Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review phim] “The Match”: Cuộc đối đầu định mệnh giữa hai thế hệ kỳ thủ cờ vây Hàn Quốc

“The Match” là một bộ phim thể thao với nhịp điệu chậm rãi, đan xen nhiều lớp cảm xúc. Phim mang tới câu chuyện sâu sắc về mối quan hệ thầy - trò giữa một huyền thoại đã thành danh và một thần đồng đầy triển vọng.

The Match tạo nên cú sốc lớn tại phòng vé Hàn Quốc sau khi ra rạp cách đây hai tháng. Theo thông tin từ Allkpop, bộ phim đã chính thức vượt qua mốc 2 triệu lượt khán giả, trở thành tác phẩm điện ảnh Hàn Quốc thứ hai trong năm 2025 đạt được thành tích này. Đây là một con số ấn tượng đối với một bộ phim thuộc thể loại tiểu sử thể thao, vốn không phải là thể loại được ưa chuộng rộng rãi tại các phòng vé đại chúng. Phim đã chính thức ra mắt khán giả Việt Nam trên nền tảng Netflix vào ngày 8/5 và ngay lập tức vươn lên vị trí top 1 chỉ sau một ngày công chiếu.

The Match phim Hàn quốc về kỳ thủ cờ vây
The Match – bộ phim thể thao với nhịp điệu chậm rãi, đan xen nhiều lớp cảm xúc.

Nhịp kể chậm nhưng kịch tính và có chiều sâu

Cờ vây là trò chơi chiến lược cổ xưa có nguồn gốc từ Trung Hoa, phổ biến khắp châu Á, nhưng với nhiều khán giả quốc tế, đặc biệt là phương Tây, nó vẫn là một thế giới xa lạ. Không như cờ vua hay cờ tướng với các quân cờ mang tính đặc trưng, cờ vây chỉ sử dụng những quân cờ đen và trắng giống hệt nhau, nhưng chúng có thể được đặt ở bất kỳ giao điểm nào trên một bàn cờ 19×19. Chính tiềm năng vô hạn này biến cờ vây thành một thế giới riêng biệt đối với những người hiểu rõ trò chơi, trong khi với những người ngoài cuộc, nó chỉ là một chuỗi những nước đi khô khan. Trải qua những năm 1990, đặc biệt là sau chiến thắng ngoạn mục của kỳ thủ Cho Hun Hyun khi đánh bại đối thủ Nhiếp Vệ Bình trong giải vô địch thế giới năm 1989, cờ vây đã trở thành một hiện tượng văn hóa tại Hàn Quốc. Và đây cũng là khởi điểm cho câu chuyện trong The Match.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật, The Match khắc họa chân dung hai nhân vật huyền thoại: Cho Hun Hyun – nhà vô địch thế giới cờ vây thập niên 1980 và Lee Chang Ho – cậu học trò tài năng từng được ông đích thân dìu dắt. Ngay từ những phút đầu, phim dựng lại khoảnh khắc lịch sử khi Cho Hun Hyun giành chiến thắng trong một giải đấu quốc tế tại Singapore. Thành công vang dội đưa ông lên hàng biểu tượng quốc gia. Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang đó là sự đơn độc của một kẻ bất bại và luôn phải chờ đợi đối thủ xứng tầm.

Sự xuất hiện của Lee Chang Ho – một cậu bé có óc suy luận phi thường và tính cách đôi chút kiêu ngạo, đã thắp lên cho Cho Hun Hyun tia sáng hy vọng về một thử thách mới. Cuộc gặp gỡ tình cờ nhanh chóng biến thành mối quan hệ sư đồ gắn bó. Lee Chang Ho trở thành học trò, đồng thời là một phần trong cuộc sống gia đình của Cho Hun Hyun. Anh dạy cậu cả về chiến thuật và về giá trị của sự khiêm nhường trong mỗi nước đi. Dưới sự huấn luyện nghiêm khắc nhưng tận tâm, Chang Ho từng bước trưởng thành và dần bộc lộ bản lĩnh riêng. 

Sau thời gian rèn luyện, anh bắt đầu tham gia các giải đấu chuyên nghiệp. Khởi đầu còn bỡ ngỡ, nhưng bằng sự nhẫn nại và chiến lược linh hoạt, anh nhanh chóng khẳng định vị thế trên đấu trường cờ vây quốc gia. Đỉnh điểm của kịch tính đến khi Chang Ho tiến vào trận chung kết và đối đầu với chính người thầy năm xưa. Cuộc đối đầu một mặt là màn so tài giữa hai cao thủ, mặt khác là phép thử cho mối quan hệ thầy trò. Cho Hun Hyun, người luôn cổ vũ học trò chiến đấu hết mình, lúc này buộc phải đối diện với sự thật: người học trò cũ đang trở thành mối đe dọa lớn nhất cho ngai vàng mà ông đã giữ suốt nhiều thập kỷ.

