Phan Đăng Di: Điện ảnh đẩy ta vào sự lựa chọn cuối cùng

Đăng ngày:

Là một trong các đạo diễn hiếm hoi ở Việt Nam chọn đi theo dòng phim tác giả, Phan Đăng Di hiểu rõ sự gập ghềnh của con đường làm phim độc lập, và vì thế, anh đã tìm cách mở ra lối đi cho những người trẻ…

Phan-Dang-Di-1

Tôi suýt có cơ hội gọi đạo diễn Phan Đăng Di là thầy khi anh giảng dạy tại chương trình đào tạo điện ảnh do quỹ Ford tài trợ. Thế nhưng, cuộc sống đẩy mỗi cá nhân đi theo một con đường. Đã nhiều năm đi qua, anh đã gặp không ít rắc rối với bộ phim ngắn Khi tôi 20, rồi tiếp tục gây tranh cãi khi cho ra mắt phim truyện dài đầu tay Bi, đừng sợ… Thế mà khi gặp lại anh, tôi ngạc nhiên khi thấy khuôn mặt anh vẫn… y như cũ, đôi mắt xuôi giấu lửa bên trong, khuôn mặt tròn và nụ cười hiền hậu.

Khi được nghe bình luận về gương mặt chẳng in dấu thời gian của mình, Phan Đăng Di đùa bảo: “Tại vì tôi già nhanh quá, bây giờ đến ngưỡng rồi, không già thêm được nữa!”. Cũng có thể như vậy, nhưng cũng có thể vì anh giữ được một điều quý giá bên trong, như đạo diễn lừng danh Hayao Miyazaki từng nói: “Hãy lớn lên, đừng già đi!”.

Đang lên lịch cho việc bấm máy bộ phim truyện thứ hai vào tháng Tư năm sau, nhưng Phan Đăng Di vẫn tất bật chuẩn bị, tìm tài trợ cho một dự án đào tạo điện ảnh khác của anh, hướng đến các nhà làm phim trẻ sắp diễn ra tại Đà Nẵng vào đầu tháng Mười Một, với sự tham gia và hỗ trợ của đạo diễn Trần Anh Hùng. Có lẽ, bên cạnh là một người sáng tạo trực tiếp trên trường quay, anh cũng vẫn muốn chọn việc được làm thầy, chỉ cho các bạn trẻ một lối đi. Và đây, chúng tôi lại ngồi với nhau, để cùng nói về điện ảnh, lựa chọn, và cả câu chuyện của số phận.

Là một người làm phim độc lập, chọn dòng phim tác giả, khó khăn thì ai cũng đã biết rồi, nhưng chắc chắn các nhà làm phim độc lập Việt Nam cũng có những lợi thế, phải không anh?

Thực ra lợi thế có nhiều chứ. Các đạo diễn có tài năng đi theo dòng phim thương mại, có khả năng thu hút khán giả sẽ chẳng phải đi tìm nguồn tài chính nữa. Những nhà đầu tư sẽ tự mang tiền đến cho họ để họ làm phim. Tuy nhiên, mặt khác là đôi khi họ phải làm ra phim từ những câu chuyện mà chưa chắc họ đã thích.

Còn với những đạo diễn làm phim để thể hiện một điều gì đó mới, để thử nghiệm và tìm tòi, sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, đôi khi cái hay của ngôn ngữ điện ảnh không phụ thuộc vào chuyện mình kể câu chuyện gì. Chỉ có những người làm phim độc lập mới làm được thế, vì họ không phải lo ngại về vấn đề khán giả nữa. Họ chỉ quan tâm tới việc thể hiện được điều trong tâm tưởng mình, và đóng góp gì đó cho ngôn ngữ điện ảnh. Các liên hoan phim quan trọng luôn chờ đón những sáng tạo mới mẻ theo hướng này.

Một điều hay nữa của dòng phim độc lập là đôi khi việc làm phim không đòi hỏi quá nhiều tiền, tạo điều kiện cho nghệ sĩ đi đến tận cùng của sự sáng tạo. Thường các nền điện ảnh nhỏ được thế giới biết đến là qua những bộ phim dạng này chứ không phải là những phim thương mại. Thị trường của phim thương mại thế giới thì ai cũng biết là đã bị nước Mỹ và vài ông lớn nữa chiếm mất rồi.

Một nhà làm phim trẻ muốn tìm kiếm nguồn tài trợ để làm phim cũng không thể đưa ra một câu chuyện nặng tính thương mại được. Các quỹ điện ảnh chỉ dành cho dự án có tính sáng tạo, phi lợi nhuận. Chưa kể, Việt Nam là một đất nước còn mới tinh trong mắt các quỹ. Tôi là một trong những người Việt Nam đầu tiên mang dự án ra chào bên ngoài. Và khi mình được sự giúp đỡ, thì mình phải giúp đỡ những người khác. Sáng tạo điện ảnh là của cá nhân, nhưng cần cả một nền điện ảnh mới tạo ra tiếng nói. Càng có nhiều đạo diễn độc lập, thì nền điện ảnh Việt Nam càng được thế giới biết tới.

Hẳn đó là lý do anh tập trung đào tạo và giúp đỡ các bạn trẻ làm phim. Anh có muốn họ đi theo con đường phim tác giả?

Trong tất cả các khóa học, tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng làm phim là một điều mình không thể cố được. Nếu các bạn thấy việc làm phim thương mại, hấp dẫn khán giả mới là thú vị thì hãy cứ làm. Các bạn muốn làm phim độc lập nói lên tiếng nói cá nhân thì cứ chọn con đường ấy. Con đường nào cũng hay cả, có điều là phải làm cho tới. Mặt khác, con đường nào cũng có thể thất bại. Và suy cho cùng, ngay cả việc mình không được làm phim nữa thì cũng chẳng phải là quá dở. Không làm phim thì làm việc khác. Thế nhưng, đã chọn làm phim dòng nào thì hãy cứ hết mình với nó.

Nhóm thực hiện

Bài Phương Huyên

Ảnh: Trọng Đức – Trang điểm: Ngọc Diệp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more