá đắt và đòi hỏi quá trình chế tác hết sức công phu. Vì có một số lượng lớn linh kiện đồng hồ được chế tác nội bộ nên khi chuyển sang sử dụng loại thép mới, Rolex đã phải chi hàng tỉ đô la để thay mới hầu như toàn bộ hệ thống máy móc sản xuất thép cũng như toàn bộ công cụ để có thể làm việc được với thép 904L. Chi phí quá cao cộng với thói quen sử dụng linh kiện từ bên thứ ba, nên không có hãng đồng hồ nào dám liều lĩnh chế tác đồng hồ với thép 904L.

2. Rolex sở hữu phòng nghiên cứu riêng biệt

 

Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Rolex

Phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Rolex

Hẳn sẽ không ai ngạc nhiên khi biết Rolex có một bộ phận Nghiên cứu và Phát triển nội bộ. Tuy nhiên, Rolex xây dựng bộ phận này tốt hơn những gì bạn có thể tưởng tượng. Không chỉ có một, Rolex phát triển nhiều loại phòng nghiên cứu khoa học được trang bị cực kỳ hiện đại trong nhiều cơ sở của hãng. Mục đích của những phòng lab này không phải chỉ để nghiên cứu đồng hồ mới, những linh kiện liên quan tới đồng hồ, mà còn nghiên cứu phương pháp chế tạo nhanh hơn và hiệu quả hơn. Nói theo một cách nào đó, Rolex là một nhà sản xuất cực kỳ cạnh tranh và hầu như bị ám ảnh với khâu tổ chức – dù chỉ để chế tạo đồng hồ.

Quy mô của những phòng lab này gây kinh ngạc thế nào thì chúng cũng đa dạng thế ấy. Nhìn từ bên ngoài, có lẽ phòng hóa học là phòng thú vị nhất. Đầy những cốc và ống thủy tinh dẫn chất lỏng và khí, phòng hóa Rolex tập hợp những nhà khoa học uyên bác. Phòng này dùng làm gì? Một chức năng quang trọng được Rolex khẳng định là dùng để phát triển, nghiên cứu dầu và chất bôi trơn dùng trong chiếc đồng hồ trong suốt quá trình chế tạo.

Rolex cũng có những căn phòng đầy kính hiển vi điện tử, quang phổ kế để có thể quan sát kỹ kim loại và các vật liệu khác, nhằm xác định hiệu quả của kỹ thuật gia công. Những phòng nghiên cứu này được sử dụng nghiêm túc để giải quyết vấn đề cũng như ngăn chặn những vấn đề có thể xảy ra.

3. Mọi chi tiết của đồng hồ Rolex được lắp ghép và kiểm tra bằng tay

 

Khâu lắp ráp linh kiện hoàn toàn bằng tay

Khâu lắp ráp linh kiện hoàn toàn bằng tay

Một trong những nhầm lẫn nghiêm trọng nhất về Rolex là đồng hồ của hãng được sản xuất hoàn toàn bằng máy móc. Có thể tin đồn này xuất hiện bởi xưa nay Rolex rất ít nói về quá trình sản xuất của họ. Vâng, sự thật là sản phẩm Rolex được lắp ráp hầu hết bằng con người, đúng như những gì bạn mong đợi về một hãng đồng hồ Thụy Sĩ danh tiếng.

Hẳn nhiên Rolex cũng dùng máy móc trong quá trình chế tạo. Thật ra, Rolex dễ dàng làm được những chiếc đồng hồ sản xuất trên máy móc tinh vi nhất thế giới. Robot và những loại máy tự động được dùng để thực hiện những khâu mà con người không làm tốt, bao gồm phân loại, trám đầy, lên danh mục và những quá trình tinh vi khác mà bạn muốn máy móc thực hiện, dù hầu hết các loại máy vẫn do con người điều khiển. Nhưng mọi khâu lắp ghép, từ mặt số đồng hồ cho đến dây đeo tay, đều khâu thủ công. Một chiếc máy chỉ giúp làm những việc như tạo áp lực hay đóng đinh ghim, xếp kim và ấn chúng xuống…Nói điều đó có nghĩa là tất cả các kim đồng hồ được gắn bằng tay với một kỹ thuật viên chuyên môn.