Cho Hun Hyun kỳ thủ cờ vây hàn quốc do Lee Byung Hun thủ vai
Cho Hun Hyun – nhà vô địch thế giới cờ vây thập niên 1980

Cũng khai thác chủ đề cờ vây, nếu như Searching For Bobby Fischer kể về sự mềm hóa của một người thầy độc đoán thì The Match lại giữ nguyên vẻ lạnh lùng đặc trưng của văn hóa Á Đông. Không có những cái ôm, không có lời khen, tình cảm trong bộ phim này được mã hóa qua ánh nhìn, qua hành động thường ngày như tắm chung, rửa lưng cho nhau, hay trao tặng những món quà giản dị mà giàu ý nghĩa. Cách xây dựng sự kín đáo và lạnh lùng trong việc thể hiện tình cảm của phim góp phần quan trọng vào cấu trúc cảm xúc và sự phát triển nhân vật.

Phim có sự dàn dựng hợp lý với nhịp điệu linh hoạt, không quá nhanh để làm mất đi tính chất sâu sắc của các mối quan hệ, nhưng cũng không quá chậm để khiến câu chuyện thiếu đi sự kịch tính. Những phân đoạn tĩnh lặng, đầy suy tư được lồng ghép khéo léo vào những cảnh đấu trí hay các tình huống cảm xúc, tạo ra một sự tương phản hấp dẫn, khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình.

Lee Chang Ho được thủ vai bởi Yoo Ah In trong The Match
Lee Chang Ho – một thần đồng cờ vây có tính cách đôi chút kiêu ngạo.

Lỗ hổng đáng tiếc trong tái hiện chân dung nhân vật 

Trong suốt chiều dài phim, khán giả được dẫn dắt qua những tầng sâu nội tâm của hai con người từng là thầy trò, sau trở thành đối thủ. Sự trưởng thành của họ không đến từ việc chiến thắng, mà từ quá trình học cách chấp nhận thất bại, một điều mà cả hai đều chưa từng trải qua trước đó.

Nửa sau bộ phim chuyển hướng sang chuỗi đối đầu trực diện giữa Cho Hun Hyun và Lee Chang Ho – hai thế hệ kỳ thủ đại diện cho những triết lý chơi cờ trái ngược. Đạo diễn Kim Hyung Ho cùng đồng biên kịch Yoon Jong Bin đã dành nhiều tâm huyết để tái hiện chân thực nhịp điệu các trận đấu. Phim giữ được mạch cảm xúc nhờ cách truyền tải rõ ràng, mạch lạc những thế cờ và toan tính chiến thuật giữa hai nhân vật.

Tuy nhiên, khi càng đi sâu vào cao trào, câu chuyện lại bộc lộ sự mất cân bằng đáng tiếc trong cách xây dựng nhân vật. Kịch bản lựa chọn khắc họa Cho Hun Hyun như một hình mẫu phức tạp với nhiều mâu thuẫn: ông vừa là người thầy tận tụy, vừa là một tượng đài đang loay hoay trước nguy cơ bị thế hệ sau vượt mặt. Trong khi đó, Lee Chang Ho, người được xem là nhân vật trung tâm không kém, lại hiện lên quá nhạt nhòa, thiếu lớp lang. Những giằng xé về lòng trung thành, khát khao khẳng định bản thân, hay cả cảm giác tội lỗi khi phải đối đầu với người từng dìu dắt mình… đều chỉ được gợi mở thoáng qua, không đủ sức neo lại cảm xúc trong người xem. Sự thiên lệch trong cách kể này khiến Lee Chang Ho trở thành cái bóng trong chính câu chuyện về mình. Và đó cũng là lý do khiến đoạn kết của phim rơi vào hụt hẫng. 

Một điểm trừ đáng tiếc khác của The Match nằm ở sự vắng bóng gần như tuyệt đối của các nhân vật nữ và điều này là một thiếu sót về mặt đại diện giới cũng như cho thấy sự giới hạn trong tầm nhìn của nhà làm phim. Nhân vật nữ duy nhất, vợ của Cho Hun Hyun xuất hiện với vai trò khá mờ nhạt: vừa làm nền cho tâm lý của chồng, vừa đóng vai “người mẹ thay thế” cho Lee Chang Ho. Sự thiếu vắng tiếng nói nữ giới khiến bộ phim khó tạo được sự đồng cảm từ một nửa khán giả, đặc biệt là những người phụ nữ có mối quan tâm đến bộ môn cờ vây, hay đơn giản là mong muốn về một câu chuyện bao quát hơn, giàu tính người hơn. 

