Làm đẹp / Bí quyết khỏe và đẹp

4 loại nước dân gian giúp thanh nhiệt cơ thể nhanh chóng

Dân gian ta thường uống gì để thanh nhiệt cơ thể trong những ngày Hè nắng nóng? Đó là những món nước quen thuộc, chế biến nhanh chóng với giá thành rẻ nhưng vô cùng hiệu quả trong việc giải nhiệt.

Từ thuở xưa, ông cha ta đã tìm ra những loại nước giúp thanh nhiệt, làm mát cơ thể cho những ngày nắng nóng. Từ những tài liệu trong Đông y đến những nghiên cứu hiện đại, các loại nước từ thảo mộc quen thuộc với người Việt Nam lại mang khả năng điều hòa nhiệt độ cho cơ thể vô cùng hữu hiệu.

“Uống nước giống như rửa sạch cơ quan nội tạng. Nước sẽ làm sạch các cơ quan bên trong cơ thể, làm bạn no, giảm lượng calo thu nạp và cải thiện chức năng của tất cả các mô” – Bác sĩ Kevin R. Stone.

1. Cấp nước tức thì bằng Nước khoáng, nước điện giải, nước biển khô 

Khác với nước lọc thông thường, trong nước khoáng có chứa khoáng chất tự nhiên (như Natri, Kali, Magiê, Canxi, Bicarbonat) và chất điện giải. Chính nhờ khoáng chất và điện giải mà nước khoáng giúp bù đắp nhanh chóng những chất đã mất do tiết mồ hôi quá nhiều.

uống nước lọc có đá
Nước lọc là loại nước dễ tìm nhưng lại giúp làm mát cơ thể tức thì. Ảnh: Giorgio Trovato/ Unsplash.

Cũng như nước lọc, đặc tính của nước là giải nhiệt, bù đắp lượng chất lỏng đã mất, duy trì thể tích máu và đảm bảo các chức năng sinh học của cơ thể diễn ra bình thường, Chính vì thế, uống nước hoặc nước khoáng giúp cơ thể tự điều hòa nhiệt độ hiệu quả hơn trong những ngày nắng nóng.

Ngoài ra, các bác sĩ thường khuyến nghị bệnh nhân mất nước dùng nước biển khô để bù nước nhanh chóng cho cơ thể. Đây là hỗn hợp muối điện giải được bào chế dưới dạng bột hoặc viên, có thành phần tương tự như các khoáng chất trong nước biển, dùng để pha với nước uống.

2. thanh nhiệt cơ thể với Trà xanh

Theo quan niệm của Đông y, trà xanh có vị đắng, chát và mang tính mát (hàn). Khi đi vào cơ thể, trà xanh giúp thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu và làm mát cơ thể từ bên trong. Khác với nước lạnh thông thường chỉ làm mát tạm thời bề mặt, trà xanh tác động sâu hơn vào các cơ quan nội tạng, giúp cân bằng nhiệt độ tổng thể.

trà xanh ấm thanh nhiệt
Theo người Trung Quốc, mùa Hè uống trà xanh để làm mát và mùa Đông uống hồng trà để giữ ấm cơ thể. Ảnh: Kat von Wood/ Unsplash.

Điểm đặc biệt của trà xanh là, uống nóng lại làm tăng khả năng làm mát cơ thể. Khi uống trà xanh nóng, các cảm biến nhiệt trong miệng và cổ họng sẽ gửi tín hiệu đến não, kích hoạt cơ chế làm mát tự nhiên của cơ thể: đổ mồ hôi. Khi mồ hôi bay hơi khỏi bề mặt da mang theo nhiệt lượng, giúp cơ thể hạ nhiệt nhanh chóng và bạn sẽ cảm thấy mát mẻ hơn.

Nguyên liệu: Lá trà xanh tươi hoặc khô (khoảng 10-15 gram cho 1 lít nước), nước lọc.

Thực hiện:

  • Loại bỏ cành già, lá úa và rửa sạch vài lần (nếu chọn uống lá trà xanh tươi).
  • Đun khoảng 0.5 lít nước, rót vào lá trà, lắc nhẹ và đổ đi phần nước. Điều này giúp làm sạch trà, bỏ bớt vị chát và tạo hương thơm nồng nàn cho trà.
  • Rót khoảng 1 lít nước sôi (nhiệt độ lý tưởng là 80-85°C, không dùng nước sôi 100°C vì dễ làm trà bị đắng gắt và mất đi dưỡng chất) vào bình trà đã tráng.
  • Ủ trà trong 10-20 phút đối với lá trà tươi và 2-3 phút đối với trà khô.

