Tế bào chết là lớp tế bào cũ tồn tại trên bề mặt da như một chiếc áo bảo vệ da khỏi tác động của môi trường. Tuy nhiên nếu tích tụ quá nhiều, da sẽ trở nên thô sần, lỗ chân lông bị tắc nghẽn. Điều này dễ gây mụn và làm giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất từ các sản phẩm chăm sóc da. Vậy làm sao để sử dụng một cách an toàn và hiệu quả? Cùng ELLE khám phá bí quyết tẩy tế bào chết đúng cách giúp bạn sở hữu làn da khỏe mạnh, sáng mịn và không còn nỗi lo về các vấn đề da thường gặp.
“Tẩy tế bào chết là chìa khóa giúp thúc đẩy quá trình tái tạo da, loại bỏ lớp tế bào cũ xỉn màu, mang đến làn da tươi sáng, khỏe mạnh và rạng rỡ” – Dr. Geeta Yadav, bác sĩ da liễu tại Toronto.
Cơ chế tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết vật lý
Khi nhắc đến tẩy da chết, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những hạt scrub li ti mang lại cảm giác “đã tay“ khi massage toàn thân. Đây chính là phương pháp tẩy tế bào chết vật lý, hoạt động dựa trên cơ chế ma sát cơ học, giúp loại bỏ lớp sừng già cỗi, bụi bẩn và mồ hôi tích tụ sau một ngày dài. Phương pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt ngay từ lần đầu sử dụng, giúp làn da trở nên mềm mịn và sáng khỏe tức thì. Tẩy da chết vật lý đặc biệt lý tưởng cho những vùng da dày, ít nhạy cảm như gót chân, khuỷu tay hay đầu gối – nơi lớp tế bào chết thường tích tụ nhiều. Khi kết hợp với sản phẩm có hương thơm dịu nhẹ, việc massage toàn thân không chỉ giúp làm sạch da mà còn mang lại cảm giác thư giãn, góp phần xua tan mệt mỏi và tái tạo năng lượng. Tuy nhiên, bạn nên ưu tiên chọn sản phẩm có hạt nhỏ, mịn và massage nhẹ nhàng, tránh chà xát quá mạnh hoặc sử dụng hạt scrub quá to vì có thể gây trầy xước và tổn thương da.
Tẩy tế bào chết hoá học
Nếu như sản phẩm tẩy da chết cơ học giúp loại bỏ lớp sừng trên bề mặt da, thì acid – tiêu biểu là AHA và BHA lại hoạt động theo cơ chế hóa học, nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với làn da sần sùi, viêm nang lông hoặc lỗ chân lông bít tắc. BHA (Salicylic Acid) là một axit tan trong dầu, có khả năng thẩm thấu sâu vào lỗ chân lông để làm sạch bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết tích tụ từ bên trong. Nhờ đó, BHA trở thành “trợ thủ đắc lực” cho những vùng da dễ nổi mụn như lưng, mông hay cánh tay – nơi thường xuyên gặp tình trạng viêm nang lông hoặc tắc nghẽn lỗ chân lông. Trong khi đó, AHA như Glycolic Acid hoặc Lactic Acid là dạng axit tan trong nước, hoạt động trên bề mặt da. Thành phần này có khả năng làm mềm lớp sừng, kích thích tái tạo tế bào mới. Đồng thời, AHA còn hỗ trợ giữ ẩm nhẹ nhàng và cải thiện sắc tố da, mang lại làn da đều màu, sáng khỏe và mềm mịn hơn theo thời gian.
Ưu điểm nổi bật của bộ đôi AHA/BHA là khả năng tẩy da chết không cần ma sát, giúp giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương, trầy xước hay kích ứng, đặc biệt an toàn cho làn da nhạy cảm. Khi được sử dụng đều đặn từ 4 – 6 tuần, bạn sẽ thấy làn da thay đổi rõ rệt: bề mặt trở nên mịn màng, các nốt sần dần biến mất, lỗ chân lông thông thoáng và làn da như được tái tạo từ bên trong.
Khi lựa chọn sản phẩm tẩy tế bào chết, không nên chỉ dựa vào cảm giác hay thói quen mà hãy lắng nghe và hiểu rõ nhu cầu thực sự của làn da. Nếu da bạn thô ráp, xỉn màu và thiếu cảm giác mềm mại, tẩy da chết vật lý chính là “cứu tinh” giúp nhanh chóng khôi phục vẻ tươi sáng rạng rỡ. Đối với những làn da gặp vấn đề như mụn, viêm nang lông hay lớp sừng tích tụ dày đặc, hãy để AHA và BHA âm thầm “vận hành”, kích thích tái tạo và làm dịu da, mang đến hiệu quả lâu dài và cải thiện từ sâu bên trong.
