Thời của thảng thốt – blog Đăng Ninh

Đăng ngày:

Hay nói đúng hơn là thời của những nhiệt tình hung hăng không cần thiết. Trước một sự kiện của xã hội, hay của showbiz, cộng đồng mạng xã hội hay tâm lý đám đông lại mắc phải hội chứng phát rồ dở khóc dở cười.

Hình ảnh từ vụ đổ xô "hôi bia" ở Đồng Nai

Hình ảnh từ vụ đổ xô “hôi bia” ở Đồng Nai

Gần đây nhất là sự kiện bị hôi của ở Đồng Nai của anh tài xế lái xe tải. Mào đầu là giới truyền thông trình bày hoàn cảnh khó khăn của anh tài xế. Chỉ đợi có thế, đám đông lao vào sỉ vả nhãn hiệu bia kia rằng thì vô tâm, bỏ mặc người bị nạn, rồi thì kinh doanh mà không có đạo đức. Hùng hổ và hăng hái hơn, có những người lên mạng xã hội đòi tẩy chay nhãn hàng. Thế rồi đám đông rầm rập quyên góp ủng hộ số tiền hơn 200 triệu. Rồi nhãn hiệu bia kia cực chẳng đã phải tuyên bố không bắt tài xế đền bù thiệt hại. Việc giải quyết số tiền từ thiện kia rồi sẽ lại lắm nhiều khê cho mà xem.

Trước một sự kiện như vậy, rất ít người bình tĩnh co tay lại trước bàn phím để suy xét ngọn nguồn sự vụ. Không ai hỏi liệu anh tài xế kia có chấp hành đúng luật giao thông không? Người hôi của là dân địa phương cơ mà, trách nhiệm của công an ở đâu? Còn với nhãn hàng bia, họ có lỗi gì trong trường hợp này?

Nếu bắt họ đền bù thay anh tài xế, thế thì ngày mai, một chiếc xe bia khác bị nổ lốp, một chiếc xe chở sữa bị lật bánh hay do chập điện cháy mất một cửa hàng dầu ăn…

Chưa kể, một số người còn cho rằng nhãn hiệu bia này đang lợi dụng để làm truyền thông. Thử hỏi, một nhãn hiệu bia quốc tế, mời những danh thủ bóng đá hàng đầu thế giới, xây dựng thương hiệu theo hướng trẻ trung, năng động lại thích thú với hình ảnh sản phẩm của mình lăn lóc ngoài đường bị một đám đông dẫm đạp lên?

Không ai ngăn cản quyền được thảng thốt của mọi người, nhưng trước khi bình luận và nhận xét điều gì, chúng ta nên suy nghĩ trước sau thấu đáo. Vì, có thể đấy chỉ là bộc phát thôi nhưng vô tình ảnh hưởng đến nhiều người khác, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Sự vụ thứ 2 cách đây khoảng 3 tháng đó là sự kiện anh chàng đẹp trai nọ ở xứ Ả Rập sang Việt Nam. Trước một thông tin bị trục xuất khỏi lễ hội vì “quá đẹp trai”, thế là mọi người phát rồ lên. Người tinh ý, họ sẽ biết ngay lý do sâu xa không thể nào vì quá đẹp trai mà bị loại khỏi một lễ hội được, ẩn sau đó phải là lý do gì khác. Nhưng, đám đông của chúng ta chẳng biết phải trái đúng sai ra sao, cứ cuồng lên đã. Khi qua khỏi cơn say nắng, tỉnh táo lại, chúng ta mới nhận ra những hình ảnh của anh chàng xứ Ả Rập nọ phần lớn được photoshop hết cả chứ ở ngoài thì…

Nhưng, đã quá muộn, vì những nhãn hiệu đã nhận thấy tiềm năng của một chiến dịch PR khi đám đông của đang phát rồ phát dại lên vì vẻ đẹp trai photoshop của anh chàng. Họ mời anh sang, đám đông lại được phát rồ. Chen lấn dúi dụi nhau chỉ để xem mặt anh ta ở ngoài đời thế nào. Và khi thấy được thì các chị, các cô lại buông thõng một câu “Ôi giời, tưởng thế nào nhìn ở ngoài xấu xấu bẩn bẩn”. Bạn có thấy chúng ta văn minh và cư xử có văn hóa không?

 

"Người hâm mộ" Việt Nam đón chào "trai đẹp bị trục xuất"

“Người hâm mộ” Việt Nam đón chào “trai đẹp bị trục xuất”

Suy cho cùng, trong chuyện này, anh chàng đẹp trai xứ Ả Rập chẳng có lỗi gì cả, anh ta vừa được tiếp đón nồng hậu, lại có tiền rủng rĩnh đút túi mang về, chưa kể còn làm mình làm mẩy không chịu diễn ở sự kiện. Còn về phía thương hiệu đầu tư chiến dịch PR cũng vậy. Họ tạo được dư luận và tổ chức được event có đông người tham gia. Chỉ có chúng ta, mới là người bị thiệt thòi về hình ảnh, chúng ta phát rồ vì một việc không đâu vào với đâu. Mà lại tự chuốc lấy cái bực tức vào người (vì ở ngoài xấu hơn trên photoshop), rồi scandal sau sự kiện…. thật, không cái dại nào bằng cái dại miệng, thảng thốt.

Lòng tốt phải đặt đúng chỗ

Cùng thời điểm diễn ra vụ hôi xảy ra sự kiện anh bán hoa quả bị lực lượng dân phòng đánh đến ngất tại vỉa hè thì chẳng thấy tấm lòng nhân ái nào chia sẻ với hoàn cảnh của anh. Cái hoàn cảnh mà còn bi đát, điêu tàn hơn nhiều so với anh tài xế. Lúc này, cần sự thảng thốt của đám đông để chia sẻ, giúp đỡ anh vượt qua khó khăn thì lại chẳng thấy ai lên tiếng.

Hay còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn khác trong cuộc sống mà truyền thông kêu gọi hỗ trợ tấm lòng hảo tâm của mọi người, thì đám đông im thin thít và lặn mất tăm vì còn mải đao to búa lớn ở những sự kiện mang tính giải trí.

Đến khi nào, chúng ta mới chịu suy xét các sự kiện của xã hội bằng cái đầu phân tích thay vì con tim cảm tính? Có lẽ, chúng ta còn phải trải qua nhiều bài học nữa, mới có thể bình tâm, để đưa ra những nhận xét thấu đáo trên mạng xã hội, thay vì cứ thảng thốt giật đùng đùng như thế này.

Nhóm thực hiện

Blog Đăng Ninh

Ảnh tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more