Thế giới nghệ thuật muôn màu ở London

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE số tháng 11/2017] Sống và học tập ở London, tôi có cơ hội khám phá những hoạt động văn hóa đầy màu sắc nơi đô thành náo nhiệt này. Trong đó, tham quan bảo tàng và thưởng thức các vở kịch độc đáo là hai thứ không thể bỏ qua.

Dưới ánh đèn sân khấu

Nếu như New York có hệ thống rạp Broadway đình đám thì London có West End – hệ thống sân khấu kịch lâu đời được xây dựng từ thế kỷ 19. Dù sang trọng hay bình dân, mỗi nhà hát đều để lại những ấn tượng khó quên. Chẳng hạn, sân khấu Almeida khá nhỏ và giản dị, nhưng nhờ đó toàn bộ khán giả có thể theo dõi vở kịch với khoảng cách vừa đủ để tập trung. Nhà hát kịch Wilton’s thì đơn sơ thật đấy, nhưng quy mô khiêm tốn của nó lại khiến người xem cảm thấy gần gũi và ấm cúng. Nhà hát kịch quốc gia (National Theatre) lộng lẫy và hoành tráng, nhưng không gian quá lớn khiến những khán giả ngồi xa khó lòng tập trung theo dõi. Bù lại, những vở kịch diễn ở đây được dàn dựng sân khấu rất công phu. Vở “The Deep Blue Sea” mà tôi xem ở nhà hát này tuy có bối cảnh là tư gia của nhân vật nhưng nhờ sự sắp xếp khéo léo đồ nội thất và bố trí đèn chiếu hợp lý mà sân khấu trở nên hoành tráng hơn.

Thế giới nghệ thuật muôn màu ở London

Dù một sâu khấu có giản dị hay lộng lẫy, khi đèn dưới hàng ghế khán giả phụt tắt và sân khấu bắt đầu phát sáng, bầu không khí sẽ trở nên trang trọng khác thường. Những khán giả phút trước còn ghé tai nhau cười nói hoặc ngọ nguậy trên ghế thì phút sau đã ngồi lại ngay ngắn, giữ im lặng và dán mắt vào sân khấu. Thái độ của khán giả khiến tôi cảm thấy việc “đi xem” ấy quan trọng vô cùng, đích thực là thưởng thức nghệ thuật. Không một ai vừa xem vừa ăn uống hoặc trò chuyện, nếu có thì chỉ ghé tai nhau bình phẩm một, hai câu trong quãng nghỉ.

Thế giới nghệ thuật muôn màu ở London

Palace Theatre là một trong số những nhà hát hoành tráng và có địa thế đẹp nhất London. Nhà hát này được xây dựng làm Nhà hát Opera Hoàng gia Anh trước khi trở thành nhà hát nhạc kịch.

Tôi không ngờ người Anh lại đam mê kịch nghệ đến vậy. Ngay cả trong những buổi biểu diễn nhỏ, số người đến xem cũng khá đông. Có những vở kịch đã thành kinh điển nhưng vẫn được diễn đi diễn lại nhiều lần, mỗi lần người ta lại biến tấu đi một chút, với những chi tiết và cách thể hiện khác đi. Chẳng hạn như vở “Chú Vanya” của Anton Chekhov vốn có bối cảnh ở Nga nhưng lại được chuyển địa điểm về miền nông thôn nước Anh. Vở kịch kể về những bi kịch mà dường như ai cũng phải đối mặt: Nỗi cô đơn của những con người bị bỏ quên, sự buồn tẻ của cuộc sống lặp đi lặp lại, những khát khao không được đáp đền. Câu chuyện đơn giản, không nhiều kịch tính, nhưng lại vô cùng lôi cuốn nhờ các tình tiết và lời thoại châm biếm, dí dỏm cùng diễn xuất nhập tâm và ăn ý của dàn diễn viên. Tôi thích mê giọng nói của cô gái đóng vai Sonya, một giọng nói trong trẻo, có gì đó ngây thơ như đứa trẻ mới lớn: “Chao ôi, sao tôi không được sinh ra xinh đẹp một chút chứ?”.

