Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Saigon Special] Nhà văn Phạm Công Luận: “Càng viết về quá khứ của Sài Gòn, tôi càng tự hào”

Trong số những cây bút viết về Sài Gòn, Phạm Công Luận có thể nói là một trong những nhà "Sài Gòn học" hàng đầu. Trong hàng chục đầu sách đã xuất bản, độc giả có thể tìm thấy gần như tất cả mọi điều về thành phố này qua nhiều hình thức, từ sưu tập, biên soạn, phỏng vấn đến những dòng văn chất chứa tâm tình...Những tác phẩm ấy - cũng như phong thái của ông trong cuộc phỏng vấn - vừa thâm trầm lại đầy nghiêm cẩn. Nhưng cũng từ đó, một Sài Gòn tươi đẹp của thời quá vãng dần hiện lên...

Là tác giả của hàng chục tựa sách (cả in chung lẫn in riêng) về Sài Gòn, vì sao ông lại chọn viết sách, nghiên cứu về nơi này?

Trước hết là do sự gắn bó tự nhiên – tôi sinh ra, lớn lên và hiện vẫn đang sống tại thành phố này. Bên cạnh đó, Sài Gòn – Gia Định là chủ đề tôi yêu thích và cũng là lĩnh vực tôi có điều kiện tìm hiểu sâu. Càng đi sâu, tôi càng khám phá ra vô vàn đề tài chưa được khai phá, nên càng viết càng thấy hứng thú, không dứt ra được. Cuối cùng, sự đón nhận nồng nhiệt từ bạn đọc khiến tôi cảm thấy công việc mình đang làm thật sự có ý nghĩa. Đó là những lý do khiến tôi chọn viết về Sài Gòn.

sài gòn phạm công luận

Ông vừa nhắc đến sự nồng nhiệt đón nhận của độc giả. Theo ông, vì sao mọi người lại quan tâm và có hứng thú với sách viết về thành phố này?

Theo tôi, đó là vì họ muốn hiểu thêm về bối cảnh quá khứ – giai đoạn mà bản thân hoặc người thân của họ từng sống qua. Họ cũng có nhu cầu tìm hiểu về những nhân vật, hiện tượng, đời sống… mà trước đây chỉ mới thoáng nghe, thoáng biết nhưng chưa nắm rõ. Những cuốn sách của tôi phần nào giúp họ lấp đầy khoảng trống đó. Bên cạnh đó, nó có thể giúp những người nhập cư vào Sài Gòn hiểu thêm về thành phố này – nơi họ đang sinh sống và gắn bó.

Với độc giả là thế, còn với riêng với ông, đâu là điều khiến ông gắn bó với vùng đất này như “máu thịt” của mình?

Chủ yếu là từ góc độ cá nhân. Từ giữa thế kỷ 19, ông bà cố của tôi đã an cư lạc nghiệp tại đây. Nhiều địa điểm trong thành phố luôn gợi nhắc tôi về những câu chuyện truyền miệng trong gia đình. Chẳng hạn, Khánh Hội là nơi ông cố tôi mở một xưởng thủ công nhỏ chuyên thêu may cờ, phướn từ cuối thế kỷ 19. Tòa nhà Bureau du Chemin de Fer của Công ty Hỏa xa Đông Dương (nay là trụ sở Hỏa xa của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) trên đường Hàm Nghi là nơi ông ngoại tôi từng làm thư ký trước năm 1945. Nhà thương Polyclinique Dejean de la Bâtie (nay là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn) là nơi cậu ruột tôi từng nằm điều trị và qua đời sau một trận bom năm 1945, khi mới hơn 20 tuổi. Cửa hàng Kim Phát ở số 301-303, cửa Tây chợ Bến Thành, là nơi ba tôi làm kế toán kiêm bán hàng từ thập niên 1950, kéo dài suốt 25 năm. Còn tôi và tất cả anh chị em trong nhà đều sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn, mang theo vô vàn ký ức không thể tách rời.

Sách sài gòn đẹp xưa
Sài Gòn Đẹp Xưa – Phạm Công Luận

Trong cuốn “Có một thời ở Chợ Lớn” vừa mới ra mắt, ông có viết rằng cả ba và mẹ đều gắn bó với khu vực của cộng đồng người Hoa. Tôi tự hỏi, vì sao đến bây giờ mới có một cuốn sách về Chợ Lớn?

Khi ba má tôi còn sống, tôi không chủ động hỏi về Sài Gòn, Gia Định hay Chợ Lớn nên giờ mới thấy tiếc. Sau này, có nhiều điều tôi phải tìm hiểu lại từ đầu, qua tài liệu hay các cuộc trao đổi, phỏng vấn nhân chứng. Tôi nhận ra rằng, giống như nhiều người Sài Gòn chỉ biết rõ về con hẻm mình sống hay vài con đường đi học, đi làm, người Chợ Lớn cũng không mấy quan tâm đến cuộc sống bên ngoài các lý, hạng (cách gọi hẻm của người Hoa) và vài khu chợ, công viên thường lui tới. Ngoài ra, nhiều người Hoa lớn tuổi nắm giữ ký ức về Chợ Lớn xưa hoàn toàn không biết tiếng Việt, quen sống khép kín trong cộng đồng, ngại giao tiếp người ngoài nên việc tìm kiếm và tiếp cận nhân chứng mất nhiều thời gian.

