Có thật thủ phạm gây kích ứng da là loại mỹ phẩm bạn đang dùng?

Đăng ngày:

Nổi mụn sau khi thử nghiệm một sản phẩm làm đẹp mới? Làm sao để biết được đó là dấu hiệu tạm thời của thanh lọc da hay là hậu quả của sản phẩm mới gây kích ứng da?

Bạn đầu tư vào một loại vitamin C, một lọ BHA hay một chai retinol đắt tiền. Bạn mong chờ phép màu của chúng sẽ giúp bạn lấy lại làn da đẹp không tì vết. Thế mà sau khi dùng chẳng bao lâu, da bạn lại đón một “vườn hoa” mụn mới. Ngoài việc vừa mới tiêu tốn một khoản tiền lớn, bạn lại phải đối đầu với hậu quả của kích ứng da.

Thế nhưng các blogger sẽ khuyên bạn kiên nhẫn sử dụng các sản phẩm này thêm một thời gian. Họ cho rằng hiện tượng đó chỉ là “purging” (thanh lọc da). Đây là một phản ứng hoàn toàn tốt cho da khi đẩy chất thừa, vi khuẩn ra khỏi da. Sau quá trình “nở hoa” đó, da bạn sẽ gặt được những kết quả đáng ngưỡng mộ. Vậy sản phẩm mới này có thật sự đang thanh lọc hay chỉ là gây kích ứng da bạn?

Sự thật về hiện tượng “purging”

Thoạt nghe, đây có vẻ như một lời đồn thổi không đáng tin trên internet. Thế nhưng các bác sĩ da liễu cho rằng hiện tượng purging hoàn toàn có thể xảy ra.

kích ứng da 2

Ảnh: Vinicius Amano

Các sản phẩm chứa axit lactic, axit salicylic và retinol có thể là thủ phạm cho hiện tượng purging. Vì chúng được sinh ra với khả năng đẩy nhanh tốc độ sừng hóa của tế bào. Microcomedones được biết đến là tiền thân của mụn trứng cá nằm dưới da mà chúng ta không nhìn thấy được. Rielle Nagler – Trợ lý giáo sư da liễu tại NYU Langone Medical Center nói: “Một số sản phẩm chăm sóc da sẽ đẩy nhanh quá trình sừng hóa tế bào. Từ đó các microcomedones này sẽ nhanh chóng lộ diện”.

“Purging” là thủ phạm gây kích ứng da?

Cơ chế hoạt động của purging sẽ gây ra những phản ứng ban đầu không tốt cho da. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa mọi loại kích ứng đều là do hiện tượng thanh lọc cơ thể. Debra Jaliman, bác sĩ da liễu tại thành phố New York nói: “Bạn sử dụng một sản phẩm mới và bị nổi mụn, bạn nên xem xét các thành phần của sản phẩm rồi mới cân nhắc dùng tiếp hay dừng lại”.

Một số thành phần như bơ hạt mỡ, silicon và dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Nếu sản phẩm bạn sử dụng chứa những thành phần trên, có thể da bạn đang bị kích ứng với sản phẩm chứ không phải tác động của quá trình sừng hóa da. Vậy thì, thời điểm bạn nên chấp nhận rằng tuýp kem hay lọ serum mới này sẽ gây purging là khi nào?

kích ứng da 4

Ảnh: Daniel Monteiro

Làm sao để xác định khi nào da thanh lọc, khi nào da kích ứng?

Nếu bạn đang sử dụng những sản phẩm chứa axit lactic, axit salicylic, axit glycolic hoặc retinol, Tiến sĩ Nagler khuyến cáo chờ đợi từ 6 đến 8 tuần. Sau đó, mụn của bạn vẫn không cải thiện, có lẽ đó sẽ là lúc bạn nên vứt chúng đi.

Trong trường hợp bảng thành phần sản phẩm không có những chất trên, bạn nên ngưng sử dụng sớm. Theo Bác sĩ Jaliman, hiện tượng ngứa, đỏ hoặc căng kích đơn giản có thể là vì da bạn bị dị ứng với công thức sản phẩm. “Nếu không vì một thành phần nào đó có khả năng thanh lọc mà bạn da vẫn bị nổi mụn nhiều hơn, bạn nên ngừng dùng sản phẩm này” – Bác sĩ Nagler cảnh báo.

kích ứng da 1

Ảnh: Frankie Cordoba

Xem thêm:

Những sản phẩm kem dưỡng ẩm toàn thân giúp xoa dịu da nhạy cảm, kích ứng

Tìm hiểu nguồn gốc và cách “xóa sổ” mụn nội tiết

Nhóm thực hiện

Nhi Hoàng

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more