Gạch đầu dòng những nguyên nhân gây mất ngủ không ngờ đến

Đăng ngày:

Đừng để cơn mất ngủ làm bạn kiệt quệ. Hãy tìm hiểu ngay những nguyên nhân gây tình trạng này và tìm cách khắc phục ngay hôm nay.

mất ngủ - cô gái nằm

Điều gì khiến bạn gặp phải triệu chứng mất ngủ? Ảnh: Pexels.

Mất ngủ là căn bệnh tương đối phổ biến với người hiện đại. Nguyên nhân có thể từ các áp lực cuộc sống hoặc thói quen sinh hoạt không lành mạnh, dẫn đến các rối loạn trong hoạt động sinh học và gây nên một số bệnh lý.

Nguyên nhân gây mất ngủ

Tình trạng sức khoẻ

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của tình trạng này có lẽ là từ sức khoẻ cá nhân của bạn. Đó có thể là trạng thái căng thẳng tinh thần do áp lực công việc, những khó khăn trong cuộc sống hoặc  tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh. Nếu có xu hướng bị cảm lạnh dị ứng với sự thay đổi của thời tiết và phải uống thuốc thường xuyên, khả năng cao các loại thuốc bạn mang bên người là tác nhân gây nên chứng mất ngủ. Những người bị huyết áp, tim mạch, đau nhức cơ và hen suyễn cũng sẽ gặp phải tình huống tương tự này.

Sức khoẻ tinh thần

Chứng mất ngủ còn là dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh tâm lý. Những người mắc chứng rối loạn lo âu thường trải qua những thay đổi tâm trạng đột ngột. Nội tiết tố không ổn định dẫn đến việc suy nghĩ nhiều về đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và thậm chí là mất ngủ.

Bạn có thể chỉ đơn thuần mất ngủ do stress. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài mà không được can thiệp chữa trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn như rối loạn thần kinh hoặc nặng hơn là trầm cảm. Ngoài ra, không ngủ đủ giấc còn làm giảm năng suất hoạt động, khiến cơ thể chúng ta cạn kiệt sức lực và luôn cảm thấy bức bối trong người.

mất ngủ - gương 1

Thiếu ngủ còn là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh. Ảnh: Pexels.

Yếu tố ngoại cảnh

Chế độ ăn uống không đúng cách khiến bạn bị mất ngủ

Thực phẩm bạn hấp thụ vào cơ thể hằng ngày cũng có thể là một yếu tố dẫn đến triệu chứng mất ngủ. Chứng mất ngủ chủ yếu xuất phát từ thức uống có cồn và chất kích thích.

Khi đi làm, chúng ta khó có thể tránh khỏi các buổi giao lưu giữa đồng nghiệp. Mọi người thường cho rằng khi có men vào cơ thể thì con người ta dễ dàng cởi mở hơn. Chính vì thế, thức uống có cồn như rượu và bia gần như là không thể thiếu trong những buổi sinh hoạt này. Thế nhưng thức uống này có thành phần giống với thuốc an thần. Khi sử dụng về lâu dài, chất cồn trong rượu bia sẽ làm bạn bị chứng rối loạn tinh thần. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Bên cạnh đó, chất kích thích từ cà phê cũng đóng vai một trò tương tự. Cà phê được xem là nguồn cung cấp năng lượng cho mọi người vào hầu hết mỗi buổi sáng. Nhưng lượng cà phê sau khi hấp thụ sẽ tồn tại trong máu đến tận tám giờ đồng hồ. Do đó, thói quen sử dụng chất kích thích để có thêm năng suất tăng ca vào các buổi trưa chiều chính là tác nhân trực tiếp nhất dẫn đến sự mất ngủ.

mất ngủ - rượu

Rối loạn giấc ngủ do hấp thụ nhiều rượu bia. Ảnh: Pexels.

Thói quen sinh hoạt ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ

Tác hại của chất nicotine có trong thuốc lá còn gây nên triệu chứng mất ngủ. Một số người có xu hướng tìm đến chất kích thích mỗi khi stress, trong đó thuốc lá là sự lựa chọn phổ biến nhất. Ngoài gây nghiện và ảnh hưởng xấu đến phổi cũng như sức khoẻ, thuốc lá còn làm nhịp tim tăng nhanh đột ngột, gây khó thở và huyết áp thất thường. Chính vì thế sử dụng thuốc lá thường xuyên sẽ khiến bạn khó có thể đi vào một giấc ngủ êm đềm.

Ngoài ra, dùng bữa quá nhiều sau 8 giờ cũng làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Do thức ăn không có đủ thời gian để tiêu hoá và dạ dày không được nghỉ ngơi. Điều này sẽ gây nên các bệnh lý như chứng rối loạn bao tử, ợ hơi. Từ đó, bạn sẽ không thể thư giãn cũng như ổn định bản thân trước khi ngủ.

mất ngủ - bàn ăn

Ăn quá nhiều trước khi ngủ cũng là một tác nhân. Ảnh: Pexels.

Qua bài viết này, bạn đã biết đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn giấc ngủ của mình chưa?

Nhóm thực hiện

Bài: Nhật Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more