Để giấc mơ thời trang thành sự thật – blog Liên Chi

Đăng ngày:

Suzy Menkes, bây giờ là Biên tập viên thời trang toàn cầu của Vogue, đã có một bài viết chia sẻ những lo ngại của bà về gánh nặng của rất nhiều sinh viên theo học ngành Thời trang ở Anh. Sinh viên tốt nghiệp từ những học viện thời trang nổi tiếng như Central Saint Martins với món nợ khổng lồ, họ loay hoay tìm việc, tìm cách trả nợ cho chính phủ, và có khi phải gánh thêm món nợ lớn tiếp theo để có thể thực hiện ước mơ thời trang của riêng mình.

Cách đây không lâu tôi được mời làm một trong 10 thành viên Ban giám khảo để chấm thi tốt nghiệp cho các bạn sinh viên ngành Thời trang của trường đại học Hoa Sen. Đây là các bạn theo học chương trình hợp tác giữa đại học Hoa Sen và Mod’Art, một Học viện Nghệ thuật và Thời trang của Pháp. Cho bài thuyết trình tốt nghiệp của mình, các bạn phải trình bày về ý tưởng, nguồn cảm hứng và kế hoạch phát triển cho BST đầu tiên của thương hiệu mà các bạn muốn xây dựng. Để minh hoạ cho phần thuyết trình, các bạn còn phải thực hiện 3 mẫu thiết kế trong bộ sưu tập và 3 mẫu này được người mẫu trình diễn. Ngoài ra còn có selling book, research book, name card, inspiration boards…

Tôi rất ấn tượng với chất lượng của các bài thuyết trình trong ngày hôm đó. Một số bạn có ý và BST khá mạnh và sáng tạo, những cách ứng dụng rất thực tế, cách mix-match các items khiến chúng tôi bất ngờ và trầm trồ.

 

photo 3

Phương Linh với BST ” Rise of wolves” lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của chó sói

 

photo 1

BST “Winter Sheep” sử dụng số lượng len lớn của Trần Minh Nhựt

 

photo 2

Trần Minh Nhựt đang giải thích về BST của mình

 

photo 8

BST “Letspeed” của Lê Ngọc Huyền bao gồm những phụ kiện rất cool cho người lái xe máy

 

photo 6

BST “Little Man” của Minh Trang

 

photo 10

BST “Nomadic” của Cẩm Tú với những hoạ tiết in khá sáng tạo nhưng vẫn rất thực tế.

 

photo 4

Tôi cũng thật sự ấn tượng với công sức và cả tiền bạc các bạn đã phải bỏ ra để thực hiện 3 mẫu thiết kế trong bộ sưu tập của mình. Có một điều thú vị đáng suy ngẫm là rất nhiều bạn sinh chọn định vị cho thương hiệu của mình là cao cấp, được bán với giá từ mấy trăm USD đến vài ngàn USD dành cho thị trường xa xỉ ở châu Âu và châu Mỹ. Điều đó hoàn toàn bình thường và không có gì sai khi bạn đang xây dựng một dự án, một thương hiệu “trong mơ” mà bạn luôn ấp ủ.

Tuy nhiên tôi vẫn không thể không liên tưởng đến câu chuyện của Suzy Menkes về các bạn sinh viên thời trang ở Anh kể trên, và tự hỏi rằng các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp ngày hôm nay có đang phải mang theo những gánh nặng đó hay không. Các bạn đã chuẩn bị và thật sự sẵn sàng về tài chính lẫn tâm lý để đối đầu với nhiều cam go, cạnh tranh và vô vàn khó khăn phía trước để biến giấc mơ thời trang của mình thành sự thật chưa?

Sẽ thật may mắn nếu bạn sinh ra trong một gia đình có điều kiện để tiếp tục du học tại Paris hoặc những kinh đô thời trang lớn để mở rộng kiến thức. Ở đó có thể bạn cũng sẽ dễ dàng tìm kiếm cơ hội thực tập, làm việc trong ngành thời trang dễ dàng hơn, mặc dù cũng rất cạnh tranh. Nhưng còn những bạn không có điều kiện nhưng vẫn muốn nuôi dưỡng niềm đam mê thời trang của riêng mình thành công việc và cái “nghề” của mình thì sao? Tôi thật sự rất cảm thông và có lẽ hơi bi quan khi thú nhận rằng không biết sẽ có bao nhiêu bạn trong số 20 bạn sinh viên sẽ tốt nghiệp trong năm nay có thế trụ được trong ngành thời trang, và bao nhiêu bạn sẽ thành công và toả sáng với công việc của mình. Tôi cảm thấy các bạn học thời trang ở Việt Nam có rất nhiều thiệt thòi, vì bản thân ngành thời trang của Việt Nam vẫn còn đang đi những bước rất nhỏ và chậm, thị trường thời trang ở Việt Nam cũng còn quá nhỏ và chưa đủ chuyên nghiệp để các thương hiệu lớn, những anh chị đi trước có thể có những hoạt động thiết thực nhằm nâng đỡ những tài năng trẻ.

Tôi tự hỏi, không biết khi nào Việt Nam mới có hiệp hội thời trang như CFDA của Mỹ, hay giải thưởng Young Fashion Designer Award của tập đoàn LVMH, nơi những nhà thiết kế đã thành công sẽ cùng chung tay, tạo ra những cơ hội để các bạn trẻ có thể tranh tài và nhận được sự hỗ trợ cần thiết, về tài chính lẫn những hướng dẫn thiết thực về nghề. Điều đó sẽ đòi hỏi sự tham gia và tận tâm của những thương hiệu lớn, của những chuyên gia trong ngành, và cả giới truyền thông nữa.

Tôi rất mong các bạn trẻ tốt nghiệp hôm nay hay ngày mai, sẽ đủ vững tâm theo đuổi giấc mơ thời trang của mình.

Xem thêm Thời trang startup – blog Nguyễn Danh Quý

Nhóm thực hiện

Blog & ảnh: Liên Chi

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more