Ngủ không mộng mị

Đăng ngày:

ELLE tổng hợp những thông tin về các nghiên cứu mới nhất có liên quan đến chức năng của thuốc ngủ và những nguy cơ gây nghiện ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dùng.

di-tim-giac-ngu-ngon-tn

Thuốc ngủ là giải pháp thần tiên?

Tại Việt Nam, một hiện thực khá phổ biến và đáng lo ngại là khi mất ngủ, mọi người có thể dễ dàng tự mua thuốc ngủ tại các hiệu thuốc. Gần 50% bác sĩ chỉ định thuốc ngủ cho bệnh nhân do thói quen chứ không nhất thiết dựa trên nhu cầu thực tế của người bệnh.

Amanda FitzSimons, cây bút cộng tác của ELLE ở Anh, một người bắt đầu uống thuốc ngủ từ những năm đại học chia sẻ: “Lý do tôi tìm đến thuốc ngủ đơn giản chỉ vì một viên thuốc nhỏ bé có thể giúp tôi ngủ ngon mỗi đêm, và đêm nào cũng vậy”.

Tại Mỹ cũng có hàng triệu người dùng thuốc an thần Ambien hay những loại thuốc tương tự có thành phần chính là zolpidem khiến nó trở thành loại thuốc phổ biến nhất. Đó là những loại thuốc thường được bác sĩ kê toa cho chứng bệnh “mất ngủ ngắn hạn” (kéo dài ít hơn 3 tháng). Tuy nhiên, nếu ba ngày liền trong một tuần bạn vẫn không ngủ được sau nửa tiếng cố gắng, và tình trạng kéo dài liên tục trong vòng hơn một tháng, bạn có thể gặp phải chứng mất ngủ mãn tính.

Thế nhưng, không phải ai cũng biết rõ mình bị chứng mất ngủ ngắn hạn hay mãn tính vì khi đã uống thuốc quá  lâu và liên tục trong một thời gian dài, họ giống như một người đã nhuộm tóc quá lâu đến nỗi không còn nhớ màu tóc thật của mình là gì nữa.

Khi hiệu lực không dừng lại vào buổi tối 

Gần đây báo chí đã lên tiếng cảnh báo những tác dụng phụ của thuốc Ambien. Vào tháng 1/2013, kết quả từ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và thi kiểm tra lái xe cho thấy nhiều phụ nữ vẫn cảm thấy uể oải, thờ thẫn và lơ mơ vào ngày kế tiếp sau khi đã uống Ambien đêm hôm trước.

Dựa vào đó, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra khuyến cáo rằng liều lượng Ambien dành cho phụ nữ cần phải cắt giảm đi một nửa. FDA còn cho biết cơ thể người phụ nữ đào thải các thành phần an thần chậm hơn nam giới, và với một số người thuốc vẫn còn trong cơ thể tám tiếng sau khi uống.

Tuy nhiên, theo Sanofi, nhà sản xuất thuốc Ambien cho biết, số người chịu những phản ứng phụ kể trên chỉ chiếm khoảng 8%, số còn lại có thể tìm đến giấc ngủ êm suốt cả đêm chỉ vài phút sau khi uống thuốc.

Năm 1992, khi được FDA cho phép lưu hành trên thị trường, Ambien nghiễm nhiên trở thành một liều thuốc thần kỳ cho rất nhiều người mắc chứng bệnh mất ngủ. Những loại thuốc trị mất ngủ khác chứa thành phần chính là benzodiazepines (như là Ativan và Halcicon) được cho là rất hữu hiệu do tác động đến cơ quan GABA của não bộ.

Tuy nhiên, mặt trái rất lớn của loại thuốc này là có thể gây nghiện. Vào lúc đó, tạp chí Time đã đăng bài báo “Mặt trái đen tối của Halcion” trong khi loại thuốc mới Ambien lại làm cho mọi người yên tâm hơn khi vẫn đem lại sự yên tĩnh cho GABA (một loại amino acid không thể thiếu đối với cơ thể để đảm bảo duy trì sự hoạt động bình thường của não bộ, đặc biệt là các neuron thần kinh) nhưng không gây nghiện.