Càng đi vào cao trào, the match lại bộc lộ sự mất cân bằng đáng tiếc trong cách xây dựng nhân vật. 
Càng đi vào cao trào, phim lại bộc lộ sự mất cân bằng đáng tiếc trong cách xây dựng nhân vật.

Xem thêm

[Review phim] “Way Back Love”: Bảy ngày để sống, yêu và tha thứ

[Review phim] “Hoài Thủy Trúc Đình”: Kỳ vọng lớn, thất vọng không nhỏ

[Review phim] “Weak Hero Class 2”: Một mùa phim đầy tham vọng nhưng “hụt hơi”


“Bàn tiệc” diễn xuất và hình ảnh

Bỏ qua yếu tố ngoài lề, diễn xuất chính là điểm sáng của toàn bộ phim. Lee Byung Hun mang đến một Cho Hun Hyun vừa sắc lạnh, vừa u uất – một con người cô độc sau ánh hào quang, mang nặng xung đột nội tâm khi đối mặt với sự tiến bộ của học trò. 

Về phía Yoo Ah In, dù vướng tranh cãi, nam diễn viên vẫn thể hiện đẳng cấp chuyên môn khi hóa thân vào một Lee Chang Ho trưởng thành. Bước qua tuổi 38 tuổi, anh vẫn duy trì được sự tinh tế, kiềm chế và nét trẻ trung cần có của một thiên tài cờ vây đang ở độ tuổi sung mãn. Trong khi đó, Kim Kang Hoon – người thủ vai Chang Ho thời niên thiếu, gây ấn tượng  mạnh trong 20 phút đầu phim với diễn xuất chững chạc và nội lực.

Các tuyến nhân vật phụ cũng cho thấy sự đồng đều về mặt diễn xuất. Dàn diễn viên phụ như Ko Chang Seok, Hyun Bong Sik, Jo Woo In, Jeon Moo Song và Jeong Suk Yong đều làm tròn vai. Moon Jeong Hee – nữ diễn viên duy nhất trong phim đã vượt qua một vai diễn có phần đơn điệu bằng khả năng tiết chế và cảm xúc.

diễn xuất của yoo ah in và lee byung hun trong the match
Diễn xuất chính là điểm sáng của toàn bộ phim.

The Match cũng ghi điểm ở khía cạnh hình ảnh, đặc biệt là cách tái hiện các ván cờ vây. Đạo diễn Kim Hyung Ho cho thấy sự tỉ mỉ trong việc dàn dựng từng thế trận trên bàn cờ, thông qua các cú máy thu phóng chính xác, chuyển cảnh gãy gọn và những góc quay kịch tính. Từ những căn phòng đầy khói của các câu lạc bộ cờ vây Hàn Quốc đến không khí căng thẳng trong các giải đấu quốc tế, bộ phim tạo ra một không gian chân thực, mang đến cho người xem cảm giác như đang thực sự tham gia vào những cuộc đối đầu đỉnh cao. 

Các khái niệm khó hiểu của cờ vây cũng được trình bày một cách dễ hiểu. Bối cảnh thập niên 1980 – 1990 được xử lý hiệu quả qua tông màu phim. Lớp màu nâu đỏ, ngả ấm nhẹ tạo cảm giác hoài cổ và làm dịu những mâu thuẫn ngầm ẩn trong quan hệ thầy – trò. 

Cuối cùng, với những ai đã quen thuộc với cờ vây, bộ phim dễ dàng chạm đến những ký ức về các trận đấu kinh điển và những chiến lược chơi huyền thoại, tạo ra một không gian quen thuộc và ý nghĩa. Tuy nhiên, ngay cả đối với những người không am hiểu về cờ vây, The Match vẫn có thể mang tới sự kết nối mạnh mẽ. Bởi ở cốt lõi, bộ phim không chỉ kể về một trò chơi; đó là câu chuyện về hai con người có cuộc sống bị chi phối và định hình bởi một bàn cờ, những viên đá đen trắng hay một giấc mơ chung. Thế giới của họ là sự giao thoa giữa chiến lược, tình thầy trò và cả  những xung đột không thể tránh khỏi trên hành trình vươn tới sự toàn bích của nghệ thuật.

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)