Thời của “soi”

Đăng ngày:

Người ta vẫn hay đặt ra câu hỏi với phụ nữ “đi thẩm mỹ viện làm gì không biết?” mà quên mất rằng đó là cái quyền, là nhu cầu, là khát vọng cụ thể của người phụ nữ. Và trên hết, họ cũng quên mất một điều quan trọng hơn cả: người phụ nữ đi làm thẩm mỹ không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu của chính bản thân mình…

ellevn-thoi-cua-soi-ft

Nói về lý thuyết, ai cũng hiểu, cũng rõ, cũng tỏ, một người làm đẹp không phải để cho chính bản thân họ mà họ làm đẹp còn cho cả chính những người xung quanh. Ai cũng thích ngắm nhìn cái đẹp cả và việc làm đẹp cho bản thân mình cũng chính là thái độ tôn trọng không gian sống quanh mình. Và bởi thế, người phụ nữ vẫn luôn ước ao mình được đẹp hơn, hoàn thiện hơn ở vẻ ngoài dựa theo những tiêu chuẩn cụ thể. Mũi thì phải thế này, cằm thì phải thế kia, mắt thì phải thế nọ… Những tiêu chuẩn ấy như một cái đích đến của những người phụ nữ thấy mình còn khiếm khuyết và tất nhiên, họ cũng phải có điều kiện tài chính cái đã.

Thế nhưng, cũng có những nét đẹp “phi tiêu chuẩn” mà đơn cử như cái răng khểnh chẳng hạn. Người phương Tây cho rằng đó là cái răng không quy hoạch đúng chỗ còn người Việt nam thì lại cho đó là nét duyên. Những nét đẹp “phi tiêu chuẩn” ấy cuối cùng cũng bị “tiêu diệt” để chủ nhân của nó thay thế bằng một nét đẹp tiêu chuẩn hơn, bất chấp đó là nét đẹp giả hiệu.

Quay lại câu hỏi “Người phụ nữ cứ muốn sửa sang, thậm chí đại tu, cơ thể mình để làm gì?” và ta hãy gạt sang một bên cái đáp án thông thường là nhiều người bị ám ảnh với việc sửa cho đẹp đến mức thành nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Có một đáp án khác mà chính ta cần phải nghiêm túc soi mình vào trong đó nhiều hơn. Đó chính là thói quen hay “soi” người khác của chính chúng ta đã dẫn đến những ám thị khiến người bị soi mất đi sự tự tin nhất định và chặc lưỡi bước vào phòng phẫu thuật thẩm mỹ.

Văn hóa Á Đông vốn dĩ không đề cao cái Tôi như văn hóa Tây phương và bởi thế, cái Tôi cá nhân không được ưu tiên hàng đầu. Sự không dám coi trọng chính cái tôi cá nhân của mình đã khiến không ít người (cả nam lẫn nữ) coi những nhận xét bên ngoài như một chân lý mà mình cần phải tuân theo, thậm chí sử dụng nó để phủ nhận ngay cả chủ quan của riêng mình.

Hãy thử ngồi trong quán cà phê một buổi nào đó trong ngày và lặng quan sát, ta sẽ nhận thấy rất rõ mỗi khi có một vị khách mới bước vào, sẽ có khá nhiều ánh mắt, cả kín đáo lẫn lộ liễu, dõi theo họ. Cái sự “soi” ngưới khác đã thành một tập quán chung, đến từ vô thức. Thậm chí, còn có cả một website khá “hot” lấy chính cái chữ soi ấy làm tên gọi và ngay trong đó, họ soi đủ thứ, đủ vấn đề, đủ mọi câu chuyện của những người khác dẫu cho người ấy, sự kiện ấy chẳng liên quan gì đến bản thân mình.

Dưới một xã hội chỉ thích soi nhau như thế, rõ ràng áp lực của mỗi con người phải chịu đựng là rất lớn. Và một trong những áp lực lớn và phổ biến hơn cả chính là áp lực đến từ những đôi mắt săm soi vào ngoại hình của đối tượng tâm điểm. Ở khía cạnh này, áp lực lên người phụ nữ lớn hơn người đàn ông rất nhiều. Người phụ nữ sinh ra đã được ví như hoa mà. Và đã là hoa thì phải để cho người ta ngắm. Tuy nhiên, ngắm đến mức săm soi thì rõ ràng đã thành nỗi khổ rồi chứ chẳng còn là niềm hãnh diện nữa.

Nếu bạn là phụ nữ, bạn tự ý thức được mình có vòng một hơi nhỏ chẳng hạn, và bạn luôn nhận được những cái nhìn săm soi, thậm chí có vẻ giễu cợt vì cái sự nhỏ ấy của mình, chắc chắn sẽ có một ngày bạn nung nấu quyết tâm phải đi nâng lên cho nghiêng núi nghiêng đồi. Hay chẳng hạn bạn có nước da không được trắng lắm, rồi bị xung quanh châm chọc (dù tếu táo thôi) bằng cái biệt danh như kiểu “trâu”, “dế than”, “nhọ”… thì lập tức bạn sẽ nghĩ ngay về phương án tắm trắng. Soi đã vượt qua cái ngưỡng của nhìn khi đi kèm theo nó là bình phẩm, nhận xét cả vô ý lẫn ác ý. Và nó khiến người bị soi muốn được thay đổi bởi họ trở nên tự ti đến lạ thường trước những tấm “kính chiếu yêu” như thế.