Rất may, khoảng chục năm trở lại đây, có một lớp người Hoa trẻ tuổi và trung niên đã quan tâm hơn đến việc chia sẻ văn hóa, lối sống của người Hoa ngụ cư. Tôi đã kết nối với họ và được hỗ trợ. Chưa kể, còn có sự giúp đỡ của vài bạn bè lứa tuổi U70 từng sống trong Chợ Lớn – những người còn nhớ nhiều chuyện về cuộc sống ngày xưa…

Về nguồn tài liệu thì sao, thưa ông? Liệu có bao giờ chúng mâu thuẫn với nhau?

Đối với người viết sách phi hư cấu như tôi, tài liệu không bao giờ là đủ nên vẫn phải tìm kiếm thêm mỗi ngày. Đề tài để viết thì đúng là “bội thực”, vì “đụng” đâu cũng thấy hiện ra trước mắt, chỉ sợ không đủ sức theo đuổi, thiếu tài liệu hay chưa tìm ra nhân vật có liên quan để phỏng vấn mà thôi!

Về mâu thuẫn, tôi có nguyên tắc: viết về đề tài gì mà tư liệu không đủ hoặc không có sức thuyết phục thì tạm ngưng. Có ai buộc mình phải viết đâu! Nếu các tài liệu có mâu thuẫn, tôi sẽ so sánh, đối chiếu và tiếp tục tìm kiếm tư liệu cho đến khi xác định được thông tin đáng tin cậy. Cũng có lúc sau khi tìm hiểu kỹ, vẫn có chỗ cảm thấy chưa đầy đủ, tôi sẽ trình bày, mong nhận được góp ý, bổ sung hoặc chỉnh sửa từ độc giả, với tinh thần cầu thị và cố gắng hết sức. Vì viết về quá khứ, khó tránh khỏi thiếu sót hoặc góc nhìn chủ quan.

Tôi tò mò muốn biết đâu là điều mà ông thích nhất về con người, văn hóa của Sài Gòn xưa?

Tôi thấy người Sài Gòn xưa – dù là dân cố cựu hay người nhập cư qua các thế hệ – đều có một vài điểm chung. Thứ nhất, trong chuyện làm ăn sinh sống, dù có cạnh tranh nhưng họ vẫn thích lẽ công bằng, sòng phẳng, ghét thói lươn lẹo. Thứ hai là không bảo thủ, dễ chấp nhận cái mới, miễn là điều đó không gây hại và có ích cho cuộc sống. Hai phẩm chất này dễ lan truyền, được cộng đồng chấp nhận và gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Sài gòn ngoảnh lại trăm năm phạm công luận
Sài Gòn Ngoảnh Lại Trăm Năm – Phạm Công Luận

Cũng vì những nét đẹp ấy mà hiện nay, dường như có một xu hướng tìm về quá khứ như một cách trốn chạy thực tại. Với riêng ông, điều này được nhìn nhận như thế nào?

Với tôi, viết về quá khứ là một lựa chọn xuất phát từ sở thích cá nhân. Nhiều câu chuyện tôi kể không dừng lại ở quá khứ mà luôn kéo dài đến hiện tại, hoặc được nhìn qua lăng kính của hiện tại. Bởi biết rõ quá khứ sẽ giúp ta hiểu hơn cuộc sống hôm nay, “ôn cố” để mà “tri tân”. Nó lý giải vì sao chúng ta suy nghĩ, ứng xử như thế này trong hiện tại. Nhiều câu chuyện xưa vẫn có thể gợi ý cho cuộc sống hôm nay, từ lối sống, giáo dục, thời trang, sản xuất, ẩm thực, mỹ thuật, quy hoạch đô thị, đến cả việc trang trí nhà cửa…

Càng viết về quá khứ của Sài Gòn, tôi càng thấy tự hào. Tôi hiểu vì sao, dù từng trải qua nhiều năm chiến tranh lẫn hòa bình, thành phố này vẫn phát triển trên nhiều phương diện; vì sao nơi đây luôn sản sinh ra những con người tài giỏi, và vì sao nó vẫn có sức hút đặc biệt khiến bao lớp người từ khắp nơi tìm về để sống, để góp phần xây dựng nên diện mạo đô thị hôm nay.

Thông qua những cuốn sách, ông muốn gửi gắm điều gì đến độc giả?

Tôi chỉ mong độc giả hiểu sâu hơn về cuộc sống, lịch sử, tâm tình, những khó khăn, niềm vui và nỗi buồn của bao thế hệ đã từng sinh sống trên vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa, giữa biết bao thăng trầm từ thời Pháp thuộc cho đến ngày nay. Từ đó, có thể suy ngẫm thêm về hiện tại và cả tương lai.

Trong thời gian tới, ông vẫn sẽ viết về vùng đất này chứ?

Tất nhiên là vẫn viết, nhưng tôi sẽ đi sâu hơn vào từng chuyên đề cụ thể về thành phố này. Nói thêm với bạn, tôi cũng đã bắt đầu viết một vài bài về một vùng đất khác, khá thú vị, nhưng có lẽ chưa đủ sức hút để thành sách. Trong năm nay, tôi hy vọng sẽ kịp ra mắt vài cuốn sách nhỏ thuộc thể loại khác. Hiện tại, tôi đang rất hứng thú với hướng đi mới này!

Cảm ơn ông đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh 

Ảnh: Nguyễn Đình, Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)