3. Thanh nhiệt với trà thảo mộc atiso

Theo Đông y, atiso có vị đắng, tính mát và tác động trực tiếp vào kinh Can (gan) và Đởm (mật). Chức năng chính của gan là chuyển hóa và giải độc. Khi gan hoạt động quá tải, bị nóng hoặc tích tụ độc tố, cơ thể dễ sinh nhiệt, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, và cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Đối với y học hiện đại, atiso chứa hợp chất cynarin và silymarin giúp bảo vệ gan, kích sản xuất mật và tăng cường chức năng gan. Khi chức năng gan hoạt động tốt, cơ chế điều hòa nhiệt độ của cơ thể diễn ra tốt hơn và bạn sẽ cảm thấy thanh nhiệt, “mát” từ bên trong.

trà thảo mộc atiso thanh nhiệt
Atiso là một trong những loại hoa giúp mát gan, giải độc thường thấy trong Đông y. Ảnh: Kim Daniels/ Unsplash.

Ngoài ra, atiso còn có công dụng lợi tiểu. Việc tăng cường bài tiết nước tiểu giúp đào thải độc tố, làm cơ thể mát mẻ, dễ chịu. Hợp chống chống oxy hóa và kháng viêm trong atiso như flavonoid (ví dụ: luteolin), phenolic acid, và một số dạng vitamin E giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại cơ thể từ môi trường.

Nguyên liệu: 5-10 gram atiso khô, 1 lít nước lọc, đường phèn.

Thực hiện:

  • Trần bông atiso với nước sôi để loại bỏ bụi bẩn.
  • Sau khi đã bỏ đi lượt nước đầu tiên, cho 1 lít nước sôi để hãm trà.
  • Ủ trà trong 10-15 phút để mọi dưỡng chất được tiết ra hoàn toàn. Nếu chọn nụ atiso nguyên bông, bạn có thể ủ trà từ 20-30 phút.
  • Lọc bỏ bã atiso. Bạn có thể uống nóng hoặc để nguội, thêm đá để giải khát. Nếu muốn ngọt, thêm một ít đường phèn hoặc mật ong khi trà còn ấm.

4. Làm mát cơ thể với bột sắn dây

Theo Đông y, bột sắn dây (còn gọi là Cát căn) có vị ngọt, tính mát (hàn). Khi đi vào cơ thể, tính hàn của sắn dây giúp làm mát cơ thể từ bên trong, giúp thanh nhiệt hoặc hạ nhiệt độ cơ thể khi bị sốt, nóng trong người, hay cảm nắng.

bột sắn dây
Bột sắn dây không mùi, không vị nhưng lại đem đến công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu hiệu quả. Ảnh: biopapa.

Sắn dây còn giúp bổ sung tân dịch (chất lỏng trong cơ thể), làm dịu cảm giác khát khô cổ họng do nóng. Sắn dây có khả năng giúp cơ thể “giải biểu” (thải tà khí từ bên ngoài vào cơ thể) và “tán nhiệt” (phân tán nhiệt ra ngoài) thông qua việc hỗ trợ tiết mồ hôi vừa phải, giúp cơ thể hạ nhiệt.

Đối với y học hiện đại, bột sắn dây chứa tinh bột ở dạng Amylose và Amylopectin. Khi pha với nước, tinh bột tạo thành dung dịch đặc sánh, giúp cung cấp năng lượng và tạo cảm giác no. Sắn dây còn có chất chống oxy hóa Flavonoid và Isoflavon, tinh bột kháng giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, vitamin và khoáng chất giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.

Nguyên liệu: 1 đến 2 thìa canh bột sắn dây (tùy độ đặc mong muốn), 2-3 thìa canh nước lọc ở nhiệt độ phòng, 200ml nước sôi, đường, nước cốt chanh.

Cách thực hiện:

  • Cho bột sắn dây vào ly. Thêm 2-3 muỗng canh nước lọc nguội vào và khuấy đều cho bột tan hoàn toàn, không còn vón cục.
  • Rót từ từ nước vừa đun sôi (khoảng 100 độ C) vào ly. Vừa rót vừa dùng thìa khuấy đều để bột tan và không vón.
  • Tiếp tục khuấy cho đến khi bột chuyển từ màu trắng đục sang màu trắng trong và sánh mịn như thạch là bột đã chín. Nếu bột vẫn còn màu trắng đục và lợn cợn, có thể cho thêm một ít nước sôi và khuấy tiếp.
  • Bạn có thể cho thêm đường, nước cốt chanh để tăng hương vị cho món nước.

Lưu ý: Bạn nên hạn chế đường khi uống bột sắn dây với mục đích thanh nhiệt. Bởi lẽ, pha quá nhiều đường có thể làm tăng nhiệt lượng và phản tác dụng giải nhiệt, thậm chí gây nóng trong hoặc tăng nguy cơ tiểu đường.

Những ngày Hè nóng bức, uống các loại nước trên có thể giúp bạn giải nhiệt nhanh chóng. Nhưng, hãy uống nước đúng cách! Không nên uống nước đá lạnh vì chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong cơ thể và môi trường sẽ dễ gây viêm họng. Uống nước quá nhiều và đột ngột trong thời gian ngắn, khiến cơ thể bị sốc và làm loãng máu. Thế nên, hãy uống từng ngụm nhỏ và từ từ cơ thể sẽ được làm dịu cơn nóng.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Aaron Nguyen. 

Ảnh: Tổng hợp. 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)