Gợi ý sản phẩm:
BÀI LIÊN QUAN
Quy trình tẩy tế bào chết đúng cách
1. Làm sạch cơ thể
Trước khi tẩy tế bào chết, bạn hãy làm sạch da bằng sữa tắm dịu nhẹ để loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi và dầu thừa tích tụ. Bước này giúp làn da thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm tẩy tế bào chết thẩm thấu sâu và phát huy công dụng hiệu quả hơn.
2. Thoa sản phẩm tẩy tế bào chết
Bạn nên lấy một lượng sản phẩm vừa đủ và thoa đều lên cơ thể. Với phương pháp tẩy da chết vật lý, bạn hãy thực hiện massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn, tập trung vào các vùng da dày như khuỷu tay, đầu gối và gót chân trong khoảng 15 phút. Một lưu ý quan trọng là tránh chà xát quá mạnh để không gây tổn thương cho da. Đối với tẩy da chết hóa học, bạn chỉ cần thoa đều và để sản phẩm tự thẩm thấu mà không cần massage mạnh.
3. Rửa sạch da
Khi tẩy da chết xong, bạn chỉ cần tắm nhẹ nhàng lại bằng nước ấm để làm sạch da hoàn toàn, giúp làn da thông thoáng và thoải mái hơn. Tuy nhiên, việc duy trì nhiệt độ nước ở mức ấm vừa phải là rất quan trọng. Nếu bạn sử dụng nước quá nóng, làn da nhạy cảm có thể trở nên khô ráp và dễ bị kích ứng.
4. Dưỡng ẩm
Da sau khi tẩy tế bào chết thường mất đi một phần độ ẩm tự nhiên. Vì vậy, thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi làm sạch là cách bổ sung và duy trì làn da mềm mượt hiệu quả. Bạn nên ưu tiên các sản phẩm chứa bơ hạt mỡ, dầu jojoba hoặc glycerin. Đây là những thành phần không chỉ giúp tế bào chết bong ra nhẹ nhàng mà còn củng cố và bảo vệ hàng rào giữ ẩm tự nhiên của da.
BÀI LIÊN QUAN
Lưu ý quan trọng khi tẩy tế bào chết
1.Tần suất hợp lý
Theo bác sĩ da liễu Sheilagh Maguiness, việc tẩy da chết quá thường xuyên có thể gây tổn thương hàng rào bảo vệ da, làm mất nước và dẫn đến kích ứng, mẩn đỏ hoặc thậm chí nổi mụn. Với da body, tẩy tế bào chết từ 1-2 lần/tuần là lựa chọn lý tưởng để duy trì sự mịn màng mà vẫn đảm bảo an toàn cho da. Đối với da mặt, bạn nên thực hiện tẩy tế bào chết khoảng 2-3 lần/tuần. Tuy nhiên, tần suất này cần được điều chỉnh phù hợp với từng loại da và phương pháp sử dụng.
2. Luôn dùng kem chống nắng khi ra ngoài
Sau khi tẩy da chết, làn da trở nên nhạy cảm hơn do tác động bởi các yếu tố gây hại từ môi trường, đặc biệt là tia UV. Tia UV không chỉ làm tăng nguy cơ thâm sạm mà còn khiến làn da dễ bị kích ứng, tổn thương. Vì vậy, việc bảo vệ da bằng cách sử dụng kem chống nắng và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời là vô cùng cần thiết.
BÀI LIÊN QUAN
3. Tránh tẩy tế bào chết khi da đang tổn thương
Nếu làn da đang bị viêm, nổi mụn, trầy xước hoặc có vết thương hở, bạn nên tạm ngưng việc tẩy tế bào chết. Việc chà xát lúc này có thể phản tác dụng, khiến tình trạng da trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài thời gian phục hồi.
4. Lắng nghe phản ứng của da
Mỗi làn da có đặc điểm và mức độ nhạy cảm khác nhau. Nếu da xuất hiện tình trạng mẩn đỏ, rát, ngứa hoặc bong tróc bất thường, bạn nên giảm tần suất sử dụng và chuyển sang sản phẩm dịu nhẹ, phù hợp hơn với tình trạng da.
Nhóm thực hiện
Bài: Khánh Nguyên
Ảnh: Tổng hợp