Vở “Romeo và Juliet” mà tôi đã xem là hài kịch độc thoại. Trong hài kịch độc thoại, người diễn viên đóng đủ loại vai trò và sử dụng nhiều thứ đạo cụ để gây cười: cây chổi, cái hốt rác, nhành cây, vạt váy dài hoặc tạp dề của mình. Người diễn viên mặc sức tung hoành sáng tạo: Họ có thể thủ thỉ, ôm ấp chiếc rèm cửa hoặc cây mắc áo như thể đó là người tình yêu dấu của mình, hay thuật lại một cuộc chiến tranh với dàn nhân vật là những củ cà rốt, mớ hành tây (chẳng hạn nàng Juliet là cà rốt, Romeo là hành tây, Tybalt là cà tím). Họ có thể thay đổi giọng nói và biểu cảm chỉ sau vài tích tắc để diễn tả trạng thái tâm lý của một, hoặc một vài nhân vật khác nhau.

Vốn dĩ tôi không quan tâm nhiều đến sân khấu kịch. Có gì hấp dẫn ở việc xem người ta đi đi lại lại trên sân khấu và thao thao bất tuyệt không ngừng cơ chứ? Thế nhưng, khi được người bạn Anh dẫn đi xem nhiều buổi biểu diễn, tôi mới hiểu vì sao nhiều người Anh say mê kịch nghệ hơn cả điện ảnh. Sân khấu kịch chính là nơi thông qua các diễn viên, người ta thể hiện những tư tưởng lớn mang tính thời đại hay những thông điệp giản dị về cuộc sống. Nếu như lời thoại trong phần lớn các bộ phim chỉ là những lời trao đổi đời thường, thì lời thoại trong kịch luôn ẩn chứa những thông điệp sâu sắc.

Ngoài ra, diễn viên sâu khấu thường không đẹp lộng lẫy như diễn viên điện ảnh, thậm chí nhiều người có ngoại hình chỉ ở mức trung bình. Diễn viên sân khấu, ngoại trừ những người vào vai nhân vật xinh đẹp hơn người, không cần phải quá kiều diễm hay ăn hình mà chỉ cần làm tròn vai trò của mình là đủ – dù đương nhiên chỉ nội việc này thôi đã đòi hỏi tài năng hiếm có. Do đặc thù của sân khấu, thậm chí người ta có thể đóng những vai tưởng như ngoài phạm vi của mình, chẳng hạn, một người ba mươi tuổi đóng vai mười lăm tuổi, hay trong vở kịch “Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa”, một phụ nữ da màu vào vai Hermione – một nhân vật da trắng. Điều đặc biệt là, các diễn viên sâu khấu có thể không đẹp, nhưng đa phần đều có giọng nói tuyệt hay!

Những kỳ quan bảo tàng

Ngoài thời gian xem kịch, tôi dành phần còn lại để đến thăm các bảo tàng. Sự tĩnh lặng của các bảo tàng khiến tâm trí tôi thư giãn, nhưng luôn có một không khí trầm lắng bao trùm. Về lý thuyết, người tham quan được tự do trò chuyện, nhưng dường như ai vào bảo tàng cũng cố hạ tông giọng xuống một chút để không phá vỡ bầu không khí nghiêm cẩn nơi đây. Đôi khi người ta vào bảo tàng cùng nhau mà không hề trò chuyện để có thể tập trung thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.

Bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate Modern từng là nhà máy điện bỏ hoang, được thiết kế lại vào năm 2000 bởi các kiến trúc sư Thụy sĩ Herzog và de Meuron.

Có những bảo tàng đồ sộ như British Museum hay Victoria and Albert, khiến ta phải dành cả buổi hoặc cả ngày trời để nghiền ngẫm, nhưng cũng có những bảo tàng nhỏ, chỉ cần bỏ ra độ một tiếng đồng hồ là xem hết cả BST. Bảo tàng tranh Quốc gia (National Gallery) ở Quảng trường Trafalgar tuy có diện tích trưng bày không lớn so với nhiều viện bảo tàng ở châu Âu, nhưng xét về BST tranh quý trải dài từ thế kỷ 13 đến đầu thế kỷ 20 lại đích thực là một kỳ quan. Đây là một trong những viện bảo tàng được tham quan nhiều nhất trên thế giới bên cạnh Louvre ở Paris và Met ở New York.

Thế giới nghệ thuật muôn màu ở London

Viện bảo tàng Anh (British Museum) một trong những viện bảo tàng lớn nhất thế giới, minh họa đầy đủ lịch sử văn hóa loài người từ nguyên thủy đến hiện đại.

