Mỹ thuật trong chai nước hoa

Đăng ngày:

Người ta cho rằng một cô gái mua chai nước hoa 70% là vì thiết kế chai, chỉ có 30% là do chính mùi hương bên trong. Không chỉ mang tính chức năng, những chai nước hoa của quý cô luôn là hiện thân nhỏ bé của những trào lưu nghệ thuật đã làm nên lịch sử thế giới.

Những ngày cuối tháng 2 năm 2009, không chỉ giới thời trang mà tất cả những ai quan tâm tới nghệ thuật đều hướng về bộ sưu tập cá nhân của Yves Saint- LaurentPierre Bergé được nhà Christie’s đem ra đấu giá. Lẫn giữa những bức họa từ của Frans Hals tới Picasso, là một chai thủy tinh trống rỗng, cũ xỉn, được bán với giá hơn 8,9 triệu Euro. Chai nước hoa rỗng này được Marcel Duchamp – một trong những nghệ sĩ tiên phong của chủ nghĩa Siêu thực thiết kế từ năm 1921, thậm chí còn chưa bao giờ được chứa chút ít nước thơm trong mình, nhưng là minh chứng không thể chối cãi cho việc giá trị của những chai nước hoa nhất quyết không chỉ ở cốt hương sóng sánh.

nghe-thuat-trong-chai-1

Thiết kế của những chai nước hoa thường đồng hành với các trào lưu nghệ thuật; bởi cái phong lưu nước thơm không thể thoát khỏi tàn hoa canh cuộc của những trường phái đẹp thay nhau lên ngôi. Những năm đầu tiên của thế kỷ 20, những lọ hương nhỏ mang đầy ảnh hưởng xa hoa và cầu kỳ của Art Nouveau với trang trí diễm lệ và hoa lá cẩn vàng son. Một trong những dòng nước hoa hiện đại vẫn còn ôm ấp cái rườm rà ấy là Lolita Lempicka với thiết kế huyền ảo và phù phiếm cho những mùi hương bắt nguồn từ thần thoại.

 

Chữ "Lempicka" chính là để tưởng nhớ họa sỹ Art Deco Tamara de Lempicka

Chữ “Lempicka” chính là để tưởng nhớ họa sỹ Art Deco Tamara de Lempicka

Khi Art Deco lên ngôi vào những năm 20, những đường cong phóng đãng bị cắt cúp và biến thành những đường giản đơn. Những chai nước hoa đột nhiên cũng trở nên giản dị và hiện đại hơn. Coco Chanel tiến xa hơn một bước, thẳng tay gạt bỏ toàn bộ rườm rà và đóng chai No. 5 vào lọ nước hoa đơn sơ nhất thời hiện đại: hình chữ nhật, nút thủy tinh dán nhãn giấy trắng. Đến giữa thế kỷ, trường phái Ấn tượng Trừu tượng trở nên phổ biến với Pollock và hàng loạt các nghệ sĩ biến New York thành xứ sở phồn hoa của hội họa hiện đại. Salvador Dali nằm trong đám đông ấy nhưng lại tiện thể rẽ ngang, bắt tay cùng Schiaparelli tạo ra Le Roy Soleil – chai nước hoa đến bây giờ vẫn được các nhà sưu tập truy tìm ráo riết.

 

Thiết kế giản dị và hiện đại của Chanel No.5

Thiết kế giản dị và hiện đại của Chanel No.5

 

"Le Roy Soleil" thiết kế bởi Salvador Dali vẫn đang được các nhà sưu tập truy tìm ráo riết

“Le Roy Soleil” thiết kế bởi Salvador Dali vẫn đang được các nhà sưu tập truy tìm ráo riết

Khi nghệ thuật và quan trọng hơn là văn hóa thẩm mỹ liên tục thay đổi, những chai nước hoa cũng đổi thay theo nhanh đến chóng mặt. May thay, công nghệ và sự rộng mở của công chúng thế kỷ 21 cho phép những nhà thiết kế tài ba phóng tay, để áo cánh của nước hoa trở thành những tuyệt tác với giá cả phải chăng. Trong lúc Marc Jacobs gào thét cái non trẻ với những cánh cúc dại vĩ đại của Daisy, thì Guerlain Shalimar EDP phiên bản 2009 vẫn ôm ấp cái yểu điệu Nouveau của Shalimar phiên bản 1925 cộng nhấn hoa bồng bềnh. Khi Jil Sander mãi ôm chặt bản năng của một minimalist với chai lọ tối giản, thì Stella McCartney tung một bộ sưu tập chai in hoa sặc sỡ, tất cả chỉ cách nhau có vài năm.

 

Ai có thể không phải lòng BST nước hoa “The Print Collection” của Stella McCartney?

Ai có thể không phải lòng BST nước hoa “The Print Collection” của Stella McCartney?

 

Daisy, cánh cúc non dại của nhà Marc Jacobs

Daisy, cánh cúc non dại của nhà Marc Jacobs

Hơn cả việc chứa đựng nước hoa, những chai hương ấy tượng trưng cho những thăng trầm của nghệ thuật và đôi khi là cả cuộc đời của một thiên tài. Cái lọ nước thơm nhỏ xíu trong túi xách các quý bà, biết đâu, sau vài chục năm lại đáng giá hơn cả một gia tài chỉ vì cái gánh nghệ thuật ấy.

Nhóm thực hiện

Bài: Mai Phương Mackey

Ảnh: Tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more