Vào năm 1996, trên New York Times, một bác sĩ cũng khẳng định Ambien không có tác hại vật lý và không gây tác dụng phụ cho cơ thể. Việc gây nghiện có liên quan chặt chẽ với “mức chịu đựng” của người sử dụng đối với liều lượng của thuốc. Tình trạng “phụ thuộc thuốc” xảy ra khi người dùng phải tăng liều thuốc để thấy có tác dụng tương tự, hay việc đột ngột ngưng sử dụng thuốc gây nguy hiểm đến cả tính mạng của người dùng.

Việc bị “phụ thuộc thuốc” như trên cũng là một dấu hiệu của việc nghiện thuốc tuy rằng ý nghĩa của hai tình trạng này không hoàn toàn giống nhau. Bệnh nhân ung thư bị phụ thuộc vào thuốc giảm đau nhưng họ cảm thấy đỡ hơn nhờ uống thuốc đó. Ngược lại, những người bị nghiện thuốc giảm đau bắt buộc phải uống thuốc ở liều lượng ngày càng cao hơn, bất kể việc đó rất nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

Vì thế, Sanofi vẫn khuyên các bác sĩ phải suy nghĩ kỹ trước khi kê đơn thuốc cho những người đã có tiền sử bị nghiện thuốc. Với zolpidem hay Ambien, việc nghiện thuốc vẫn có thể xảy ra nếu uống thuốc lâu hơn thời gian bác sĩ cho phép. Điều đó gây khó khăn cho bệnh nhân khi phải chấp nhận chỉ uống thuốc không quá 35 ngày.

Tiến sĩ Carl Bazil, MD tại trường Columbia University Medical Center cho biết: “Ngủ là một hành động của thể xác lẫn trí não. Đó là điều khiến bạn khó phân biệt rằng bạn cần thuốc để ngủ hay bạn “nghĩ” rằng phải có thuốc bạn mới ngủ được”.

Ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng 

Việc thiếu ngủ mãn tính có liên quan đến rất nhiều bệnh như trầm cảm, tiểu đường, béo phì, huyết áp cao và hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Việc thiếu ngủ cũng gây ảnh hưởng đến tốc độ làm việc của trí não.

Trong nghiên cứu vừa công bố tại BMJ Open, tỷ lệ tử vong của người dùng những loại thuốc ngủ này (18 liều trong một năm) cao hơn gấp 3 lần so với những người không dùng và cao hơn gấp 5 lần nếu bạn dùng 132 liều hoặc hơn con số đó (trung bình một ngày một viên) – một con số khá ấn tượng. Giống như ta so sánh với một người hút thuốc sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao gấp 4 lần so với người không hút thuốc (15 lần nếu so sánh về nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi).

Những học thuyết được hình thành từ điều tra sự gia tăng các trường hợp tử vong cho thấy: Ở một số nghiên cứu trên động vật, việc quá liều thuốc ngủ và nhất là khi sử dụng thuốc chung với các thức uống có cồn dẫn đến các khả năng gây ra bệnh ung thư phổi, bạch huyết, đại tràng.

Nguy hiểm hơn cả, đa số những người dùng thuốc ngủ là những người đã có bệnh. Bởi tất cả những lý do trên, và nhất là để tránh việc lạm dụng thuốc, bác sĩ thần kinh học Bazil cho biết Ambien không nên trở thành lựa chọn đầu tiên để trị chứng mất ngủ. “Tôi thật sự chỉ kê toa sử dụng Ambien sau khi đã xem xét hết tất cả những lựa chọn khác”.

Đối với bản thân Amanda, Ambien là loại thuốc ngủ đầu tiên mà cô dùng. Cô chia sẻ thêm: “Mặc dù tôi không nghĩ là mình đã bị nghiện thuốc nhưng tôi tin rằng đã đến lúc phải thay đổi sau khi bạn bè chứng kiến cảnh tôi điên cuồng dốc ngược hết vali khi nghĩ đã quên mang thuốc trong chuyến du lịch vài ngày trước. Và tôi nghĩ Bazil nói đúng, chứng mất ngủ chắc chắn là do một nguyên nhân nào đó. Nhiệm vụ của tôi là phải tìm ra nguyên nhân đó chứ không phải triền miên sống nhờ thuốc”.

Xem thêm Làm sao để có giấc ngủ ngon?

Xem thêm Chăm chút cho “Giấc ngủ đẹp”

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more