Nói Rolex bị ám ảnh với khâu kiểm soát chất lượng e là còn quá nhẹ! Quan điểm thống trị trong quá trình chế tạo là kiểm tra – kiểm tra, tái kiểm tra, sau cùng là tiếp tục kiểm tra. Mục tiêu là để đảm bảo rằng nếu có một chiếc đồng hồ bị lỗi thì nó phải được phát hiện trước khi rời nhà máy. Từng nhóm lớn thợ làm đồng hồ và những kỹ thuật viên lắp ghép làm việc với từng chi tiết nhỏ nhất trong suốt quá trình Rolex sản xuất, trước và sau khi gởi các chi tiết đến COSC để chứng nhận thời gian.

4. Một lò đúc vàng nội bộ cho đồng hồ rolex

 

Vàng do Rolex tự sản xuất

Vàng do Rolex tự sản xuất

Rolex tự sản xuất vàng! Chỉ có một nhóm nhỏ nhà cung cấp thép cho họ (Rolex cũng tự sản xuất thép trong các nhà máy nội bộ), tất cả vàng và bạch kim được làm nội bộ. Tại các lò đúc của Rolex, vàng 24k trở thành vàng 18k, vàng trắng, hay vàng Rolex’s Everose (một loại vàng 18k không bị phai màu).

Những lò nung dưới ngọn lửa lớn được dùng để nấu chảy và trộn những kim loại mà sau đó trở thành đồng hồ hay dây đeo. Vì chính Rolex kiểm soát công đoạn sản xuất và gia công vàng, nên hãng có thể đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu không chỉ về chất lượng mà còn cả về kiểu dáng. Với hiểu biết của chúng ta về ngành công nghiệp này thì Rolex là hãng đồng hồ duy nhất có thể chế tạo vàng riêng hay có một lò đúc nội bộ.

5. Công nghệ là người bạn tốt nhất

 

Rolex

Công nghệ giúp Rolex rất nhiều nhưng không thay thế được những người thợ lành nghề

Triết lý của Rolex có vẻ rất thực dụng: “Nếu con người làm tốt, hãy để người làm; nếu máy móc làm tốt, hãy để máy làm”. Có hai lý do khiến nhiều nhà sản xuất đồng hồ không dùng máy. Đầu tiên, máy móc đòi hỏi đầu tư nhiều hơn và trong nhiều trường hợp, để người làm sẽ đỡ tốn kém hơn hẳn. Thứ hai là họ không đặt ra những yêu cầu cao như Rolex. Thật ra, việc sử dụng cả nhân công và máy móc sẽ giúp Rolex sản xuất ra những chiếc đồng hồ với độ chính xác cao hơn.

Điểm mấu chốt trong năng lực tự động hóa của Rolex là việc kiểm soát nguồn cung cấp. Một phần công việc khổng lồ được phân cho máy móc như robot sẽ phụ trách giữ và lấy linh kiện ra, sau đó đặt vào các ngăn tủ chứa hoặc đồng hồ thành phẩm…Các kỹ thuật viên sẽ nhận được các linh kiện hay đồng hồ trong vòng tối đa 8 phút sau khi robot hoàn thành nhiệm vụ.

Kỹ thuật viên sẽ nhận được linh kiện từ robot.

Kỹ thuật viên sẽ nhận được linh kiện từ robot.

 

Xem thêm: Đằng sau sự đắt đỏ mang tên Rolex (Phần 2)

 

 

Nhóm thực hiện

Biên dịch: Hồng Ngọc

Theo Rolex

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more