Đóa loa kèn kiêu hãnh về bình đẳng trong phim điện ảnh

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 7/2016] Hãy cùng ELLE điểm qua các bộ phim điện ảnh đầy xúc cảm về quyền bình đẳng giới, để hiểu thêm về công cuộc đấu tranh gian nan của phái đẹp.

Đó là cảnh cuối, một cảnh rất thơ khép lại bộ phim điện ảnh dữ dội mang tên Suffragette (tạm dịch: Quyền bầu cử). Ý niệm phụ nữ như những đóa loa kèn của nữ đạo diễn Sarah Gavron quả tình rất thuyết phục người xem. Suffragette dựa trên câu chuyện đấu tranh có thật của hàng ngàn phụ nữ tại Anh đầu thế kỷ XX, đòi quyền được tham gia bầu cử. Nhiều mất mát, nhiều hy sinh đã xảy ra cho kết quả xứng đáng là sự thừa nhận. Không những vậy, làn sóng này còn tràn qua tiếp sức cho các cuộc đấu tranh của hàng triệu phụ nữ tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại sao quyền đi bầu với phụ nữ lại quan trọng đến như vậy? Bởi, lá phiếu đồng nghĩa với tiếng nói của họ được lắng nghe, được đồng cảm và được thừa nhận. Họ không phải giữa đêm bị đuổi ra khỏi nhà, không được quyền thăm con cái, không phải chịu đựng nỗi giày vò “nếu sinh một đứa con gái nó cũng sẽ giống như em”.

Phim điện ảnh về quyền bình đẳng của phụ nữ

Maud Watts (Carey Mulligan), một nữ công nhân trong một nhà máy giặt là, bé nhỏ, yếu đuối, sợ sệt và cần mẫn trong công việc. Nhận được đồng lương ít ỏi hơn đàn ông và từng bị ông chủ lạm dụng tình dục, nhưng Maud vẫn im lặng. Vì tiếng nói của cô không ai nghe, và tiếng nói của phụ nữ nói chung cũng vậy. Đó là thế giới của đàn ông, do đàn ông làm ra luật pháp để tự bảo vệ họ, còn phụ nữ chỉ đứng ngoài rìa như một món đồ điểm trang thêm phần giá trị.

Maud, từ những điều trông thấy, từ những sự tình cờ và cả những dồn ép trong cuộc sống cá nhân đã mạnh dạn đứng lên đấu tranh cho quyền lợi tương lai của phụ nữ, trong đó có con gái cô nếu nó được sinh ra. “Chúng ta sẽ đấu tranh để đảm bảo quyền lợi mỗi bé gái sinh ra trên đời sẽ có cơ hội bình đẳng như những người anh em của chúng!”.

Như cách họ dịu dàng vun vén, chăm sóc cho gia đình, phụ nữ trong cuộc đấu tranh cũng nhẹ nhàng, kiên nhẫn. Họ luôn mỉm cười, đợi chờ sự lắng nghe, sự thấu hiểu nhưng thứ họ nhận lại là nhạo báng, là bạo lực. Emmeline Pankhurst, người dành cả đời cho cuộc đấu tranh ấy đã thốt lên: “Nếu cần thiết, chúng ta phải đập phá các đền đài, các di tích lịch sử, bởi cuộc đấu tranh của chúng ta đã kéo dài hơn 50 năm, nhưng vẫn bị họ nhạo báng, đánh đập và ngang nhiên bị phớt lờ”.

Phim điện ảnh về quyền bình đẳng của phụ nữ

Thậm chí, cực đoan hơn, bà kêu gọi: “Chúng ta không muốn làm những kẻ phá luật, mà phải trở thành những người làm ra luật. Chúng ta không còn cách nào khác ngoài việc phải thách thức chính quyền này. Nếu ta phải vào tù để có được phiếu bầu, thì hãy để cho những cánh cửa của chính quyền, chứ không phải những cơ thể của phụ nữ – bị phá nát. Ta thà làm những kẻ nổi loạn còn hơn những kẻ nô lệ”.

Điện ảnh không thiếu những bộ phim như Suffragette, và những người phụ nữ như Maud Watts dám đứng lên chống lại cả một hệ thống vì bất công. Vì dù cho quyền bầu cử và nhiều quyền khác của phụ nữ đã được công nhận ở hầu khắp thế giới (trừ những nước Hồi giáo) thì con đường đòi bình quyền của phụ nữ vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn. Những khó khăn đến từ thiên kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội. Từ nữ hoàng Anh Elizabeth được khắc họa trong phim điện ảnh Elizabeth (1998) của Shekhar Kapur đến những nữ công nhân nước Mỹ trong phim điện ảnh Norma Rae (1979) của Martin Ritt.

Năm 1558, Elizabeth Đệ nhất lên ngôi trị vì khi nước Anh bị chia cắt, tình hình chính trị cực kỳ phức tạp. Vì là phụ nữ nên bà bị đe dọa, bị bắt buộc phải cưới một người đàn ông mà bà không hề mong muốn làm chồng. Elizabeth với sự mạnh mẽ, lòng quả cảm và sự thông minh đã giúp nước Anh vượt qua giông bão, cũng như được quyền chọn người mà mình yêu. Kiêu hãnh và chống lại định kiến, Elizabeth Đệ nhất trở thành biểu tượng của người phụ nữ có phẩm chất và trí tuệ không thua bất kỳ một bậc quân vương nào.

Phim điện ảnh Norma Rae dựa trên câu chuyện có thật của bà mẹ đơn thân Crystal Lee Sutton, công nhân nhà máy dệt tại Roanoke Rapids, N.C. Cô trở thành đại diện cho tầng lớp lao động và lãnh đạo công đoàn. Để có tiền trang trải cuộc sống, Norma cam chịu làm việc trong môi trường hết sức tồi tệ với đồng lương bèo bọt. Cuộc sống của Norma thay đổi khi cô nghe được diễn văn của một nhà hoạt động về quyền lao động. Cô quyết định dừng lại tất cả những đơn đặt hàng, đấu tranh chống lại tình trạng đối xử bất công cho bản thân và đồng nghiệp. “Tôi sẽ ở nguyên chỗ này. Muốn kéo tôi ra khỏi đây, ông sẽ phải huy động cả cảnh sát và lính cứu hỏa quốc gia”.

Phim điện ảnh về quyền bình đẳng của phụ nữ

Trong hơn hai thế kỷ đấu tranh đòi thừa nhận quyền lợi chính đáng cho bản thân mà quan trọng hơn là cho tương lai của những thế hệ tiếp theo, phụ nữ đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của họ trong nhiều lĩnh vực và góp phần kiến tạo thế giới mỗi ngày một đẹp đẽ hơn. Cuộc đấu tranh đó vẫn không ngừng tiếp diễn và không ngừng tạo ra giá trị.

Những cuộc đời thật đã khơi cảm hứng bước vào phim ảnh. Và ngược lại, phim ảnh vừa trở thành động lực, vừa là sự khai mở kết nối phụ nữ đấu tranh cho sự bất bình đẳng vẫn xảy ra khắp nơi. Như những đóa loa kèn kiêu hãnh, phụ nữ xinh đẹp, mảnh mai nhưng chưa bao giờ lùi bước yếu đuối trước thiên kiến bất công.

__

Xem thêm:

12 khung hình phim điện ảnh ra ngoài đời thực

Những bộ phim điện ảnh khắc họa thời trang qua từng thập niên

3 nguyên nhân lý giải thời cổ tích trong phim điện ảnh lên ngôi

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more