Mỗi lần vào trung tâm, đi qua qua Quảng trường Trafalgar, tôi đều tranh thủ vào ngắm hai bức tranh “Hoa hướng dương” và “Cánh đồng lúa mì và cây bách” trứ danh của Van Gogh. Có những ngày, tôi lang thang ở đây cả buổi chiều, say sưa “nghiên cứu” những bức tranh theo trường phái ấn tượng của các họa sĩ lừng danh mà tôi vô cùng ngưỡng mộ như Van Gogh, Claude Monet, Edgar Degas, hay Paul Cézanne. Đứng trước những tuyệt tác ấy, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé. Tài năng của con người là vô hạn! Tôi cứ thế đắm chìm, mê mệt tới quên thời gian trong thế giới hội họa nhiệm màu ấy cho đến lúc bảo tàng đóng cửa và khách tham quan được yêu cầu ra về.

Không phải cứ bảo tàng lớn là hay, hoặc bảo tàng nhỏ thì không đáng tìm hiểu. Tôi rất thích The Courtauld Gallery ở Somerset House, một viện bảo tàng khiêm tốn nhưng trưng bày một số tác phẩm hậu ấn tượng rất đẹp, bao gồm kiệt tác Quầy bar ở Folies-Bergère của danh họa Pháp Édouard Manet.

Tôi mê nhất Viện Bảo tàng Tate Modern, chuyên trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại. Viện bảo tàng này không hẳn xuất sắc đáng kinh ngạc, chí ít là nếu so với Pompidou ở Paris, nơi cũng trưng bày nhiều tác phẩm hiện đại và đương đại. Nếu nói về nội thất hay ngoại thất thì Tate Modern cũng không hề đặc sắc.

Các nghệ sĩ đường phố trổ tài trước Viện bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia.

Thế nhưng tôi yêu thích không gian thoáng rộng và vị trí đắc địa của nó. Bầu không khí ở Tate Modern êm ả và dễ chịu vô cùng, tạo cảm giác thực sự thoải mái và thư giãn. Chính vì nơi đây không có nhiều tác phẩm tầm cỡ như Pompidou, nên người xem có thể cứ thế thong thả đi lại, nhìn ngắm mà không có cảm giác “rợn ngợp” hay “bội thực” trước các kiệt tác. Tate Modern luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ thú vị với những tác phẩm thể nghiệm khá điên rồ, khiến ta tự hỏi “thế này mà cũng gọi là nghệ thuật sao”, và muốn bật cười trước sự đơn giản đến không ngờ của nó.

Thế giới nghệ thuật muôn màu ở London

Tác phẩm điêu khắc “Nụ hôn” của Sir Hamo Thornycroft được trưng bày tại viện bảo tàng Tate Britain.

Thế nhưng, điều tuyệt vời hơn cả về Tate Modern không chỉ là không gian bên trong, mà còn là quang cảnh bên ngoài. Sau khi kết thúc chuyến tham quan và bước ra ngoài trời, ta được ngắm cảnh London bên sông Thames và thưởng thức giọng ca của các nghệ sĩ hát rong. Hướng mắt về phía trước, ta sẽ thấy bên tay phải là cây cầu Millennium với những đường nét xiên chéo đầy phá cách, xa xa là mái vòm uy nghiêm của Nhà thờ Thánh Paul, sừng sững như một biểu tượng quyền uy bất tử.

Càng khám phá vẻ đẹp đời sống văn hóa muôn màu của London, tôi lại càng thấm thía câu nói quen thuộc của văn sĩ người Anh Samuel Johnson: “Nếu ai đó thấy chán London, tức là người ấy đã chán sống, bởi tất cả những gì cuộc đời này trao tặng đều có thể được tìm thấy ở London”. Trong cái xã hội lạnh lùng của một thành phố tất bật như London, ta không thể biết người Anh thực sự sống và nghĩ như thế nào nếu không tìm hiểu những gì diễn ra đằng sau bề mặt, những gì làm nên vẻ đẹp của cuộc sống nơi đô thành hào nhoáng mà cô đơn này.

Thế giới nghệ thuật muôn màu ở London

Nhà thờ Thánh Paul bên dòng sông Thames nhìn từ Viện bảo tàng Tate Modern.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Thi

Ảnh: Minh Thi, Thịnh Joey, Shutterstock

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more