Phải thừa nhận là văn hóa ứng xử cộng đồng của người Việt rất kém, nhiều khi là mất lịch sự. Chúng ta rất khoái nhìn người lạ dù họ có khó chịu hay không thì ta cũng mặc kệ. Đối tượng người lạ duy nhất mà chúng ta không dám nhìn có chăng chỉ là dân giang hồ, xã hội mà thôi. Trước sự dữ dằn ấy, chúng ta sợ không dám ngước cái săm soi của mình lên mà cứ phải cúi gằm tránh né để bảo toàn tính mạng cho mình.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là những người phụ nữ bị săm soi tại sao không thay đổi tâm thức tự ti khi bị soi bằng cách trở nên “dữ dằn” lên? Ở đây không phải là bày vẽ cho chị em trở nên giang hồ, xã hội theo kiểu ngứa mắt là đụng chân đụng tay mà phải cứng rắn, nghiêm khắc trước những kiểu soi ác ý ấy. Ấy nhưng khó lắm, điều đó không hợp với cá tính mềm mại của người phụ nữ. Hoa thì nhiều loại hoa nhưng có gai thì hiếm hoi lắm mới kiếm ra một loại, giống như hoa hồng. Và đã đẹp như hoa hồng thì cũng chẳng cần gai làm gì bởi đàn ông thực ra rất tự ti. Thấy phụ nữ quá đẹp, đẹp đến hoàn hảo thì lại không dám nhìn thẳng mà chỉ dám nhìn lén, nhìn trộm. Mâu thuẫn quá như thế, phụ nữ sao chịu đựng nổi. Làm chị em, đúng là thậm khổ.

Cái gì mình còn xấu thì sửa cho đẹp, đó là lẽ thường tình. Tuy nhiên thay đổi quá nhiều chỉ bởi sợ bị soi thì điều đó chẳng nên rồi. Song, làm thế nào để chị em giữ được sự tự tin trong thời của soi phổ biến thế này hẳn không hề dễ. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là không có cách. Cách nằm ở chính trong tâm mình mà thôi.

Có một câu chuyện vui nhưng cũng nên tham khảo. Ngộ Không đưa Đường Tăng đi thỉnh kinh, lúc Mỹ hầu vương đi kiếm thức ăn cho thầy, sợ thầy lo lắng vì yêu quái đến bắt giữ nên đã nói thầy ngồi thiền tụng kinh còn mình sẽ “vẽ một vòng tròn ngăn chặn yêu quái”. Và Đường Tăng đã ngồi đó thanh thản trong khi yêu quái nhìn thấy đó mà sợ chẳng dám thâm nhập vào.

Cái vòng tròn đó có chống được yêu quái hay không? Không. Nếu chống được thì Ngộ Không đã chọn cách tới dừng chân nghỉ ở đâu cũng vẽ cái vòng quanh thầy cho yên ổn và Đường Tăng chẳng bao giờ bị bắt cả. Việc chống được yêu quái nằm ở chính chỗ ung dung tự tại của Đường Tăng lúc ngồi tịnh niệm. Đường Tăng tin vào cái vòng của Ngộ Không nên mới ra được thần thái đó. Và nó chính là ví dụ điển hình cho phương pháp gọi là “cách phòng vệ tốt nhất là không phòng vệ gì cả”.

Nếu người đời cứ săm soi, chê bai, nhưng chị em phụ nữ cứ bỏ ngoài tai, coi như những kiểu soi đó không phạm tới mình, lập tức những săm soi sẽ một lúc nào đó biến mất hoàn toàn. Người ta chỉ thích chọc vào những ai sẽ phản ứng lại mình mà thôi. Còn những ai không phản ứng lại, người đời chẳng còn tìm thấy nguồn vui thú phấn khích để mà soi nữa. Cơ bản, soi như một cái trò vui giải trí cho chính họ mà thôi, một trò vui ác tâm và ác ý.

Xã hội hiện đại này cần lắm những cái tôi riêng biệt và không thích nữa những đồng phục giống nhau. Thế nên, đua nhau tìm kiếm vẻ đẹp tiêu chuẩn cũng sẽ là bước lùi để những vẻ đẹp ấy trở nên tầm thường, không còn đặc sắc nữa. Và nếu chị em biết cách “phòng vệ tốt nhất là không phòng vệ gì cả” để lúc nào cũng thảnh thơi, tự tin vào chính bản thân mình, soi lúc đó cũng chỉ còn là trò bất lịch sự vô nghĩa mà bản thân chính những người soi sẽ quay lại soi nhau xem ai còn giữ cái thói quen hủ lậu ấy…

Nhóm thực hiện

Bài: Đan Anh – Ảnh: Corbis

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more